Thứ Bảy, 23/11/2024
Giáo dục
Thứ Năm, 7/2/2019 16:32'(GMT+7)

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: Năm 2019 sẽ có bản đồ đổi mới cho từng cấp học

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. (Ảnh: TTXVN)

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. (Ảnh: TTXVN)

Trước thềm năm mới Kỷ Hợi, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã có những chia sẻ với báo chí xung quanh những vấn đề quan trọng của ngành.

BỨC TRANH NHIỀU CẢM XÚC

- Thưa Bộ trưởng, ngành giáo dục năm 2018 có rất nhiều những mảng màu sáng, nhưng vẫn còn những điều khiến xã hội băn khoăn, lo lắng. Bộ trưởng nhận định về ngành giáo dục năm 2018 như thế nào?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Năm 2018 đã đi qua, để lại trong ấn tượng của nhiều người cũng như toàn xã hội một bức tranh với rất nhiều cảm xúc, sáng có, xám có, và thậm chí tối cũng có.

Về màu sáng, năm 2018 có thể nói là năm có nhiều thành công của ngành với sự nỗ lực của toàn hệ thống.

Năm 2018 đã đi qua, để lại trong ấn tượng của nhiều người cũng như toàn xã hội một bức tranh với rất nhiều cảm xúc, sáng có, xám có, và thậm chí tối cũng có.
Điển hình nhất là việc xây dựng xong chương trình giáo dục phổ thông mới, chuyển từ nền giáo dục tiếp cận kiến thức sang tiếp cận phát triển phẩm chất năng lực. Chương trình đã được chuẩn bị từ 6 năm nay, với rất nhiều trăn trở, nhiều kỳ vọng, nhiều ý kiến, So với các lần đổi mới chương trình, sách giáo khoa trước đây, lần này chúng ta đã đi một cách rất bài bản: từ chương trình tổng thể, đến từng môn học, từng nội dung, phương pháp, chuẩn đầu ra, thậm chí từng tiết học đều được tính toán rất kỹ. Trong quá trình biên soạn đã tổ chức các hội thảo, lấy ý kiến rộng rãi, rất công phu. Cuối năm 2018, chương trình giáo dục phổ thông mới đã ban hành được. Theo tôi, đây là kết quả rất quan trọng đối với ngành.

Điểm sáng thứ hai là ở giáo dục mũi nhọn, các đoàn dự thi học sinh giỏi Olympic, chưa bao giờ được nhiều giải như năm 2018, trong đó có những giải rất cao, được bạn bè thế giới tôn vinh. Trong giáo dục đại trà, chúng ta cũng được Ngân hàng thế giới đánh giá là một trong những nước có cải cách đổi mới giáo dục rất mạnh trong khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Với giáo dục đại học, các trường đã đẩy mạnh tự chủ, nâng cao chất lượng. Năm 2018, lần đầu tiên chúng ta có trường lọt nhóm 1.000 trường đại học tốt nhất trên thế giới. Luật Giáo dục Đại học cũng đã được Quốc hội thông qua, tạo thuận lợi cho các trường đại học thực hiện tự chủ.

Còn một số việc nữa ngành đang làm nhưng chưa có kết quả vì cần cả một quá trình, ví dụ việc chuẩn bị để quy hoạch mạng lưới trường lớp từ mầm non đến đại học, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy và học…

Đó là những kết quả đáng ghi nhận.

Còn một số việc nữa ngành đang làm nhưng chưa có kết quả vì cần cả một quá trình, ví dụ việc chuẩn bị để quy hoạch mạng lưới trường lớp từ mầm non đến đại học, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy và học…
Bên cạnh đó, còn có những màu tối, như việc công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư để xảy ra những sơ suất, tiêu cực ở một số địa phương trong Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia, bạo lực học đường gây bức xúc trong xã hội, vấn đề về sách giáo khoa, tiếng Việt công nghệ lớp một…

Đây là những vấn đề mà chúng tôi đã phân tích rất sâu sắc để có biện pháp khắc phục trong năm 2019.

DỒN SỨC KHẮC PHỤC BẤT CẬP

- Bộ trưởng có thể chia sẻ cụ thể hơn về những chiến lược, kế hoạch mà Bộ sẽ đưa ra khắc phục trong năm 2019?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Chúng tôi đã rà soát và khảo sát rất kỹ, xây dựng nhiệm vụ rất chi tiết cho 2019. Trong đó, trước hết tập trung ưu tiên khắc phục những hạn chế, bất cập.

Về kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, chúng tôi tập trung xây dựng ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa, hoàn thiện quy trình tổ chức thi, tránh lỗ hổng để những cá nhân có ý đồ xấu lợi dụng.

Làm sao để chuyển biến rõ nét những bất cập nhưng cũng phải rất chú trọng vấn đề phát triển các cấp học. Tôi cho rằng đẩy mạnh những cái tốt để dẹp dần cái yếu kém.
Về việc xét tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư, chúng tôi đã tham mưu trình Thủ tướng chính phủ ban hành Quyết định 37 về tiêu chuẩn và thủ tục mới để quá trình công nhận các chức danh này được minh bạch, chính xác, nâng cao chất lượng.

Về bạo lực học đường, chúng tôi cũng tham mưu với Chính phủ ban hành Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học, ra chỉ thị về giảm tải các quy định hành chính, sổ sách cho giáo viên...

Làm sao để chuyển biến rõ nét những bất cập nhưng cũng phải rất chú trọng vấn đề phát triển các cấp học. Tôi cho rằng đẩy mạnh những cái tốt để dẹp dần cái yếu kém.

Với bậc học mầm non, năm 2019, Bộ sẽ tập trung rà soát quy hoạch trường lớp, đặc biệt là ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đông dân do di cư cơ học; khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nâng cao trình độ cho giáo viên để họ có kiến thức và kỹ năng dạy trẻ thay vì yếu là nuôi trẻ như trước đây.

Với giáo dục phổ thông, nhiệm vụ năm 2019 là khẩn trương chuẩn bị điều kiện triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong đó, việc phát triển đội ngũ là hết sức quan trọng. Cần đào tạo, bồi dưỡng, đào tạo lại giáo viên, cả giáo viên đứng lớp và đội ngũ quản lý, để làm sao họ có một tâm thế tốt, kỹ năng, phương pháp tốt để triển khai nhiệm vụ này.

Cần đào tạo, bồi dưỡng, đào tạo lại giáo viên, cả giáo viên đứng lớp và đội ngũ quản lý, để làm sao họ có một tâm thế tốt, kỹ năng, phương pháp tốt để triển khai nhiệm vụ này. 
Bên cạnh yêu cầu thầy cô nâng cao trách nhiệm, tâm huyết yêu nghề, chúng tôi cũng phải tạo động lực tốt hơn cho thầy cô. Tôi cho rằng động lực mới là quan trọng, trong đó có động lực về vị trí việc làm, động lực về thu nhập, phụ cấp. Đó là những vấn đề rất lớn.

Phấn đấu sống được bằng nghề là mục tiêu chính đáng. Hiện nay nhiều thầy cô chưa yên tâm vì chưa sống được bằng nghề cũng là điều bình thường. Đó là một trong những nhiệm vụ ưu tiên của Bộ Giáo dục và Đào tạo, phải chủ động để xây dựng thang bảng lương trong đề án cải cách tiền lương của Chính phủ sắp tới.

Sách giáo khoa cũng là vấn đề rất quan trọng, chúng tôi đã có kế hoạch và đang triển khai một cách thận trọng để đáp ứng được yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới.

Cùng với chuẩn bị đội ngũ là chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất để chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới. Trước hết, chúng tôi tập trung chỉ đạo các địa phương chuẩn bị cho lớp một, theo lộ trình cuốn chiếu.

Đối với giáo dục đại học, 2019 sẽ là một năm đột phá. Chúng tôi ý thức rằng nguồn nhân lực chất lượng cao rất cần thiết cho tăng trưởng kinh tế. Chúng tôi đã có kế hoạch sắp xếp lại các trường đại học, khuyến khích các trường mở ngành mới, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, kết hợp với các nhóm nghiên cứu nước ngoài, các doanh nghiệp, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo. Thực hiện Luật Giáo dục Đại học sửa đổi, các trường sẽ được tự chủ nhưng cũng đi đôi với trách nhiệm giải trình.

Càng ngày tôi càng thấy vai trò của giáo dục thường xuyên hết sức quan trọng. Năm 2019, tôi sẽ dành nhiều thời gian chỉ đạo việc này. Trước hết, cần tăng cường nhận thức của mọi người về vai trò của giáo dục suốt đời. Mặt khác, quan hơn hơn, là phải lôi kéo và tạo động lực để các cơ sở giáo dục, nhất là các trường đại học tham gia vào giáo dục thường xuyên.

Chúng tôi cũng rất muốn xây dựng xã hội học tập một cách thực chất. Năm 2019, chúng tôi sẽ có hướng dẫn, tiêu chí đánh giá một đơn vị học tập, một dòng họ học tập. Có tiêu chí đánh giá một cách khách quan, thiết thực, thì sự phấn đấu hay đầu tư cũng hiệu quả hơn.

Như vậy, trong năm 2019, chúng tôi đặt ra và triển khai khá nhiều nhiệm vụ. Nhưng nhiều vấn đề của giáo dục không thể triển khai trong một năm mà phải nhiều năm, nên chúng tôi có tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm.

Với mầm non, tập trung vào vấn đề trường lớp ở khu công nghiệp, khu chế xuất, vấn đề thiếu giáo viên. Với phổ thông thì tập trung và các điều kiện chuẩn bị chương trình giáo dục phổ thông mới, gồm đội ngũ, cơ sở vật chất, thiết bị, sách giáo khoa. Với đại học tập trung nhiều vào tự chủ đại học. Bộ cũng tập trung vào các nội dung liên quan đến văn hóa ứng xử trong nhà trường, đạo đức lối sống, vấn đề tác phong nề nếp phải được củng cố để khắc phục một cách rõ nét những bất cập xảy ra trong năm trước.

Nhưng nhiều vấn đề của giáo dục không thể triển khai trong một năm mà phải nhiều năm, nên chúng tôi có tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm.
Ngoài ra, trong năm 2019, chúng tôi cũng còn có nhiệm vụ quan trọng là rà soát đánh giá tổng kết đánh giá chiến lược giáo dục 2010-2020 để xây dựng chiến lược giáo dục 2021-2030 và tầm nhìn 2045.

Năm 2017, 2018, chúng tôi dành rất nhiều thời gian để chuẩn bị cho công tác xây dựng chiến lược này. Năm 2019, chúng tôi xây dựng khung chiến lược để có các lộ trình, bước đi, tính toán rõ ràng, phân công phân nhiệm, để cả ngành và nhân dân sẽ hình dung được, từ đó yên tâm.

Tuy nhiên cũng phải nói rằng giáo dục là một lĩnh vực rất phức tạp. Khi xây dựng một chiến lược, lộ trình hay bước đi phải rất quan tâm đến vấn đề đánh giá tổng kết thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm quốc tế và tầm nhìn để xây dựng. Còn nếu cứ nhìn từng việc để xây dựng kế hoạch thì có thể có kế hoạch, có lộ trình từng bước đi nhưng thực tế lại không khả thi và dẫn đến không bài bản.

Năm 2019, chúng tôi tin rằng sẽ có bản đồ về đổi mới cho từng cấp học, các bước đi để năm 2020 chúng tôi hoàn thiện chiến lược này và đến 2021 thì báo cáo Chính phủ ban hành. Như vậy, lộ trình đổi mới sẽ được cụ thể, được hình dung rõ hơn, như bản thiết kế tổng thể, từ đó đến thiết kế chi tiết, đến từng người thực hiện.

CẦN GÌ ĐỂ THỰC SỰ ĐỔI MỚI?

- Bộ trưởng đặc biệt quan tâm đến vấn đề tạo động lực cho giáo viên. Vậy Bộ trưởng có thể chia sẻ quyết tâm của mình trong vấn đề đề xuất tăng lương cho người giáo viên?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Tôi nghĩ rằng thành bại của sự nghiệp đổi mới giáo dục nói chung, trong đó có việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới nói riêng, là phụ thuộc vào đội ngũ giáo viên.

Phải nhìn một cách đầy đủ quyền lợi và trách nhiệm của họ.

Không có kỳ vọng quá lớn, nhưng rõ ràng với trách nhiệm của tôi cũng như hiểu biết về ngành thì cải thiện đời sống của thầy cô thông qua chế độ lương và phụ cấp là hết sức cần thiết.
Trách nhiệm của các thầy các cô là phải không ngừng đổi mới để đáp ứng được yêu cầu. Trước kia, cách tiếp cận theo nội dung nên các thầy các cô biết được kiến thức thì thầy giảng, trò chép. Bây giờ hướng tới tiếp cận phẩm chất năng lực, học sinh làm trung tâm, thầy làm trọng tài và hướng dẫn, nên có hàng loạt vấn đề mà thầy cô phải thay đổi. Các thầy cô không ai có thể cho là mình biết đủ mà phải tiếp tục đào tạo lại, bồi dưỡng thêm. Ngoài ra còn nhiều áp lực khác nữa. các thầy cô phải gương mẫu, phải nêu gương, phải có rất nhiều cố gắng để đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp. Tôi rất chia sẻ với các thầy cô. Các thầy cô phải đồng hành cùng những điều đó vì đổi mới là quá trình liên tục và các thầy cô phải tự đổi mới để bắt kịp.

Nhưng đổi mới thực sự tốt thì phải có điều kiện kèm theo. Có những vấn đề mà thẩm quyền của tôi giải quyết được, nhưng cũng có những việc cần phải tham mưu.

Thứ nhất là tạo môi trường làm việc thân thiện, loại bỏ những áp lực, căng thẳng, mệt mỏi, là trách nhiệm của ngành, của các địa phương. Tuy lương không được cao như ngành khác nhưng môi trường làm việc dễ chịu thì có thể vẫn giữ chân được các thầy cô.

Thứ hai là chế độ đãi ngộ. Đã đi làm là phải có thu nhập, ít nhất để nuôi được mình và gia đình.

Bản thân tôi đã đề nghị giáo viên được ưu tiên về thang bảng lương xét trong khối hành chính sự nghiệp với Trung ương, Quốc hội, Chính phủ. Các đồng chí lãnh đạo có trách nhiệm cũng đều ghi nhận để thực hiện khi xây dựng thang bảng lương trong đề án cải cách tiền lương sắp tới. Tất nhiên, không có kỳ vọng quá lớn, nhưng rõ ràng với trách nhiệm của tôi cũng như hiểu biết về ngành thì cải thiện đời sống của thầy cô thông qua chế độ lương và phụ cấp là hết sức cần thiết.

Thứ ba là điều kiện làm việc. Nhiều trường chưa đủ điều kiện về phòng học, phòng bộ môn. Quy định không quá 35 học sinh/lớp nhưng có trường lớp 60-70 cháu. Với lớp đông như thế các thầy cô khó mà đổi mới.

- Mỗi vấn đề của ngành giáo dục đều được người dân đặc biệt quan tâm. Bộ trưởng cảm nhận thế nào về sự quan tâm của xã hội đối với lĩnh vực mà mình phụ trách?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Tôi không chỉ cảm nhận mà quá ngấm, vì giáo dục đào tạo liên quan đến từng người, từng nhà, thậm chí liên quan đến kỳ vọng của từng gia đình đối với con em mình.

Tôi thấy không ngành nào có được thuận lợi như giáo dục vì được nhiều người quan tâm, nhưng cũng vì thế mà không ngành nào lại chịu nhiều thách thức như giáo dục.
Vấn đề là làm sao biến thách thức đó thành cơ hội và từng bước tạo được sự chia sẻ của mọi người, vì giáo dục là sự nghiệp của toàn dân.

Tôi nghĩ trước hết ngành giáo dục phải xử lý những yếu kém của mình, cứ làm tốt thì người dân sẽ ủng hộ. Bên cạnh đó cũng phải tuyên truyền tốt hơn để người dân hiểu, từ đó đồng hành với ngành.

- Nhân dịp Tết Nguyên đán đã đến rất gần, Bộ trưởng sẽ gửi lời chúc gì đến thầy cô giáo?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Nhân dịp Tết Kỷ Hợi đến, thay mặt cho lãnh đạo ngành, tôi xin chúc các thầy cô đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong ngành đồi dào sức khỏe, say mê với nghề và cùng đồng hành, giữ vững niềm tin để thực hiện đổi mới. Chúc các phụ huynh sức khỏe, đồng hành với ngành giáo dục, cùng chung tay để thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục thành công!

- Xin cảm ơn Bộ trưởng!./.

(TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất