Thứ Ba, 15/10/2024
Giáo dục
Thứ Sáu, 27/8/2021 14:14'(GMT+7)

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn: Theo đuổi mục tiêu chất lượng, đảm bảo an toàn cho thầy và trò

Thưa Bộ trưởng, Bộ Giáo dục và Đào tạo có kịch bản như thế nào cho năm học mới 2021 - 2022 nhằm vừa đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên, thực hiện tốt các quy định phòng dịch, vừa đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ năm học trong tình hình dịch COVID-19 vẫn kéo dài và phức tạp?  

- Chúng ta cần phải chuyển trạng thái để ứng phó chủ động và thích nghi với dịch bệnh dự kiến còn kéo dài, tập trung để làm tốt cả hai việc: Cố gắng theo đuổi mục tiêu chất lượng và đảm bảo an toàn cho thầy và trò.  

Bên cạnh kế hoạch chuyển đổi lâu dài để thích ứng, trong ngắn hạn, tại mỗi địa phương, kế hoạch và hoạt động dạy - học cần phải có những giải pháp đa dạng, linh hoạt, phù hợp với bối cảnh, thời điểm, trên cơ sở các tiêu chuẩn về kiến thức, kỹ năng cốt lõi mà người học cần phải đạt được.

 "Thời gian đầu, dạy học trực tuyến chủ yếu chỉ là giải pháp tình thế trong điều kiện học sinh phải tạm dừng đến trường. Đến nay, ngành giáo dục xác định, dạy học trực tuyến đã trở thành việc lâu dài vừa để thích ứng vừa để triển khai chuyển đổi số để phát triển, trong trường hợp học sinh có thể tới trường học trực tiếp việc dạy và học trực tuyến vẫn là phương pháp hỗ trợ bổ sung rất tốt", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết. 

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã ban hành khung kế hoạch thời gian năm học, từ kế hoạch này, các địa phương quyết định thời gian sao cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Trong đó, cần lưu ý tận dụng tối đa “thời gian vàng”, là thời gian học sinh có thể đến trường để dạy học trực tiếp. Đồng thời, linh hoạt trong quá trình thực hiện kế hoạch năm học, linh hoạt trong thực hiện chương trình và triển khai nội dung dựa theo chuẩn đầu ra và yêu cầu nội dung cốt lõi chương trình học. Kiến thức và kỹ năng cốt lõi mà người học cần đạt phải được tận dụng giảng dạy trong thời gian học sinh học tập trực tiếp tại trường.

Trong hai năm, ngành giáo dục ứng phó với dịch bệnh vừa qua, hình thức dạy học trực tuyến đã trở thành một phần quan trọng trong triển khai kế hoạch năm học của ngành giáo dục.  

Thời gian đầu, dạy học trực tuyến chủ yếu chỉ là giải pháp tình thế trong điều kiện học sinh phải tạm dừng đến trường. Đến nay, ngành giáo dục xác định, dạy học trực tuyến đã trở thành việc lâu dài vừa để thích ứng, vừa để triển khai chuyển đổi số để phát triển, trong trường hợp học sinh có thể tới trường học trực tiếp việc dạy và học trực tuyến vẫn là phương pháp hỗ trợ bổ sung rất tốt.

Hai năm qua, Bộ GD&ĐT đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về dạy học và kiểm tra đánh giá theo hình thức trực tuyến để địa phương, cơ sở giáo dục có căn cứ thực hiện. Chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát để có những điều chỉnh, bổ sung phù hợp, trong đó sẽ chú trọng đến khâu hướng dẫn, tập huấn về dạy học trực tuyến cho đội ngũ giáo viên.

Bộ GD&ĐT sẽ có triển khai mạnh hơn trong thời gian tới việc tăng cường kho học liệu số, các bài giảng trên truyền hình và các hoạt động hỗ trợ khác. Các địa phương cần quan tâm và chủ động trong triển khai dạy học trực tuyến, đồng thời nhanh chóng giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai. Đồng thời, kết hợp triển khai hiệu quả giữa dạy học trực tuyến và dạy học trên truyền hình. Sự quan tâm, phối hợp của gia đình trong quá trình dạy học có vai trò rất quan trọng, đặc biệt là đối với cấp giáo dục mầm non và tiểu học, đặc biệt là các lớp bắt đầu cấp tiếp học.

Các địa phương cần đặc biệt quan tâm hỗ trợ các trường hợp học sinh và gia đình khó khăn, thiếu phương tiện học tập, tổ chức các nhóm học tập an toàn, chia sẻ phương tiện và hỗ trợ phương pháp học tập.

Cùng với các giải pháp cấp bách, Bộ GD&ĐT cùng có kế hoạch triển khai các hoạt động lâu dài để thực hiện tăng cường chuyển đổi số trong quản trị, quản lý giáo dục; triển khai hệ thống thông tin quản lý giáo dục toàn ngành, đồng bộ, kết nối dữ liệu từ các cơ sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT đến cơ quan Bộ GD&ĐT; kết nối dữ liệu giữa ngành Giáo dục với các cơ sở dữ liệu quốc gia; triển khai các mô hình quản trị nhà trường tiên tiến trên nền tảng số bảo đảm thiết thực và hiệu quả.

Bộ trưởng có đánh giá như thế nào với hình thức học tập trực tuyến trong dịch COVID-19 năm học vừa qua? Kế hoạch học trực tuyến trong năm học mới ra sao để đảm bảo hiệu quả, khắc phục những bất cập cũ? Ngành giáo dục có những giải pháp gì với riêng bậc học tiểu học trong việc học tập trực tuyến?  

- Năm học 2020 - 2021 tiếp tục là năm học có nhiều khó khăn và thử thách đối với ngành giáo dục khi triển khai nhiệm vụ năm học trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp và khó lường.  

Trong bối cảnh ấy, ngành vừa phải hoàn thành tốt nhiệm vụ kết hoạch năm học lại vừa phải đảm bảo các công tác phòng chốt dịch bệnh, giảm thiểu các tác động tiêu cực đến ngành.  

Một trong những kết quả nổi bật của ngành giáo dục, đặc biệt trong những tháng qua là tinh thần thực chất đang lan tỏa và ngấm dần vào các hoạt động từ quản lý nhà nước, ban hành chính sách cho tới các hoạt động quản lý, điều hành, chỉ đạo của các địa phương và các hoạt động tác nghiệp tại các cơ sở giáo dục.

Trong số nhiều kết quả đạt được, có thể nêu một số thành quả nổi bật như sau: Sau nhiều năm chuẩn bị, năm học vừa qua là năm đầu tiên chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai đối với lớp 1. "Vạn sự khởi đầu nan" - thách thức của năm đầu tiên, cộng thêm khó khăn do dịch bệnh đã ảnh hưởng tới quá trình triển khai. Nhưng với sự quyết tâm, tính thống nhất, sự kiên định trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; sự vào cuộc của các Bộ, ngành, địa phương; đặc biệt là sự dốc sức trực tiếp của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, chúng ta đã đạt được kết quả bước đầu.  

Kết thúc năm học, chúng ta đã có những học sinh lớp 1 mạnh dạn hơn, chủ động hơn, đọc thông viết thạo, các em thích đến trường, mong muốn đến trường; phụ huynh sau những băn khoăn ban đầu đã yên tâm và tin tưởng; giáo viên sau những bỡ ngỡ ban đầu đã nhập cuộc và làm chủ sự đổi mới. Đó là biểu thị rất sinh động, khẳng định sự đổi mới đang đi là đúng hướng. Bước khởi đầu của năm qua sẽ là kinh nghiệm quý giá cho việc triển khai những năm tiếp theo.  

Năm học 2020 - 2021, cũng đánh dấu sự ổn định và đảm bảo về chất lượng giáo dục. Với một năm học mà có tới 2 đến 3 lần học sinh phải tạm dừng đến trường và phải học trực tuyến, học từ xa, trong khi điều kiện dạy học còn nhiều khó khăn, thì sự ổn định này có thể coi là một thành công. Giáo dục mũi nhọn tiếp tục có một năm để lại dấu ấn tại các kỳ Olympic khu vực và quốc tế, khi 37/37 học sinh dự thi đều có giải, trong đó có 12 huy chương vàng.

Ở bậc đại học, vị trí của các đại học Việt Nam trong bảng xếp hạng quốc tế được giữ vững cũng là một thành quả đáng ghi nhận.  Một kết quả khác cũng cần nhắc tới trong năm qua, đó là Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Mặc dù đây là việc năm nào cũng làm, nhưng trong một năm nhiều khó khăn, đòi hỏi phải có sự linh hoạt để thích ứng.  

Tổ chức thành công 2 đợt của kỳ thi cho thấy nỗ lực không chỉ của ngành Giáo dục mà còn của toàn xã hội. Lần đầu tiên, Bộ GD&ĐT đã sử dụng phương án đặc cách tốt nghiệp cho những thí sinh vì dịch bệnh không thể dự thi.

Nhìn lại một năm qua, bên cạnh những việc đã làm được, còn những việc chưa làm tốt, cần phải điều chỉnh hoặc cần có thêm thời gian. Trước mắt, chúng ta sẽ phải triển khai nhiệm vụ năm học mới trong bối cảnh tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Chúng ta cần phải chuyển trạng thái của ngành sao cho vừa ứng phó ngay với các vấn đề thực tế dịch bệnh đang đặt ra, vừa phải xác định đây là quá trình lâu dài để có những quyết sách và điều chỉnh cụ thể cho phù hợp.

Năm học 2021 - 2022, ngành giáo dục tiếp tục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Vậy Bộ GD&ĐT đã có những chuẩn bị như thế nào để mục tiêu chương trình của năm học mới này được đảm bảo, thưa Bộ trưởng?

- Sau một năm triển khai chương trình lớp 1, Bộ GD&ĐT đã tổ chức hội nghị tổng kết với các địa phương để có những đánh giá, rút kinh nghiệm cho việc triển khai ở những lớp tiếp theo. Kết quả triển khai năm đầu tiên của Chương trình giáo dục phổ thông cho thấy hầu hết các địa phương đều đã dồn nhiều nguồn lực về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên cho những năm đầu tiên thực hiện lớp 1, lớp 2.  

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, trong năm học tới, các công tác khác như thực nghiệm, tập huấn, lựa chọn, phát hành sách giáo khoa cũng phải được làm tốt hơn, trong đó việc chọn sách giáo khoa phải căn cứ vào tiếng nói chuyên môn của giáo viên và các trường học, phấn đấu không để học sinh nào thiếu sách giáo khoa.  

Dù quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong tình hình dịch bệnh như hiện nay nên bên cạnh việc chúng ta triển khai theo kế hoạch đã có, cần phải có sự dự báo và chuẩn bị các khó khăn, thử thách đón đợi phía trước để chủ động ứng phó với nhiều giải pháp linh hoạt.

Tuy nhiên, chúng ta cần phải kiên trì với tư tưởng, quan điểm về đổi mới; bám sát, bám chắc mục tiêu và triết lý đổi mới. Trong đó, lấy ưu tiên số 1 của giáo dục phổ thông là dạy người, dạy thái độ sống, kỹ năng sống, trách nhiệm xã hội, năng lực tự học, đi cùng với các năng lực khác về nhận thức, về tư duy… làm nền tảng để tạo dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Thực tế triển khai xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa thời gian qua cho thấy, chất lượng bản thảo là khâu then chốt, nếu không có bản thảo tốt, sẽ không có sản phẩm sau thẩm định tốt.  

Sắp tới, cần tăng cường thu hút các nhà giáo, chuyên gia có chuyên môn tốt tham gia biên soạn sách giáo khoa, để bảo đảm chất lượng bản thảo. Các công tác khác như thực nghiệm, tập huấn, lựa chọn, phát hành sách giáo khoa cũng phải được làm tốt hơn, trong đó việc chọn sách giáo khoa phải căn cứ vào tiếng nói chuyên môn của giáo viên và các trường học, phấn đấu không để học sinh nào thiếu sách giáo khoa.      

Trước những khó khăn đặt ra về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên của địa phương, Bộ GD&ĐT sẽ có kế hoạch và tham mưu để tháo gỡ. Tuy nhiên, sự chủ động và phối hợp của địa phương là rất quan trọng. Vì vậy, tôi mong các địa phương đã dành sự quan tâm ưu tiên, thì sẽ quan tâm ưu tiên hơn nữa cho lần đổi mới quan trọng này.     

Bộ GD&ĐT sẽ làm việc với hệ thống các trường đại học sư phạm để trao đổi về các nội dung tập huấn, bồi dưỡng giáo viên; cũng như phát triển các ngành đào tạo thuộc nhóm sư phạm để từng bước giải quyết vấn đề thiếu giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông những năm tiếp theo.  

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Theo Báo Tin tức

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất