Thứ Hai, 23/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Ba, 17/7/2012 17:32'(GMT+7)

Công tác báo cáo viên tuyên truyền miệng 6 tháng đầu năm ở Sơn La

Trong 6 tháng đầu năm 2012, dưới sự chỉ đạo trực tiếp và thường xuyên của Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Thường vụ tỉnh uỷ, Ban Tuyên giáo tỉnh uỷ cùng với hệ thống tuyên giáo, tuyên huấn các huyện uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc đã tổ chức tốt hoạt động báo cáo viên, công tác tuyên truyền miệng, góp phần quan trọng nâng cao sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội, củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; tích cực đấu tranh chống lại âm mưu diễn biến hoà bình của các thế lực thù địch và các phần tử xấu, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên từng địa bàn.

Trong công tác chỉ đạo, đã ban hành 11 loại văn bản chỉ đạo công tác tuyên truyền miệng, hàng tháng phát hành thông báo nội bộ; bản tin tham khảo dành cho báo cáo viên; cung cấp Tạp chí Báo cáo viên và một số tài liệu khác phục vụ công tác tuyên truyền miệng. Đổi mới, nâng cao chất lượng tổ chức hội nghị báo cáo viên và công tác quản lý hoạt động báo cáo viên, bảo đảm cho công tác tuyên truyền miệng đạt hiệu quả.

Tính đến hết tháng 5-2012, hội nghị báo cáo viên cấp tỉnh, huyện (huyện uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc) đã tổ chức được 66 kỳ, với 170 chuyên đề báo cáo cho 13.021 người dự nghe, tiếp thu, trong đó số hội nghị báo cáo viên cấp tỉnh có 04 kỳ với 14 chuyên đề được báo cáo cho 368 người nghe, tiếp thu. Phối hợp với Trung tâm công tác tuyên giáo Trung ương tổ chức thành công Hội nghị báo cáo viên các tỉnh, thành phố phía Bắc, các đảng uỷ trực thuộc Trung ương tổ chức tại Sơn La với 6 chuyên đề được báo cáo cho 265 người nghe, tiếp thu.

Nội dung các hội nghị được chuẩn bị chu đáo, các thông tin sát với tình hình thực tiễn, bảo đảm tính định hướng, phục vụ tốt cho công tác tuyên truyền miệng trong toàn tỉnh, trong đó tập trung tuyên truyền các nghị quyết của Đảng, những vấn đề thời sự trong nước và thế giới, trong đó tuyên truyền sâu về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, như việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển cây cao su, công tác phòng, chống ma tuý; phòng, chống HIV/AIDS, tuyên truyền việc thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; các hoạt động kỷ niệm trong “Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào 2012”,... đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Đội ngũ báo cáo viên các cấp đã tích cực triển khai hoạt động tuyên truyền miệng với các nội dung được tiếp thu đến cơ sở, lựa chọn các phương pháp truyền đạt hiệu quả trong công tác tuyên truyền. Chủ động lựa chọn các nội dung phù hợp với ngành để bổ sung các chuyên đề báo cáo, tích cực cập nhật thông tin tìm tòi, kết hợp với các nội dung triển khai, quán triệt nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tăng cường đối thoại, trao đổi những vấn đề mà cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân quan tâm, nhằm nắm bắt kịp thời những thông tin cần thiết để tham mưu, đề xuất với cấp uỷ, chính quyền những giải pháp, kịp thời khắc phục những vướng mắc do thực tiễn đặt ra.

Tuy nhiên, lực lượng báo cáo viên đông nhưng chưa mạnh do đều kiêm nhiệm, thời gian đầu tư cho nghiên cứu chuyên đề chưa sâu dẫn đến chất lượng báo cáo, tuyên truyền chưa cao. Một số cơ sở không tổ chức hội nghị báo cáo viên theo định kỳ, chủ yếu lồng ghép với các hội nghị khác của cấp ủy, chất lượng báo cáo viên chưa cao. Trình độ học vấn của một số tuyên truyền viên cơ sở, nhất là vùng dân tộc thiểu số, vùng cao, vùng sâu, vùng xa còn thấp, nên việc truyền tải thông tin tới cán bộ, đảng viên và nhân dân có lúc thiếu kịp thời và chưa nền nếp.

Phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những yếu kém, khuyết điểm của 6 tháng đầu năm, công tác tuyên truyền miệng, hoạt động báo cáo viên tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về công tác tư tưởng của Đảng. Qua đó, đề ra những giải pháp cụ thể trong thời gian tới. Đó là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động báo cáo viên, tuyên truyền miệng; tiếp tục xây dựng kế hoạch tham mưu với cấp uỷ địa phương mở lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ tuyên truyền miệng cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên; đổi mới phương pháp báo cáo, áp dụng công nghệ thông tin vào các hội nghị báo cáo viên; nâng cao chất lượng bằng việc tăng cường đối thoại giữa báo cáo viên với người nghe. Kịp thời cung cấp các thông tin định hướng, đáp ứng yêu cầu tuyên truyền của cơ sở; nâng cao chất lượng tham mưu về nội dung, kế hoạch tuyên truyền. Tăng cường công tác kiểm tra./.

Hoàng Trọng Đại

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất