Thứ Bảy, 23/11/2024
Xã hội
Thứ Tư, 27/2/2019 9:0'(GMT+7)

Bộ trưởng Bộ Y tế: Phổ biến tập thể dục giữa giờ để nâng cao sức khoẻ

Nhân viên Bộ Y tế tập thể dục. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nhân viên Bộ Y tế tập thể dục. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngày hội của ngành y - Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2), năm nay Bộ Y tế phát động Chương trình “Sức khỏe Việt Nam.”

Chương trình nhằm kêu gọi mỗi người dân hãy thực hiện chăm sóc sức khỏe của mình ngày một tốt hơn, kêu gọi các cấp, các ngành cùng đồng hành với ngành y tế thực hiện sứ mệnh nhân văn, cao cả: Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2), Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có những chia sẻ về vấn đề này.

MONG TẬP THỂ DỤC Ở MỌI NƠI, MỌI LÚC
- Bộ trưởng có thể cho biết, vì sao năm nay ngành y tế lại chọn chủ đề Sức khỏe Việt Nam, trong đó tập trung về tập thể dục, nâng cao sức khỏe nhân dân?

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Ít vận động, kém vận động là một trong bốn yếu tố làm tăng nguy cơ của các bệnh nặng, chiếm khoảng 80% các bệnh dẫn đến tử vong trên thế giới.

Vì vậy, Bộ Y tế vận động người dân thực hiện từ điều đơn giản nhất hiện nay là tăng cường vận động thể lực bằng mọi hình thức và đơn giản nhất như tập thể dục giữa giờ.

Chương trình Sức khỏe Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1092/QĐ-TTg ngày 02/9/2018 nhằm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.

Đây là một chương trình tổng thể được triển khai trên quy mô toàn quốc nhằm huy động, phát huy hiệu quả vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp, các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức xã hội cùng xây dựng môi trường hỗ trợ, huy động sự tham gia của người dân và cộng đồng.

Mục tiêu của Chương trình là giúp hơn 90 triệu người dân Việt Nam khoẻ mạnh hơn.

Giải pháp Chương trình hướng tới là chăm sóc toàn diện để nâng cao sức khỏe, tầm vóc, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của người Việt Nam.

- Chương trình Sức khoẻ Việt Nam năm nay sẽ có những nội dung nổi bật như thế nào thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Chương trình Sức khoẻ Việt Nam có 11 nội dung và giải pháp.

Thứ nhất phải đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý và cân đối như không ăn quá nhiều đường, không ăn quá nhiều muối. Thứ hai phải vận động cơ thể, tập thể dục thể thao trong giờ và giữa giờ.

Tiếp đó là phòng chống tác hại của thuốc lá, rượu bia, đảm bảo an toàn thực phẩm, chống ô nhiễm môi trường, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, người cao tuổi…

BỘ Y TẾ SẼ LÀM TRƯỚC TIÊN PHONG

- Hiện nay Bộ Y tế đang xây dựng bài tập thể dục giữa giờ để phổ biến trong cộng đồng, đặc biệt khối công chức sẽ có dành thời gian trong ngày để tập từ 15-20 phút. Những bài tập này dựa vào đâu và được xây dựng như thế nào thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Những bài tập thể dục này có rất nhiều, khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới trong các kỳ họp đều tập rất nhiều bài có thể lựa chọn rất nhiều bài tập thể dục khác nhau. Mỗi một bài tập thể dục kéo dài hơn ba phút.

Năm 1946, Bác Hồ đã ra lời kêu gọi toàn dân tập thể dục. Trước kia, chúng ta đã có phong trào tập thể dục buổi sáng, điều này rất tốt đối với những người lao động làm văn phòng ngồi nhiều, đọc nhiều, làm nhiều rất mỏi vai gáy, với các bệnh về cột sống, bệnh về mắt, bệnh về tiêu hoá…, đặc biệt hạn chế rất nhiều sự lưu thông khí huyết, cũng như là hệ tiêu hoá.

Những bài tập này tập hai lần trong một ngày, buổi sáng giữa giờ, buổi chiều giữa giờ, rất đơn giản, ngồi cũng tập được, đứng cũng tập được và ở mọi không gian đều có thể tập được.

Bộ Y tế xây dựng bài tập chỉ hơn ba phút, rất đơn giản và thường có âm nhạc kèm theo làm cho chúng ta có sự phấn khởi và sau mỗi buổi tập như vậy khí huyết lưu thông và chúng ta cảm thấy không mệt mỏi, quay trở lại làm việc rất tốt, tăng sức đề kháng và phòng chống nhiều bệnh về cột sống, mắt, tay chân.

Bộ Y tế và ngành y tế sẽ làm trước tiên phong và chúng tôi cũng mong các ngành khác và nhân dân có thể vận dụng tập ở mọi nơi, mọi lúc.

 

- Bộ trưởng có thể cho biết, để thực hiện phong trào tập thể dục, nâng cao sức khỏe của người Việt cần phải có sự phối hợp như thế nào giữa các bộ ban ngành và người dân?

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Về chương trình Sức khoẻ Việt Nam, chúng tôi đã có 11 giải pháp như vậy, tuy nhiên để thực hiện thì mỗi một người dân thực hành, có sự thay đổi hành vi thì mới có thể bảo vệ sức khoẻ cho mình, ăn uống bớt mặn, bớt đường, không hút thuốc lá, hạn chế tối đa uống rượu… cái quan trọng nhất là mỗi người dân phải nhận thức, đó là mỗi một người dân cần thực hiện.

Thứ hai là sự phối hợp chặt chẽ, chính là mỗi bộ, ban, ngành ra chính sách, tư vấn, kiểm tra và giám sát.

Chẳng hạn như, để có dinh dưỡng học đường phát triển tầm vóc trẻ em, chương trình sữa học đường phải có sự chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ từ Bộ giáo dục và đào tạo. Với phong trào thể dục, để có không gian đi bộ, có không khí trong lành thì cân có nhiều công trình thể dục thể thao và công việc này thuộc về Bộ Xây dựng. Những điều đó cho thấy, cần có sự phối hợp tổng hợp từ nhiều đơn vị khác nhau trong phong trào rèn luyện để nâng cao sức khỏe nhân dân.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng Bộ Y tế!./.

Thùy Giang/Vietnam+

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất