Những việc đã hứa
Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XII, Bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã hứa sẽ trình Chính phủ phê duyệt cơ chế chính sách hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ; chỉ đạo rà soát lại quy hoạch thủy lợi ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu, xây dựng lại đề án phân ranh giới mặn ngọt và trong năm 2009 sẽ khởi công xây dựng một số công trình trong hệ thống này; tăng cường phân tích và dự báo thị trường nông sản; phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện việc quản lý thị trường vật tư nông nghiệp một cách mạnh mẽ hơn; thực hiện công tác quy hoạch, tiến hành tuyên truyền và hướng dẫn nông dân về mục đích, quy trình sản xuất sạch; kiểm soát tốt chất lượng vật tư, con giống; tăng cường công tác kiểm tra việc thực thi pháp luật về quản lý vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Và việc đã làm
Về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và nông, lâm, thủy sản sạch:
Bộ đã xác định lấy năm 2009 là năm “Tăng cường quản lý chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm”; ban hành nhiều Thông tư, Chỉ thị để làm khung pháp lý cho công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra và xử lý triệt để các vi phạm về chất lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và giống cây trồng; đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón để làm cơ sở pháp lý xử lý các vi phạm trong lĩnh vực này. Bộ cũng phối hợp với Bộ Nội vụ ban hành Thông tư hướng dẫn chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn ở địa phương, trong đó có việc tăng cường hệ thống dịch vụ kỹ thuật và vật tư bảo đảm chất lượng cho nông dân.
Bộ đã rà soát, chuyển đổi và xây dựng mới các tiêu chuẩn ngành thành các quy chuẩn kỹ thuật. Bộ đã hoàn thành chuyển đổi 22 tiêu chuẩn ngành về phương pháp thử liên quan đến an toàn thực phẩm trong sản phẩm thủy sản sang tiêu chuẩn quốc gia, đang tiếp tục sửa đổi, bổ sung ba tiêu chuẩn ngành, xây dựng mới hai tiêu chuẩn quốc gia về sản phẩm thủy sản; gửi Bộ Khoa học Công nghệ thẩm định bốn quy chuẩn kỹ thuật về điều kiện bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cơ sở chế biến chè, cà phê, điều, rau quả.
Các đơn vị thuộc Bộ đã phối hợp cơ quan chức năng địa phương thực hiện nhiều đoàn kiểm tra, thanh tra đột xuất vấn đề bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản, thuốc BVTV, phân bón, giống cây trồng, thức ăn, chế phẩm sinh học, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản; lấy mẫu kiểm tra và xử lý theo quy định những trường hợp vi phạm. Năm 2009 tập trung kiểm tra các cơ sở giết mổ và cửa hàng kinh doanh thuốc BVTV.
Bộ đã phân công bốn Thứ trưởng triển khai tại địa phương theo vùng (Đồng bằng Sông Hồng, Trung du phía Bắc; Bắc Trung Bộ; Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ; ĐBSCL), đi kiểm tra tình hình triển khai công tác về an toàn vệ sinh thực phẩm nông lâm thủy sản tại các địa phương trọng điểm như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Cần Thơ, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang, Cà Mau, Bạc Liêu. Bộ cũng chỉ đạo đẩy mạnh công tác quy hoạch, xây dựng vùng sản xuất an toàn, xây dựng và phổ biến các quy trình sản xuất tốt ( GAP) bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Về phát triển thủy lợi ở ĐBSCL:
Bộ đang rà soát quy hoạch tổng thể thủy lợi ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng, và giao cho Viện Quy hoạch thủy lợi Miền Nam thực hiện (từ tháng 9-2009 và kết thúc vào tháng 6-2011) với một số mục tiêu, nhiệm vụ chính như sau:
- Tìm giải pháp phát triển thủy lợi theo định hướng hiện đại hoá nhằm từng bước ổn định và phát triển sản xuất, bảo đảm an toàn cho nhân dân, nâng cao mức bảo đảm cấp nước cho sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp, tiêu thoát nước góp phần phát triển KT-XH bền vững, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng và sử dụng nước của các nước thượng lưu, đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt cho dân cư đô thị và nông thôn, nhu cầu nước cho công nghiệp, tiêu nước cho đô thị và các vùng dân cư tập trung; nhu cầu tưới, tiêu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu; cấp nước, tiêu nước các vùng, cây ăn quả, thủy sản tập trung, nghề muối, chăn nuôi, phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hoá theo hướng tăng cường khả năng cạnh tranh và nhu cầu nước cho phát triển du lịch dịch vụ.
- Đề xuất các giải pháp tổng thể về thủy lợi bảo đảm ổn định và phát triển sản xuất; xây dựng các công trình trên cửa sông để bảo đảm ngăn mặn, tiêu thoát nước cho vùng ven biển, các công trình chống úng ngập cho các thành phố lớn như TPHCM, Cần Thơ…
Về dự án phân ranh giới mặn ngọt ở Bán đảo Cà Mau:
Quốc hội đã cho phép sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ, Bộ đã phê duyệt báo cáo đầu tư với tổng số vốn 664 tỷ đồng bao gồm xây dựng 63 cống đập di động và bổ sung 24 cống ven Quốc lộ 1 phục vụ phân ranh mặn ngọt của tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu, thực hiện từ năm 2009 đến năm 2012.
Hiện, Ban Quản lý đầu tư xây dựng 10 thuộc Bộ đã bàn giao tim mốc đền bù 63 cống thuộc địa bàn huyện Ngã Năm tỉnh Sóc Trăng và huyện Giá Rai, Phước Long, Hồng Dân tỉnh Bạc Liêu cho địa phương thực hiện giải phóng mặt bằng từ tháng 7-2009. Đến cuối năm, Bộ sẽ triển khai đấu thầu xây lắp và ký kết hợp đồng thi công xây dựng 9 cống thuộc huyện Ngã Năm tỉnh Sóc Trăng và 11 cống thuộc huyện Giá Rai tỉnh Bạc Liêu (đây là những công trình cấp bách, cần thực hiện ngay). Các hạng mục công trình còn lại hoàn thành công tác đấu thầu xây lắp và triển khai thi công bắt đầu vào cuối năm 2010.
Về hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ:
Bộ đã xây dựng và xin ý kiến Bộ Tư pháp thẩm định bản thảo hoàn chỉnh trước khi trình Chính phủ những chính sách khuyến khích khai thác hải sản xa bờ như sau:
- Ưu tiên xây dựng các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng nghề cá trên các đảo xa bờ phục vụ khai thác hải sản, gồm: Xây dựng cảng cá kết hợp các khu neo đậu tránh trú bão và dịch vụ hậu cần nghề cá; hệ thống phong điện; nhà máy sản xuất nước ngọt; kho dự trữ dầu; hệ thống kho lạnh đa năng; cơ sở sửa chữa tàu cá; nhà nghỉ và tránh trú bão cho ngư dân; cơ sở hậu cần dịch vụ phục vụ cho nuôi trồng hải sản trên các đảo.
- Cho vay vốn ưu đãi đóng mới, mua mới tàu cá.
- Hỗ trợ nhiên liệu cho chủ tàu vay vốn để đầu tư ứng dụng công nghệ mới vào khai thác hải sản; đầu tư lắp đặt, hoàn thiện trang thiết bị thông tin hàng hải trên tàu cá xa bờ; kinh phí mua bảo hiểm thân tàu và bảo hiểm tai nạn thuyền viên, đào tạo, nâng cấp bằng thuyền trưởng, máy trưởng; kinh phí vận tải cho các tàu dịch vụ khai thác hải sản trên vùng biển xa bờ.../.
(Theo: ND)