Thứ Tư, 25/9/2024
Giáo dục
Thứ Bảy, 27/9/2014 14:16'(GMT+7)

Bộ trưởng Giáo dục: 'Chúng tôi không mang con trẻ ra thí nghiệm'

"Chúng tôi không lấy học sinh ra làm thí nghiệm", Bộ trưởng Giáo dục nói. Ảnh: Hoàng Thùy

"Chúng tôi không lấy học sinh ra làm thí nghiệm", Bộ trưởng Giáo dục nói. Ảnh: Hoàng Thùy

Trong buổi làm việc giữa Bộ Giáo dục - Đào tạo với các Sở Giáo dục và trường ĐH, CĐ phía Nam ngày 26/9, đại diện nhiều Sở cho rằng Bộ đã không nhất quán, liên tục thay đổi trong việc đổi mới thi cử.

Trao đổi thẳng thắn với lãnh đạo ngành giáo dục, ông Dương Thế Phương, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Bình Dương cho rằng, Sở Giáo dục của nhiều tỉnh phải chấp hành phương án kỳ thi chung của Bộ đưa ra dù còn nhiều băn khoăn, thậm chí là không thoải mái.

"Tôi làm quản lý 10 năm và trải qua rất nhiều kỳ thi, đã có nhiều thay đổi. Năm trước đã đổi mới thi cử, năm nay chúng ta lại tiếp tục đổi mới và sang năm Bộ cũng không chắc chắn sẽ giữ nguyên phương án thi của năm nay. Vậy chúng ta có lấy học trò ra làm thí nghiệm không?", ông Phương đặt vấn đề và nói rằng ngành giáo dục đã "xoay vòng vòng" nhiều phương thức nhưng cuối cùng không biết phải chọn phương thức nào phù hợp.

Tương tự, Sở Giáo dục các tỉnh khác cũng không khỏi lo lắng, thắc mắc hàng loạt vấn đề khi Bộ "thay đổi xoành xoạch". Đại diện của một Sở Giáo dục cho rằng: "Bộ đã không tôn trọng ý kiến của các Sở và nhân dân khi đưa ra 3 phương án thi để lấy ý kiến dư luận nhưng rồi sau đó Bộ lại đưa ra phương án riêng của mình".

Trong khi đó, đại diện nhiều trường ĐH, CĐ thì không tránh khỏi nỗi lo tỷ lệ hồ sơ ảo tăng cao không thể kiểm soát từ kỳ thi chung. Việc tổ chức các cụm thi như thế nào đến nay Bộ cũng chưa có hướng dẫn cụ thể.

Trả lời những thắc mắc này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục -  Đào tạo Phạm Vũ Luận cho rằng, vấn đề thi cử thuộc trách nhiệm của Bộ và đơn vị này đã phải cân nhắc, thận trọng trong việc đổi mới chứ không mang học sinh ra làm "chuột bạch" cho các đổi mới của mình.

Theo Bộ trưởng Luận, quá trình triển khai đổi mới mấy năm nay Bộ đều phải báo cáo lên Thủ tướng để xin chỉ đạo, đồng thời đưa ra kế hoạch để xin ý kiến của các Sở, ngành liên quan... Trước khi đưa ra phương án cuối cùng, Bộ đã khảo sát 142 giám đốc và cán bộ phụ trách khảo thí. Ngoài ra, lãnh đạo ngành giáo dục cũng nhận được ý kiến từ 120 trường ĐH, CĐ và hơn 2.700 các trường THPT, hơn 13.000 cán bộ quản lý và gần 93.000 giáo viên THPT gửi về. Qua khảo sát cũng có 87% giám đốc Sở và giáo viên THPT đồng ý với phương án mà Bộ đưa ra.

"Tôi cho rằng thời cơ đã chín muồi, trên cơ sở phương án được hoàn thiện thì việc đổi mới là đương nhiên. Đây là công việc nghiêm túc, hệ trọng không chỉ của ngành, của chính phủ mà liên quan đến toàn xã hôi. Tôi cũng đã báo cáo giải trình trước UB văn hóa giáo dục", ông Luận nói.

Tái khẳng định việc không đưa học sinh ra làm thí nghiệm, Bộ trưởng Giáo dục cho rằng ở khía cạnh THPT phương án kỳ thi mà Bộ đưa ra có nhiều cái mới nhưng không có gì đột ngột. Tất cả những cái mới này là sản phẩm được kế thừa, tiếp tục dựa trên công việc trong những năm vừa rồi. "Tôi ở tuổi 60 còn không mang ra thí nghiệm thì không thể mang học sinh ra làm thí nghiệm được. Vì đó là danh dự, trách nhiệm của cá nhân tôi và của Bộ", Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói.

Tiếp tục bàn về kỳ thi chung quốc gia, Bộ trưởng Luận cho rằng phương án mà Bộ đưa ra có nhiều cái mới nhưng không đột ngột. Trên thực tế, hiện nay cách thi cũng thay đổi từ thi chọn học sinh giỏi, quốc tế còn trong lớp học cách ra đề kiểm tra cũng đã khác nhiều so với trước đây.

Với thắc mắc của các trường và Sở Giáo dục về cụm thi, ông Luận cho biết Bộ sẽ làm việc với các trường, các giám đốc Sở, UBND tỉnh để tính toán đưa ra các điểm, cụm thi sao cho thí sinh cảm thấy thoải mái nhất.

Về nỗi lo tỷ lệ hồ sơ ảo tăng cao trong năm nay của các trường ĐH, Bộ trưởng cho rằng tỷ lệ ảo sẽ xảy ra ở hai giai đoạn. Thứ nhất là khâu học sinh đăng ký dự thi, tuy nhiên sau đó những hồ sơ ảo này không đi thi do không đậu tốt nghiệp hoặc hoàn cảnh khó khăn, hay có em đăng ký nhiều trường nhưng chỉ thi một trường. Ông khẳng định tỷ lệ ảo ở khâu này có thể khắc phục triệt để.

"Còn tỷ lệ ảo trong khâu đăng kí xét tuyển, năm nay có thể tăng so với các năm trước. Nhưng vì mục tiêu của kỳ thi năm nay chấp nhận cho học sinh có nhiều lựa chọn phù hợp với năng lực nên tỷ lệ ảo này là hợp lý và công bằng với thí sinh. Mong các trường chia sẻ vì quyền lợi trường và học sinh", ông Luận nói.

Về khối thi, hiện tại Bộ đã chỉ đạo các trường ĐH tôn trọng khối thi trong quá trình tuyển sinh. Nếu bỏ khối thi sẽ phải thông báo trước 2- 3 năm chứ không bỏ đột ngột gây thiệt thòi cho thí sinh./.

Theo VnExpress




Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất