Thứ Hai, 30/9/2024
Giáo dục
Thứ Sáu, 19/11/2010 20:28'(GMT+7)

Bộ trưởng Vũ Đình Hòe: Người góp công tạo nên “Giai đoạn tiền khoa học giáo dục VN”

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Chính phủ lâm thời sau phiên họp chính phủ đầu tiên 3-9-1945 (ông Vũ Đình Hòe đứng cạnh Bác Hồ bên trái) – Ảnh tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Chính phủ lâm thời sau phiên họp chính phủ đầu tiên 3-9-1945 (ông Vũ Đình Hòe đứng cạnh Bác Hồ bên trái) – Ảnh tư liệu

Vị Bộ trưởng đầu tiên của Bộ Quốc gia Giáo dục

GS.Vũ Đình Hoè sinh ngày 1-6-1912 trong một gia đình truyền thống Nho học. Ông vốn họ Vũ gốc danh hương Hoa Đường - Hải Dương, nay là làng Lương Ngọc xã Thúc Kháng huyện Bình Giang.

Từ thời trẻ, anh thanh niên Vũ Đình Hoè đã nêu tấm gương hiếu học, vừa học chính quy vừa học không chính quy (hình thức hàm thụ và tự học) mà thành danh. Cảnh nhà túng bấn, cha nhà nho nghèo hành nghề dạy học ở các làng quê quanh vùng Hà Nội, mẹ chạy chợ buôn bán vặt quanh năm, do vậy chỉ lo được cho anh học hết bậc tiểu học Pháp - Việt, tiếp theo anh phải tự kiếm sống bằng cách làm gia sư dạy thêm cho các con cái tầng lớp nhà giàu để theo học ban tú tài bản xứ rồi tú tài tây, tiếp tục học lấy bằng cử nhân luật khoa Đại học Đông Dương.

Ra trường với tấm bằng như vậy, tuy có cơ hội dễ dàng được chính quyền thuộc địa bổ nhiệm làm quan chức tay sai hoặc tham gia đội ngũ viên chức chính quyền thuộc địa của chúng với chức cao lương trọng, nhưng ông đã vào đời theo con đường không hợp tác với nhà cầm quyền Pháp. Do được kế thừa chủ nghĩa yêu nước thương dân của sĩ phu lớp trước và sớm giác ngộ tư tưởng dân quyền-dân chủ của Cách mạng Pháp, cũng như nhiều trí thức tiến bộ đương thời, ông đã tự chọn nghề dạy học tại các trường tư Thăng Long và Gia Long ỏ Hà Nội để có điều kiện cùng nhiều đồng nghiệp yêu nước khác tập hợp thành các tổ chức tự do tham gia các hoạt động xã hội và yêu nước hợp pháp và để kinh qua thực tiễn nhà trường mà khởi xướng các chủ trương xây dựng nền giáo dục Việt Nam tiếp cận tư tưởng văn hóa giáo dục văn minh phương Tây, tích cực chống đối lại chính sách giáo dục nô dịch của nhà cầm quyền thực dân Pháp tại Đông Dương.

Ông đã tham gia hoạt động trong Tổng hội sinh viên, cùng kiến trúc sư Nguyễn Văn Luyện lập hội Ánh sáng (tuyên truyền dựng nhà tranh tre hợp vệ sinh cho dân nghèo), cùng cụ Nguyễn Văn Tố đi vận động mở các lớp của Hội Truyền bá Quốc ngữ. Từ tháng 5-1941 đến tháng 8-1945, ông cùng một số trí thức tiến bộ như Phan Anh, Vũ Văn Hiền, Đỗ Đức Dục, Lê Huy Văn, Hoàng Thúc Tấn xuất bản báo Thanh Nghị và phụ trương Thanh Nghị Trẻ Em. Với vai trò Chủ nhiệm, Vũ Đình Hoè đã viết nhiều bài khảo cứu sắc bén về các vấn đề kinh tế - xã hội Đông Dương, đặc biệt chuyên khảo về giáo dục. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp, bị hiến binh Nhật bắt hụt ở Toà báo Thanh Nghị, ông bắt đầu hoạt động bán thoát ly, tham gia đảng Dân chủ trong Mặt trận Việt Minh; được trao nhiệm vụ vào Bắc bộ phủ thuyết phục Khâm sai Phan Kế Toại từ chức, sau đó đi Huế khuyến nghị Phan Anh và Vũ Văn Hiền, hai đồng sáng lập viên Thanh Nghị rút ra khỏi Chính phủ Trần Trọng Kim. Cuối tháng 7-1945, với tư cách Ủỷ viên trung ương Đảng Dân chủ được cử lên chiến khu Việt Bắc để tham gia Quốc dân Đại hội Tân Trào

Sau cách mạng tháng Tám thành công, 28-8-1945 Vũ Đình Hoè được cử vào Chính phủ Nhân dân lâm thời do cụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục. Một tuần sau Lễ Độc lập 2-9 ông đã đệ trình Hồ Chủ tịch ký liền 3 Sắc lệnh: về thành lập ngành Bình dân học vụ, về mở lớp học buổi tối cho nông dân và thợ thuyền và về thanh toán nạn mù chữ và triển khai nhanh chóng, tiết kiệm và hiệu quả phong trào "diệt giặc dốt", được Hồ Chủ tịch khen ngợi. Ngày 15-11-1945, thừa lệnh Chính phủ ,Vũ Đình Hoè chỉ đạo khai giảng Đại học quốc gia Việt Nam, chủ trương giảng dạy bằng tiếng Việt, cử các giáo sư đầu tiên của nền đại học mới và trực tiếp dạy môn Kinh tế (cùng ông Võ Nguyên Giáp).

Để tiến hành cải cách căn bản và xây dựng nền giáo dục mới, ông đề nghị Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Hội đồng cố vấn học chính gồm 30 học giả, nhà giáo uy tín, đại biểu các đoàn thể chính trị và văn hóa và chỉ vài tháng sau, đã cùng một số vị đại diện Hội đồng trình lên Hồ Chủ tịch đề án cải cách giáo dục.

Tại kỳ họp Quốc hội khoá I, khai mạc ngày 2-3-1946, Hồ Chủ tịch đã giới thiệu Vũ Đình Hoè làm Bộ trưởng Tư pháp trong Chính phủ chính thức đầu tiên của nước VNDCCH. Vũ đình Hoè đã được giữ cương vị đó từ 1946 đến năm 1960, khi theo Hiến pháp mới 1959 Bộ Tư pháp giải thể.

Khi tuổi cao, sức yếu, Cụ Vũ Đình Hoè  lại tích cực tham gia các hoạt động văn hóa - xã hội. Năm 1996 Cựu Bộ trưởng Vũ Đình Hoè được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhất.

Người góp công xây dựng nên “Giai đoạn tiền khoa học GDVN”

 Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận chúc mừng GS. Vũ Đình Hòe. Ảnh: gdtd.vn
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận chúc mừng GS. Vũ Đình Hòe. Ảnh: gdtd.vn

Vũ Đình Hòe không những là một nhà giáo thực thụ, một nhà quản lý giáo dục vĩ mô mà còn là một nhà lý luận giáo dục sắc sảo. Từ trước cách mạng tháng Tám 1945 cho đến cuối năm 1946, ông đã có nhiều công trình khảo cứu về giáo dục có giá trị.  Về mặt này cần xếp ông thuộc lớp đàn em  tiếp nối  Hoàng Xuân Hãn  đã có công lớn xây dựng một khoa học giáo dục Việt Nam độc lập, vốn thai nghén từ trước ngày nước ta dành được độc lập chính trị, giai đoạn có thể gọi là“giai đoạn tiền khoa học giáo dục Việt Nam” … Trên tuần báo Thanh Nghị, Vũ Đình Hoè đã bàn đến nhiều vấn đề thuộc giáo dục đương đại Việt Nam với các đề tài về "Giáo dục gia đình";“Giáo dục bị lung lay: giáo dục vị học thuật và khoa trau  dồi trí thức”; “Giáo dục vị nhân sinh và khoa rèn đúc tính khí”. Đặc biệt Vũ Đình Hoè quan tâm nghiên cứu và có các ý kiến sâu sắc về "Vấn đề giáo dục bình dân" và “Giáo dục bình dân ở nước ngoài”.

Mục tiêu chính của công việc khảo cứu rộng rãi trên là phân tích tìm kiếm những kinh nghiệm giáo dục tiến bộ và hiện đại của các nước ngoài nhằm rút ra các bài học thích hợp cho nước ta, từ đó suy ngẫm và khởi xướng một hệ thống ý tưởng về cải cách giáo dục đối với Việt Nam, lần lượt công bố khuyến cáo trước công luận. Với tầm tư duy hệ thống và dự báo ông đã viết bài tổng quát trình bày các quan niệm, phương châm và nguyên tắc xây dựng một nền giáo dục mới của Việt Nam. Tiếp đó ông lại phát triển và hoàn thiện những nội dung của loạt bài báo trên để biên soạn và công bố hai tác phẩm khoa học giáo dục: Những phương pháp giáo dục ở các nước và vấn đề cải cách giáo dục; Một nền giáo dục bình dân.

Ngay sau Tổng khởi nghĩa dành chính quyền ở Hà Nội thắng lợi, khi vừa được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao trọng trách đứng dầu Bộ Quốc gia giáo dục của Chính phủ Nhân dân lâm thời thì Vũ Đình Hòe đã sẵn sàng và chủ động với tư cách Bộ trưởng lần lượt trình lên Người những kiến nghị và được Người y chuẩn trở thành các chính sách đầu tiên của Chính phủ lâm thời cho một nền giáo dục độc lập, nhờ vậy Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo các hoạt động giáo dục cách mạng "sơ sinh" ngay sau ngày 2-9-1945.

Quan trọng hơn nữa, nhiều luận điểm giáo dục của ông đã được đưa vào nội dung "Báo cáo của bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục" trước Hội nghị văn hóa toàn quốc tháng 11-1946 tại Hà Nội theo chỉ thị của Hồ Chủ tịch cũng như vào "Tờ trình Quốc dân đại hội (tức Quốc hội khoá I) của Bộ Quốc gia giáo dục. Đó là hai văn bản chính thức đầu tiên của Nhà nước ta đề ra đường lối, chính sách, hệ thống của nền giáo dục nước VNDCCH. Trong tờ trình này, nền giáo dục mới bao gồm ba bậc  là đệ nhất cấp: bậc học cơ bản , đệ nhị cấp: ngành học tổng quát và ngành học chuyên môn, đệ tam cấp: bậc đại học .

Lịch sử càng lùi xa thì ta càng có cơ sở  để chiêm nghiệm  rằng các ý tưởng và quan điểm cải cách giáo dục của Vũ Đình Hoè tuy đề xuất từ hơn nửa thế kỷ trước, không những xét vào thời điểm đó là hiện đại và tiến bộ mà còn có nhiều điểm đến nay vẫn mang tính thời sự đối với công cuộc đổi mới giáo dục nước nhà.

Công lao Cựu Bộ trưởng đầu tiên ngành Giáo dục nước ta, GS Vũ Đình Hòe cho ngành giáo dục đã tạo nền tảng cho những bước phát triển giáo dục Việt Nam trong 65 năm qua rất xứng đáng (và nay đã được khẳng định chính danh vơi sự tôn vinh, ghi ơn sâu sắc)  như lời phát biểu của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận trong lễ mừng Đại thọ tròn 98 tuổi của Cụ nhân Kỷ niệm lần thứ 65 nền giáo dục mới của nước ta.

PGS.TS Nguyễn Như Ất (ĐH Thái Nguyên)
Nguồn: Báo GD&TĐ

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất