Thứ Tư, 27/11/2024
Y tế - Dân số
Thứ Bảy, 6/8/2016 7:57'(GMT+7)

Bộ Y tế kiểm tra, giám sát phòng chống sốt xuất huyết tại Gia Lai

Y, bác sỹ thăm khám cho bệnh nhân sốt xuất huyết tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: TTXVN)

Y, bác sỹ thăm khám cho bệnh nhân sốt xuất huyết tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: TTXVN)

Đoàn kiểm tra đã thực địa công tác phòng chống dịch tại một số xã, phường trên địa bàn, trong đó có phường Trà Bá, thành phố Pleiku - nơi ghi nhận nhiều bệnh nhân nhất thành phố trong thời gian vừa qua.

Đoàn cũng kiểm tra công tác thu dung, chẩn đoán, phân loại, điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Pleiku, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai và làm việc với Ban chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh Gia Lai.

Theo Sở Y tế tỉnh Gia Lai, từ đầu năm đến nay, Gia Lai ghi nhận 3.791 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Bệnh xảy ra ở nhiều xã, phường, thị trấn và rải rác trên diện rộng tại 17/17 huyện, thành phố, số ca bệnh tăng mạnh vào tháng 6-7. Những ngày gần đây, số mắc đã chững lại nhưng vẫn còn ở mức cao.

Nguyên nhân sốt xuất huyết gia tăng đột biến tại Gia Lai trong năm nay là do tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề của hạn hán nặng nhất trong vài chục năm trở lại đây. Do đó, người dân tăng cường dự trữ nước tại hộ gia đình, tạo môi trường thuận lợi cho muỗi truyền bệnh đẻ trứng và phát triển.

Đồng thời, Gia Lai không phải vùng lưu hành sốt xuất huyết phổ biến trong những năm qua nên miễn dịch của cộng đồng với bệnh sốt xuất huyết ở mức thấp. Vì vậy, khi xuất hiện dịch thì sẽ lây lan và bùng phát nhanh.

Bên cạnh đó, Gia Lai có hơn 45% dân số là người dân tộc ít người, dân trí không đồng đều, không chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, cụ thể là các biện pháp diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy. Ngoài ra, do có sự giao lưu, đi lại giữa các tỉnh, thành phố nên các tuýp virus sốt xuất huyết trước kia không xuất hiện ở Gia Lai thì nay lại hiện diện tại đây.

Kết quả kiểm tra thực tế cho thấy rất nhiều hộ gia đình sử dụng thùng chứa nước mưa không đậy nắp; nhiều lốp (vỏ) xe công nông cũ không còn sử dụng để ngoài vườn; chai lọ, chum vại và các vật chứa nước đọng không được xử lý tạo điều kiện cho muỗi đẻ trứng, nhiều lăng quăng/bọ gậy phát triển.

Đồng thời, bệnh sốt xuất huyết xảy ra trên diện rộng trong khi mạng lưới y tế còn mỏng, kinh nghiệm phòng chống sốt xuất huyết chưa nhiều nên còn có những ổ dịch chưa được xử lý kịp thời và triệt để. Kinh phí phòng chống sốt xuất huyết của Chương trình mục tiêu chưa có và ngân sách địa phương rất hạn chế gây khó khăn lớn trong việc triển khai các hoạt động chống dịch.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai đã có chỉ đạo các sở, ngành và Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố triển khai công tác chống dịch sốt xuất huyết. Ngành y tế đã đẩy mạnh giám sát, chống dịch, xây dựng kế hoạch xử lý ổ dịch và phun hóa chất diện rộng; thành lập 3 đội cơ động chống dịch của tỉnh và các đội xung kích chống dịch tại các xã, phường, thị trấn.

Sở Y tế đã có kế hoạch phối với Tỉnh đoàn Gia Lai để tăng cường các hoạt động phòng chống sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh. Tại các xã, phường, chính quyền và người dân đã cam kết thực hiện các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết tại hộ gia đình; tổ chức chiến dịch “Người dân tự diệt muỗi, diệt lăng quăng để phòng bệnh do virus Zika, bệnh sốt xuất huyết"...

Ngành y tế đã tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế về phác đồ điều trị sốt xuất huyết, có phương án sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết tại các cơ sở y tế.

Đoàn công tác của Bộ Y tế đánh giá cao hoạt động tích cực triển khai các biện pháp phòng chống dịch của chính quyền, ngành y tế Gia Lai. Tuy nhiên, để chặn đứng và kiểm soát sự gia tăng của dịch bệnh, Đoàn công tác đã đề nghị địa phương khẩn trương rà soát, xác định các điểm nóng để tập trung nguồn lực giải quyết triệt để ổ dịch...

Tỉnh tiếp tục tổ chức chiến dịch truyền thông phòng chống dịch trên diện rộng, với nhiều hình thức và phương pháp phù hợp với đặc điểm dân cư; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc người dân thực hành các hành vi phòng chống dịch.

Ngành y tế triển khai phun hóa chất diện rộng phòng chống dịch tại các khu vực nguy cơ cao theo chỉ định của Bộ Y tế; tăng cường phối hợp liên ngành, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động của chiến dịch “Người dân tự diệt muỗi, diệt lăng quăng để phòng bệnh do virus Zika, bệnh sốt xuất huyết."

Tỉnh tăng cường hoạt động của đội xung kích và Đoàn Thanh niên trong phòng chống sốt xuất huyết; giám sát chặt chẽ và xử lý các ổ bọ gậy nguồn tại địa phương (thùng đựng nước mưa, lốp xe…).

Đoàn công tác cũng đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh giao trách nhiệm cụ thể cho Ủy ban Nhân dân huyện, thành phố, Ủy ban Nhân dân xã, phường, thị trấn trong công tác phòng chống dịch, đưa công tác phòng chống dịch vào tiêu chí đánh giá thi đua khen thưởng.

Bên cạnh đó, đoàn công tác đề xuất Ủy ban Nhân dân tỉnh cần thành lập các đoàn liên ngành để kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các điểm nóng, tại các xã phường có số mắc sốt huyết cao để kịp thời chỉ đạo; cân đối kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương để triển khai công tác chống dịch (mua thêm hóa chất, chi trả cho công tác phun xử lý diệt muỗi).../.

Hoàng Minh Thế

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất