Thứ Năm, 21/11/2024
Giáo dục
Chủ Nhật, 23/7/2023 6:0'(GMT+7)

Bồi dưỡng năng lực tổ chức hoạt động trải nghiệm theo chương trình giáo dục phổ thông

MỘT SỐ KẾT QUẢ BƯỚC ĐẦU

 Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cấp trung học cơ sở là hoạt động giáo dục bắt buộc của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Hiện nay, hoạt động giáo dục này đang được triển khai theo lộ trình ở các khối lớp. Công tác bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục thực hiện hoạt động trải nghiệm trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được thực hiện theo ba phân môn, tổ chức 3 tiết/tuần, đan xen vào giờ sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp và một tiết độc lập. Thông qua tiết chào cờ, các em học sinh khối lớp 8 và khối lớp 9 được tiếp cận cùng với học sinh khối lớp 6 và khối lớp 7 đã giúp các em làm quen dần với chương trình Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp mới theo chương trình giáo dục phổ thông 2018,

Nhìn chung, các địa phương, cơ sở giáo dục đã tích cực, chủ động trong công tác bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục; triển khai kế hoạch thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên theo quy định tại Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ; triển khai bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, giảng dạy đáp ứng yêu cầu chuẩn hiệu trưởng, chuẩn nghề nghiệp giáo viên các cấp học và thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đã hoàn thành bồi dưỡng các mô đun ưu tiên, được trang bị kiến thức và kỹ năng để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong đó có chương trình hoạt động trải nghiệm. Ngành giáo dục địa phương đã phối hợp với các nhà xuất bản tổ chức hướng dẫn sử dụng tài liệu hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cho giáo viên chủ nhiệm. Các nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục, kế hoạch của tổ chuyên môn cơ bản đảm bảo thống nhất giữa kế hoạch thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và kế hoạch thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành (chương trình 2006), tích hợp lồng ghép các nội dung dạy học với các hoạt động trải nghiệm khác để tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho học sinh đảm bảo mục tiêu về hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực học sinh, bảo đảm các yêu cầu về phương pháp dạy học, kĩ thuật dạy học, thiết bị dạy học và học liệu, phương án kiểm tra, đánh giá trong quá trình dạy học. 

Mỗi bài học được giáo viên xây dựng thành các hoạt động học với mục tiêu, nội dung, sản phẩm học tập và cách thức thực hiện linh hoạt để giao nhiệm vụ cụ thể cho học sinh thực hiện trong lớp học, ngoài lớp học, ở trường, ở nhà, cơ sở sản xuất, kinh doanh, tại di sản văn hóa và cộng đồng; đồng thời, giáo viên tăng cường hướng dẫn học sinh tự nghiên cứu sách giáo khoa và tài liệu tham khảo, thực hiện ở nhà hoặc qua mạng, để tiếp nhận và vận dụng kiến thức; dành nhiều thời gian trên lớp để tổ chức cho học sinh báo cáo, thuyết trình, thảo luận, luyện tập, thực hành, kết quả tự học của mình.

Tuy nhiên, hoạt động trải nghiệm là hoạt động giáo dục bắt buộc, mặc dù được các nhà trường triển khai được theo đúng lộ trình đổi mới chương trình giáo dục, ở nhiều địa phương do chưa có giáo viên chuyên môn hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, đa số giáo viên chỉ được đào tạo một chuyên môn trong khi muốn tổ chức hoạt động trải nghiệm tốt thì giáo viên phải được bồi dưỡng chuyên sâu về hoạt động này. Nhiều nhà trường gặp khó khăn trong tổ chức, sắp xếp các hoạt động trong tiết chào cờ; khó khăn trong việc sắp xếp thời gian, địa điểm cho học sinh đi trải nghiệm thực tế ở các làng nghề của địa phương. Với thời lượng là 3 tiết/tuần, nên các nhà trường tổ chức thực hiện bằng cách giao cho học sinh nghiên cứu chuyên đề vào tiết một hàng tuần, giáo viên chủ nhiệm lớp nào thì phụ trách hoạt động của lớp đó, các em phải báo cáo kết quả sau một tuần, vào tiết sinh hoạt, dẫn đến chưa thực sự phát huy tối đa năng lực giúp học sinh trải nghiệm và tham gia hoạt động thực tế nhiều hơn nữa. Việc đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học của một bộ phận giáo viên còn hạn chế, vẫn còn dạy học theo phương pháp truyền thống, nặng về truyền thụ kiến thức một chiều, chưa chú trọng đến việc tổ chức các hoạt động học tập cho học sinh, vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết các tình huống trong thực tiễn... Công tác mua sắm thiết bị phục vụ dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn chậm ở các địa phương, gây khó khăn cho việc triển khai tổ chức dạy và hoạt động trải nghiệm. 

Các chủ thể quản lý như hiệu trưởng, ban giám hiệu, tập thể giáo viên và các lực lượng có liên quan nhằm thực hiện có chất lượng và hiệu quả hoạt động trải nghiệm ở các nhà trường trung học cơ sở chưa được phối kết hợp thường xuyên. Hiện nay các trường vẫn đang linh hoạt bố trí từ nguồn giáo viên sẵn có, một số nhà trường bố trí giáo viên chủ nhiệm các lớp thực hiện hoạt động dạy học của chương trình hoạt động trải nghiệm trong khi các thầy giáo, cô giáo chủ yếu vừa dạy, vừa tự bồi dưỡng nên chất lượng giáo dục có thể chưa đạt hiệu quả cao.

NÂNG CAO HOẠT ĐỘNG BỒI DƯỠNG CHO ĐỘI NGŨ GIÁO VIÊN

Quản lý hoạt động bồi dưỡng cho giáo viên về năng lực tổ chức thành công hoạt động trải nghiệm là biện pháp quan trọng góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ, nâng cao chất lượng giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông hiện nay. Để giúp các nhà trường trung học cơ sở tổ chức hoạt động trải nghiệm một cách linh động, phù hợp với đặc điểm của học sinh ở các khối lớp, tạo cơ hội và điều kiện phát triển năng lực, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học, phù hợp với điều kiện từng nhà trường và địa phương, cần chú trọng một số biện pháp bồi dưỡng năng lực tổ chức hoạt động trải nghiệm cho giáo viên trung học cơ sở theo tiếp cận tham gia như sau:

Thứ nhất, đổi mới xây dựng kế hoạch bồi dưỡng năng lực tổ chức hoạt động trải nghiệm cho giáo viên các trường trung học cơ sở theo tiếp cận tham gia.

Để tiếp tục đáp ứng mục tiêu hoạt động trải nghiệm theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các nhà cần đổi mới kỹ năng xây dựng kế hoạch, lập kế hoạch tổ chức thực hiện hoạt động trải nghiệm, bám sát vào nội dung cơ bản của chương trình Hoạt động trải nghiệm cấp trung học cơ sở, nhấn mạnh nội dung vào các mối quan hệ giữa cá nhân học sinh; giữa học sinh với cộng đồng và xã hội; giữa học sinh với môi trường; giữa học sinh với nghề nghiệp, để xác lập kế hoạch hoạt động theo năm học, theo tháng, theo kì hay theo chủ đề. Hiệu trưởng, ban giám hiệu lưu ý khi xây dựng kế hoạch và phân công giáo viên dạy hoạt động trải nghiệm cần chú ý đến năng lực, sở trường của giáo viên chuyên môn, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên phụ trách đội, đồng thời gắn với các tổ chuyên môn và phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, chất lượng đội ngũ của nhà trường để phát huy hiệu quả hoạt động giáo dục, phát triển năng lực tổ chức hoạt động trải nghiệm cho giáo viên với những năng lực khác đáp ứng yêu cầu giáo dục toàn diện cho học sinh cấp trung học cơ sở.

Thứ hai, xây dựng danh mục, chuyên đề theo hướng đổi mới nội dung, chương trình bồi dưỡng năng lực tổ chức hoạt động trải nghiệm cho giáo viên trung học cơ sở theo tiếp cận tham gia.

Hiệu trưởng, ban giám hiệu chỉ đạo các tổ, nhóm chuyên môn phối hợp với đội ngũ chuyên gia, tác giả, nhà xuất bản xây dựng danh mục, chuyên đề bồi dưỡng năng lực tổ chức hoạt động trải nghiệm cho giáo viên lồng ghép trong khung kế hoạch chung của nhà trường theo năm học, theo tháng, theo kì; tạo môi trường cho giáo viên, cán bộ quản lý chủ động lựa chọn, tham gia các hoạt động bồi dưỡng phù hợp với năng lực và đem lại hiệu quả bồi dưỡng tốt nhất, phù hợp với thực tiễn của nhà trường, địa phương. 

Thứ ba, xây dựng quy trình bồi dưỡng năng lực tổ chức hoạt động trải nghiệm cho giáo viên trung học cơ sở theo tiếp cận tham gia theo hướng phát huy tối đa các nguồn lực thực hiện hiệu quả mục tiêu bồi dưỡng.

Nhằm giúp cán bộ quản lý và hiệu trưởng, ban giám hiệu nhà trường trung học cơ sở chủ động trong việc bồi dưỡng năng lực tổ chức hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cho giáo viên theo tiếp cận tham gia, cần đổi mới xây dựng quy trình bồi dưỡng theo hướng tận dụng, phối hợp tối đa các nguồn lực các tổ chuyên môn, tổ chức đoàn thể trong nhà trường, bảo đảm đồng bộ từ khâu lập kế hoạch, tổ chức, chỉ đạo, phân công rõ trách nhiệm cho đối tượng bồi dưỡng, đến khâu kiểm tra, đánh giá kết quả để thực hiện thành công các mục tiêu bồi dưỡng. Cán bộ quản lý nhà trường cần bám sát kế hoạch, nội dung, chương trình của ngành, áp dụng linh hoạt phù hợp tình hình thực tế của trường và tham mưu với các cơ quan, ban hành quản lý có biện pháp điều chỉnh khi cần thiết.

Thứ tư, xây dựng tiêu chí cụ thể đánh giá năng lực tổ chức hoạt động trải nghiệm cho giáo viên trung học cơ sở theo tiếp cận tham gia.

Việc xây dựng các tiêu chí đánh giá năng lực tổ chức hoạt động trải nghiệm cho giáo viên trung học cơ sở theo tiếp cận tham gia càng cụ thể, chuẩn hoá sẽ giúp cho công tác quản lý, kiểm tra đánh giá kết quả bồi dưỡng có chất lượng tốt hơn. Thông qua các tiêu chí đánh giá và kết quả thu được từ đánh giá sẽ giúp nhà quản lý nắm bắt tình hình kịp thời, nhận diện được ưu điểm, nhược điểm trong tổ chức triển khai, từ đó có biện pháp nhắc nhở, đôn đốc, chỉ đạo nâng cao năng lực tổ chức hoạt động trải nghiệm cho giáo viên trung học cơ sở theo tiếp cận tham gia, đảm bảo theo kế hoạch đề ra. Để tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá bám sát vào mục tiêu, nội dung, chương trình hoạt động giáo dục, hoạt động trải nghiệm, đòi hỏi cán bộ quản lý và giáo viên phải nắm rõ quy trình, phương pháp đánh giá và xác định nội dung đánh giá phù hợp với mục tiêu bồi dưỡng; đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ các giữa các lực lượng tham gia đánh giá năng lực tổ chức hoạt động trải nghiệm cho giáo viên, các thành tố khác trong nhà trường trung học cơ sở tham gia bồi dưỡng theo tiếp cận tham gia.

Thứ năm, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong bồi dưỡng năng lực tổ chức hoạt động trải nghiệm cho giáo viên trung học cơ sở theo tiếp cận tham gia.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý bồi dưỡng năng lực tổ chức hoạt động trải nghiệm cho giáo viên trung học cơ sở theo tiếp cận tham gia sẽ giúp cho công tác quản lý bồi dưỡng được chuyên nghiệp, hiệu quả hơn. Việc khai thác, ứng dụng công nghệ mới cho phép tổ chức các hình thức bồi dưỡng đa dạng: trực tuyến, kết hợp trực tuyến với trực tiếp, tư vấn, hướng dẫn chuyên môn qua mạng internet; giáo viên phát huy tính tự học, tự nghiên cứu, tự bồi dưỡng; có điều kiện trao đổi, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm với đồng nghiệp trong nước, quốc tế và khai thác những nguồn tài liệu, học liệu phong phú, chính xác phục vụ thiết thực vào quá trình giảng dạy. Đồng thời, nâng cao trình độ, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin vào đổi mới phương pháp dạy học, quản lý chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, đánh giá cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý các nhà trường trung học cơ sở. 

Hoạt động trải nghiệm là một môn học bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 12 trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Dạy học trải nghiệm ở trung học cơ sở không phải là hoạt động tách rời mà nó diễn ra ngay trong quá trình dạy học của giáo viên, gắn liền với thực tiễn đời sống xã hội, góp phần phát triển phẩm chất, tư tưởng, ý chí, tình cảm, giá trị, kỹ năng sống toàn diện học sinh, đáp ứng mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông ở Việt Nam.

Nguyễn Thị Thúy

Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất