Chủ Nhật, 22/9/2024
Diễn đàn
Thứ Sáu, 2/11/2012 13:55'(GMT+7)

Bốn "cái được" khi đối thoại với dân

 

 Bài 1:  Ðược việc, được dân

 Có việc chung, có việc riêng song bao trùm lên tất cả đó là niềm tin, tấm lòng của nhân dân vì sự nghiệp phát triển của địa phương; là sự tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Ðảng mà cụ thể là đội ngũ cán bộ Ðảng, chính quyền sở tại.

 Câu chuyện giữa chúng tôi với ông Ðinh Văn Tâm ở tổ 20, phường Chánh Lộ, TP Quảng Ngãi diễn ra trong buổi chiều tà với khá  nhiều cung bậc cảm xúc. Giọng ông Tâm lúc run lên vì phẫn nộ trước những hành vi, việc làm bất chấp sự thật, bất chấp trái, phải của cán bộ phụ trách công tác đền bù, giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án trên địa bàn phường, lúc chùng xuống, nghẹn lại bởi những cay đắng đã phải nếm trải qua bốn năm trời vác đơn khiếu nại từ phường cho tới tận Trung ương mà vẫn chưa thể biết những bức xúc của mình và bà con trong phường sẽ được giải quyết như thế nào. Những uất ức đó tan ngay,  khi trả lời câu hỏi của chúng tôi là "Sau buổi đối thoại trực tiếp với Bí thư Thành ủy Quảng Ngãi những đề xuất, kiến nghị của bác đã được giải quyết như thế nào? ",  ông trở nên phấn khởi, cất giọng rổn rảng:

 - Phải nói là tuyệt vời, mấy chú ạ. Chuyện lình xình suốt mấy năm trời tốn bao công sức mà chưa thấy đâu vậy mà sau buổi đối thoại đó chừng một tháng được giải quyết cái rụp, nhanh gọn mà thấu tình, đạt lý mới đáng nói chớ !

 Rồi ông nói thêm đầy phấn khích:

 - Bữa đó, sau khi trình bày xong sự việc của gia đình trước mặt ông Bí thư, ông Chủ tịch thành phố và cả Bí thư Tỉnh ủy nữa, tui hạ một câu "chuyện của gia đình tui là vầy, vậy chớ tui sai hay chánh quyền sai", những tưởng mấy ổng sẽ trả lời vòng vo, né tránh nào ngờ ông Chủ tịch phán một câu chắc đe "giải quyết vậy là chánh quyền sai".  Còn Bí thư Tỉnh ủy Võ Văn Thưởng thì nhắc nhở nhẹ nhàng "các anh phải xem xét và giải quyết thấu đáo việc nầy cho dân, chớ để hoài vậy thì dân biết bấu víu vào ai?". Tui ngồi sượng trân cả người vì bất ngờ quá, mừng quá và cầm chắc là việc của tui coi như đã được giải quyết ngon. Từ bữa đó, tui nể phục mấy ổng sát đất luôn.

 Không chỉ có những vướng mắc trong việc gia đình ông Tâm bị thu hồi 1 nghìn m2 đất thuộc Dự án Bàu Giang - Cầu Mới nhưng đền bù, tái định cư chưa thỏa đáng hay những kiến nghị của ông Tâm về nước sinh hoạt, điện chiếu sáng, hệ thống thoát nước thuộc Dự án Khu định cư Trường đại học Phạm Văn Ðồng không bảo đảm đã  được giải quyết thấu đáo mà sau buổi đối thoại với dân ngày 5-5 vừa qua giữa Bí thư Thành ủy Quảng Ngãi với nhân dân phường Chánh Lộ, 15 đề xuất, kiến nghị ở nhiều lĩnh vực mà thực chất là những bức bối trong dân kéo dài nhiều năm qua, thuộc thẩm quyền xem xét, giải quyết của thành phố đã được Thành ủy chỉ đạo UBND và các ban, ngành thành phố hợp sức cùng Ðảng ủy, UBND phường Chánh Lộ giải quyết rốt ráo chỉ trong vòng một tháng. Còn những vấn đề thuộc tầm giải quyết của tỉnh thì Thành ủy chỉ đạo UBND thành phố làm công văn đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu, xem xét và trả lời. Nhờ đó, phường Chánh Lộ vốn là "điểm nóng" về khiếu kiện đất đai từ nhiều năm nay bởi trên địa bàn có tới năm dự án với diện tích đất phải thu hồi khá lớn, sau đối thoại đã phải trái phân minh, quyền lợi chính đáng của người dân đã được bảo đảm, không khí thuận hòa đã trở lại với phố phường. Hay như ở huyện Tư Nghĩa, sau buổi tiếp xúc, đối thoại giữa Bí thư Huyện ủy Bùi Thị Quỳnh Vân với nhân dân xã Nghĩa Hòa vào ngày 19-5 vừa qua, hàng chục đề xuất, kiến nghị được gom lại thành tám vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết đều được Huyện ủy chỉ đạo giải quyết kịp thời. Còn năm vấn đề dân đề nghị thuộc thẩm quyền của cấp trên như tuyến đường Dung Quất-Sa Huỳnh đã được quy hoạch, đóng cột mốc, thông báo mở đường cả chục năm nay mà vẫn chưa thi công gây biết bao khó khăn, ách tắc cho cuộc sống người dân; việc xây dựng cây cầu nối xã Nghĩa Hòa với xã Ðức Lợi (huyện Mộ Ðức) để tạo thuận lợi cho việc giao thương hàng hóa giữa các xã phía đông huyện Tư Nghĩa, rồi yêu cầu có chính sách hỗ trợ đối với ngành nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra... đều đã được báo cáo bằng văn bản lên tỉnh đề nghị có hướng giải quyết phù hợp và kịp thời. Nhờ đó, một số việc tồn đọng kéo dài nhiều năm, gây bức xúc trong nhân dân như dự án tuyến đường Dung Quất-Sa Huỳnh, qua sự đề đạt cũng như sự đeo bám quyết liệt của huyện đối với các ban, ngành cấp tỉnh nhằm giải quyết thấu đáo những kiến nghị chính đáng của bà con xã Nghĩa Hòa tại buổi đối thoại nên đã có hướng tháo gỡ và thời hạn giải quyết cụ thể. Thấy việc đối thoại với Bí thư Huyện ủy giải quyết được nhiều vấn đề thiết thực, nhân dân một số xã như Nghĩa Thuận, Nghĩa Mỹ, thị trấn La Hà đã chủ động đề xuất được đối thoại.

 Ðược việc đồng nghĩa với được lòng dân, được dân mến, dân thương, dân tin tưởng. Câu nói "Từ bữa đó, tui nể phục mấy ổng sát đất luôn" của ông Ðinh Văn Tâm đã nói lên tất cả. Hay như ông Nguyễn Văn Hiền, tổ 19, phường Chánh Lộ đã bày tỏ: Dự buổi đối thoại, tôi thật sự phấn khởi và tin tưởng. Mấy chục năm nay mới được trực tiếp bày tỏ tâm tư, nguyện vọng và cả những bức xúc của chính mình với Bí thư thành phố nên bà con có bỏ bữa cơm trưa cũng mừng".

 Theo như Bí thư Thành ủy Quảng Ngãi Nguyễn Chín thuật lại thì buổi tiếp xúc, đối thoại hôm đó rất đông, có người đến để được giải đáp những băn khoăn, thắc mắc, không ít người đến để được "tai nghe, mắt thấy" lãnh đạo thành phố trả lời, xử lý như thế nào với những vấn đề dân nêu và chờ đợi lãnh đạo "nói có đi đôi với làm". Chính vì vậy, trong gần năm giờ đồng hồ, chỉ có 20 người dân đăng ký "có ý kiến" nhưng đã nêu lên gần 70 vấn đề liên quan đến tỉnh, thành phố, của địa phương, thậm chí ở tổ dân phố. Có việc chung, có việc riêng song bao trùm lên tất cả đó là niềm tin, tấm lòng của nhân dân vì sự nghiệp phát triển của địa phương; là sự tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Ðảng mà cụ thể là đội ngũ cán bộ Ðảng, chính quyền sở tại. Ðiều đó thể hiện rất rõ trong hành vi của người dân khi đối thoại với Bí thư của họ, đó là dù bức xúc đến mấy, nhưng khi trình bày họ luôn tỏ thái độ đúng mực chứ không hề có những lời nói, cử chỉ vượt quá giới hạn. Ðiều có ý nghĩa hơn cả là được nghe họ nói thẳng, nói thật về những tồn tại, vướng mắc, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống, sinh hoạt đang diễn ra hằng ngày ở cơ sở; những chuyện về quan hệ giữa Ðảng, chính quyền với nhân dân tại cơ sở cũng như năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành của cán bộ phường mà người dân cho rằng chưa làm tròn trách nhiệm. Sau khi trình bày việc riêng, bao giờ người dân cũng có thêm những ý kiến đóng góp cho việc chung. Thậm chí, có người còn nói việc chung trước rồi mới đề cập việc riêng của mình. Bí thư Huyện ủy Tư Nghĩa Bùi Thị Quỳnh Vân  chia sẻ, sau buổi đối thoại ấy, tôi đã ba lần trở về Nghĩa Hòa trong những vai trò khác nhau, nhưng lần nào cũng được bà con đón đợi,  trò chuyện thân tình và bày tỏ sự vui mừng, cảm phục trước những việc đã được cấp ủy quan tâm giải quyết thỏa đáng. Ðiều đó cho thấy trong mắt bà con về vai trò, vị thế của Bí thư và cấp ủy đã trở nên rõ ràng hơn trước nhiều. 

 Từ sự chân thành, thẳng thắn của người dân, nói rõ, nói hết những suy nghĩ  của mình với Bí thư cấp ủy tại buổi đối thoại cho thấy nổi lên một vấn đề nữa. Ðó là, việc tiếp xúc, đối thoại giữa Bí thư cấp ủy với nhân dân không những là một cơ hội để dân hiểu Ðảng, Ðảng hiểu dân làm nồng ấm và sâu sắc thêm mối quan hệ giữa nhân dân với Ðảng mà còn là một diễn đàn để người dân phát huy hết quyền làm chủ của mình. Những cuộc tiếp xúc, đối thoại giữa Bí thư cấp ủy với nhân dân ở Quảng Ngãi với cách làm hết sức cầu thị, chân thành, không hình thức, không áp đặt hay dàn dựng, đã tạo tâm lý thoải mái và sự tin tưởng cho người dân góp ý với Ðảng với ý thức, trách nhiệm cao. Hệ quả tất yếu là khi người dân đã thật lòng quan tâm, lo lắng, sẻ chia công việc cùng Ðảng thì "khó trăm lần dân liệu cũng xong". Nói như đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên T.Ư Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, "Khi nhắc tới Ðảng, dân ta thường nói "Ðảng mình, Ðảng ta" thì bây giờ trách nhiệm của các cấp ủy địa phương là phải làm sao để được dân gọi là "bí thư mình, bí thư ta" ". Các cuộc tiếp xúc, đối thoại giữa Bí thư cấp ủy với nhân dân, suy cho cùng phải đạt được yêu cầu đó, được việc rồi phải được lòng dân nữa mới có thể coi là thành công. Nếu sau đối thoại được năm tháng rồi mà người dân vẫn tiếp tục đi khiếu nại vượt cấp như ở thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn, dù nhìn nhận ở góc độ nào thì cấp ủy nơi đó vẫn chưa hoàn thành trách nhiệm vì chưa làm cho nhân dân hiểu thấu đáo sự việc để thật sự yên tâm, tin tưởng ở cách giải quyết của Huyện ủy và UBND huyện.

 (Còn tiếp)

Theo Nhân Dân điện tử
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất