Chủ Nhật, 22/9/2024
Diễn đàn
Chủ Nhật, 28/10/2012 15:22'(GMT+7)

“Hai trong một”

PV: Thưa ông, tính chiến đấu và tính thuyết phục có quan hệ với nhau như thế nào trong công tác tư tưởng?

Nhà báo Hữu Thọ: Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng nêu rõ: “Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hơn nữa tính chiến đấu, tính thuyết phục, hiệu quả của công tác tư tưởng”. Nhiều Nghị quyết Trung ương cũng đã đề cập vấn đề này. Có điều, nên hiểu từ “tính” như thế nào? Theo tôi hiểu, “tính” ở đây là tính chất, được hiểu là những đặc điểm ổn định biểu hiện qua hành động, cũng có thể hiểu là thuộc tính riêng có của sự việc, sự vật này để phân biệt với sự việc, sự vật khác. Nếu ta hiểu “tính” như vậy, thì những bài nói, bài viết, quyển sách ngay ở những cơ quan có thẩm quyền mà không mang đầy đủ tính chiến đấu và thuyết phục, thực chất cũng không đảm bảo đầy đủ những yêu cầu của Đảng về công tác tư tưởng.

Khi nói về mối quan hệ, thì phải hiểu, có những sản phẩm (nói và viết) có tính chiến đấu nhưng lại không có sức thuyết phục. Trong nội dung có tính chiến đấu nhưng lại không thuyết phục thì sản phẩm nói, viết ấy cũng không đạt yêu cầu tạo sự đồng thuận, gắn bó giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Đồng thời có việc, có sản phẩm có tính thuyết phục nhưng lại không có nội dung chiến đấu theo yêu cầu của Đảng, thì trường hợp này có khi lại là sự thuyết phục kiểu mị dân, cho mưu đồ cá nhân. Có nơi đang có biểu hiện cổ vũ chủ nghĩa dân tộc cực đoan, kích động tâm lý “tranh bá, đồ vương” đe dọa hòa bình, rất nguy hiểm.

Do vậy, khi nói tính thuyết phục, tính chiến đấu trong công tác tư tưởng thì nên hiểu đó là hai tính chất riêng nhưng nó lại phải là hai trong một. Bài nói, bài viết có nội dung của tính chiến đấu nhưng phải có sức thuyết phục thì mới có hiệu quả như là mong muốn. Nhưng tính thuyết phục phải trên cơ sở có tính chiến đấu của Đảng. Vì thế, phải là hai trong một thì mới có hiệu quả, tạo nên đồng thuận xã hội.

PV: Vậy cái gì quy định mục tiêu của tính chiến đấu?

Nhà báo Hữu Thọ: Câu trả lời là, mỗi thời kỳ có mục tiêu cách mạng khác nhau, cho nên trong cuộc chiến đấu của công tác tư tưởng cũng có những mục tiêu khác nhau. Trước đây, trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc ta là chiến đấu giữ vững nền độc lập và thống nhất nước nhà thì mục tiêu của công tác tư tưởng là độc lập và thống nhất nước nhà. Hiện nay, mục tiêu là xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, định hướng xã hội chủ nghĩa.

Chiến đấu để thực hiện mục tiêu, nhưng đồng thời phải chiến đấu để chống lại những gì cản trở mục tiêu đó. Mà cản trở mục tiêu đó trong tình hình hiện nay không chỉ là thế lực thù địch mà còn là sự trì trệ, bảo thủ, khuynh hướng cực đoan. Đồng thời, tham gia vào cuộc đấu tranh để chống lại lối sống thực dụng cơ hội, cá nhân vị kỷ mà Nghị quyết Đại hội lần thứ VI mở đầu thời kỳ mới đã cảnh báo, khẳng định lối sống mình vì mọi người, vì nước, vì dân.

Tính chiến đấu trong thời kỳ hiện nay, theo tôi, chủ yếu là nội dung tiếp tục công cuộc đổi mới, chống lại biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa, lợi ích nhóm, tư duy nhiệm kỳ, suy thoái, nguy cơ sai lầm về đường lối, quan liêu, xa rời nhân dân, suy thoái về đạo đức, lối sống... mà Văn kiện của Đảng đã chỉ rõ để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh và tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng nhanh và bền vững.

PV: Theo ông, cần hiểu như thế nào cho đúng và đầy đủ về nội hàm của tính chiến đấu trong công tác tư tưởng của Đảng ta?

Nhà báo Hữu Thọ: Trong tình hình hiện nay, cần tránh sự hiểu lầm cho rằng, tính chiến đấu chỉ là đấu tranh với các lực lượng thù địch và quan điểm sai trái, mặc dù rất cần thiết và quan trọng; mà còn phải chiến đấu cho cái tốt đẹp, mới mẻ ra đời trong công cuộc đổi mới. Cuộc chiến đấu này gian khổ lắm. Bác Hồ gọi đây là “cuộc chiến đấu khổng lồ”. Bởi cái mới ra đời bao giờ cũng vất vả. Chúng ta phải nhìn ra được cái mới để cư xử cho phù hợp. Có những nhân tố mới, ý tưởng mới khởi đầu rất khó được chấp nhận, nhưng nếu được phát hiện, ủng hộ thì chính nó lại có khả năng tạo ra những bước ngoặt trong công tác quản lý hoặc định hướng chính trị. Lịch sử đổi mới ở Việt Nam những năm qua có nhiều minh chứng cho luận điểm này.

Khi nói kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng luôn nói vận dụng sáng tạo và phát triển. Nói cho đến cùng, không sáng tạo, không phát triển thì cũng không kiên định được. Về vấn đề này, Bác Hồ có nói: “Một chủ trương của ta, hôm nay đúng, hôm sau đã có thể không hợp thời, nếu ta không tỉnh táo thì sẽ bỏ đi những cái quá thời, sai hỏng, nhất định sẽ không theo kịp tình hình”. Điều này Bác nói từ năm 1957, đến nay vẫn luôn đúng. Cho nên, trong lúc xây dựng, triển khai chủ trương của Đảng phải biết lắng nghe những ý kiến phản biện, chỉ có đi sâu vào thực tiễn, nghe ý kiến của nhân dân thì mới thấy những cái không hợp thời như Bác đã nêu. Do đó, công tác tư tưởng hay công tác báo chí cần đi sâu vào thực tiễn, ủng hộ những gì đúng đắn, mới mẻ, mạnh dạn phản ánh những cái không hợp thời trong cuộc sống, để chính sách của Đảng luôn gắn với thực tiễn, hợp lòng dân. Muốn vậy, phải có tinh thần trách nhiệm, dám chiến đấu, dám chịu trách nhiệm của những người làm công tác tư tưởng; phải kiên định, không lung lay, nhất là trong những tình huống phức tạp, phải có lập trường vững chắc. Tuy nhiên, Bác đã từng dặn: “Lập trường vững chắc và tư tưởng cố chấp hai điều đó khác nhau nhưng có người lầm lẫn cố chấp với chắc chắn. Khi bàn việc gì dù sai hay đúng cũng khư khư giữ ý kiến của mình, tưởng như thế là có “lập trường chắc chắn”. Thế là cố chấp…”

Khi chúng ta bàn về tính chiến đấu trong công tác tư tưởng cũng không nên cố chấp, cứng đờ, mà phải biến hóa.

PV: Theo ông, chúng ta cần làm gì để nâng cao tính thuyết phục trong công tác tư tưởng?

Nhà báo Hữu Thọ: Công tác tư tưởng có nhiều phương tiện khác nhau: tuyên truyền miệng, báo chí, văn hóa-văn nghệ. Mỗi loại phương tiện tác động khác nhau để tạo nên sự thuyết phục.

Tính chiến đấu là “tính” cần phải có của các chiến sĩ cách mạng, hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau, với các mục tiêu chung: thực hiện lý tưởng, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; một cách kiên cường và linh hoạt. Tuy nhiên, tính chiến đấu của người hoạt động trong lực lượng vũ trang, người hoạt động kinh tế-xã hội, có những phương thức khác nhau so với những người làm công tác tư tưởng. Công tác tư tưởng phải chủ động bằng lời nói, bài viết. Công tác tư tưởng không bao giờ áp đặt mà phải dựa vào sự thuyết phục. Đặc thù của công tác tư tưởng so với các lĩnh vực khác là tính thuyết phục. Tất nhiên, lĩnh vực nào cũng cần sức thuyết phục, người chiến sĩ tự nguyện cầm súng khác với người lính bị bắt buộc chiến đấu. Quản lý Nhà nước bằng pháp luật, “thượng tôn luật pháp” khác với bệnh “sùng bái luật pháp”, cái gì cũng mệnh lệnh, hành chính, lạnh lùng, coi nhẹ thuyết phục, hòa giải. Quản lý bằng lệnh, nhưng có sức thuyết phục thì vẫn tốt hơn. Nhưng, công tác tư tưởng thâm nhập vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội cho nên yêu cầu về tính thuyết phục là một đặc thù. Đối với từng đối tượng khác nhau phải có cách thức thuyết phục khác nhau. Dù chỉ là thông qua những bài nói, bài viết, nhưng công tác tư tưởng có sức mạnh rất to lớn bởi những bài nói, bài viết đó có sức thuyết phục. Trong cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai, nhiều tác giả, thậm chí lãnh tụ của Liên bang Xô Viết trước đây đã nói, “Những bài phóng sự của Eren Bua, có sức mạnh như một quân đoàn” là nhờ cái sức mạnh của sự thuyết phục qua sự tác động của tác phẩm.

Hiện nay công tác tư tưởng không đơn độc, tự thân vận động như thời Mác-Ăngghen mà có sự hỗ trợ của các cơ quan hành chính, của Đảng, chính quyền. Sự ủng hộ về phát hành, chỉ đạo nhân rộng, điều tra, xử phạt, hỗ trợ hành chính… Nhưng tất cả điều đó không bao giờ có thể thay thế được tính thuyết phục của bản thân nội dung sản phẩm nói và viết của công tác tư tưởng và công tác báo chí.

PV: Vậy chúng ta thuyết phục đối tượng bằng cách nào, thưa ông?

Nhà báo Hữu Thọ: Theo tôi, quan trọng hàng đầu là thuyết phục bằng thực tiễn. Phát triển lý luận không phải chỉ là ngồi nghiên cứu trong phòng. Tôi còn nhớ, đồng chí Hoàng Tùng từng nói với chúng tôi khi còn trẻ: các cậu đừng nói lý lẽ suông, các cậu cứ nghiên cứu thực tiễn, phản ánh chân thực đời sống, chân thực ý kiến của nhân dân, thì có thể làm chuyển biến lý lẽ. Bởi vì, người lãnh đạo chân chính nào cũng không dám xa rời thực tiễn, làm trái ý dân. Thế mạnh của người làm báo là nắm chân lý từ thực tiễn. Tổng kết từ thực tiễn có khả năng phát triển, chuyển biến đường lối lãnh đạo của Đảng.

Thứ hai là thuyết phục bằng lý lẽ, nhưng lý lẽ phải được đổi mới.

Thứ ba là thuyết phục bằng những tấm gương. Từ năm 1924 Bác đã nói: Một tấm gương tốt có sức mạnh hơn nhiều bài diễn thuyết.

Thứ tư là thuyết phục bằng uy tín của người truyền đạt. Người truyền đạt có uy tín để làm cho mọi người tin. Nhiều người đứng trên bục, nói người ta không nghe vì không có uy tín; nói đạo đức, văn hóa mà làm bậy thì ai tin.

Tuy nhiên cần chú ý hiệu quả thuyết phục của công tác tư tưởng phải trên tinh thần thông tin sự thật mới có thể lâu bền. Nhưng trên đời, lại có “hiệu quả” của sự nói dối. Gơ ben, một thủ lĩnh thuyền thông của phát xít Đức đã từng nói: “Sự thật là điều nói dối được nhắc đi nhắc lại nhiều lần” và ông ta đã làm như thế. Có một câu châm ngôn nổi tiếng: “Không ai lúc nào cũng nói thật, nhưng không được nói dối”. Một câu châm ngôn nữa là: “Người ta có thể nói dối lúc này, lúc khác, nhưng không ai nói dối được suốt đời”. Chuyện lừa dối có thể làm người ta tin lúc này, lúc khác, nhưng không thể tin mãi. Sự thuyết phục có thể bằng lời nói dối, nhưng những người chiến sĩ cách mạng làm công tác tư tưởng phải nói sự thật.

Văn kiện Đảng hướng dẫn: Báo chí phải chân thật, kịp thời. Vậy sự thật với chân thật khác nhau như thế nào. Tôi hiểu rằng, sự thật là những gì đang diễn ra. Trong một bài báo ta có thể phỏng đoán, nhưng phỏng đoán không phải là sự thật. Phỏng đoán là cái gì có thể diễn ra. Chân thật là cái đã diễn ra nhưng là bản chất của sự thật.

Báo chí thì phải nhanh, nhưng Đảng nói “kịp thời”, vậy giữa nhanh và kịp thời khác nhau như thế nào? Theo tôi hiểu thì kịp thời là đúng thời, đúng lúc để tạo hiệu quả xã hội cao. Nói sớm quá thì có khi rất có hại, nói muộn quá thì không ai nghe. Cho nên Đảng nói: chân thật, kịp thời. Kịp thời thì phải nhanh nhưng không nhất thiết là nhanh. Văn kiện của Đảng cũng có lúc dùng từ sự thật. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ VI yêu cầu: nhìn thẳng sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật. Tức là chỉ nói rõ sự thật sau khi sự thật ấy đã được đánh giá. Cho nên, chúng ta làm báo phải hết sức chân thật, chỉ công bố sự thật sau khi đã đánh giá sự thật tới bản chất.

Khi phải chọn lựa giữa nhanh và đúng thì những người chân chính luôn luôn chọn đúng. Đúng là đúng bản chất, tạo nên uy tín lâu dài. Báo chí bây giờ nhiều xu hướng phức tạp, tạo nên cái không đúng để bán báo, giống các cô chân dài tạo xì căng đan để gây chú ý. Một tờ báo, có 2 uy tín: uy tín của măng séc tờ báo, tức bản thân thương hiệu tờ báo và uy tín tên tác giả. Hai uy tín này rất quan trọng, nhưng có uy tín măng séc tờ báo thì mới có độc giả lâu dài. Nhiều người thường trung thành với vài tờ báo nhất định, nhưng phần lớn người ta mua tờ nào có bài báo mà họ yêu thích. Đó là uy tín của từng số báo chứ không phải tờ báo. Nhưng muốn có uy tín tờ báo thì phải có uy tín của từng số báo. Cho nên bài của tác giả quen thuộc, có uy tín là rất quan trọng.

Tính chiến đấu, sức thuyết phục để tạo nên sự đồng thuận, tự nguyện, chứ không phải để tạo nên sự sợ hãi, áp đặt. Sự sợ hãi cũng có thể khiến cho người ta phải theo nhưng không bền lâu. Sự áp đặt làm triệt tiêu năng lực sáng tạo của con người, mất đi nguồn nội lực to lớn của dân tộc. Chính vì lẽ đó, tính chiến đấu và tính thuyết phục là hai tính chất nhưng phải là một.

PV: Trong làm báo thì tính hấp dẫn có quan hệ như thế nào với tính chiến đấu, thưa ông?

Nhà báo Hữu Thọ: Tôi cho rằng báo chính trị cũng phải hấp dẫn bằng thông tin mới, phân tích mới, chủ đề thiết thân. Tất nhiên, sự hấp dẫn không phải là buông tuồng.

Hấp dẫn và thuyết phục có khả năng gắn với nhau ở một số bài, một số mục nhưng nó không đi đôi với nhau, mà có thể gắn với nhau ở một số bài nhất định. Xã hội cần giải trí, nhưng nếu toàn bộ chỉ là giải trí thì lại hỏng. Sự hấp dẫn tạo cho người ta đọc, nhưng đọc xong có thuyết phục người ta về lý lẽ hay thực tiễn không lại là việc khác.

PV: Xin cảm ơn ông!

Tiến Dũng–Thu Thanh

(thực hiện)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất