Chủ Nhật, 22/9/2024
Diễn đàn
Thứ Hai, 29/10/2012 21:24'(GMT+7)

Vai trò, vị trí của thành phố Hồ Chí Minh đối với khu vực và cả nước không ngừng được nâng cao

TP.Hồ Chí Minh phát triển đô thị ngang tầm khu vực và quốc tế

TP.Hồ Chí Minh phát triển đô thị ngang tầm khu vực và quốc tế

 1. Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh xưa nay gắn bó máu thịt với lịch sử và vận mệnh của đất nước, là thành quả chung của cả nước, nơi hội tụ công sức, tài năng và tâm huyết của cả dân tộc Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã yêu thương, tin cậy và dày công vun đắp cho thành phố. Sau ngày giải phóng, thống nhất đất nước đến trước khi có Nghị quyết 16-NQ/TW vừa ban hành ngày 10/8/2012, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã có 2 Nghị quyết quan trọng về thành phố vào năm 1982 (khóa V) và năm 2002 (khóa IX). Qua 20 năm thực hiện Nghị quyết 01-NQ/TW và 10 năm thực hiện NQ 20-NQ/TW của Bộ Chính trị, vai trò vị trí của thành phố Hồ Chí Minh ngày càng được nâng cao, diện mạo thành phố ngày càng mang dáng vẻ đô thị hiện đại. Nghị quyết 01-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 14/4/1982 khẳng định “thành phố Hồ Chí Minh là trung kinh tế lớn, một trung tâm giao dịch quốc tế và du lịch của nước ta. Thành phố Hồ Chí Minh có vị trí chính trị quan trọng sau Thủ đô Hà Nội”. Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết đó của Bộ Chính trị và 16 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng ta, thành phố đã có bước phát triển vượt bậc trên mọi lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm trước 1982 chỉ là 2,18%; từ 1982-1986 đạt 8,17%; đến 1995 tăng 15,3%. Thời kỳ 1996-2000, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính – tiền tệ, tốc độ tăng trưởng GDP vẫn đạt mức cao nhất nước là 9,0%, đến năm 2001 tăng 9,5%, tạo đà cho sự phát triển liên tục vào những năm sau đó. Mức sống vật chất của cư dân ngày càng được cải thiện và không ngừng được nâng cao. GDP bình quân đầu người năm 1985 đạt 586 USD, đến năm 2000 đạt 2.000 USD. Thành phố là nơi khởi xướng và thực hiện đầu tiên trong cả nước các phong trào “đền ơn đáp nghĩa”, “xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương”, “bảo trợ bệnh nhân nghèo”, “nụ cười cho trẻ thơ”, “phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng” v.v… mang lại hiệu quả thiết thực, có ý nghĩa kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội rộng lớn, mang tính nhân văn cao, có sức lan tỏa mạnh.

2. Trên cơ sở đó và với nhu cầu phát triển thành phố trong thập niên đầu thế kỷ XXI, ngày 18/11/2002, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 20-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ xây dựng thành phố đến năm 2010 đã nhấn mạnh: “Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị lớn nhất nước ta, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu quốc tế, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước…”. So với Nghị quyết 01-NQ/TW 20 năm về trước, NQ 20-NQ/TW đã xác định vị trí của thành phố Hồ Chí Minh rõ hơn, cao hơn – đó là “thành phố lớn nhất nước”, là trung tâm lớn không chỉ về kinh tế mà còn cả văn hóa, khoa học công nghệ, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước. Đó là kết quả của sự phấn đấu không ngừng của Đảng bộ và nhân dân thành phố với trách nhiệm “vì cả nước, cùng cả nước”, đã phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, phấn đấu bền bỉ, năng động, sáng tạo, vượt qua nhiều khó khăn thách thức, đạt những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng – an ninh, xây dựng Đảng. Thành phố đã phát huy vai trò trung tâm về nhiều mặt với khu vực và cả nước, có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thời kỳ 2001-2005, kinh tế thành phố tăng bình quân 11%/năm, sang giai đoạn 2006-2010 tăng 11,2%/năm, bằng 1,2 lần tốc độ tăng trưởng chung của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và hơn 1,5 lần tốc độ tăng trưởng chung của cả nước[1]. Ngay trong 6 tháng năm 2012, trong bối cảnh vô cùng khó khăn, cả nước chỉ tăng 4,38%, thì thành phố vẫn tăng 8,10%, gấp 1,8 lần. Đạt được kết quả đó, phần quan trọng là do trong 10 năm qua, cơ cấu kinh tế thành phố đã có sự chuyển dịch đúng hướng: tỷ trọng khu vực dịch vụ tăng nhanh, từ 51,6% năm 2002, nay là 54,3%; công nghiệp – xây dựng chiếm 44,5% GDP; nông nghiệp từ 1,7% (2002) nay còn 1,2%. Tỷ trọng giá trị GDP các ngành dịch vụ của thành phố so với cả nước năm 2002 là 24,1%, năm 2005 – 26,2%, năm 2010 là 29,8%. Tỷ trọng giá trị gia tăng ngành công nghiệp và xây dựng của thành phố so với cả nước năm 2002 là 21,9%, năm 2005 – 23,1%, năm 2010 là 23,5%[2].

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, liên tục trong nhiều năm nên sự đóng góp của thành phố cho khu vực và cả nước ngày càng lớn, vị trí trung tâm với động lực thu hút và lan tỏa của thành phố ngày càng rõ nét. Đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, kinh tế thành phố Hồ Chí Minh vừa đóng vai trò hạt nhân vừa vai trò đầu tàu, đóng góp vào tốc độ tăng trưởng của vùng năm 2001 là 46,85%, đến năm 2009 đã đóng góp lên đến 60,72%[3]. Đối với cả nước, tỷ trọng GDP của thành phố chiếm 17,2% vào năm 2000 đã tăng lên 19,7% năm 2005, và đến 2010 thì chiếm 21,3%. Tỷ trọng thu ngân sách của thành phố so với tổng thu ngân sách quốc gia năm 2005 là 26,5%, năm 2010 tăng lên 27,81%. Rõ ràng vai trò vị trí của thành phố so với cả nước ngày càng được khẳng định, là địa phương đứng đầu trong tăng trưởng kinh tế của cả nước. Theo đà tăng trưởng kinh tế nhanh, mức sống vật chất của dân cư ngày càng được cải thiện và nâng cao. GDP bình quân đầu người năm 1985 đạt 586 USD, năm 2000 đạt 2000 USD, năm 2011 đạt 3.286 USD.

Cùng với phát triển kinh tế, thành phố luôn đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, giáo dục – đào tạo có nhiều chuyển biến tích cực; chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân không ngừng được nâng cao. Qui mô đào tạo các cấp học, từ mẫu giáo, mầm non đến phổ thông, cao đẳng, đại học tăng dần qua từng năm. Năm 2011 so với năm 2002 số lớp tiểu học và trung học tăng 21%, số giáo viên tăng 36%, số học sinh cả ba cấp tăng 16%, trong đó học sinh tiểu học tăng 19%, trung học cơ sở tăng 6% , trung học phổ thông tăng 31%, đặc biệt sinh viên tăng gần 2,4 lần – 238,8%. Năm 2002, Thành phố đã hoàn thành giáo dục phổ cập bậc trung học cơ sở và đến năm 2009 đã hoàn thành phổ cập bậc trung học phổ thông, nâng cao mặt bằng dân trí, giảm khoảng cách giữa giáo dục nội thành và ngoại thành. Thành phố đã hoàn thành qui hoạch chi tiết mạng lưới trường học tại các quận – huyện đến năm 2020, bố trí quỹ đất và tăng đầu tư xây dựng trường học theo qui hoạch phát triển giáo dục – đào tạo. Đến nay chi cho giáo dục chiếm 27,7% ngân sách chi thường xuyên, 20% ngân sách đầu tư xây dựng cơ bản thành phố. Đồng thời đã triển khai qui hoạch xây dựng khu đại học Tây Bắc và Đông Bắc thành phố.

Khoa học công nghệ hướng đến mục tiêu phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội của thành phố ngày càng có hiệu quả cao. Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có tỷ lệ ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học cao nhất. Sự liên kết giữa doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu và cơ quan quản lý Nhà nước được hình thành và ngày càng chặt chẽ hơn; thị trường công nghệ bước đầu được tạo lập. Ngoài việc củng cố các cơ sở nghiên cứu khoa học truyền thống, thành lập và đẩy mạnh hoạt động của Khu công nghệ cao, Khu phần mền Quang Trung, Viện khoa học công nghệ tính toán; thực hiện một số chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước. Vai trò của khoa học xã hội và nhân văn được nhận thức sâu sắc, nên luôn được quan tâm và phát huy hiệu quả, nhất là trong việc nghiên cứu những vấn đề cơ bản, cấp thiết của xã hội thành phố, xây dựng hệ thống cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc xác định các chủ trương, giải pháp phát triển xã hội và quản lý sự phát triển xã hội của thành phố.

Đời sống văn hóa của thành phố ngày càng phong phú, đa dạng; các truyền thống của dân tộc , những giá trị tinh thần mang đặc trưng của nhân dân thành phố như tinh thần nhân ái, làm việc nghĩa, giúp đỡ người nghèo, năng động sáng tạo… không ngừng được phát huy. Thành phố đã tập trung nguồn lực, ưu tiên đầu tư nâng cấp các công trình, thiết chế văn hóa; tạo ra nhiều phong trào, thực hiện nhiều cuộc vận động xây dựng môi trường văn hóa đô thị lành mạnh, văn minh, xây dựng nếp sống thị dân, tôn trọng pháp luật, kỷ cương, tác phong công nghiệp; đưa lối sống văn hóa thấm sâu vào từng người, từng gia đình, từng khu dân cư, từng công sở, doanh nghiệp.

Chất lượng chăm sóc sức khỏe của nhân dân ngày càng tiến bộ; mạng lưới y tế cơ sở, chăm sóc sức khỏe cộng đồng không ngừng được củng cố và phát triển từ nội thành đến ngoại thành. Thành phố chủ trương thu hút mọi nguồn đầu tư trong và ngoài nước để phát triển dịch vụ y tế hướng đến y tế chất lượng cao; đa dạng hóa hệ thống bệnh viện, từ bệnh viện đa khoa đến những trung tâm y tế chuyên khoa, từ bệnh viện công đến bệnh viện tư nhân, bệnh viện có vốn đầu tư nước ngoài và một số cơ sở y tế kỹ thuật cao, đáp ứng nhu cầu khám và chữa bệnh cho mọi đối tượng, của nhân dân thành phố và các địa phương trong khu vực.

Chính sách xã hội, đặc biệt là chính sách đối với người có công, an sinh xã hội, giảm hộ nghèo, tăng hộ khá, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương luôn được quan tâm và được thực hiện đạt kết quả thiết thực. Tỷ lệ hộ nghèo của thành phố theo tiêu chí 12 triệu đồng/người/năm đến nay chỉ còn 3,79%.

Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, hệ thống chính trị thường xuyên được củng cố và hoạt động ngày càng có hiệu quả; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững; quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế được tăng cường và mở rộng, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển không ngừng của thành phố. Vai trò, vị trí của thành phố đối với khu vực và cả nước ngày càng được nâng cao. Điều đó được thể hiện trong sự đánh giá, khẳng định của Đảng và Nhà nước trong Nghị quyết 16-NQ/TW ngày 10/8/2012 của Bộ Chính trị: “Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ, đầu mối giao lưu quốc tế, là đầu tàu, động lực, có sức thu hút và lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước" [4].

Rõ ràng, sau thập niên đầu của thế kỷ XXI, vị thế, vai trò của thành phố đã được nâng lên rõ rệt. Đó là kết quả mới của sự phấn đấu liên tục của Đảng bộ và nhân dân thành phố Hồ Chí Minh qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng nhiệm vụ phát triển thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2010 với tinh thần “vì cả nước, cùng cả nước”, đồng tâm, hiệp lực, năng động, sáng tạo, tìm hướng đi thích hợp, tạo ra những đột phá với nhiều điểm sáng mang tính điển hình. Thành tựu thành phố đạt được sau 25 năm thực hiện đường lối đổi mới và 10 năm thực hiện NQ 20-NQ/TW của Bộ Chính trị thật to lớn, toàn diện, tạo sự chuyển biến căn bản trong đời sống xã hội, góp phần rất quan trọng vào thành tựu chung của cả nước. Tuy chỉ chiếm 0,6% về diện tích tự nhiên và 8,56% dân số cả nước, nhưng thành phố đã đóng góp 21,3% GDP cả nước, 29,38% tổng thu ngân sách nhà nước, 22,9% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; 58,33% khách du lịch quốc tế, 43,72% doanh thu du lịch; 26% kim ngạch xuất khẩu; mức thu nhập bình quân đầu người của người dân thành phố năm 2011 bằng 2,4 lần so với bình quân đầu người trong cả nước[5].

3. Từ nay đến năm 2020, thực hiện Nghị quyết 16-NQ/TW của Bộ Chính trị về thành phố và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 do Đại hội XI của Đảng đề ra, thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục nỗ lực phấn đấu, chủ động nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức để phát triển thành phố nhanh và bền vững với chất lượng và tốc độ cao.

Về kinh tế, ra sức khắc phục hạn chế, yếu kém về chất lượng tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu các ngành kinh tế, năng lực cạnh tranh, nâng cao tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ có giá trị gia tăng cao… Khai thác tiềm năng, lợi thế, phát triển kinh tế nhanh, bền vững, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, giữ mức tốc độ tăng trưởng GDP cao hơn 1,5 lần mức tăng trưởng bình quân cả nước; GDP bình quân đầu người cuối năm 2020 đạt khoảng 8.500 USD (cả nước là 3.000 USD/người/năm) có giải pháp thúc đẩy phát triển 9 nhóm ngành dịch vụ và 4 ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học – công nghệ và giá trị gia tăng cao do Đại hội VIII và Đại hội IX của Đảng bộ thành phố đề ra[6]. Trong đó tập trung nâng cao tỷ trọng các ngành dịch vụ như thương mại quốc tế, tài chính, ngân hàng; dịch vụ cảng, kho bãi, hậu cần hàng hải và xuất nhập khẩu, du lịch. Phát triển và quản lý tốt các loại thị trường hàng hóa; thị trường tài chính; thị trường bất động sản; thị trường khoa học công nghệ, thị trường lao động. Về công nghiệp, tập trung 4 ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ cao và giá trị gia tăng cao, đồng thời lựa chọn một số công đoạn, các sản phẩm có giá trị gia tăng cao trong các ngành khác để đầu tư, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sạch, tiết kiệm năng lượng.

Không ngừng cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư để thu hút đầu tư trong và ngoài nước; tăng cường liên kết, hợp tác phát triển càng có hiệu quả với các địa phương trong khu vực và trong cả nước; phát huy vai trò trung tâm, đầu tàu, động lực phát triển của thành phố.

Về phát triển đô thị, tìm mọi giải pháp tích cực khắc phục có hiệu quả tình trạng yếu kém, quá tải, bất cập về kết cấu hạ tầng. Tập trung xây dựng, tạo bước đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, thực hiện có hiệu quả 3 chương trình đột phá liên quan đến cải thiện, nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng cơ sở do Đại hội IX của Đảng bộ thành phố đề ra là giảm ùn tắc giao thông, giảm ngập nước, giảm ô nhiễm môi trường; từ đó góp phần xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn mà chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 đã đề ra. Tiếp tục đầu tư nâng cấp, cải tạo, chỉnh trang đô thị cũ, đồng thời đẩy mạnh tiến độ xây dựng đô thị mới hiện đại, các đô thị vệ tinh, hình thành chuỗi đô thị, nối kết với các đô thị khác trong vùng.

Về văn hóa, xã hội, nghiêm túc và tích cực khắc phục những yếu kém, hạn chế như phát triển văn hóa chưa tương xứng với kinh tế, với vai trò, vị trí của thành phố là trung tâm văn hóa lớn của vùng và cả nước; chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, khoa học – công nghệ, giáo dục – đào tạo chưa trở thành động lực phát triển; nhiều vấn đề văn hóa – xã hội bức xúc chậm được khắc phục, gây bất bình, bất an trong nhân dân, ảnh hưởng đến sự phát triển của thành phố. Trên cơ sở đó, có giải pháp phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa xã hội hài hòa với phát triển kinh tế, tương xứng với tiềm lực, vai trò vị trí của thành phố Hồ Chí Minh. Tiếp tục đầu tư để đổi mới căn bản, nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục – đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển mạnh khoa học – công nghệ gắn với phát triển kinh tế tri thức, tạo nền tảng và động lực thúc đẩy thành phố phát triển nhanh và bền vững.

Tiếp tục củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế từ thành phố đến cơ sở, xây dựng các bệnh viện đa khoa ở các cửa ngõ thành phố, đồng thời tập trung xây dựng phát triển khu y tế kỹ thuật cao, các trung tâm y tế chuyên sâu…, nhằm giải quyết căn bản tình trạng quá tải của các bệnh viện, đồng thời đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của mọi tầng lớp nhân dân của thành phố và khu vực.

Nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa theo hướng văn minh, xây dựng môi trường văn hóa đô thị lành mạnh trên cơ sở giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và các giá trị tinh thần mang tính đặc trưng của thành phố Hồ Chí Minh. Xây dựng nếp sống thị dân, đa dạng hóa các loại hình sinh hoạt văn hóa nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân thành phố cả nội thành và ngoại thành.

Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách xã hội và bảo đảm an sinh xã hội, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo trong các tầng lớp nhân dân; kiên quyết đấu tranh ngăn chặn tệ nạn xã hội, bảo đảm trật tự xã hội, bình an cho nhân dân.

Cùng với phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa theo hướng nhanh và bền vững, thành phố tiếp tục tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững chính trị - xã hội trong mọi tình huống; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch vững mạnh; phát huy dân chủ và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển nhanh và bền vững của đô thị đặc biệt – thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Anh hùng.

Thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp mà Nghị quyết 16-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng nhiệm vụ phát triển thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 đã đề ra cùng với việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước thời kỳ 2011-2020, đến năm 2020, thành phố phải đạt được mục tiêu: “Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại với vai trò đô thị đặc biệt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đóng góp ngày càng lớn với khu vực và cả nước; từng bước trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học – công nghệ của đất nước và khu vực Đông Nam Á; góp phần tích cực đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020”[7]. Vai trò, vị trí của thành phố đối với khu vực và cả nước sẽ được nâng lên tầm cao mới. Đó sẽ là một thành phố có kinh tế phát triển cao dựa trên nền tảng dịch vụ và công nghiệp có giá trị gia tăng cao, nơi hội tụ của giới kinh doanh, thu hút các tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước, một trung tâm công nghiệp, tài chính và thương mại của Đông Nam Á. Chân dung của thành phố sẽ là một siêu đô thị đa trung tâm với điểm nhấn là khu vực trung tâm hiện hành, khu đô thị Thủ Thiêm và đô thị mới dọc sông Sài Gòn; hình thành chuỗi đô thị, nối kết với các đô thị khác trong vùng theo mô hình tập trung đa cực, một thành phố xanh và sạch, một đô thị sông nước với qui mô dân số 10 triệu dân. Đó cũng là một trung tâm khoa học – công nghệ lớn, trung tâm về giáo dục – đào tạo chất lượng cao và y tế kỹ thuật cao của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Thành phố có sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và phát triển xã hội, con người được tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện với vị trí là trung tâm, là mục tiêu và động lực của sự phát triển. Đời sống văn hóa của thành phố có sự kết hợp hài hòa giữa văn hóa truyền thống dân tộc, các giá trị tinh thần mang nét đặc trưng của nhân dân thành phố với văn hóa hiện đại, tạo nên nền tảng tinh thần của sự phát triển xã hội thành phố. Thành phố Hồ Chí Minh bước vào thập niên thứ 3 của Thế kỷ XXI sẽ là một trung tâm đa chức năng, một đô thị sống tốt, có sự hấp dẫn trong hệ thống các đô thị trên thế giới.

PGS.TS Phan Xuân Biên

Nguồn:
Webiste Đảng bộ TPHCM
______________________________________

[1, 2] Thành ủy TPHCM. Tổng kết Nghị quyết 20-NQ/TW của Bộ Chính trị (2002) về Phương hướng, nhiệm vụ phát triển thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2010. Website Đảng bộ TPHCM ngày 14/8/2012.

[3] Trần Văn Bích – Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm về nhiều mặt của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Trong cuốn: TPHCM 35 năm xây dựng và phát triển (1975-2010). NXB Tổng hợp TPHCM 2012 – trang 56.

[4] Nghị quyết 16-NQ/TW của Bộ Chính trị về Phương hướng, nhiệm vụ phát triển thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 (Ban hành ngày 10/8/2012). Website Đảng bộ TPHCM ngày 20/8/2012

[5] Thành ủy TPHCM. Tổng kết Nghị quyết 20-NQ/TW của Bộ Chính trị về Phương hướng nhiệm vụ phát triển thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2010. Website Đảng bộ TPHCM ngày 14/8/2012.

[6] Chín nhóm ngành dịch vụ là tài chính – tín dụng – ngân hàng – bảo hiểm; thương mại; vận tải – kho bãi – dịch vụ cảng; bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin – truyền thông; kinh doanh tài sản – bất động sản; thông tin tư vấn, khoa học – công nghệ; du lịch; y tế; giáo dục – đào tạo. Bốn ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học – công nghệ cao và có giá trị gia tăng cao là cơ khí; điện tử - công nghệ thông tin; hóa dược – cao su; chế biến tinh lương thực, thực phẩm. Xem Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ IX. Tháng 10/2010 – trang 47-48.

[7] Nghị quyết 16-NQ/TW của Bộ Chính trị về Phương hướng nhiệm vụ phát triển thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020. Website Đảng bộ TPHCM ngày 20/8/2012.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất