Với lộ trình chuyên nghiệp hóa bắt đầu từ năm 2000 rồi thực sự chuyển mình với trào lưu "doanh nghiệp hóa", bộ mặt của bóng đá Việt Nam hoàn toàn thay đổi. Những tượng đài chuyên môn dần "sụp đổ", thay vào đó là tiền, rất nhiều tiền từ khối doanh nghiệp đổ vào sân cỏ.
Phải thừa nhận rằng, mặt được của trào lưu trên chính là bóng đá sau 10 năm gần như thoát khỏi tình trạng bao cấp bằng nguồn lực khác trong xã hội, đời sống bóng đá cũng được cải thiện rõ rệt, thậm chí còn vượt cả trên mặt bằng chung của đời sống xã hội. Đá bóng không chỉ là cái nghề, mà còn là cái nghề "hốt bạc" với những mức tiền lương, thưởng, chuyển nhượng từ hàng chục triệu, đến cả... chục tỷ đồng! Những khái niệm thời thượng kiểu như: "ông bầu", "siêu sao", "đội bóng chục tỷ", "đôi chân bạc tỷ"... cũng bắt đầu xuất hiện.
Thế nhưng, cũng chính cái giá trị được đo bằng tiền ấy đã nhanh chóng sụp đổ ở mùa này khi cơn bão suy thoái kinh tế thế giới quét qua sân cỏ cả nước. Lý do thì đơn giản, dù khoác lên mình chiếc áo chuyên nghiệp, nhưng thực chất bóng đá nội vẫn sống dựa vào hầu bao của doanh nghiệp chứ chưa thể tự nuôi sống nổi chính mình bằng đá bóng.
Rồi khi mà lợi nhuận từ việc đầu tư vào bóng đá không còn hiệu quả, thì doanh nghiệp cũng chẳng còn mặn mà. Thêm vào đó, khi bản thân doanh nghiệp còn phải thu hẹp quy mô sản xuất, thắt chặt chi tiêu để vượt qua khó khăn kinh tế thì rõ ràng, bóng đá không còn là sự ưu tiên hàng đầu.
Ngay khi làn sóng rút lui của doanh nghiệp bắt đầu, bóng đá Việt Nam ngay lập tức rơi vào khó khăn. Hàng loạt CLB phải giải thể, số lượng đội bóng chơi ở các giải chuyên nghiệp quay lại với mức của 10 năm trước (12 đội chơi tại giải VĐQG V-League và 10 đội hạng Nhất). Cũng theo thống kê sơ bộ, có vài trăm cầu thủ nhanh chóng lâm vào cảnh thất nghiệp và điều đáng lo hơn cả là chẳng ai rõ tương lai thế nào khi "đồng tiền bóng đá" dễ kiếm, nhưng cũng dễ đi.
Không chỉ vậy, sóng gió trên sân cỏ trong nước còn gây tác động xấu cả tới thành tích của đội tuyển bóng đá nam quốc gia. Dù được đặt rất nhiều kỳ vọng, nhưng ĐTVN lần đầu tiên do HLV trong nước dẫn dắt không đạt được mục tiêu nào tại AFF Cup 2012 - bị loại từ vòng bảng sau 1 trận hòa, 2 thua, ghi được 2 bàn thắng và thủng lưới tới 5 bàn. Thất bại đã chỉ rõ ra sự tụt dốc về chuyên môn trên đấu trường quốc tế của bóng đá Việt Nam.
Tất nhiên trong cả một mùa thi đấu, bức tranh bóng đá Việt Nam không toàn một màu xám mà vẫn còn đó những điểm sáng đáng ghi nhận.
|
Thất bại của Đội tuyển bóng đá nam quốc gia là một bài học sâu sắc về công tác đào tạo, huấn luyện |
Đó là chức vô địch Đông Nam Á thứ 2 của Đội tuyển bóng đá nữ quốc gia. Đang trong thời kỳ chuyển giao lực lượng, nhưng bằng tinh thần thi đấu quả cảm, vì màu cờ, sắc áo, các nữ tuyển thủ đã tiến vào trận chung kết và vượt qua đối thủ số 1 Myanmar trên chấm 11m để lần thứ 7 đăng quang ngôi Hậu khu vực (cả SEA Games lẫn Giải Vô địch Đông Nam Á). Với bóng đá nam là 4 tài năng trẻ của Học viện Hoàng Anh Gia Lai được chọn sang tập huấn tại CLB danh tiếng Arsenal (Anh) đã chứng tỏ bóng đá trong nước vẫn còn rất nhiều tiềm năng và vấn đề là làm thế nào để khai thác thành công.
Năm 2012 đã khép lại, bóng đá Việt Nam dường như đang trở lại điểm xuất phát khi những giá trị ảo dần sụp đổ. Để có thể đứng vững và phát triển, không còn cách nào khác, bóng đá phải tự đứng trên đôi chân của chính mình, chính xác hơn là bóng đá phải nuôi sống mình bằng chính những giá trị thật của bóng đá như: Chất lượng đào tạo, công tác tổ chức, quản lý, điều hành, sức thu hút với người hâm mộ...
Đó chính là bài toán cũ mà mới với bóng đá Việt Nam.
Chinhphu.vn