"Nếu mỗi hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ trong huyện là một bông hồng đẹp, thì đảng viên Thào Thị Dở là bông hoa rực rỡ nhất trong vườn hoa ấy" - đây là khẳng định của bà Hà Thị Lan Hương, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Trạm Tấu (Yên Bái) khi nói về Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Trạm Tấu.
Chị Dở là người dân tộc Mông, sinh năm 1975 tại thôn Tấu Trên (xã Trạm Tấu) - thôn nằm chênh vênh ở đỉnh núi Phu Song Sung (cao gần 3000 mét, còn gọi là nóc nhà của tỉnh Yên Bái). Trạm Tấu là xã có hơn 98% dân số là người Mông sinh sống. Bởi vậy, cô sơn nữ Thào Thị Dở sớm hiểu rằng vì đẻ nhiều con, du canh du cư, mù chữ... là nguyên nhân chính khiến cái nghèo, cái đói cứ bám dai dẳng đồng bào bấy lâu. Do đó, sau khi kết hôn, vợ chồng chị quyết tâm sinh ít con để chăm sóc và nuôi dậy con cho tốt.
Chị Dở nhớ lại: "Ban đầu, hai bên gia đình phản đối kịch liệt vì cho rằng: việc đẻ ít con là không chấp nhận được. Sau nhiều lần nhẹ nhàng phân tích, lý giải để cha mẹ hiểu được lợi ích của việc thực hiện kế hoạch hoá gia đình thì chính cha mẹ hai bên lại là người ủng hộ vợ chồng mình nhất". Sự thành công bước đầu này chính là động lực, động viên chị tiếp tục vận động nhiều gia đình trẻ làm theo. Hiện nay, nhiều chị em trong xã thường xuyên sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, tình trạng đẻ con thứ ba, tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống đã giảm đáng kể.
Năm 1999, chị Dở đã vận động chị em trong thôn cùng đi học xoá mù chữ. Đến nay, hầu hết các hội viên trong xã đều biết chữ, bản thân chị đang theo học chương trình bổ túc văn hoá bậc THPT tại Thị xã Nghĩa Lộ vào các ngày cuối tuần. Với nhận thức đúng đắn, dám nghĩ dám làm và hết lòng vì công việc, chị Dở đã vinh dự trở thành nữ đảng viên người Mông đầu tiên của xã Trạm Tấu vào năm 2000. Năm 2003, sau khi hoàn thành chương trình lý luận sơ cấp chính trị, chị được bầu là Phó chủ tịch Hội phụ nữ xã, rồi làm Chủ tịch Hội Phụ nữ xã năm 2008.
Không chỉ gương mẫu, tận tâm trong công việc, chị Dở còn tích cực tuyên truyền, vận động bà con dân bản cùng thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, đoàn kết cùng xây dựng nông thôn mới...Trong đó, chị đặc biệt quan tâm đến công tác vận động các gia đình, hội viên phụ nữ có nhiều đất sản xuất nhượng bớt đất cho các hội viên nghèo. Lời nói đi đôi với việc làm, gia đình chị là hộ đầu tiên trong xã nhượng hơn 7.000 m2 đất sản xuất cho gia đình chị Sớ, chị Ly ở cùng thôn. Từ trước đến nay, với người Mông, việc nhượng đất cho người ngoài là điều không thể, nhưng với tấm lòng tương thân tương ái, chị đã làm được điều phi thường ấy. Từ việc làm đó của chị, phong trào nhượng đất cho các hội viên nghèo trong xã đã được người dân hưởng ứng nhiệt tình và trở thành mô hình tiêu biểu của toàn tỉnh.
Ngoài việc đảm nhiệm tốt vị trí công tác, chị cùng gia đình xây dựng thành công mô hình kinh tế tổng hợp bao gồm trồng trọt, chăn nuôi cho thu nhập hơn 80 triệu đồng mỗi năm. Anh Mùa A Dê, chồng chị Dở, hiện là trưởng thôn Tấu Trên, cả hai anh chị luôn tích cực tuyên truyền, vận động bà con trong xã khai hoang ruộng bậc thang, mở rộng diện tích đất nông nghiệp và sản xuất thêm vụ hai; khuyến khích người dân chuyển đổi cây sắn và lúa nương năng suất thấp sang trồng cây ngô trên đất dốc cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Mùa đông vừa qua, chị Dở cùng các cán bộ phòng nông nghiệp huyện đã hướng dẫn bà con kỹ thuật ủ rơm làm thức ăn cho trâu bò và che chắn lại chuồng trại, nhờ đó, cả xã không còn hiện tượng gia súc chết rét.
Nhiều năm qua, dưới sự lãnh đạo của chị Dở, Hội Liên hiệp phụ nữ xã đã nhận được nhiều bằng khen từ Trung ương hội, UBND tỉnh và các sở ban ngành. Gia đình chị nhiều năm liền được công nhận là gia đình văn hoá. Bản thân chị vinh dự nhận được nhiều bằng khen và giấy khen của các đơn vị trao tặng. Với những gì đã làm và đang làm, chị Thào Thị Dở xứng đáng là "bông hồng vàng" trên đỉnh Phu Song Sung hùng vĩ./.
TTX