Thứ Sáu, 29/11/2024
Đời sống
Thứ Bảy, 3/3/2012 10:42'(GMT+7)

Giúp đồng bào Rục làm “cách mạng” thay đổi ý thức

Người dân xã Tân Hóa, huyện Minh Hoá (Quảng Bình) cố thủ trên lán dưới rèm đá để đề phòng bão số 6. Ảnh: baomoi.com

Người dân xã Tân Hóa, huyện Minh Hoá (Quảng Bình) cố thủ trên lán dưới rèm đá để đề phòng bão số 6. Ảnh: baomoi.com

 
Già làng Cao Chơn, 82 tuổi ở bản Ón, xã Thượng Hoá là một trong những người Rục được bộ đội biên phòng phát hiện và đưa ra từ hang đá. Bên bếp lửa cháy hồng, với ánh mắt tự tin già nói: “Bây giờ bà con ở đây đã có nhà cửa, ruộng vườn, biết cấy cày, biết sản xuất, biết làm lúa nước, đó là nhờ ơn Đảng, Chính phủ và gần nhất là ơn Bộ đội biên phòng. Cảnh sống tăm tối trong hang đá, rừng sâu, cùng cảnh săn bắt, hái lượm và đói rét triền miên của kiếp người “nguyên thuỷ” với đồng bào Rục đã lùi xa và chỉ còn trong dĩ vãng”.

* Từ chuyện đưa đồng bào “rời hang, xuống núi”

Thượng Hoá những ngày qua vẫn còn thoang thoảng rét. 6 km nối đường Hồ Chí Minh vào với các bản Ón, Mò O Ồ Ồ, Yên Hợp đang trong giai đoạn nâng cấp nên khó đi nhưng chắc chắn khi công trình hoàn thành chỉ cần khoảng 15 đến 20 phút đồng hồ đi xe máy hoặc ô tô là có thể đến được ngay trung tâm các bản làng của đồng bào Rục. Trung tá Trịnh Thanh Bình, Đồn trưởng Đồn Biên phòng 585 xã Thượng Hoá là người vui tính, dễ gần như hiểu được suy nghĩ của tôi nên cười nói: Bây giờ thì thế, chứ ngày xưa nơi đây là vùng thâm sơn cùng cốc biệt lập giữa bốn bề núi đá vôi hùng vĩ và rừng già thâm u… Và rồi câu chuyện rừng sâu, đại ngàn được già làng Cao Chơn kể tiếp đã giúp chúng tôi hình dung thêm rõ về vùng đất Thượng Hoá nơi có người Rục - một trong những tộc người được phát hiện muộn mằn nhất trong 54 dân tộc anh em của nước Việt. Họ đến từ hoang sơ, nguyên thuỷ như chính thủa hồng hoang triệu năm trước của tổ tiên chúng ta…

“Ngày ấy, chúng tôi lấy vỏ cây làm khố che thân, lấy các hang đá, gốc cây nơi rừng Trườn-Roòn thâm u làm nhà. Thức ăn của chúng tôi có được thông qua việc săn bắt, hái lượm các sản vật từ rừng vì vậy chuyện đói, rét, bệnh tật diễn ra thường xuyên. Cũng vì cuộc sống biệt lập và “nguyên thuỷ” trong thâm sơn cùng cốc nên người Rục lo sợ và ngại tiếp xúc với con người hiện đại… ”- già làng Cao Chơn đã bắt đầu câu chuyện đời mình và của Rục như vậy.

Cơ duyên đưa người Rục tiếp cận với thế giới văn minh được mở ra vào khoảng giữa năm 1959 khi các chiến sỹ của Đồn Biên phòng mới thành lập Óc Sách (nay là Đồn Biên phòng 585 xã Thượng Hoá) trong quá trình tuần tra đã tình cờ thấy thấp thoáng trong rừng sâu bóng dáng một số người lạ. Tuy nhiên, vừa thấy các chiến sỹ biên phòng họ khiếp sợ và chạy toán loạn, chỉ trong chốc lát đã mất hút. Tổ tuần tra đã kịp thời báo cáo tình hình về Ban chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh Quảng Bình. Tại cơ quan ở Đồng Hới, sau khi được thông tin, Chỉ huy trưởng Trần Kim Giá bỗng nhớ lại câu chuyện năm 1956, anh cũng đã từng chỉ huy một trung đội trực tiếp tìm kiếm một nhóm người lạ tương tự nhưng không thành công. Vì vậy, anh đã chỉ thị cho Đồn Óc Sách “dù bất cứ giá nào cũng phải tìm cho được họ.

Trong thăm thẳm của núi rừng Trường Sơn hùng vĩ, cuộc kiếm tìm còn khó hơn “mò kim đáy bể”. Một tháng, hai tháng rồi bốn tháng trôi qua, tiểu đội biên phòng tìm kiếm trong vô vọng. Thực ra họ cũng đã một lần tìm thấy dấu vết của những “người rừng” này nhưng không thể nào tiếp cận được bởi càng đến gần thì “người rừng” lại càng di chuyển vào sâu hơn và mất hút trong đại ngàn mênh mông. Và khi các chiến sỹ đã rã rời, mệt mỏi, bế tắc thì may mắn có các già bản người Mày là những người bản địa am hiểu về rừng đã đến giúp đỡ để tìm ra chỗ trú ẩn của những người Rục. Trong hang đá sâu thẳm và lạnh lẽo, tộc người Rục chỉ còn lại vỏn vẹn 34 con người co ro, sự hãi khi gặp các chiến sỹ biên phòng và già làng người Mày. Và rồi phải mất hơn một ngày vận động, thuyết phục với những lời lẽ chí tình, chí lý những người Rục mới chịu “rời hang, xuống núi” theo bộ đội về với bản Ón, Mò O Ô Ồ ở xã Thượng Hoá để hoà nhập với cộng đồng các dân tộc nơi đây.

Tuy nhiên, việc “hạ sơn” của người Rục đến đây chưa phải là đoạn kết, bởi họ còn có nhiều lần trở lại với rừng, với hang đá với cách sống nguyên thuỷ của mình. Lần gần đây nhất là năm 1989, khi trận dịch lỵ tràn qua bản đã làm chết gần một nữa số người Rục làm cho họ khiếp sợ mà trở lại với rừng. Và cứ mỗi lần như vậy, không ai khác chính là những cán bộ, chiến sỹ biên phòng Đồn 585 phối hợp với các cấp chính quyền nơi đây đi vận động, thuyết phục đồng bào trở lại với bản làng… “Bây giờ thì đồng bào mình không dại để bỏ bản vào rừng sống trong hang đá nữa. Đồng bào mình từ 34 con người bên bờ vực của diệt vong giờ đã là 764 người” - già làng Cao Chơn kết thúc câu chuyện “rời hang, xuống núi” đến với thế giới văn minh của người Rục như vậy.

* Đến việc giúp đồng bào làm “cách mạng” thay đổi ý thức

Đưa đồng bào “rời hang, xuống núi” đã khó, giữ đồng bào lại càng khó hơn, Trung tá Trịnh Thanh Bình tâm sự. Đã bao lần “trái gió, trở trời” hoặc có chút khó khăn là đồng bào lại “thượng sơn” mất hút. Ví như Dự án “Bảo tồn, phát triển đồng bào Rục” vào những năm cuối của thập niên 90, đầu tư gần 30 tỷ đồng với điện, đường, trường, trạm, nhà, đất sản xuất…cho đồng bào Rục của Nhà nước được xem là cơ bản lắm. Vậy mà cũng có một số người Rục được phân đất thì không chịu sản xuất, được phân nhà thì không chịu ở, lại cứ đòi vào rừng, vào hang đá sống… Cũng vì lối sống ỷ lại nên đói no của cuộc đời mình họ phó mặc cho số phận, phó mặc cho việc cứu trợ, giúp đỡ của bộ đội biên phòng, của chính quyền và của các tổ chức nhân đạo. Một thời gian nếu ai đã từng đến với đồng bào Rục đều biết, đồng bào “đói không lo, no không mừng” vì tất cả đã có Đảng và Nhà nước lo. Và vì vậy, theo Đồn trưởng Trịnh Thanh Bình, ngoài hàng trăm việc phải làm, muốn giúp đồng bào, trước tiên phải thay đổi ý thức, cách nghĩ của họ. Đó mới chính là cuộc “cách mạng” mà hết lớp cán bộ, chiến sỹ này đến lớp cán bộ chiến sỹ khác ở Đồn Biên phòng 585 thay nhau thực hiện…

Trước hết là việc học, ngay từ khi bản Ón, Mò O Ồ Ồ, Yên Hợp còn nằm biệt lập giữa bốn bề núi đá vôi chỉ thông ra bên ngoài bằng con đường đi rộng “chỉ tày gang”, trên lởm chởm đá núi tai mèo sắc nhọn thì Đồn Biên phòng 585 đã cử cán bộ về bám bản, bám làng thực hiện “4 cùng” với đồng bào, giúp đồng bào xoá mù chữ. Chuyện dạy con chữ ở đây cũng không dễ được đồng bào tiếp nhận bởi “con chữ không làm no cái bụng” nên đồng bào Rục đã không chịu đi học lại cấm luôn cả con trẻ. Và thế là lại vận động, lại thuyết phục để kéo từng người đến lớp. Cứ thế năm lại năm, số trẻ đến trường ở các bản người Rục ngày một đầy đủ hơn, số người biết chữ cũng nhiều hơn. Bây giờ, ý thức cho trẻ đến trường của đồng bào đã thấm sâu nên hàng năm 100% số trẻ trong độ tuổi đều được đi học. Đồng bào Rục cũng lần đầu tiên có một học sinh là anh Hồ Tiến Nam thi đỗ vào trường đại học, một niềm vui quá lớn và là niềm động viên sâu sắc cho các thế hệ sau kế tiếp.

Giúp đồng bào phát triển sản xuất, cán bộ biên phòng ở Đồn 585 đã phân công, cử cán bộ, lập các tổ, đội cắm bản để kiên trì theo cách thực hiện cầm tay chỉ việc. Nói thì dễ vậy nhưng thú thực để thay đổi nếp nghĩ, ý thức, tập quán của đồng bào sao mà khó - Trung tá Bình chia sẻ. Với những con người mà tập quán sản xuất là săn bắt, hái lượm đã tồn tại bao đời, rõ ràng là muốn thay đổi phải kiên trì dài lâu theo kiểu “mưa dầm thấm đất”. “Bây giờ đồng bào mình đã khá hơn rồi, đã biết trồng cây sắn, cây ngô trên triền đồi, biết nuôi con lợn, con gà, chăn nuôi con bò, con trâu để kiếm cái ăn. Tất cả là nhờ Bộ đội Biên phòng Đồn 585 cầm tay chỉ việc đấy”- già làng Cao Chơn không dấu được cảm xúc khoe với chúng tôi như vậy.

Mới đây nhất, tiếp tục thay đổi ý thức, phương thức sản xuất, giúp đồng bào tiếp cận trồng cây lúa nước, Bộ đội Biên phòng Quảng Bình đã đầu tư trên 5,2 tỷ đồng cùng hàng ngàn ngày công để xây dựng nên cánh đồng lúa 2 vụ Rục Làn rộng gần 10 ha ngay chính nơi đồng bào đang sinh sống. Cánh đồng Rục Làn được đầu tư với đầy đủ bờ vùng, bờ thửa, hệ thống thuỷ lợi quy củ lấy nước từ suối nguồn Rục Làn. Bằng cách học thực tế “cầm tay chỉ việc” của cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng 585, giờ đây đồng bào Rục đã tự tin với việc gieo trồng, chăm bón, phòng trừ sâu bệnh cũng như thu hoạch lúa. Hai vụ mùa vừa qua, là một thắng lợi lớn mà đồng bào chưa bao gìơ dám mơ đến. Năng suất lúa đạt trên 4 tấn/ha, nhiều gia đình đồng bào Rục trước đây còn thấp thỏm ngày ba tháng tám chờ gạo cứu đói của Nhà nước thì bây giờ đã tự tin và chủ động hơn trong việc lo cuộc sống. Nhiều gia đình đồng bào Rục đã thu được vài tạ lúa/vụ; trong đó, trường hợp đặc biệt như ông Cao Tiến Thuỳnh ở bản Mò O Ồ Ồ thu được mỗi vụ cả tấn. Đến xã Thượng Hoá, vào các bản Ón, Mò O Ồ Ồ, Yên Hợp của người Rục có thể cảm nhận được ngay không khí cuộc “cánh mạng” thay đổi ý thức của đồng bào do Bộ đội Biên phòng thực hiện khi bước chân đến bất kỳ ngôi nhà nào, gặp bất kỳ ai cũng toàn nghe nói chuyện về sản xuất, về gieo trồng, về chăm sóc cây lúa nước. Vụ lúa đông xuân vừa rồi, tranh thủ thời tiết ấm áp, khi không khí Tết Nguyên đán hãy còn nồng lắm trong các nếp nhà ở đây nhưng đồng bào Rục không ai bảo ai ý thức, chủ động cùng các chiến sỹ biên phòng tranh thủ xuống đồng cho kịp lịch thời vụ.

Chia tay Thượng Hoá và đồng bào Rục khi mùa xuân vẫn còn bảng lảng đâu đây và không khí kỷ niệm 53 năm ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng đã tràn lên khắp nẻo làm cho chúng tôi miên man bao nhiêu suy nghĩ. 53 năm đồng bào Rục rời hang, xuống núi từ bỏ kiếp sống “người rừng” nguyên thuỷ để đến cuộc đời mới hiện đại văn minh. Và 53 năm đó, từ ngày đầu được phát hiện cho đến cuộc sống bây giờ, ở đâu cũng thấy dấu chân đưa lối, chỉ đường, giúp đỡ thắm đượm tình quân dân của cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng Quảng Bình nói chung và đồn 585 xã Thượng Hoá nói riêng./.

Mạnh Thành/TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất