Thứ Bảy, 28/9/2024
Đời sống
Thứ Sáu, 2/3/2012 16:54'(GMT+7)

Trăn trở Cao Ngạn

Vẫn còn nghèo

Hiện thôn có 60 hộ gia đình, 219 nhân khẩu, đời sống kinh tế gắn với trồng trọt và chăn nuôi, chủ yếu là bò với đàn khoảng 245 con, đây cũng chính là nguồn thu nhập chính của mỗi gia đình. Thôn Cao Ngạn có hơn 50 ha đất tự nhiên nhưng chỉ 8,5ha đất có thể canh tác được lúa ruộng bậc thang (3,5 ha canh tác 2 vụ, 5 ha canh tác 1 vụ), tuy nhiên năng suất rất thấp, khoảng 35 - 40 ang/sào do phụ thuộc vào nguồn nước mưa và đập bổi (đập thời vụ), dường như năm nào các gia đình trong làng cũng thiếu ăn 3 tháng phải đi mua gạo. Một thế mạnh kinh tế của Cao Ngạn là trồng keo với hơn 20 ha keo trên 10 năm tuổi được trồng trên 2 ngọn núi Chóp Chài và Núi Gai quanh làng nhưng đến nay không thể khai thác vì đường thôn quá nhỏ xe tải không thể vào vận chuyển được.

Người dân thôn Cao Ngạn vẫn còn nghèo. Ảnh: VL


Theo ông Nguyễn Văn Đường, trưởng thôn Cao Ngạn thì hiện thôn vẫn còn 18 gia đình thuộc hộ nghèo, chỉ có 14 hộ khá, không có hộ giàu, thu nhập bình quân khoảng 420 kg lúa/người; hơn 30 hộ gia đình còn ở nhà tạm và chưa có công trình vệ sinh; trẻ em từ 1 - 5 tuổi không được đến mẫu giáo vì thôn chưa có nhà giữ trẻ; học sinh lớp 1 và 2 phải học ghép cùng một phòng học duy nhất giữa làng do trường ngoài xã quá xa. Phòng học cũng là nơi tổ chức các hoạt động sinh hoạt, họp hành của thôn; phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao nhiều năm qua vẫn chưa có nhiều khởi sắc….

Hệ thống giao thông nội thôn còn khá lầy lội nhất là mùa mùa, ngoài con đường chính từ bờ đập dẫn vào làng dài gần 3,5 km rộng 1,2m đã được bê tông hóa thì những ngõ ngách trong làng đa phần là đường đất, nhiều ngôi nhà bên kia suối như nhà bà Ung Thị Du (di tích lịch sử cách mạng đã được xếp hạng) vẫn còn bị cô lập do chưa có cầu qua lại.

Ông Nguyễn Văn Đường cho rằng, để nâng cao đời sống người dân Cao Ngạn ngoài sự nỗ lực của nhân dân nơi đây cũng cần có sự hỗ trợ giúp sức từ nhà nước nhất là có chính sách cho vay lãi suất ưu đãi để nhân dân thôn có điều kiện để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, theo ông Đường vấn đề cấp thiết nhất của nhân dân Cao Ngạn bây giờ là cần nâng cấp mở rộng con đường bê tông vào thôn vì con đường hiện nay là quá nhỏ “cứ tưởng tượng xây một cái nhà mà từ cát sạn đến xi măng chỉ chở được bằng xe máy, xe bò kéo còn không được nói chi đến xe tải vào” ông Đường dẫn dụ.

Thôn vẫn còn nhiều ngôi nhà tạm. Ảnh:VL


Sáng lên những niềm tin

Tuy đời sống người dân Cao Ngạn còn nhiều khó khăn nhưng vẫn ánh lên những điểm sáng đáng tự hào. Các phong trào đền ơn đáp nghĩa, tương thân tương ái, tình làng nghĩa xóm giúp đỡ nhau luôn được duy trì thường xuyên, trở thành nét đẹp hằng ngày của người dân nơi đây. Phong trào “hũ gạo tình thương”, “quỹ thôn” …đã góp phần hỗ trợ kịp thời cho các gia đình neo đơn, khuyến khích học sinh nghèo hiếu học trong làng. Số tiền trên cũng được dùng làm nguồn cho các hộ gia đình khó khăn có con đi học vay với lãi suất tượng trưng nhằm lo tiền sách vở, học hành… Từ quỹ này, nhiều học sinh thuộc gia đình khó khăn đã được tiếp sức đến trường, hầu như không có học sinh nào trong thôn bỏ học giữa chừng, không ít em đã được tiếp tục học lên những bậc cao hơn. Tính đến năm 2011 toàn thôn có tổng cộng 14 em đang theo học các trường trung cấp, cao đẳng và đại học trong cả nước. Nhiều hộ như gia đình ông Nguyễn Tư, gia đình trưởng thôn Nguyễn Văn Đường ... dù khổ cực vẫn có con theo học đại học. Đặc biệt, gia đình ông Nguyễn Văn Đường có 4 con thì 3 con đã học đại học, 1 đang học lớp 12 tại thị trấn Hà Lam, đây thực sự là điểm sáng đáng tự hào của Cao Ngạn nếu biết từ năm 2006 về trước cả thôn chưa có em nào vào được trường đại học.

Một thôn có 18/60 gia đình thuộc diện chính sách, 2 Bà mẹ VNAH, 2 di tích lịch sử cách mạng đã được UBND tỉnh xếp hạng cùng một quá khứ hào hùng trong suốt những năm tháng chiến tranh giải phóng dân tộc, xứng đáng để hưởng một cuộc sống no đủ, đó cũng chính niềm hy vọng, tin tưởng của những ai đã từng đến với Cao Ngạn nhưng đó vẫn là một quá trình dài, trước mắt dường như cuộc sống người dân nơi đây vẫn còn nhiều khổ cực, cần lắm sự quan tâm chung sức của các cấp ngành để người dân Cao Ngạn hôm nay vươn lên giảm nghèo xây dựng một cuộc sống ấm no hạnh phức./.

Vĩnh Lộc (Quảng Nam)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất