Thứ Bảy, 28/9/2024
Đời sống
Thứ Sáu, 2/3/2012 14:14'(GMT+7)

Công đoàn Việt Nam không ngừng đổi mới vì mục tiêu đại diện và bảo vệ người lao động

 Trong khuôn khổ các chương trình thí điểm về đổi mới phương thức tập hợp đoàn viên và tăng cường mối liên hệ giữa công đoàn cấp trên với công đoàn cơ sở và người lao động (NLĐ), sáng 2/3, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN) phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức Hội nghị Quan hệ lao động (QHLĐ) với chủ đề “Các sáng kiến đổi mới của của Công đoàn Việt Nam vì mục tiêu đại diện và bảo vệ NLĐ”

Tham dự Hội nghị có Phó Chủ tịch TLĐLĐVN Nguyễn Văn Ngàng; Giám đốc Văn phòng ILO tại Hà Nội Gyorgy, cùng đại diện các dự án, đại diện công đoàn các địa phương thực hiện thí điểm.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Văn Ngàng nhấn mạnh: kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam trong thời gian qua chỉ ra một trong những yếu tố quan trọng, quyết định sự ổn định, hài hoà của QHLĐ là nâng cao năng lực đại diện của các chủ thể, đặc biệt là tổ chức Công đoàn. Các hoạt động thí điểm của TLĐ bắt đầu thực hiện từ tháng 11/2010 tại 8 đơn vị, thuộc 5 liên đoàn lao động tỉnh, thành phố. Được sự hỗ trợ của ILO, TLĐLĐVN đã triển khai 2 thí điểm về “Đổi mới cách thức tổ chức đoàn viên, thành lập tổ chức công đoàn cơ sở” và “Đẩy mạnh mối liên hệ giữa CĐ cấp trên với công đoàn cơ sở và NLĐ”. Kết quả các hoạt động thí điểm sẽ là mô hình thực tiễn quan trọng đối với việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của CĐVN, nhằm xây dựng QHLĐ hài hoà, tiến bộ trong doanh nghiệp; đồng thời có ý nghĩa quan trọng để TLĐ tham gia có hiệu quả vào quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật lao động ở Việt Nam. Hội nghị là dịp để các nhà hoạch định chính sách và cán bộ công đoàn các cấp hiểu thêm thực tiễn, những vấn đề phát sinh chưa được giải quyết, nhằm đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Công đoàn Việt Nam vì mục tiêu đại diện, bảo vệ quyền lợi NLĐ.

Ông Gyorgy , Giám đốc Văn phòng ILO tại Hà Nội cho rằng Hội nghị là dấu mốc quan trọng trong nỗ lực của Việt Nam nhằm xây dựng quan hệ lao động hài hoà trong giai đoạn chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN. ILO cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ TLĐLĐVN phổ biến những phương pháp mới và biến chúng trở thành các hoạt động và chương trình thường xuyên của TLĐ, nhằm tăng cường vai trò của mình trong QHLĐ.

Để tiếp tục khẳng định các hoạt động thí điểm TLĐ triển khai thời gian qua là phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, đồng thời tìm ra các mô hình và cách thức mới về tổ chức và hoạt động CĐ, tại Hội nghị các đại biểu đã thảo luận về nhiều nội dung khác nhau. Trong đó nổi lên là các vấn đề về đổi mới cách tiếp cận, tập hợp đoàn viên, thành lập công đoàn (tại khu công nghiệp của công đoàn các KCN Bình Dương); Nâng cao năng lực đại diện và hiệu quả hoạt động công đoàn dưới sự tham gia trực tiếp của công đoàn cấp trên của công đoàn cơ sở (Công ty Mabuchi Motor Việt Nam); Các giải pháp đổi mới nhằm nâng cao chất lượng thoả ước lao động tập thể với sự tham gia của người lao động và sự hỗ trợ trực tiếp của công đoàn cấp trên...

Các đại biểu đã đưa ra nhiều ví dụ điển hình về đổi mới cách thức tiếp cận, tập hợp đoàn viên, thành lập công đoàn; nâng cao năng lực đại diện và hiệu quả hoạt động công đoàn dưới sự tham gia trực tiếp của công đoàn cấp trên; thương lượng tập thể hiệu quả với sự tham gia trực tiếp của người lao động và công đoàn cấp trên; thương lượng tập thể nhóm doanh nghiệp…

Tại hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ những bài học kinh nghiệm và những khuyến nghị rút ra từ những hoạt động thí điểm đối với TLĐLĐVN và Nhà nước như: sự cần thiết đổi mới phương thức hoạt động công đoàn theo cách từ dưới lên trên, bảo đảm sự tham gia thực chất của NLĐ; Khẳng định vai trò, tầm quan trọng và tính khả thi của việc thực hiện cơ chế tham vấn, đối thoại thường xuyên tại nơi làm việc…/.


TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất