Giờ G mà Thủ tướng Theresa May đã thỏa thuận với Liên minh châu Âu (EU) vào tháng 3 vừa qua về việc nước Anh rời khỏi EU, hay còn gọi là Brexit, vẫn chưa thành hiện thực.
Thỏa thuận Brexit của Thủ tướng May từng bị bác bỏ 3 lần tại Quốc hội
Anh, buộc bà phải xin gia hạn Brexit 2 lần và hạn chót là ngày 31/10 tới
đây Anh sẽ phải chính thức rời EU.
Thế nhưng, những ngày qua trên chính
trường nước Anh lại nổi cơn “sóng gió” khi mà dự thảo kế hoạch mới của
bà May chưa công bố chính thức đã vấp phải sự phản ứng ngay trong nội
các cũng như Công đảng đối lập.
Với quyết tâm sẽ không rời khỏi EU trừ
phi thỏa thuận Brexit của nước này có thể nhận được sự ủng hộ của các
đảng phái chính trị trong Quốc hội, nên hồi tháng trước, Thủ tướng May
quyết định tổ chức đàm phán với Công đảng đối lập với hy vọng sẽ tìm ra
lối thoát cho những bế tắc hiện tại.
Trong đàm phán, mong muốn của Công đảng
là duy trì mối quan hệ thương mại gần gũi với EU nhưng đã vấp phải sự
phản đối của rất nhiều nghị sỹ đảng Bảo thủ cầm quyền và đây chính là
một trở ngại rất lớn với mục tiêu kể trên.
Lãnh đạo Công đảng cũng hoài nghi về khả
năng Thủ tướng May có thể vận động nội bộ đảng Bảo thủ ủng hộ bất kỳ
thỏa hiệp nào mà hai bên đạt được sau đàm phán.
Tuy nhiên, sau 3 lần thất bại trong việc
đạt được phê chuẩn của Quốc hội đối với thỏa thuận Brexit, Chính phủ
Anh hiện tiếp tục thúc đẩy dự luật trước Quốc hội để đưa ra bỏ phiếu vào
đầu tháng 6 tới.
Trong bài viết trên tờ Sunday Times, Thủ
tướng Anh cho biết: "Tôi sẽ không đơn giản yêu cầu các nghị sĩ cân nhắc
lại. Thay vào đó, tôi sẽ đề nghị họ xem xét một thỏa thuận mới và được
cải tiến với một cặp mắt tươi mới và quyết định ủng hộ".
Ngày 21/5 Công đảng đối lập khẳng định
sẽ không ủng hộ nỗ lực mới nhất của Thủ tướng May nhằm cứu vãn tiến
trình Brexit - sau khi bà May đề xuất một số vấn đề nhằm phá vỡ thế bế
tắc tại Quốc hội và thông qua thỏa thuận mà bà đã đàm phán với EU.
Trao đổi với truyền thông, lãnh đạo Công
đảng Jeremy Corbyn cho biết: "Chúng tôi không thể ủng hộ dự thảo này
bởi vì nó cơ bản là bản chỉnh sửa những vấn đề mà chúng tôi đã thảo luận
trước đó".
Đáng chú ý, ngày 22/5, lãnh đạo Hạ viện
Anh - thành viên cấp cao của nội các chịu trách nhiệm về các công việc
của chính phủ Anh tại Hạ viện, bà Andrea Leadsom đã tuyên bố rút khỏi
nội các của Thủ tướng May, với lý do không còn ủng hộ chiến lược của
Chính phủ trong tiến trình Brexit. Trong thư từ chức trình Thủ tướng, bà
Leadsom nêu rõ bà không còn tin tưởng cách tiếp cận hiện nay của Chính
phủ có thể thực thi kết quả trưng cầu ý dân về Brexit năm 2016.
Nhưng người phát ngôn của Văn phòng Thủ
tướng Anh cho biết Thủ tướng May đã bày tỏ thất vọng về lý do quyết định
từ chức của bà Leadsom, song nhà lãnh đạo Anh sẽ vẫn tập trung thực thi
kết quả cuộc trưng cầu ý dân hồi năm 2016, theo đó người dân nước này
đồng ý Anh rời khỏi EU.
Trong khi đó, trao đổi với đài truyền
hình quốc gia RTE ngày 21/5, sau khi bà May đưa ra các kế hoạch nhằm đẩy
nhanh cuộc đua với phe đối lập ở London, Thủ tướng Ireland ông Leo
Varadkar - một bên chủ chốt trong các cuộc đàm phán Brexit, cho rằng:
"Chúng tôi đã luôn khẳng định rằng dự thảo thỏa thuận rút lui này không
mâu thuẫn với ngữ nghĩa hay tinh thần của thỏa thuận rút lui, bao gồm
chốt chặn Ireland, vì thế đây là thứ gì đó mà chúng tôi có thể chấp nhận
được. Vì nó vẫn chưa được công khai nên chúng tôi chưa có quan điểm
chính thức về điều đó... Theo như những gì tôi biết, có vẻ thỏa thuận
mới này là được và sẽ được chấp nhận".
Trước đó, Bộ trưởng phụ trách vấn đề
Brexit của Anh, ông Stephen Barclay cảnh báo thỏa thuận Brexit mà Thủ
tướng May đạt được với EU cuối năm ngoái sẽ "chết" nếu như dự luật rút
khỏi EU này tiếp tục bị Hạ viện bác bỏ trong cuộc bỏ phiếu diễn ra vào
tháng 6 tới.
Trong khi đó, ông Frans Timmemans, Phó
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), hiện cũng đang là ứng cử viên hàng đầu cho
vị trí Chủ tịch EC trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu tới đây, cho
rằng vấn đề Brexit của Anh chẳng khác gì "trò chơi vương quyền" (một bộ
phim giả tưởng của Mỹ).
Theo ông Frans Timmemans, những hỗn loạn
chính trị đang diễn ra tại Anh sẽ là lời cảnh báo cho những ai đang bị
chủ nghĩa dân túy cám dỗ. Ông Timmemans nói: "Hãy nhìn vào những sự chia
rẽ mà do Brexit gây ra với Vương quốc Anh. Hôm nay, Vương quốc Anh
giống như bộ phim 'Trò chơi Vương quyền' và đó chính là lý do dẫn đến
những chia rẽ chính trị".
Như vậy là gần 3 năm sau khi sau cuộc bỏ
phiếu "gây sốc" với kết quả cử tri đồng ý để nước Anh rời khỏi "ngôi
nhà chung" hồi tháng 6/2016, Anh vẫn là thành viên EU, chính giới nước
này vẫn chia rẽ sâu sắc, thậm chí bế tắc khi không thể nhất trí chi tiết
cho thỏa thuận "ly dị".
Nếu như dự luật Thủ tướng May trình Quốc
hội vào 3/6 tới lại tiếp tục bị bác bỏ, nước Anh sẽ đối mặt với 2 khả
năng: Hoặc xứ sở sương mù sẽ rời EU mà không có thỏa thuận, hoặc Anh sẽ
rút lại điều khoản 50 - điều này đồng nghĩa sẽ không có Brexit nữa.
Vậy là sau 3 năm cả nước Anh lẫn EU tốn
không biết bao nhiêu các cuộc đàm phán, các cuộc tranh luận triền miên
trên các phương tiện truyền thông, trong các cuộc hội thảo, các cuộc
tuần hành ủng hộ lẫn phản đối… thì câu hỏi : Brexit- “tồn tại hay không
tồn tại” cho đến giờ phút này vẫn còn bỏ ngỏ.
Thế mới hay, đến với nhau đã khó, mà khi chia tay cũng đâu phải dễ dàng!./.
Tuyết Minh (VGP)