Việt Nam không chỉ là quốc gia có truyền thống văn hóa lâu đời mà còn là một dân
tộc đa tôn giáo, tín ngưỡng. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng và Nhà
nước ta luôn khẳng định chủ trương, chính sách nhất quán là tôn trọng, bảo đảm
quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào các dân tộc Việt Nam.
Nghị quyết Đại hội XI của Đảng nêu rõ: “Tôn trọng
và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo của
nhân dân theo quy định của pháp luật”(1); đồng thời xác định chủ trương: “Phát
huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo; động viên các tổ
chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống tốt đời, đẹp đạo, tham gia đóng góp tích
cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(2). Như vậy, quan điểm của Đảng ta
không chỉ tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo mà còn đánh giá cao vai trò
của các tôn giáo đối với dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tính đến năm 2011, cả nước có 12 tôn giáo với 37
tổ chức tôn giáo được công nhận tư cách pháp nhân hoạt động trong khuôn khổ pháp
luật, với hơn 30 triệu tín đồ, hơn 100.000 chức sắc và nhà tu hành đang hoạt
động tại hơn 24.000 cơ sở thờ tự trên cả nước. Việc mở trường và đào tạo chức
sắc tôn giáo luôn được Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi. Nếu như năm 1993, Phật
giáo có 22 trường cao cấp và trung cấp Phật học, đến nay đã có 4 học viện Phật
giáo và nhiều trường cao đẳng, trung cấp Phật học. Giáo hội Công giáo có 6 Đại
chủng viện với 1.085 chủng sinh và 1.712 chủng sinh dự bị. Nhà nước còn tạo điều
kiện cho các tu sĩ đi học tập, hội thảo nâng cao trình độ ở nước ngoài, một số
người đã bảo vệ thành công luận văn, luận án thạc sĩ, tiến sĩ về tôn giáo.
Các cơ sở thờ tự của tôn giáo được pháp luật Việt
Nam bảo hộ. Đến nay, cả nước có 14.321 ngôi chùa, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật
đường; Thiên chúa giáo có 6.003 nhà thờ, nhà nguyện; Tin lành có gần 500 nhà
thờ, nhà nguyện; Cao Đài có 1.284 thánh thất; Phật giáo Hòa Hảo có 522 chùa, hội
quán; Hồi giáo có 89 thánh đường... Riêng đạo Tin lành ở các tỉnh Tây Nguyên,
năm 1975 có hơn 50 nghìn người theo đạo Tin lành ở 200 buôn, đến nay tăng lên
với gần 500 nghìn người ở 18.000 buôn. Địa bàn Tây Nguyên và Tây Bắc có gần 2000
điểm nhóm đạo Tin lành đăng ký sinh hoạt tôn giáo với chính quyền cơ sở. Trong
các ngày lễ Nô-en của đạo Công giáo, lễ Phật đản của Phật giáo… đều được chính
quyền các cấp tạo điều kiện tổ chức và lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến chúc mừng,
động viên. Quan hệ đối ngoại của các tôn giáo Việt Nam ngày càng mở rộng; Tòa
thánh Va-ti-căng đã bổ nhiệm Đặc phái viên không thường trú tại Việt Nam. Tháng
12-2012, Hội đồng Giám mục Việt Nam đăng cai tổ chức thành công Hội nghị Liên
hội đồng Giám mục Á Châu tại Việt Nam, với sự tham dự của nhiều Giám mục các
nước ở châu Á và đại diện Tòa thánh Va-ti-căng. Các tổ chức tôn giáo duy trì tốt
những hoạt động đào tạo, bồi dưỡng chức sắc, phong chức, phong phẩm và bổ nhiệm
chức sắc, chức việc nhà tu hành tôn giáo. Trong năm 2011, có 669 người được các
tổ chức tôn giáo phong chức, phong phẩm; 1.153 người được bổ nhiệm; 2.444 người
tốt nghiệp hoặc hoàn thành các khóa bồi dưỡng, đào tạo từ các trường đào tạo tôn
giáo; 1.082 cơ sở thờ tự trong phạm vi cả nước được xây dựng, sửa chữa.
Việc xuất bản kinh sách luôn được Nhà nước Việt
Nam quan tâm, hỗ trợ; đã hoàn thành in 30.000 cuốn Kinh thánh bằng các tiếng
Ba-na, Ê-đê, Gia-rai, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt tôn giáo của các tín
đồ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Năm 2010, Nhà xuất bản Tôn giáo
đã cấp phép xuất bản 1.100 ấn phẩm liên quan đến tôn giáo, trong đó 791 đầu sách
với 2.881.600 bản in; đồng thời hỗ trợ in kinh, sách phật giáo Nam tông Khơ-me.
Năm 2011 đã thẩm định và cấp phép xuất bản 1.004 đầu sách và ấn phẩm về tôn giáo
với hơn 2,5 triệu bản, trong đó tổ chức in Kinh Thánh Tin lành bằng tiếng Mông
hệ chữ cái La-tinh và làm thủ tục xuất bản kinh Cô-ran song ngữ Việt Nam -
Ả-rập; Kinh sách của Phật giáo cũng sẽ được in bằng tiếng Khơ-me…
Những thành tựu đó chứng minh ở Việt Nam, tín đồ
và chức sắc các tôn giáo được tạo mọi điều kiện thuận lợi để hành đạo. Họ gắn bó
với quốc gia, dân tộc theo phương châm: “Đạo pháp, dân tộc và chủ nghĩa xã hội”,
thực hiện “sống phúc âm trong lòng dân tộc”, “nước vinh, đạo sáng”, với tấm lòng
“kính chúa, yêu nước”; vừa làm tròn bổn phận của tín đồ đối với tôn giáo, vừa
hăng hái lao động sản xuất, tham gia các hoạt động xã hội, góp phần quan trọng
thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội trong sự nghiệp đẩy
mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thực tiễn tình hình tín ngưỡng, tôn
giáo ở Việt Nam trong hơn 27 năm đất nước thực hiện công cuộc đổi mới được nhiều
cá nhân và tổ chức quốc tế ca ngợi. Thượng nghị sĩ Mỹ Jim Webb - Chủ tịch Tiểu
ban Đông Á - châu Á - Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đánh
giá: Cho dù vẫn còn những quan điểm cá nhân về một vài vụ việc cụ thể liên quan
đến tự do tôn giáo tại Việt Nam, nhưng không thể phủ nhận những tiến bộ về tự do
tôn giáo tại Việt Nam, nhất là từ năm 1991 đến nay(3). Nếu Việt Nam hạn chế tôn
giáo, vi phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo thì các tổ chức tôn giáo không thể xác
lập được vị trí và phát triển ổn định như hiện nay.
Thực tiễn sinh động về tín ngưỡng, tôn giáo ở
Việt Nam là bằng chứng để chúng ta kiên quyết đấu tranh, bác bỏ những luận điệu
xuyên tạc, cáo buộc của các thế lực thù địch về tình hình tín ngưỡng, tôn giáo
và chính sách tự do tôn giáo của Việt Nam hiện nay. Đó cũng là cơ sở để chúng ta
đấu tranh ngăn chặn và làm vô hiệu hóa các “đạo lạ”, “tạp giáo”, “tà giáo” gây
chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phá hoại sự nghiệp đổi mới đất nước do
Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công
bằng, văn minh”./.
____________
(1) (2) ĐCSVN: Văn kiện Đại
hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. CTQG, H,
2011, tr.81, tr.245.
(3) Xem: http://chuyentrang.tuoitre.vn/Vieclam/
Đại tá, ThS. Nguyễn Đức Thắng (QĐND)