Thứ Ba, 3/12/2024
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Thứ Ba, 17/9/2013 13:25'(GMT+7)

Kon Tum: Triển khai đồng bộ các loại hình thông tin, giáo dục về phòng, chống ma túy

Tuổi trẻ Kon Tum hưởng ứng tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2013

Tuổi trẻ Kon Tum hưởng ứng tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2013

Theo đó, công tác quán triệt, tuyên truyền được triển khai rộng khắp trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tinh thần tự giác đấu tranh, phòng chống với tội phạm nói chung, tội phạm ma tuý và tệ nạn xã hội nói riêng của quần chúng nhân dân ngay từ trong mỗi gia đình, tổ dân phố được đề cao. Tinh thần tự giác tham gia vào các hoạt động phòng ngừa, đấu tranh trong phòng, chống ma tuý của quần chúng nhân dân, cán bộ, đảng viên được nâng lên rõ rệt.

Hàng năm, tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo triển khai mở các đợt cao điểm phòng, chống ma tuý nhân “Tháng hành động phòng, chống ma túy”, “Ngày toàn dân phòng, chống ma túy” trên địa bàn toàn tỉnh; lập hộp thư tố giác tội phạm trên mạng Internet và thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để quần chúng nhân dân biết, tham gia góp ý và thông báo thông tin về tội phạm. Các lực lượng chuyên trách thuộc Công an tỉnh đã triển khai kế hoạch phòng, chống các loại tội phạm; đồng loạt ra quân mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp các loại tội phạm; đảm bảo trật tự an toàn xã trên địa bàn. Đẩy mạnh việc thực hiện quy chế phối hợp kiểm soát tội phạm trên tuyến biên giới, cửa khẩu; phòng chống tội phạm, ma tuý trong học đường và công nhân viên chức lao động; giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội… tổ chức ký kết và triển khai thực hiện Quy chế phối hợp về phòng, chống ma tuý giữa Công an tỉnh và Cục Hải quan Gia Lai-Kon Tum.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, các lực lượng chức năng đã kiên quyết đấu tranh, phát hiện, bắt giữ nhiều đối tượng mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma tuý, triệt phá nhiều ổ nhóm sử dụng ma tuý được dư luận nhân dân đánh giá cao. Qua 5 năm thực hiện, đã phát hiện và bắt giữ 115 vụ - 150 đối tượng phạm tội vận chuyển, mua bán, tàng trữ trái phép chất ma tuý. Thu 414,9721 gam herôin, 11,08 gam Methamphetamin, 4000 viên ma tuý tổng hợp và một số tài sản có giá trị khác, trong đó đã khởi tố và điều tra làm rõ 78 vụ, 92 bị can (đạt 100%); xử phạt hành chính 32 vụ, 58 đối tượng; hiện đang xác minh 05 vụ. Đáng chú ý, lần đầu tiên phát hiện ma tuý tổng hợp được vận chuyển từ Lào vào địa bàn tỉnh qua cửa khẩu Quốc tế Bờ Y với số lượng lớn. Lực lượng Biên phòng tỉnh Kon Tum đã phối hợp công an Lào bắt giữ 04 đối tượng (03 người Lào, 01 người Việt Nam), thu giữ 4000 viên ma tuý tổng hợp, phá 02 đường dây mua bán, vận chuyển trái phép ma tuý từ các tỉnh Xavanakhet-Xalavan-Chămpasắc-Atapư (Lào) vào Kon Tum (Việt Nam).

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng chống ma ở Kon Tum trong những năm qua vẫn tồn tại một số mặt hạn chế như: công tác triển khai thực hiện Chỉ thị 21-CT/TW chưa được quan tâm, chỉ đạo kịp thời; nhận thức về vai trò, trách nhiệm và nhiệm vụ phòng, chống ma túy của một bộ người dân vẫn còn hạn chế. Lực lượng kiểm soát ma túy ở các khu vực biên giới tuy đã được củng cố nhưng vẫn còn mỏng; điều kiện, phương tiện và các trang bị kỹ thuật còn thiếu so với yêu cầu thực tế. Công tác quản lý cai nghiện hiệu quả chưa cao, việc quản lý người nghiện sau cai nghiện còn gặp nhiều khó khăn. Công tác hỗ trợ việc làm, thực hiện các chính sách xã hội đối với các đối tượng sau cai nghiện chưa được quan tâm đúng mức.

Xác định công tác phòng, chống ma túy là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và lâu dài, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum đã hết sức chú trọng, đề ra một số giải pháp và chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, lực lượng chức năng trong tỉnh tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả hơn trong thời gian tới như sau:

Một là: Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ đảng, chính quyền cơ sở trong công tác đấu tranh phòng, chống ma túy, coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của từng đơn vị, địa phương. Tổ chức rút kinh nghiệm, tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả hơn các nhiệm vụ, giải pháp được xác định tại Chỉ thị 21-CT/TW của Bộ Chính trị.

Hai là: Triển khai thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma tuý giai đoạn 2012-2015; Chiến lược quốc gia phòng, chống và kiểm soát ma tuý đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Triển khai đồng bộ các loại hình thông tin, giáo dục về nội dung, nhiệm vụ của Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy bằng nhiều hình thức phù hợp đối với từng loại đối tượng. Đặc biệt chú trọng tuyên truyền ở những tuyến, địa bàn trọng điểm, vùng sâu, vùng xa; khu vực biên giới, cửa khẩu.

Ba là: Tăng cường thực hiện phương pháp truyền thông trực tiếp, tổ chức nói chuyện và phát hành các tài liệu liên quan và phát huy vai trò của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể trong công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống ma túy. Đẩy mạnh công tác xây dựng và nhân rộng các mô hình, nhân điển hình trong phòng, chống ma túy tại địa bàn cơ sở.

Bốn là: Thực hiện có hiệu quả cơ chế phối hợp giữa các cấp, các ngành, đặc biệt là giữa các cơ quan thi hành pháp luật. Triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh; đẩy mạnh các hoạt động nghiệp vụ, kịp thời phát hiện, ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động phạm tội về ma túy. Chú trọng tăng cường phát triển quan hệ hợp tác quốc tế về mọi mặt với các tỉnh, huyện thuộc hai nước Lào, Campuchia có đường biên giới giáp với tỉnh Kon Tum; trong đó, có nội dung công tác đấu tranh ngăn chặn các hoạt động phạm tội về ma tuý.

Năm là: Tiếp tục phát động mạnh mẽ phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, từng bước tiến tới “xã hội hoá” công tác phòng chống tội phạm, phòng chống ma tuý. Có chính sách quan tâm hỗ trợ, tạo việc làm cho các đối tượng cai nghiện hoà nhập cộng đồng, ngăn chặn tình trạng tái nghiện...


Đinh Trang- Kim Sơn




Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất