Toàn thể dân tộc Việt Nam, các tầng lớp nhân dân ở trong nước cũng như đồng bào ta đang làm ăn sinh sống ở nước ngoài, với ý thức dân tộc, tình cảm gắn bó với quê hương, đất nước đều đồng tâm nhất trí với đường lối của Đảng, chủ động, tích cực tham gia công cuộc đổi mới do Đảng lãnh đạo.
Ý Đảng - Lòng dân - Phép nước đã thống nhất và hòa quyện làm một, tạo thành sức mạnh thúc đẩy đổi mới, làm nên sức sống của đổi mới, thành tựu phát triển đất nước như hiện nay. Đổi mới là sự gặp gỡ tất yếu và tự nhiên giữa những hối thúc của đời sống thực tiễn với những sáng kiến, sáng tạo của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân từ cơ sở, cùng với quyết sách đúng đắn, kịp thời của Đảng. Công cuộc đổi mới của Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo đã đáp ứng kịp thời những mong đợi của quần chúng nhân dân và nhận được sự ủng hộ, cổ vũ của đông đảo bạn bè, đối tác trên thế giới. Nhân dân ủng hộ đổi mới, tin tưởng vào Đảng của mình bởi chính những trải nghiệm trực tiếp từ thực tiễn đã đem lại cho người dân câu trả lời: Đảng vì dân, nên dân tin Đảng, theo Đảng. Đảng làm tất cả vì cuộc sống của dân, nên dân cũng làm tất cả để xây dựng và bảo vệ Đảng của mình. Đổi mới là động lực mạnh mẽ nhất của phát triển và đổi mới cũng chứng thực tin cậy nhất về sự đoàn kết, đồng thuận không gì phá vỡ nổi giữa dân với Đảng, giữa Đảng với dân. Thực tiễn ấy cũng minh chứng cho bước tiến và thành tựu dân chủ ở Việt Nam. Giá trị đích thực của dân chủ chỉ có thể tìm thấy trong cuộc sống của dân, vị thế của dân, niềm tin và hành động của dân với chủ thể cầm quyền được dân ủy quyền, với chính thể mà dân xây dựng. Sự thật lịch sử này phải được tôn trọng.
Nhờ đổi mới với những quyết sách chiến lược của Đảng, qua cương lĩnh, chiến lược, đường lối đã và đang thực thi mà đất nước đã vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng giữa thập kỷ 80 của thế kỷ XX, đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, đã mở cửa và hội nhập quốc tế để phát triển, để xây dựng nền tảng của một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Cũng nhờ có đổi mới mà cách mạng Việt Nam đã vượt qua thử thách hiểm nghèo khi xảy ra biến động chính trị đầy kịch tính ở Liên Xô và Đông Âu hơn 20 năm trước...
Đổi mới đã làm cho Đảng trưởng thành, nhân dân và dân tộc trưởng thành. Với dũng khí tự phê phán, nhận rõ trọng trách của mình trước vận mệnh của dân tộc và cuộc sống của nhân dân, Đảng ta tự đổi mới chính mình để thúc đẩy đổi mới xã hội. Thực tiễn và kinh nghiệm làm cho nhân dân thấy rõ, vai trò lãnh đạo và cầm quyền của Đảng là cần thiết và hệ trọng như thế nào đối với cuộc sống của chính mình. Từ người dân bình thường đến những người có học thức và học thức cao, từ những người cao tuổi đã dạn dày kinh nghiệm và trải nghiệm trong trường đời thực tiễn đến lớp trẻ ngày nay sinh ra và lớn lên trong đổi mới… đều hiểu và cảm nhận trực tiếp điều đó. Đảng Cộng sản Việt Nam - Đảng do Bác Hồ sáng lập và rèn luyện với lịch sử vẻ vang hơn 80 năm, trong đó đã cầm quyền liên tục gần 70 năm nay, từ sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, đã tồn tại và hoạt động chỉ vì Dân và Dân tộc. Đảng ta không có mục đích nào khác ngoài mục đích phụng sự Tổ quốc và nhân dân. Đảng không có lợi ích nào khác ngoài phấn đấu hy sinh để đem lại lợi quyền cho dân, để dân là chủ và làm chủ. Dân ủy thác cho Đảng trọng trách. Sứ mệnh, địa vị và trọng trách của Đảng là sự lựa chọn của dân, là sự tin cậy mà dân dành cho Đảng, đòi hỏi Đảng phải thực thi tốt nhất để không phụ lòng tin của dân. Đảng đã từng làm được như vậy vì dân, trong lịch sử vẻ vang của mình, cũng như hiện nay, Đảng đang nỗ lực tự vượt lên những hạn chế, khiếm khuyết của mình, ra sức tự chỉnh đốn, tự đổi mới để Đảng thực sự trong sạch vững mạnh, với sự giúp đỡ của toàn dân nhằm xứng đáng hơn nữa với sự ủy thác, tin cậy của dân.
Sự thật ấy cần phải thấy rõ và tôn trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Đảng chân chính cách mạng, quang minh chính đại không sợ bất cứ một cái gì, chỉ lo toàn tâm toàn ý làm điều lợi cho dân, tránh điều hại tới dân. Đảng công khai khuyết điểm sai lầm và có dũng khí, có quyết tâm sửa chữa, nhờ đó Đảng sẽ tiến bộ, chắc chắn, mạnh khỏe, có sức sống. Lại có dân giúp đỡ, xây dựng và bảo vệ, sự nghiệp sẽ thành, chế độ sẽ vững và dân sẽ được hưởng Độc lập - Tự do và Hạnh phúc”.
Đó là sự thật và chân lý không thể phủ nhận, không thể hoài nghi, càng không thể xuyên tạc bởi tâm không thành, trí không sáng, lòng không bền bỉ đi cùng Đảng cùng dân vượt qua khó khăn thử thách để giữ trọn niềm tin và chia sẻ trách nhiệm với Đảng của mình, dân tộc mình và nhân dân mình. Việc tuyên truyền lập một Đảng mới, một Đảng khác, lại kêu gọi đa nguyên đa đảng để xây dựng dân chủ, coi đó là quyền công dân chính đáng, kêu gọi những ai đang muốn ra khỏi Đảng hoặc không còn sinh hoạt Đảng nữa hãy cùng tham gia thành lập đảng mới như các ông Lê Hiếu Đằng, Hồ Ngọc Nhuận gần đây đưa ra là điều không thể chấp nhận.
Phản ứng và thái độ của cá nhân là quyền của mỗi người, nhưng quyền ấy phải thuận theo đạo lý và luật pháp. Không một ai trong tư cách thành viên của cộng đồng xã hội, công dân hoặc Nhà nước pháp quyền được nhân danh quyền mà làm phương hại tới ổn định chung, lợi ích chung, sự nghiệp chung của nhân dân và dân tộc.
Đó là lẽ phải và đạo lý ở đời và làm người mà Bác Hồ gọi là Thân dân và Chính tâm. Với những đảng viên của Đảng Cộng sản, đòi hỏi này càng cần phải tôn trọng nghiêm ngặt hơn bởi sự dẫn dắt của lý trí tỉnh táo, sáng suốt và thái độ chính trị nghiêm túc, biết tự mình trung thành với lý tưởng và nguyên tắc, cùng với giữ trọn đạo làm người cách mạng. Sự giác ngộ đưa đến sự tự nguyện gia nhập Đảng, không có ai ép buộc ai. Đã ở trong Đảng thì việc tuân thủ điều lệ như tuân thủ một “đạo luật” là một lẽ đương nhiên, bởi Đảng là một tổ chức chiến đấu, một Đảng hành động, đòi hỏi kỷ cương. Đảng không phải là một câu lạc bộ. Xa rời đòi hỏi ấy, là đã tự mình phủ nhận mình. Khi đã giác ngộ chân lý thì phải phục tùng chân lý. Đó là tự do và quyền tự do chân chính dựa trên sức mạnh cộng hưởng của khoa học, đạo đức và chính trị, tạo nên tư cách, phẩm giá đảng viên. Thay vì nêu cao trách nhiệm xây dựng Đảng, củng cố sự thống nhất tư tưởng, ý chí và hành động trong Đảng, có cá nhân lại kêu gọi lập đảng mới, coi đa đảng, đa nguyên là tất yếu để có dân chủ, coi đó là quyền tự do… thì suy nghĩ ấy, hành động ấy không thể chấp nhận bởi sự xa rời nguyên tắc và đạo lý cách mạng của Đảng ta, của nhân dân ta.
Có một thực tế lịch sử hiển nhiên cũng cần được làm rõ, trong các nước tư bản chủ nghĩa, dù tồn tại đa đảng và các đảng đối lập, nhưng vẫn định hình một đảng cầm quyền. Chính trường ở đó thường xuyên diễn ra các cuộc tranh giành quyền lực giữa các đảng chính trị tư sản. Họ chỉ đa nguyên, đa đảng trên hình thức, còn trên thực tế đều tỏ rõ sự nhất nguyên, bởi đảng chính trị tư sản nào cũng không bao giờ xa rời mục đích bảo vệ cho quyền thống trị và sự tồn tại của chủ nghĩa tư bản.
Không phải cứ đa nguyên đa đảng là có thể xây dựng được xã hội dân chủ. Cũng không phải một đảng là trở ngại của sự phát triển dân chủ. Nêu lên quan điểm này người ta đã không tính đến, hoặc vô tình, hoặc cố ý sự khác biệt bản chất giữa các đảng chính trị tư sản và cộng sản, giữa dân chủ tư sản và dân chủ XHCN. Với thực tiễn Việt Nam và đổi mới của Việt Nam, không ai có thể phủ nhận được những bước tiến rõ rệt về dân chủ mà Đảng và nhân dân ta đã đạt được trong những năm qua, trong nỗ lực xây dựng nhà nước pháp quyền, trong thực hành dân chủ, đặc biệt là sự thừa nhận của chính người dân, về những nỗ lực của chúng ta trong việc thực hiện tính công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, quản lý, trong tranh luận, thảo luận, trong bầu cử, trong cải cách hành chính và cải cách tư pháp… Thành tựu của đổi mới sở dĩ có được là nhờ lực đẩy của dân chủ hóa và chính dân chủ là một trong những thành tựu nổi bật của đổi mới.
Cuộc thảo luận rộng rãi trong toàn dân đóng góp cho các văn kiện Đại hội của Đảng, nhất là cương lĩnh và chiến lược, cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp là một minh chứng rõ rệt cho sự quan tâm đầy trách nhiệm của người dân đối với Đảng và Nhà nước của mình, cũng như nhân dân đã tham gia vào công việc xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước và hệ thống chính trị, tham gia đánh giá về chính sách và luật pháp. Đó là những bằng chứng nói lên sức sống của đời sống chính trị dân chủ ở nước ta. Bởi thế, chắc chắn là, đông đảo các tầng lớp nhân dân sẽ có tiếng nói phê phán với những hoạt động tuyên truyền, những lời kêu gọi đòi đa nguyên đa đảng ở nước ta. Cuộc sống vốn tường minh và nhân dân vốn sáng suốt, công bằng, nhạy cảm đủ sức sàng lọc, phân định để làm rõ chân và giả, thiện chí xây dựng và những toan tính sai lầm, gây hại cho dân, cho nước. Nhân dân đón nhận và ủng hộ những gì công tâm, chính trực và chối từ những ngụy tạo, ác ý.
Tôn trọng sự thật và chân lý để hành động có trách nhiệm, đó là thái độ và sự lựa chọn của chúng ta, từ Đảng đến dân. Trên tất cả các phương diện từ lý luận khoa học đến thực tiễn chính trị cũng như sự trong sáng đạo đức, những ai thiện tâm, thiện chí, vì Tổ quốc, dân tộc và nhân dân đều thấy rõ, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo và cầm quyền là một thực tế lịch sử, không gì có thể làm dao động lý trí và tình cảm của chúng ta.
Điều 4 trong Hiến pháp đã khẳng định về vai trò lãnh đạo cầm quyền của Đảng. Đó là ý chí của dân, nguyện vọng của dân, đạt được sự đồng thuận rất lớn của xã hội. Đảng ta trong nhận thức và đánh giá của dân, có đầy đủ tính chính đáng pháp lý và sự xứng đáng về phẩm giá và uy tín của một Đảng lãnh đạo và cầm quyền.
Đảng cần ra sức tự vượt lên những hạn chế và khiếm khuyết bằng cách tự đổi mới, tự chỉnh đốn để xứng đáng với trọng trách của mình và niềm tin của dân. Đóng góp vào công việc hệ trọng này là hành động có trách nhiệm của mỗi đảng viên và mỗi người dân. Bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ, về thực chất là bảo vệ dân, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của dân, hiện tại cũng như lâu dài./.
GS. TS. Hoàng Chí Bảo
(Nguồn: QĐND)