Thứ Ba, 3/12/2024
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Thứ Năm, 19/9/2013 17:13'(GMT+7)

Tự do ngôn luận và các giới hạn về tự do ngôn luận

Công ước nhân quyền châu Âu (Công ước) có hiệu lực từ ngày 3-9-1953. Công ước đưa ra các quy định về các quyền cơ bản của con người, trong đó quyền tự do ngôn luận được ghi trong Ðiều 10 của Công ước, theo đó: "1. Tất cả mọi người đều có quyền tự do bày tỏ ý kiến. Quyền này bao gồm việc được tự do bày tỏ ý kiến và tự do trao đổi các thông tin mà không cần phải nhận được bất kỳ việc cho phép nào từ phía cơ quan công quyền và không phân biệt biên giới. (Tuy nhiên) điều luật này không có nghĩa ngăn cấm các quốc gia thành viên đưa ra các biện pháp kiểm soát đối với các doanh nghiệp kinh doanh phát thanh, truyền hình, điện ảnh. 2. Việc thực hiện các quyền nói trên, bao gồm cả các nghĩa vụ và trách nhiệm, hình thức, điều kiện, các hạn chế hoặc các biện pháp trừng phạt cần phải được ghi rõ trong các văn bản pháp luật có cân nhắc đến việc cần thiết đối với một xã hội dân chủ, vì lợi ích đối với an ninh quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, duy trì trật tự công cộng và ngăn ngừa tội phạm, bảo vệ sức khỏe và đạo đức, nhân phẩm hoặc danh dự của con người, ngăn ngừa việc phát tán các thông tin mật hoặc để bảo đảm quyền lực vàtính độc lập của các cơ quan tư pháp". Như vậy, nếu khoản 1 của Ðiều luật này quy định nguyên tắc chung về tự do ngôn luận, theo đó ai cũng có quyền được bày tỏ, trao đổi quan điểm của mình mà khôngphân biệt địa vị xã hội, giới tính, biên giới, thì khoản 2 lại quy định việc thực thi các quyền đó và các hạn chế được cụ thể hóa trong pháp luật của mỗi quốc gia. Vì mỗi quốc gia đều cân nhắc tình hình thực tế của mình để đưa ra các đạo luật nhằm cụ thể hóa việc thực hiện quyền tự do ngôn luận của công dân.

Khi nói đến quyền tự do của con người, phần lớn các luật gia ở châu Âu đều chịu ảnh hưởng của học thuyết cho rằng con người rất dễ lạm dụng quyền của mình được hưởng, sự lạm dụng đó rất dễ gây phương hại cho người khác (summum jus, summa injuria - tạm dịch: tự do quá trớn sẽ tạo ra sự bất công). Vì vậy, không thể có tự do không giới hạn. Xuất phát từ quan điểm đó mà Liên minh châu Âu (gồm 28 quốc gia) cho phép các nước thành viên cân nhắc lợi ích của mỗi quốc gia để đưa ra các quy định cụ thể, nhằm hướng dẫn các công dân thực hiện quyền tự do ngôn luận. Ðó là quyền tự do ngôn luận phải nằm trong nguyên tắc bảo đảm "an ninh quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, duy trì trật tự công cộng và ngăn ngừa tội phạm, bảo vệ sức khỏe và đạo đức, nhân phẩm hoặc danh dự của con người, ngăn ngừa việc phát tán các thông tin mật, bảo đảm quyền lực và tính độc lập của các cơ quan tư pháp".

Nước Pháp là một trong những quốc gia tham gia soạn thảo bản Công ước và là một trong những nước được coi là hình mẫu trong việc tôn trọng tự do ngôn luận. Trên thực tế, trước khi có Công ước, nước Pháp đã xây dựng cho mình một hệ thống pháp lý tương đối đầy đủ nhằm bảo đảm đến mức tối ưu quyền tự do ngôn luận của người dân thông qua Luật tự do báo chí 1881 (Luật 1881). Luật này được coi như là bộ luật gốc điều chỉnh các hành vi bày tỏ ngôn luận của mọi người.

Pháp luật về tự do ngôn luận của nước Pháp đưa ra các giới hạn, các chế tài nghiêm khắc trừng trị người nào lạm dụng quyền tự do ngôn luận làm ảnh hưởng tới quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Và cần chú ý, vì Bộ luật Hình sự không thể ghi hết các tội danh phát sinh trong thực tế, do đó nhiều văn bản luật không phải là Bộ luật Hình sự vẫn quy định các hình phạt mang tính hình sự. Trước hết đó là việc bảo vệ nhân phẩm con người, chống lại việc vu khống, bôi nhọ (Ðiều 29 Luật 1881), bảo vệ, chống lại việc xâm phạm đời tư (Ðiều 9 Bộ luật Dân sự), chống phân biệt chủng tộc, tôn giáo (Ðiều 32 Luật 1881), kích động bạo lực, gây hận thù (Ðiều 24 Luật 1881). Ngoài ra pháp luật nước Pháp cũng đưa ra các quy định nhằm bảo vệ một số lợi ích cơ bản của quốc gia, như cấm xuất bản một số tài liệu liên quan đến an ninh quốc gia (Ðiều 413 - 9 Luật hình sự), hoặc các tài liệu liên quan đến vụ án đang trong quá trình xét xử, ca ngợi tội phạm chiến tranh và tội ác chống lại loài người (Ðiều 24 Luật 1881). Sau đây là một số thí dụ cụ thể:

Ðiều 29 Luật 1881 quy định: "tất cả những nhận định hoặc quy kết cho một sự kiện gây thiệt hại đến danh dự hoặc nhân phẩm của cá nhân hoặc tổ chức có liên quan đến sự kiện đó đều bị coi là hành động vu khống". Ðiều luật này đưa ra định nghĩa về bôi nhọ là: "tất cả những phát ngôn có tính chất lăng nhục, sử dụng thuật ngữ miệt thị hoặc chưa được kiểm chứng". Phạm vi áp dụng của Ðiều 29 rất rộng, vì không chỉ áp dụng để bảo vệ uy tín, danh dự cho một cá nhân, mà cho cả các cơ quan, tổ chức. Án lệ đưa ra hàng loạt cơ quan, tổ chức cần phải được bảo vệ trước hành vi vu khống, đó là: các cơ quan nhà nước (án lệ Tòa phá án hình sự ngày 26-4-1952), Quốc hội, trường đại học, Hội đồng nhân dân (án lệ Tòa phá án hình sự ngày 23-5-1955), bệnh viện công (án lệ Tòa dân sự ngày 30-9-1998; tòa hình sự ngày 3-7-1996), cơ quan cảnh sát (án lệ Tòa phá án hình sự ngày 3-12-2002).

Bản án của Tòa phá án hình sự ngày 3-12-2002 là một thí dụ về việc trừng phạt hành động vu khống cơ quan nhà nước. Tóm lược sự việc: một luật sư bị kết án hình sự sau khi được nhận định đã viết một bài phản đối các hành vi của cảnh sát; vì vị luật sư đó cho rằng các hành động của cảnh sát giống như bọn "Gestapo" (mật vụ của Ðức Quốc xã trước đây), hoặc cho rằng các hành động của cảnh sát là "dã man". Tòa án nhận định: "nếu việc thực hiện các quyền tự dongôn luận được bảo đảm bằng khoản 1 Ðiều 10 của Công ước thì theo quy định tại khoản 2 của Công ước, việc thực hiện đó phải tuân thủ các giới hạn và các chế tài được quy định tại Luật 1881; đây chính là mục đích của Ðiều 30 Luật 1881 khi đưa ra các chế tài cần thiết trong một xã hội dân chủ nhằm bảo vệ trật tự công và uy tín của các cơ quan quản lý nhà nước và trong trường hợp này là cơ quan cảnh sát". Một thí dụ khác cho thấy, người đưa tin có thể bị kiện về tội vu khống đối với cá nhân, đó là việc nêu cụ thể danh tính của một người nào đó trong một vụ việc mang tính hình sự hoặc cần có kết luận cuối cùng của tòa án hay cơ quan chức năng, như ai đó chỉ cần nói câu "Nicolas đã ăn cắp 10.000 euros của mẹ" thì sẽ bị coi là hành động vu khống.

Về các vi phạm trên mạng internet, trước hết cần khẳng định internet cũng chỉ là một trong các phương tiện để mỗingười thể hiện ý kiến của mình. Do đó việc bày tỏ quan điểm trên internet cũng chịu sự điều chỉnh của Luật 1881. Án lệ của Pháp đã đưa ra rất nhiều vụ việc lạm dụng internet để vu khống, bôi nhọ. Mới đây nhất là việc tòa án công nhận nhiều quyết định sa thải nhân viên do đã lạm dụng facebook để vu khống, nói xấu người khác. Vụ việc đầu tiên là vào năm 2010, một số nhân viên của một công ty viết trên "tường" của facebook các câu chê bai doanh nghiệp của mình. Họ đã bị cho nghỉ việc. Các nhân viên này kiện ra tòa với lý do facebook chỉ là nhật ký mang tính đời tư (cá nhân) cho nên họ có quyền viết lên đó các suy nghĩ của mình. Tuy nhiên Tòa lao động vùng Boulogne-Billancourt đã chứng minh rằng "bức tường" facebook đã không còn mang tính riêng tư khi mọi người đều vào và đọc được. Do đó tòa đã công nhận quyết định sa thải của công ty (báo Le Monde ngày 19-11-2010).

Mới đây nhất liên quan đến lĩnh vực hình sự: là việc Tòa hình sự Paris xử phạt số tiền 500 euros và phạt án treo đối với một nhân viên trực tổng đài vùng Caen do đã viết trên facebook của mình một số câu, trong đó có câu "một ngày chết tiệt, thời gian chết tiệt, công việc chết tiệt, văn phòng chết tiệt, sếp chết tiệt" ("Journée de merde, temps de merde, boulot de merde, boite de merde, chefs de merde"). Tòa án nhận định: "việc phát ngôn một cách xúc phạm đã vượt quá giới hạn của một sự chỉ trích thông thường" để ra phán quyết trừng phạt nhân viên này. Ngoài việc chịu trách nhiệm hình sự, nhân viên kể trên còn phải bồi thường thiệt hại cho các nguyên đơn dân sự (cơ quan nơi người này làm việc và cán bộ phụ trách trực tiếp của nhân viên này) mỗi người là 1 euro (báo Le Monde ngày 17-1-2012). Phần lớn các ý kiến ủng hộ quyết định của Tòa án đều cho rằng mạng xã hội không phải là không gian riêng tư vì người sử dụng internet không thể kiểm soát được lượng người truy cập vào tài khoản của mình. Quan điểm này cũng được Công tố viên tuyên bố trước Tòa phúc thẩm Versailles: "Facebook là một không gian công cộng và việc tự do ngôn luận phải bị giới hạn" (trang web của Ðại học Cezanne tại địa chỉ http://junon.univ-cezanne.fr)

Ths, LS Vũ VĂN TÍNH

 (NCS Ðại học Paris 2 - CH Pháp)

Theo Nhân Dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất