Thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) về xây
dựng Đảng, việc phát huy dân chủ đã góp phần tạo động lực cho phát
triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở huyện miền núi Quế Phong (Nghệ An).
Huyện Quế Phong có 48 tổ chức cơ sở đảng với gần 4.800 đảng viên. Là huyện miền núi, biên giới tây bắc tỉnh Nghệ An, Quế Phong vẫn còn nhiều khó khăn do địa hình chia cắt, diện tích sản xuất ít, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 90%, trình độ dân trí còn nhiều hạn chế. Thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, Huyện ủy Quế Phong xác định 10 nội dung cần làm ngay. Trước hết là tập trung vào một số nội dung như bổ sung, sửa đổi quy chế làm việc của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực Huyện ủy; thành lập đoàn kiểm tra, giám sát hiệu quả, chất lượng cây trồng, vật nuôi trong các chương trình, chính sách hỗ trợ cho nhân dân phát triển sản xuất; kiểm tra, rà soát và tu sửa quản lý các công trình cấp nước trên địa bàn toàn huyện…
Chia sẻ ý kiến với chúng tôi, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Quế Phong Trần Đăng Khoa cho biết, trước đây, Quế Phong thiếu giáo viên trầm trọng. Giai đoạn đó, huyện đào tạo cấp tốc, ồ ạt để đáp ứng đủ số lượng cho nên đội ngũ giáo viên không đạt chuẩn. Trước thực trạng đội ngũ giáo viên thiếu và yếu, huyện thành lập đoàn thanh tra chất lượng đội ngũ giáo viên xếp loại trung bình năm học 2011-2012. Những giáo viên không phù hợp, huyện cho đi đào tạo lại để chuẩn hóa bằng cấp, những trường hợp không đủ điều kiện chuyển sang làm công tác khác. Đến nay, đội ngũ giáo viên cơ bản được chuẩn hóa, chất lượng giáo dục đào tạo chuyển biến rõ nét.
Ban Thường vụ Huyện ủy tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện ba việc còn lại, trong đó chú trọng cải cách hành chính một số khâu tại UBND huyện, nâng cao chất lượng hoạt động của bộ phận một cửa, thực hiện nghiêm chế độ và đổi mới tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, công chức… Những tồn tại trước đây như một bộ phận cán bộ, đảng viên có biểu hiện trì trệ, vi phạm đạo đức công vụ, nhất là ở cấp xã, cán bộ chấp hành chế độ giờ giấc, sinh hoạt đảng… lỏng lẻo, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc đã được khắc phục. Huyện cũng rà soát, sắp xếp lại chức danh một số phòng thuộc UBND huyện và một số chức danh ở các xã Thông Thụ, Châu Kim, Tiền Phong theo đề án Nâng cao năng lực cán bộ, công chức huyện Quế Phong giai đoạn 2011-2015 và những năm tiếp theo. Từ đó, việc bố trí, sử dụng cán bộ ngày càng hợp lý, góp phần phục vụ người dân hiệu quả hơn. Nhiều vấn đề tồn đọng của nhiệm kỳ trước được tập trung giải quyết rốt ráo, như chế độ cho cán bộ xã nghỉ việc hưởng chính sách bảo hiểm xã hội, thu hồi đất lâm trường giao cho bà con các xã Quế Sơn, Mường Nọc…
Bí thư Huyện ủy Quế Phong Lữ Đình Thi nhìn nhận: Việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) là một quá trình vừa làm, vừa đúc rút kinh nghiệm. Từ cấp cơ sở, các phòng, ban, đơn vị cấp huyện xác định các nhóm việc cần làm ngay… Chủ trương biến thành hành động cụ thể đã tác động rõ rệt, tạo sự chuyển biến tích cực về mọi mặt, củng cố lòng tin trong nhân dân.
Điểm nhấn đối với Huyện ủy Quế Phong trong thực hiện Nghị quyết T.Ư4 là coi trọng thực hiện phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Tinh thần dân chủ được thể hiện trên mọi lĩnh vực của đời sống. Để nắm chắc tâm tư, nguyện vọng và kịp thời tháo gỡ vướng mắc, hỗ trợ bà con, Huyện ủy phân công mỗi tháng một cán bộ, đảng viên xuống nắm cơ sở, sinh hoạt tại xã. Bản thân Bí thư Lữ Đình Thi nhiều lần trực tiếp xuống họp với bà con ở các điểm tái định cư để nghe ý kiến, nguyện vọng, từ đó có phương hướng giải quyết, khắc phục. Nhiều vấn đề trước đây chưa được dân đồng thuận, hưởng ứng thì bây giờ, cán bộ xuống họp cùng với dân, bàn bạc với trưởng bản, bí thư chi bộ để thống nhất cách làm. Công khai, dân chủ, minh bạch trong các chương trình đầu tư hạ tầng và các dự án hỗ trợ phát triển chăn nuôi, sản xuất, cán bộ huyện cùng bà con bàn luận, trao đổi, phân tích rõ, phần nào nhân dân làm, hạng mục nào Nhà nước làm. Bà con hiểu được quyền lợi và trách nhiệm của mình cho nên tích cực tham gia, tạo sự đồng thuận trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước.
Việc khắc phục, sửa chữa những khuyết điểm, hạn chế trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương theo Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) đã tác động mạnh mẽ đến nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội ở Quế Phong. Tuy nhiên, việc tổ chức các giải pháp khắc phục khuyết điểm và thực hiện những việc cần làm ngay sau kiểm điểm có nơi chưa được quan tâm đúng mức, một số tổ chức cơ sở đảng vẫn còn lúng túng… Vì vậy, để tạo được sự chuyển biến rõ nét trong thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) thời gian tới, Huyện ủy tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo, phát huy vai trò của người đứng đầu, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ cơ sở, nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy và chi bộ, phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong lãnh đạo và thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương…
Theo Nhân dân