Cuộc gặp thượng đỉnh này có thể tạo nên bước ngoặt trong quan hệ Mỹ-Trung,
định hình lại mối quan hệ song phương và mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ
hợp tác trong các thập kỷ tới.
Tại cuộc hội đàm, hai bên đã thẳng thắn thừa nhận còn có những bất đồng
nhưng đều nhất trí tăng cường hợp tác nhằm xây dựng "mối quan hệ nước lớn kiểu
mới" giữa một cường quốc hiện nay và một cường quốc đang nổi lên.
Định vị mối quan hệ kinh tế Mỹ-Trung
Mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã trải qua không ít
thăng trầm, có lúc tưởng chừng đứng trước ngã rẽ trở thành đối thủ nhiều hơn là
đối tác cạnh tranh và hiện vẫn tồn tại những bất đồng như về vấn đề an ninh mạng
hay vấn đề tỷ giá đồng Nhân dân tệ, đồng thời hai bên cũng đang có những mong
muốn cần được phía bên kia đáp ứng.
Mỹ phàn nàn nhiều năm qua rằng Trung Quốc gây tổn thất cho các công ty Mỹ
hàng tỷ USD vì không ngăn chặn tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (liên
quan đến an ninh mạng) và Bắc Kinh đã cam kết sẽ thẳng tay trừng trị hành động
này kể cả một số bộ của Chính phủ tiếp tục sử dụng phần mềm lậu.
Mỹ cũng muốn Trung Quốc nhanh chóng có một đồng tiền chuyển đổi, tăng nhập
khẩu và mở cửa các thị trường dịch vụ tài chính. Các nhà xuất khẩu Mỹ cũng không
hài lòng về các quy định kinh doanh của Trung Quốc, chẳng hạn các tiêu chuẩn an
toàn sản phẩm đôi khi bất lợi cho hàng hóa của các công ty nước ngoài nhưng lại
có lợi cho các doanh nghiệp Trung Quốc.
Trong khi đó, Trung Quốc muốn tiếp tục thâm nhập các thị trường Mỹ, nhưng
các giới chức Nhà Trắng và Quốc hội nước này đòi hỏi tiếp tục hạn chế nhập khẩu
các sản phẩm từ Trung Quốc chẳng hạn các tấm thu năng lượng Mặt Trời. Bên cạnh
việc mong muốn Mỹ và các nước khác tiếp tục đầu tư vào Trung Quốc, Trung Quốc
cũng muốn mua các công nghệ của Mỹ hiện đang bị hạn chế do vấn đề an ninh.
Trong lúc vẫn bất đồng, Mỹ và Trung Quốc cũng đang trở nên phụ thuộc lẫn
nhau về kinh tế, một mối quan hệ chưa từng có giữa một cường quốc đang trỗi dậy
với một cường quốc hiện nay.
Điều này có thể được chứng minh bằng việc Mỹ đang chiếm 25% thị phần xuất
khẩu của Trung Quốc, còn Bắc Kinh đang nắm giữ 8% số nợ quốc gia của Mỹ. Do
Trung Quốc tiếp tục phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu Mỹ và cần hội nhập vào
kinh tế toàn cầu để duy trì sức mạnh kinh tế, nên chiến lược lâu dài cần được áp
dụng là hãy để cho những lợi ích tích cực từ thương mại làm đòn bẩy cho những
sáng kiến hợp tác song phương.
Hiện Mỹ và Trung Quốc là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, tổng GDP của
hai nước chiếm xấp xỉ 1/3 của thế giới và kim ngạch thương mại song phương có
thể vượt 500 tỷ USD trong năm 2013.
Vì thế, mối quan hệ Mỹ - Trung được nhận định sẽ góp phần định hình trật
tự thế giới trong thế kỷ XXI và bất kỳ biến động nhỏ nào về kinh tế và tài chính
ở mỗi nước cũng sẽ gây ảnh hưởng lớn tới nhau và tới nền kinh tế thế giới.
Đặc biệt, trong xu hướng toàn cầu hóa kinh tế và đa cực hóa thế giới, quan
hệ bình ổn giữa các nước lớn sẽ là tiền đề bảo đảm hệ thống quan hệ quốc tế diễn
ra suôn sẻ, là điều kiện cần thiết cho việc duy trì sự ổn định và phục hồi kinh
tế toàn cầu.
Ghi nhận những phát biểu “mềm dẻo” và “thiện chí”
Trong bối cảnh đó, tại cuộc gặp với Tổng thống Obama, Chủ tịch Tập Cận
Bình cho rằng với tư cách là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, Trung Quốc và Mỹ
cần hợp tác với nhau nhằm xây dựng "mối quan hệ nước lớn kiểu mới dựa trên sự
tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cả hai cùng thắng".
Ông Tập Cận Bình nêu rõ quan hệ Mỹ-Trung đang ở một điểm khởi đầu mới,
trong đó hai bên cùng có những mối quan tâm hàng đầu, từ thúc đẩy sự phát triển
kinh tế của mỗi nước, khôi phục tăng trưởng kinh tế thế giới, tới giải quyết các
vấn đề nóng bỏng của khu vực và quốc tế, đối phó với những thách thức toàn cầu,
những vấn đề đang đòi hỏi Trung Quốc và Mỹ phải thúc đẩy hợp tác song phương để
có thể cùng giải quyết.
Về phía Tổng thống Mỹ, ông khẳng định dù còn có những căng thẳng trong
quan hệ song phương, nhưng sự hợp tác mang lại lợi ích cho cả hai nước, khẳng
định việc Trung Quốc tiếp tục con đường thành công là có lợi cho Mỹ vì một nước
Trung Quốc hòa bình, ổn định và thịnh vượng "không chỉ tốt cho người dân Trung
Quốc mà tốt cho cả Mỹ và thế giới".
Ông bày tỏ hy vọng hai nước sẽ xây dựng được một mô hình hợp tác mới trên
cơ sở tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi. Tuy thừa nhận Mỹ và Trung Quốc có căng
thẳng trong một số lĩnh vực, nhưng ông cũng khẳng định hai nước có thể hợp tác
hiệu quả với nhau trong nhiều vấn đề, bằng cách cân bằng giữa cạnh tranh và hợp
tác để vượt qua những vướng mắc có thể gây chia rẽ.
Tại cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về các vấn đề kinh tế và
thương mại song phương, trong đó Mỹ quan tâm đặc biệt vào việc tiếp cận thị
trường và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, trong khi Trung Quốc tập trung vào việc
đánh giá độ an toàn của các khoản đầu tư tại Mỹ và các hạn chế của Mỹ đối với
việc xuất khẩu công nghệ sang Trung Quốc.
Về vấn đề an ninh mạng, Chủ tịch Tập Cận Bình đã không trực tiếp bác bỏ
những cáo buộc gần đây của Mỹ, mà chỉ nói rằng Trung Quốc cũng là một nạn nhân
của các hành động tấn công mạng và ông mong muốn xóa bỏ "những mối nghi kỵ" của
phía Mỹ về vấn đề này. Hai bên đều cho rằng đây là một vấn đề ngày càng quan
trọng trong quan hệ song phương, và vào tháng Bảy tới, nhóm làm việc về an ninh
mạng mà hai bên đã nhất trí thành lập sẽ họp lần đầu tiên.
Mục tiêu đối với cả ông Obama và ông Tập Cận Bình là nhằm tăng cường sự
hiểu biết giữa hai nước, giảm bớt bất đồng thương mại, không để sự "cùng tồn tại
cạnh tranh" hiện nay giữa hai nước biến thành một sự đối đầu chiến lược, điều mà
không nước nào mong muốn.
Hiện chưa rõ mô hình “mối quan hệ nước lớn kiểu mới” sẽ phát triển như thế
nào, sẽ giúp Trung Quốc và Mỹ đóng góp giải quyết các thách thức toàn cầu ra
sao, nhưng việc hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong bối cảnh thế giới đang
thay đổi nhanh chóng là một tín hiệu đáng mừng.
Dự báo triển vọng hợp tác trong tương lai
Nhìn nhận triển vọng quan hệ Mỹ - Trung sau cuộc gặp thượng đỉnh vừa diễn
ra, cố vấn cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), ông
Christopher Johnson cho rằng tuy chưa thể có ngay sự cải thiện mang tính đột phá
trong quan hệ giữa hai nước, nhưng cuộc gặp không mang tính chính thức này có
thể tạo ra một sự khởi đầu thuận lợi hơn cho mối quan hệ giữa hai nền kinh tế
lớn nhất thế giới.
Trung Quốc và Mỹ đều có thể tương trợ cho nhau trong các lĩnh vực như an
ninh lương thực hay năng lượng, và cũng có các cơ hội hợp tác trong lĩnh vực
phát triển. Hợp tác song phương cũng có thể thúc đẩy triển vọng của nhau và thúc
đẩy tăng trưởng kinh tế ở mỗi nước.
Trong khi đó, hai nước cũng có thể cùng khuyến khích cạnh tranh trong lĩnh
vực dịch vụ và công nghệ. Khi Trung Quốc đang có những bước đi nhằm đưa đồng
tiền của nước này vào hoạt động thương mại mở, hệ thống tiền tệ quốc tế sẽ cần
phải chuẩn bị cho việc hoạt động với nhiều đồng tiền dự trữ khác nhau.
Tuy nhiên, bất chấp việc cả Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc đều nhiều
lần nhắc lại về tầm quan trọng của mối quan hệ Trung - Mỹ ổn định, tích cực và
cộng tác, nhưng sự cạnh tranh chiến lược sẽ tiếp tục tăng khi trên thực tế cả Mỹ
và Trung Quốc vẫn có những lợi ích khác biệt, không thể bị rũ bỏ và nhất là khi
nền kinh tế Trung Quốc có thể bắt kịp và vượt kinh tế Mỹ (ít nhất là về GDP)
trong những năm tới.
Quá trình trỗi dậy và vươn ra thế giới của Trung Quốc đang làm gia tăng số
lượng những điểm giao thoa về mọi mặt với Mỹ. Nguy cơ cạnh tranh về ảnh hưởng và
xung đột về lợi ích giữa Trung Quốc và Mỹ có thể xảy ra ở bất cứ khu vực nào
trên phạm vi toàn cầu.
Ông Robert Zoellick, cựu Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, người từng giữ chức
Đại diện thương mại và Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, nêu bật việc các ông Obama và
Tập Cận Bình thảo luận các kế hoạch cải cách kinh tế và xác định các lợi ích của
nhau.
Chẳng hạn như Trung Quốc cần mở cửa ngành dịch vụ để khuyến khích sự cạnh
tranh mạnh mẽ hơn và các công ty Mỹ có thể hỗ trợ điều này. Trong khi đó, ông
Obama có thể vạch ra các kế hoạch cải cách thuế, chi tiêu ngân sách, năng lượng
và nhập cư. Đồng thời, cả hai nước đều có những lý do riêng để theo đuổi các
biện pháp cải cách cơ cấu.
Tuy nhiên, ông Zoellick cũng nhấn mạnh các ý tưởng về "mối quan hệ nước
lớn kiểu mới" sẽ chết yểu trừ phi Trung Quốc và Mỹ giải quyết được các mối đe
dọa về an ninh mạng mà Mỹ đặc biệt quan ngại.
Hai nhà lãnh đạo sẽ cần phải tìm
cách giảm thiểu những thiệt hại về kinh tế cũng như các rủi ro an ninh mà các vụ
tấn công mạng gây ra.
Ông Arthur Ding, một chuyên gia nghiên cứu tại trường Ðại
Học Chính trị Quốc gia ở Ðài Loan, nói rằng khó mà đạt được tiến bộ về vấn đề
này, khi Mỹ và Trung Quốc đã mở các cuộc đàm phán không chính thức từ năm hay sáu
năm nay bàn về các vấn đề nguyên tắc nhưng không đạt được kết quả nào./.
Theo TTXVN