Chủ Nhật, 22/9/2024
Diễn đàn
Chủ Nhật, 30/12/2012 9:23'(GMT+7)

Bước phát triển mới của nền quân sự Việt Nam

 

Lịch sử quân sự của dân tộc ta qua mấy nghìn năm dựng nước, đến giai đoạn 1897-1945 mới thật sự có một bước phát triển mang tính cách mạng trong cuộc vận động Cách mạng Tháng Tám (1939-1945).

Cách mạng Tháng Tám là sự phát triển đến một đỉnh cao của lịch sử dân tộc trong thời đại mới, là sự kế thừa và phát triển thành quả của gần 100 năm (1848-1945) đấu tranh chống đế quốc, thực dân, phát xít xâm lược giành độc lập dân tộc, mà giai đoạn 1897-1945 như là một tổng kết lịch sử.

Trên bình diện quốc tế, Cách mạng Tháng Tám là thành công đầu tiên của cách mạng ở một dân tộc thuộc địa nhằm phá vỡ một trong những khâu yếu nhất trong sợi dây chuyền của chủ nghĩa đế quốc, góp phần tích cực vào sự nghiệp giải phóng của các dân tộc thuộc địa trên toàn thế giới.

Trong cuộc cách mạng này, lịch sử quân sự Việt Nam cũng tất yếu trải qua một bước phát triển lớn lao.

Nếu lịch sử dân tộc bỏ qua cách mạng tư sản dân chủ do tư sản lãnh đạo, chuyển ngay vào cách mạng dân tộc dân chủ do vô sản lãnh đạo, tạo tiền đề tiến lên theo định hướng xã hội chủ nghĩa thì lịch sử quân sự cũng từ tư tưởng và nghệ thuật quân sự của sĩ phu phong kiến, nông dân, tiểu tư sản yêu nước chuyển thẳng lên tư tưởng, nghệ thuật quân sự vô sản.

Bước phát triển này diễn ra nhanh, mạnh, sinh động trong tính liên tục lịch sử, theo một mối quan hệ biện chứng "kế thừa có phủ định": kế thừa và phát huy cái tích cực, phủ định cái tiêu cực, lỗi thời.

1. Kế thừa và phát huy những mặt tích cực

Trước hết là, kế thừa hình thái khởi nghĩa vũ trang quần chúng mà chủ lực quân là nông dân, có sự liên kết giữa dân tộc đa số với các dân tộc thiểu số, đấu tranh chống thực dân và tay sai, giành độc lập dân tộc.

Thứ hai là, xây dựng cứ điểm vũ trang (như khởi nghĩa Ba Đình) hay căn cứ địa vũ trang (như khởi nghĩa Phan Đình Phùng ở Hương Khê, khởi nghĩa Nguyễn Thiện Thuật ở Bãi Sậy, khởi nghĩa Hoàng Hoa Thám ở Yên Thế).

Thứ ba là, vận dụng nghệ thuật quân sự truyền thống lấy yếu đánh mạnh, lấy ít địch nhiều với các hình thức: du kích chiến (ở tất cả các cuộc khởi nghĩa), du kích vận động chiến, du kích tao ngộ chiến, du kích trận địa chiến (khi phải chuyển quân trong căn cứ như ở Yên Thế, Hương Khê, Yên Bái...); diệt ác trừ gian giành quyền làm chủ ở các địa bàn khởi nghĩa; vận dụng chiến thuật "vừa đánh vừa đàm" dành thời gian hưu chiến để xây dựng, củng cố và phát triển lực lượng (nghĩa quân Yên Thế...).

Thứ tư là, quản lý địa bàn hay căn cứ địa theo hình thức "Quân quản" như căn cứ Hương Khê, nhất là Yên Thế... nhằm bảo đảm cả nhiệm vụ kinh tế, quân sự, chính trị, văn hóa (thờ cúng), ngoại giao... cho vùng căn cứ...

Các cuộc khởi nghĩa và các căn cứ địa thời kỳ 1941-1946 sau này đều có kế thừa và phát triển điểm này hay điểm khác của các bài học lịch sử kể trên.

2. Phủ định những mặt hạn chế, yếu kém, thậm chí thiếu sót, sai lầm

Hạn chế thứ nhất là về tư tưởng quân sự: Sức mạnh quân sự yêu nước chưa có điều kiện kết hợp được với sức mạnh thời đại như đường lối quân sự vô sản hay vũ khí, chiến thuật quân sự tư sản... Cụ thể là: các cuộc khởi nghĩa văn thân, cần vương còn giữ xu hướng tôn quân đã lỗi thời. Khởi nghĩa của nông dân, tiêu biểu là khởi nghĩa Yên Thế chưa có mục tiêu dựng nước rõ ràng. Các cuộc khởi nghĩa đều chưa kết hợp được đấu tranh chính trị với đấu tranh quân sự, chưa gây được một phong trào quần chúng mạnh mẽ hỗ trợ cho khởi nghĩa vũ trang.

Về lực lượng, ngoài chủ lực quân là nông dân chưa thu hút được hết thảy các giai cấp, tầng lớp yêu nước khác vào cuộc khởi nghĩa, chưa lập được Mặt trận đoàn kết toàn dân làm chỗ dựa cho khởi nghĩa vũ trang.

Hạn chế thứ hai là về nghệ thuật quân sự: Sau khi nổi dậy chiếm được cứ điểm (như Ba Đình), hay xây dựng được căn cứ địa (Hương Khê, Yên Thế...) vẫn lấy phòng ngự chiến lược là chủ yếu hoặc cầm cự khi bị địch tấn công, mà ít chủ động tiến công cũng như chưa có khả năng mở rộng địa bàn hoặc liên kết giữa các cuộc khởi nghĩa.

Các vụ Hà thành đầu độc (1908), ám sát tuần phủ Thái Bình Nguyễn Duy Hàn (1913), tập kích đồn Tà Lùng ở biên giới của Việt Nam quang phục hội (1915), khởi nghĩa của vua Duy Tân, Thái Phiên, Trần Cao Vân ở Huế (1916), khởi nghĩa Thái Nguyên của Lương Ngọc Quyến - Đội Cấn (1917)... đều hoặc là bị động, hoặc là phiêu lưu, manh động, thiếu kế hoạch tổng thể... thậm chí biết rằng nổi dậy sẽ thất bại cũng cứ tiến hành để "Không thành công cũng thành nhân" như khởi nghĩa vũ trang của Việt Nam Quốc dân Đảng. Chưa đạt được hiệu quả binh vận, địch vận để tạo nên thế trận "nội công ngoại kích" như Việt Nam Quốc dân Đảng đã đề ra...

Nhìn chung, trước những kẻ thù xâm lược có tầm cỡ quốc tế và trình độ thời đại (đế quốc chủ nghĩa), có quân số lớn và vũ khí hiện đại thì tư tưởng quân sự và nghệ thuật quân sự của ông cha ta như trên chưa thể giành được thắng lợi.

Tuy vậy, các cuộc đấu tranh đó cũng để lại cho các thế hệ sau những di sản lịch sử quý báu mà tính tất yếu lịch sử của các cuộc đấu tranh yêu nước và cách mạng từng được thực tiễn chứng minh là: "Những thất bại đó đã là mẹ của những thành công".

Các cuộc khởi nghĩa đó đã để lại cho các thế hệ sau một truyền thống yêu nước nồng nàn; một tinh thần dũng cảm, mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu; một chủ nghĩa anh hùng bất khuất dám đánh, dám hy sinh vì độc lập của dân tộc, tự do hạnh phúc cho nhân dân...

Những bài học lịch sử về tư tưởng quân sự, về khởi nghĩa vũ trang, đấu tranh vũ trang, về nghệ thuật quân sự, về xây dựng căn cứ địa, về chiến lược, chiến thuật tác chiến vô cùng bổ ích cho các cuộc chiến đấu tiếp theo.

Chính từ di sản lịch sử, bài học lịch sử đó, dân tộc ta đã tìm ra được con đường đi tới thành công, đưa đến bước phát triển mới của lịch sử quân sự trong quá trình vận động Cách mạng Tháng Tám.

Tư tưởng quân sự, nghệ thuật quân sự mới ra đời đã là một tất yếu lịch sử: Đó là sự ra đời của "Tư tưởng quân sự vô sản - tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh" - một sự phủ định có kế thừa tư tưởng quân sự truyền thống của ông cha. Đó là tư tưởng biểu hiện chủ yếu trong tác phẩm Đường Cách mệnh, Cách đánh du kích, Ca đội tự vệ, Chương trình, Điều lệ Việt Minh, Chỉ thị thành lập Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, quyết định Tổng khởi nghĩa của Quốc dân Đại hội Tân Trào... và sự chỉ đạo trực tiếp của Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh và thực tiễn đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam thời kỳ này đã nâng cả "Thế", "Lực", "Trí", "Dũng" và "Thành công"... của đấu tranh quân sự Việt Nam lên ngang tầm thời đại.

Trước hết, luận về "Thế": Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh tuy cũng bắt nguồn từ chủ nghĩa yêu nước nồng nàn và chủ nghĩa anh hùng bất khuất của dân tộc, nhưng đã có cái mới - đó là sức mạnh thời đại và tầm vóc quốc tế của nó.

Sức mạnh thời đại là lý luận quân sự cách mạng vô sản - lý luận quân sự của chủ nghĩa Mác-Lênin, đối trọng với lý luận quân sự tư sản.

Sự gặp gỡ giữa chủ nghĩa yêu nước Việt Nam với chủ nghĩa Mác-Lênin có phong trào công nhân làm nền tảng đã cho ra đời một tổ chức có tác dụng quyết định đối với thắng lợi đấu tranh quân sự - đó là Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Tầm vóc quốc tế là tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh đã đặt cuộc chiến đấu giành độc lập dân tộc của Việt Nam trong cuộc chiến đấu chung của các dân tộc thuộc địa chống chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc và trong chiến lược của Quốc tế Cộng sản theo khẩu hiệu: "Vô sản toàn thế giới và các dân tộc bị áp bức liên hiệp lại!" của chủ nghĩa Lênin, nên đã giành được sự hỗ trợ của cả trào lưu cách mạng vô sản lẫn trào lưu cách mạng giải phóng dân tộc trên toàn thế giới.

Cả hai yếu tố trên đã tạo cho đấu tranh quân sự ở Việt Nam một sức mạnh tổng hợp: dân tộc và quốc tế, một thế mạnh chiến lược (mà có nhà chính trị gọi là "Thế đứng trên đầu thù").

Thứ hai, luận về "Lực": Dưới ánh sáng của tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, trải qua ba cuộc vận động cách mạng: (1930-1931), (1936-1939), (1939-1945), lực lượng quân sự Việt Nam liên tục phát triển từ ít đến nhiều, từ yếu thành mạnh: từ những đội Tự vệ đỏ năm 1930-1931, những đội Tự vệ công nông năm 1936-1939, tới những Đội du kích quân của khởi nghĩa Bắc Sơn, khởi nghĩa Nam Kỳ, đến những đội Du kích Cao Bằng, Vũ Nhai - Đình Cả, Ba Tơ... đến Cứu quốc quân, Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, Việt Nam Giải phóng quân... đủ sức để chiến thắng mọi kẻ thù, giành độc lập dân tộc.

Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh luôn coi trọng kế thừa truyền thống thượng võ cũng như nghệ thuật quân sự "lấy ít địch nhiều, lấy yếu đánh mạnh" của ông cha, noi gương chiến đấu của các anh hùng cứu nước từ Bà Trưng, Bà Triệu đến Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám... xây dựng nên đội quân hiện đại "của dân, do dân, vì dân", "có dân là có quân, có dân là có súng", với hệ thống tổ chức "ba thứ quân" bước đầu hình thành từ trong cuộc vận động Cách mạng Tháng Tám.

Từ đó đến nay, kế thừa và phát huy sức mạnh quân sự của Cách mạng Tháng Tám, chúng ta đã có những đội: "Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh" trong buổi đầu kháng chiến chống Pháp, những đội quân "Chân đồng, vai sắt", "Đâu có giặc là ta cứ đi"... trong kháng chiến chống Pháp; những đội quân "Đánh giặc mà đi, mở đường mà tiến", "Không có gì quý hơn độc lập tự do", "Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta là ta quyết chiến đấu để quét sạch nó đi" trong kháng chiến chống Mỹ...

Thứ ba, luận về "Trí và Dũng”: Trong Cách mạng Tháng Tám, khắc phục được tính bị động, phiêu lưu, manh động, nắm bắt được đúng thời cơ, đưa khởi nghĩa nổ ra thành công... đó là nhờ ở "Trí". Quyết tâm "Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng quyết tâm giành cho kỳ được độc lập"... đó là nhờ ở "Dũng".

Trong Cách mạng Tháng Tám "dũng cao" đã đi đôi với "trí cả" nên giành được thắng lợi. "Dũng" của "Hùm thiêng Yên Thế Hoàng Hoa Thám", của Lương Ngọc Quyến, Nguyễn Thái Học... đã được nhân lên gấp bội ở các chiến sĩ Cứu quốc quân, Giải phóng quân nhờ có cái "trí" mới của thời đại là lý luận quân sự Mác-Lênin và tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, đưa đến thắng lợi.

Tư tưởng: Chủ động cả trong đường lối chiến lược, chiến thuật, trong nghệ thuật quân sự cũng như chỉ huy khởi nghĩa, chỉ huy tác chiến; chống phiêu lưu manh động; thắng không kiêu, bại không nản; chống chủ quan khinh địch, tiết kiệm xương máu theo chủ nghĩa nhân đạo dân tộc và cộng sản (dù là xương máu của ta hay xương máu của địch); thêm bạn bớt thù; đoàn kết dân tộc; liên kết quốc tế... tạo nên sức mạnh tổng hợp cho cuộc đấu tranh...

Xây dựng quân đội "từ nhân dân mà ra", nhân lực, vũ khí đều là "của dân, do dân, vì dân"; xây dựng lực lượng quân sự với ba thứ quân.

Phương châm hành động: "Chính trị trọng hơn quân sự", rồi "chính trị và quân sự đi đôi", chế độ chính trị viên trong quân đội, vừa đánh vừa đàm, chính trị phục vụ quân sự, quân sự thực hiện sứ mệnh chính trị và phục vụ ngoại giao...

Nghệ thuật quân sự: Chủ động tạo thời cơ, lựa chọn thời cơ khởi nghĩa đúng lúc, liên tục tiến công, liên tục giành thắng lợi dù là nhỏ nhất, quyết tâm, tin tưởng sắt đá vào thắng lợi cuối cùng... Tất cả đều là nhờ ở "Trí và Dũng".

Thứ tư, luận về "Thành công": Mục tiêu của đấu tranh quân sự là giành cho kỳ được độc lập dân tộc, xây dựng được chính quyền cách mạng, phát triển được lực lượng vũ trang làm công cụ sắc bén và đắc lực cho Nhà nước cách mạng.

Tất cả các cuộc khởi nghĩa của ông cha cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đều chưa giành được chính quyền. Hình thái "Quân quản" của khởi nghĩa Yên Thế chưa phải là đã có chính quyền. Khởi nghĩa Thái Nguyên (1917) tuy giành được chính quyền từ ngày 31-8 đến 5-9-1917 và ra được Tuyên ngôn "Thái Nguyên độc lập", nhưng khởi nghĩa ở vào thế thủ, thế bị động trước kẻ thù, nên nhanh chóng bị chúng dập tắt.

Với mục tiêu: "Độc lập dân tộc", đấu tranh quân sự trong Cách mạng Tháng Tám đã bằng mọi cách hỗ trợ cho nhân dân các địa phương xây dựng và giữ vững được chính quyền cách mạng. Bắt đầu từ tự vệ, du kích địa phương hỗ trợ cho việc xây dựng Uỷ ban Việt Minh xã làm nhiệm vụ của chính quyền cách mạng ở cơ sở, đấu tranh bảo vệ chính quyền đó, thậm chí áp đảo cả chính quyền địch, tạo điều kiện cho chính quyền cách mạng hoạt động song song với chính quyền địch trong phạm vi cần thiết. Tiến lên thành lập các Ủy ban giải phóng, thực hiện nhiệm vụ của chính quyền "tiền khởi nghĩa", rồi thành lập các Ủy ban công nhân cách mạng, Ủy ban nhân dân cách mạng sau khi giành được chính quyền cơ sở.

Ở Trung ương, Uỷ ban dân tộc giải phóng ra đời, rồi chuyển lên thành Chính phủ cách mạng lâm thời để tổ chức Tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội và thành lập Chính phủ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Bất cứ ở đâu và ở giai đoạn nào của cuộc vận động Cách mạng Tháng Tám, bạo lực quân sự vẫn cùng với bạo lực chính trị của quần chúng làm "bà đỡ" cho chính quyền cách mạng ra đời.

Do lựa chọn đúng thời cơ và với đường lối mưu trí, sáng tạo đã đem lại chính quyền về tay nhân dân một cách ít phải đổ máu. Điều đó không có nghĩa là "ăn may", là "múa võ trong khoảng chân không", là "đấu tranh trong một khoảng trống vắng quyền lực", là hoạt động quân sự không cần thiết, ít tác dụng...

Thực tiễn lịch sử cách mạng nước ta cho phép khẳng định rằng: Không có lực lượng quân sự, không có đấu tranh quân sự hỗ trợ cho phong trào quần chúng, không kết hợp được chặt chẽ chính trị với quân sự thì Cách mạng Tháng Tám không thể giành được thành công nhanh chóng và gọn gàng như vậy.

Nói một cách khác, nếu "quân sự chỉ là tiếp tục chính trị dưới một hình thức khác" như có nhà quân sự đã nói, thì hoạt động quân sự trong Cách mạng Tháng Tám, trước những kẻ thù xâm lược được trang bị vũ khí đến tận răng, là không thể thiếu được.

Trong Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ dân chủ cộng hòa".

Chúng ta đánh đổ mọi kẻ thù bằng cả bạo lực chính trị và bạo lực vũ trang. "Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật" mà nói thì: Lịch sử quân sự Việt Nam trong quá trình vận động Cách mạng Tháng Tám đã trải qua một bước phát triển mới, có cống hiến lớn lao vào lịch sử dân tộc. Lực lượng vũ trang ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có "Thế", có "Lực", có "Trí", có "Dũng" ngang tầm thời đại để kết hợp chặt chẽ với lực lượng chính trị hùng hậu của quần chúng đem lại "Thành công" trong Cách mạng Tháng Tám./.

GS.Văn Tạo

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất