Hai cánh tay của nhân dân, của Đảng
Mối quan hệ hữu cơ thống nhất, tác động lẫn nhau giữa quốc phòng và an ninh được Đảng ta nhấn mạnh trong sự kết hợp sức mạnh của lực lượng và thế trận quốc phòng toàn dân với sức mạnh của lực lượng và thế trận an ninh nhân dân. Vấn đề phối hợp giữa quốc phòng với an ninh trên phương diện tổ chức lực lượng, xây dựng thế trận và hoạt động thực tiễn được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm trong thực hiện chiến lược bảo vệ Tổ quốc.
Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng nhấn mạnh: “Bố trí thế trận quốc phòng, an ninh phù hợp với tình hình mới. Gắn kết quốc phòng với an ninh. Kết hợp chặt chẽ quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế trên từng địa bàn lãnh thổ, trong công tác quy hoạch, kế hoạch và các chương trình, dự án”. Sự đoàn kết, phối hợp giữa Công an nhân dân và Quân đội nhân dân đã trở thành truyền thống, là yêu cầu khách quan, cội nguồn sức mạnh bảo vệ Tổ quốc.
Trải qua các thời kỳ cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Công an và Quân đội là hai cánh tay của nhân dân, của Đảng, của Chính phủ, của chuyên chính vô sản. Vì vậy, càng phải đoàn kết chặt chẽ với nhau, giúp đỡ lẫn nhau”.
Công an nhân dân Việt Nam và Quân đội nhân dân Việt Nam luôn chung sức, chung lòng, đồng tâm hiệp lực, đoàn kết, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an, Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) và Bộ Quốc phòng, đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thể chế hoá quan điểm, chủ trương của Đảng về quan hệ phối hợp, hiệp đồng chiến đấu giữa Công an nhân dân và Quân đội nhân dân trong thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Quốc phòng tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 107/QĐ-TTg, ngày 02/6/2003 về “Quy chế phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới”; tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 77/2010/NĐ-CP, ngày 12/7/2010 về “Phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và nhiệm vụ quốc phòng”; Nghị định số 78/2011/NĐ-CP, ngày 01/9/2011 của Chính phủ quy định việc phối hợp giữa Bộ Công an với Bộ Quốc phòng trong tổ chức thực hiện công tác phòng cháy và chữa cháy đối với cơ sở quốc phòng; ngày 29/6/2012, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư liên tịch số 07/2012/TTLT-BCA-BQP về hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 77/2010/NĐ-CP... Các văn bản trên là cơ sở pháp lý quan trọng để sự phối hợp giữa Công an nhân dân và Quân đội nhân dân ngày càng đi vào nền nếp, có hiệu quả thiết thực.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, quan hệ phối hợp, hiệp đồng chiến đấu giữa Công an nhân dân và Quân đội nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và nhiệm vụ quốc phòng đã không ngừng được củng cố, phát triển. Nhận thức rõ về ý nghĩa, tầm quan trọng của sự phối hợp giữa hai lực lượng, lực lượng Công an nhân dân và Quân đội nhân dân các cấp đã duy trì thường xuyên việc giao ban định kỳ để thống nhất đánh giá tình hình, kết quả công tác phối hợp. Trên cơ sở quy định của Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, các đơn vị nghiệp vụ thuộc hai Bộ, cũng như Công an, Quân sự, Biên phòng các địa phương đã duy trì và tăng cường các hình thức phối hợp thường xuyên hoặc đột xuất khi có yêu cầu.
Nội dung phối hợp giữa Công an nhân dân và Quân đội nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và nhiệm vụ quốc phòng đã ngày càng mở rộng, đi vào chiều sâu, trở thành công tác thường xuyên, quan trọng của mỗi lực lượng. Công an các đơn vị, địa phương đã chủ động phối hợp với các ngành, các cấp, nhất là Quân đội nhân dân triển khai thực hiện tốt các phương án, kế hoạch bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, công trình trọng điểm, các sự kiện chính trị, văn hoá, xã hội, đối ngoại quan trọng, các ngày lễ lớn của dân tộc; bảo vệ tuyệt đối an toàn hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ở trong và ngoài nước, các chuyến thăm làm việc của các đoàn khách quốc tế, các Hội nghị quốc tế tổ chức tại Việt Nam và bảo vệ cơ quan đại diện, công dân Việt Nam công tác học tập, lao động ở nước ngoài.
Công an nhân dân và Quân đội nhân dân đã phối hợp đạt kết quả tốt trong công tác huấn luyện, đào tạo cán bộ, giáo dục quốc phòng, an ninh, nâng cao kiến thức về quốc phòng, an ninh cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân; phối hợp tổ chức diễn tập các phương án phòng, chống biểu tình, bạo loạn, khủng bố, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Lực lượng Công an nhân dân và Quân đội nhân dân đã luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước để tham mưu với cấp ủy, chính quyền, phối hợp với các ban, ngành triển khai công tác, biện pháp, lực lượng tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quốc phòng, an ninh, tạo sự thống nhất cao trong Đảng, sự đồng thuận, ủng hộ của hệ thống chính trị và nhân dân.
Công tác trao đổi thông tin và phối hợp kiểm tra xác minh thông tin được kịp thời, chính xác, duy trì nền nếp và mang lại hiệu quả thiết thực. Lực lượng Công an nhân dân đã tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với lực lượng Quân đội nhân dân trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh, trật tự trên khu vực biên giới, vùng biển, đảo. Lực lượng Quân sự, Biên phòng đã tăng cường phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương phát hiện, ngăn chặn nhiều vụ phạm tội, nhất là các vụ mua bán phụ nữ, trẻ em, vận chuyển, buôn bán ma tuý, buôn lậu, gian lận thương mại… trên tuyến biên giới. Sự phối hợp giữa hai lực lượng đã góp phần to lớn trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, giải quyết kịp thời những vấn đề phức tạp nổi lên về an ninh, trật tự và ở các địa bàn chiến lược.
Trong quá trình phối hợp, nhận thức của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân, Quân đội nhân dân về tình hình, nhiệm vụ và trách nhiệm phối hợp giữa hai lực lượng có nhiều chuyển biến tích cực; tình đoàn kết, sự gắn bó ở tất cả các cấp ngày càng sâu sắc hơn. Sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự quan tâm của các ngành, đoàn thể đối với sự phối hợp, hiệp đồng chiến đấu giữa Công an nhân dân và Quân đội nhân dân được tăng cường. Các tầng lớp nhân dân ngày càng tin yêu, tích cực giúp đỡ lực lượng Công an, Quân đội trong công tác giữ gìn an ninh, trật tự và thực hiện nhiệm vụ quốc phòng.
Trong thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, đặt ra nhiều khó khăn, thách thức đối với nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và nhiệm vụ quốc phòng. Các thế lực thù địch ráo riết đẩy mạnh các hoạt động chống phá cách mạng Việt Nam với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, thâm độc; tăng cường hoạt động thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong cán bộ, đảng viên, chia rẽ, phá hoại nội bộ, tuyên truyền xuyên tạc nhằm thực hiện ý đồ “phi chính trị hoá” các lực lượng vũ trang, vô hiệu hoá, chia rẽ Công an nhân dân và Quân đội nhân dân để thực hiện chiến lược "diễn biến hoà bình" nhằm xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Trong khi đó, những nhân tố gây mất ổn định chính trị, xã hội ở trong nước vẫn chưa bị đẩy lùi, có nơi, có lúc còn diễn biến phức tạp hơn. Tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội, tác động của mặt trái cơ chế thị trường, của toàn cầu hoá, đô thị hoá… đang làm gia tăng những yếu tố phức tạp đối với an ninh, trật tự và nhiệm vụ quốc phòng của đất nước.
Nhân tố có ý nghĩa quyết định
Thực tiễn những năm qua cho thấy, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và những nhân tố tác động đến an ninh, trật tự ở nước ta có những diễn biến phức tạp, nhưng dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, chúng ta đã bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững ổn định chính trị, xã hội, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tạo điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội và mở rộng quan hệ đối ngoại của đất nước. Điều đó khẳng định mối quan hệ phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả giữa lực lượng Công an nhân dân và Quân đội nhân dân là nhân tố có ý nghĩa quyết định việc thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
Tình hình trên đòi hỏi lực lượng Công an nhân dân và Quân đội nhân dân cần bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước và của từng lực lượng, tăng cường sức mạnh, phối hợp chặt chẽ để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Giữ vững sự lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện của Đảng đối với lực lượng vũ trang, phát huy truyền thống đoàn kết, hiệp đồng tác chiến, thắt chặt mối quan hệ phối hợp giữa Công an nhân dân và Quân đội nhân dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và nhiệm vụ quốc phòng trong tình hình mới. Tiếp tục nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ trong Công an nhân dân và Quân đội nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng và những nhiệm vụ của công tác phối hợp giữa hai lực lượng trong thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Thống nhất nhận thức, hành động phối hợp giữa Công an nhân dân và Quân đội nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước trong việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh là một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định thắng lợi của nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, giữ vững an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trong thời gian tới.
Tiếp tục phối hợp cụ thể hoá, triển khai thực hiện có hiệu quả các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Phối hợp tham mưu cấp ủy, chính quyền phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tính chủ động, sáng tạo trong quan hệ phối hợp giữa các đơn vị, các cấp trong Công an nhân dân và Quân đội nhân dân nhằm tăng cường khả năng, sức mạnh của từng lực lượng. Nâng cao chất lượng trao đổi thông tin, đánh giá, dự báo tình hình quốc tế và trong nước liên quan đến nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; kịp thời tham mưu đề xuất với Đảng, Nhà nước có giải pháp phù hợp, không để bị động, bất ngờ, đảm bảo vững chắc an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, giữ vững chủ quyền biển, đảo trong mọi tình huống. Chủ động phối hợp diễn tập, xử lý các tình huống khủng bố, biểu tình, bạo loạn, phá hoại, gây rối an ninh, trật tự, gây nổ, bắt cóc con tin, phòng cháy, chữa cháy, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ… để chủ động ứng phó, giải quyết khi có tình huống xảy ra.
Thường xuyên chăm lo, phối hợp xây dựng Công an nhân dân và Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân. Phối hợp trong công tác chính trị, tư tưởng, tổ chức, bảo vệ chính trị nội bộ, kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn mọi âm mưu, hoạt động phá hoại nội bộ, chia rẽ giữa Công an với Quân đội của các thế lực thù địch. Định kỳ tổ chức giao ban giữa Quân ủy Trung ương và Đảng ủy Công an Trung ương để trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm về những mô hình mới, những cách làm hay, đem lại hiệu quả thiết thực trong chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; đẩy lùi sự suy thoái về đạo đức, lối sống; ngăn chặn, vô hiệu hoá âm mưu, hoạt động “diễn biến hoà bình, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, phi chính trị hoá lực lượng vũ trang của các thế lực thù địch và bọn phản động.
Phối hợp phát triển công nghiệp quốc phòng – an ninh; tăng cường cơ sở vật chất – kỹ thuật, bảo đảm cho các lực lượng vũ trang từng bước được trang bị hiện đại; đẩy mạnh phối hợp trong công tác nghiên cứu lý luận, nghệ thuật quân sự, an ninh. Chú trọng nâng cao phẩm chất cách mạng, trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, chiến sĩ; bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần phù hợp với tính chất hoạt động của Công an nhân dân và Quân đội nhân dân trong tình hình mới.
Đẩy mạnh giáo dục quốc phòng, an ninh, tiếp tục tăng cường quan hệ phối hợp giữa Công an nhân dân, Quân đội nhân dân với các bộ, ngành ở Trung ương và địa phương trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và nhiệm vụ quốc phòng; kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ quốc phòng, an ninh với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của đất nước.
Thực hiện tốt các nhiệm vụ nêu trên chính là tạo sức mạnh nội sinh trong quan hệ phối hợp giũa hai lực lượng – cơ sở quan trọng bảo đảm thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng – an ninh trong tình hình mới./.
Thượng tướng Trần Đại Quang
Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an