Chủ Nhật, 24/11/2024
Diễn đàn
Thứ Sáu, 14/12/2012 17:18'(GMT+7)

Suy ngẫm về bài học "vừa đánh vừa đàm" trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc

Ðồng chí Lê Ðức Thọ tại sân bay Pa-ri dặn đồng chí Võ Văn Sung có kế hoạch hiệp đồng với trong nước khi Mỹ sẽ đánh Hà Nội bằng B-52, trước khi về Hà Nội ngày 14-12-1972.

Ðồng chí Lê Ðức Thọ tại sân bay Pa-ri dặn đồng chí Võ Văn Sung có kế hoạch hiệp đồng với trong nước khi Mỹ sẽ đánh Hà Nội bằng B-52, trước khi về Hà Nội ngày 14-12-1972.

 

Về mặt ngoại giao, đây là kết cục thương lượng giữa phe kháng chiến Việt Nam và Hoa Kỳ sau 5 năm Hội nghị bốn bên công khai và sau hai năm tiến hành thảo luận thực chất trong cuộc đàm phán bí mật giữa hai đoàn Lê Ðức Thọ và Henri Kissinger 1971 - 1973. Ðây thật sự là việc chưa từng có trong lịch sử thế giới mà ta gọi là "vừa đánh vừa đàm". Kết quả cuộc thương lượng đã đáp ứng mong đợi của mọi người; nó làm cho toàn thế giới trút được gánh nặng tinh thần và tâm lý đè trĩu hàng chục năm. Với tư cách là Tổ trưởng tổ "Bước đi" trong Vụ Hai - một nhóm công tác đặc biệt trực thuộc Bộ Chính trị Ðảng ta lúc bấy giờ, tôi có nhiệm vụ nghiên cứu lộ trình kết hợp đàm phán ngoại giao với các bước đấu tranh quân sự trên chiến trường trong mấy năm 1968 - 1970 và sau đó trực tiếp tham gia cuộc đàm phán bí mật tại Pa-ri. Sau 40 năm nhìn lại, tôi cảm nhận rằng chúng ta có thể thấy rõ hơn và sâu hơn về cuộc đấu tranh Chính trị - Quân sự - Ngoại giao ngày ấy và có thể rút ra những bài học có ích cho sự nghiệp lâu dài bảo vệ và xây dựng đất nước Việt Nam hôm nay.

1- Phương pháp cách mạng và phương pháp ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trước hết, liên hệ với tình hình từ năm 1941 đến khi kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chúng ta thấy rõ rằng linh hồn của mọi thắng lợi của nước ta là "Tư tưởng Hồ Chí Minh". Ðã có rất nhiều công trình nghiên cứu về tư tưởng Hồ Chí Minh, nhưng trong phạm vi và mục đích của bài viết này, tôi chỉ xin nêu mấy điểm sát với đề tài: Phương pháp cách mạng nói chung và phương pháp ngoại giao của tư tưởng Hồ Chí Minh (1).

Ðiểm thứ nhất: Xuất phát từ thực tế nước ta là nước nhỏ, trình độ mọi mặt so với các thế lực xâm lược thuộc loại cường quốc thì rõ ràng là chênh lệch rất lớn. Trong lịch sử thế giới ta thấy khi đương đầu với nước lớn, các nước nhỏ thường đi "cầu viện" và các thế lực "chi viện" có vai trò quyết định trong cuộc đối đầu và đặc biệt là khi kết thúc. Với bài học của lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xử lý đúng đắn và sâu sắc cả hai mặt là ta phải tự chủ đồng thời phải tranh thủ được sự hỗ trợ từ bên ngoài.

Ðiểm thứ hai: Có một thực tế lịch sử là chính nghĩa không phải lúc nào cũng "tất thắng" mà lắm khi phải chờ đợi, thậm chí cũng phải chịu nhiều phen thất bại. Từ đó vấn đề là phải làm sao cho chính nghĩa được "tất thắng". Câu trả lời là phải tạo điều kiện cho chính nghĩa thắng, phải biết "cách làm" cho chính nghĩa thắng. Nói cách khác là phải có phương pháp cách mạng thích hợp, trong đó có phương pháp ngoại giao. Thực tế ở nước ta phương pháp là yếu tố quyết định nhất cho thắng lợi.

Ðiểm thứ ba: Nội dung lớn nhất của phương pháp cách mạng và phương pháp ngoại giao là "dĩ bất biến, ứng vạn biến". Ðây là ý tưởng đã có từ xưa trong lịch sử Trung Quốc, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hiện đại hóa và Việt Nam hóa, nâng lên tầm cỡ thời đại. Sở dĩ như vậy là vì lần đầu tiên có cuộc "thử sức" giữa một nước nhỏ bé là Việt Nam với các thế lực xâm lược vào loại mạnh nhất thế giới là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, trong đó Việt Nam đã "vạn biến" trên cơ sở kiên trì cái "bất biến" là Tổ quốc độc lập - thống nhất. Cái bất biến này được Bác Hồ và toàn dân Việt Nam thể hiện: "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một". "Sông có thể cạn, núi có thể mòn song chân lý đó không bao giờ thay đổi". Câu nói của Bác được cả loài người chia sẻ là: "Không có gì quý hơn độc lập, tự do". Ðây cũng là bản lĩnh của Người, biết lượng sức mình và sức đối phương, biết giành thắng lợi từng bước để tiến dần đến thắng lợi hoàn toàn.

Ðiểm thứ tư: Có thể nói ngay rằng chỉ ở Việt Nam, vào thời đại Hồ Chí Minh, mới có một cuộc "vừa đánh vừa đàm" nổi tiếng, trong đó quân sự và ngoại giao hợp đồng với nhau dẫn đến một sự trùng lặp kỳ tác của lịch sử là sau trận Ðiện Biên Phủ mặt đất thì có Hiệp định Giơ-ne-vơ và sau trận "Ðiện Biên Phủ trên không" trên bầu trời Hà Nội thì có Hiệp định Pa-ri.

Không thể nói gì hơn rằng đó là thành công của phương pháp cách mạng, của phương pháp ngoại giao trên nền tảng tư tưởng hết sức đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới.

2. Nội lực, nền tảng của thực lực, nhân tố bảo đảm khả năng làm chủ vận mệnh nước ta và làm chủ giải pháp cuối cùng của ngoại giao

Chúng ta đều nhớ câu nói nổi tiếng của Bác Hồ từ năm 1945: "Ðem sức ta mà tự giải phóng cho ta". Ðây là điều rất độc đáo vì thực tế trên thế giới đã rõ ràng, nếu chủ yếu dựa vào sức chi viện của nước khác thì số phận của nước cầu viện là lệ thuộc vào nước chi viện. Ðó là điều dễ thấy nhưng đem ra thực hiện thì đòi hỏi rất nhiều điều kiện.

Qua thực tế Việt Nam ta thấy đó là:

Ý chí của một dân tộc "Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ". Tôi còn nhớ năm 1946, ra Hà Nội, thấy các đường phố có treo biểu ngữ bằng tiếng Anh "Independence or Death" tức là "thà chết hơn mất độc lập".

Có một ngọn cờ tập họp: "Ðoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, Thành công, thành công, đại thành công"; với một lãnh tụ "chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành".

Có một tấm gương để mỗi cán bộ, đảng viên soi mình, tấm gương "Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư", lấy lợi ích của dân làm nguyên tắc cao nhất, việc gì lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh.

Trong cả hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Liên Xô và Trung Quốc đã giúp ta rất nhiều về vật chất như vũ khí, lương thực và ta cũng cần bạn cố vấn nhiều, nhưng ta vẫn đánh theo "cách của ta".

"Cách của ta" rất đa dạng, thể hiện qua cuộc chiến tranh nhân dân, chiến tranh du kích mà ta gọi là "sức mạnh tổng hợp". Những yếu tố của sức mạnh này gồm đủ mọi "binh chủng" và rất nhiều độ tuổi, từ thiếu nhi đến "bạch đầu quân", từ có vũ khí đến không vũ khí như đội quân tóc dài. Về cách đánh thì lấy ít thắng nhiều, lấy yếu thắng mạnh, địch tiến ta lui, địch lùi ta tiến, tiêu hao địch từng người, cướp súng địch từng cái, huy động cả loài vật như ong vò vẽ, khỉ vào các cuộc đánh phá địch... Nói chung là cách đánh chỉ có ta mới làm được, không nước bạn nào làm thay được. Vì vậy khi nói lấy nội lực của ta làm thực lực là rất thực tế. Với bề dày lịch sử mang đậm tính cách "toàn dân đánh giặc", trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, truyền thống này được nâng lên về chất lượng và quy mô đến mức có thể trở thành chủ bài để nhân dân ta làm chủ vận mệnh của chính mình.

Về mặt ngoại giao, trên cơ sở tự làm chủ vận mệnh của mình, ta có thể chủ động chọn giải pháp để kết thúc từng giai đoạn hoặc toàn bộ cuộc đấu tranh quân sự.

Trong hai cuộc đàm phán đi đến Hiệp định ở Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 và Hội nghị Pa-ri năm 1973, ta có thể thấy rõ vai trò quyết định của nội lực. Cả hai hội nghị đều có các nước khác tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp nhưng ta vẫn làm chủ giải pháp. Tại Hội nghị Giơ-ne-vơ chúng ta phải chịu đựng sức ép không chỉ của đối phương mà cả từ nước bạn Liên Xô, Trung Quốc và chúng ta đã có những nhân nhượng, nhưng căn bản ta đạt được kết quả phản ánh đúng so sánh lực lượng lúc bấy giờ. Ðặc biệt ở Pa-ri ta đã tạo ra được một hình thức độc đáo là "Ðàm phán bí mật" giữa ta và Mỹ. Cuộc "Ðàm phán bí mật" này là sự kiện có ý nghĩa người làm chủ giải pháp chính là người nắm thực lực của mình, thể hiện qua việc Mỹ (và ta) đã dứt khoát không cho chế độ Sài Gòn tham gia cuộc đàm phán này. Thậm chí từ bên ngoài, chính quyền Sài Gòn yêu cầu vài điều để Mỹ đưa ra mặc cả với ta nhưng bị ta từ chối khiến đại diện phía Mỹ đã thốt ra câu nói phản ánh thực chất quan hệ của Mỹ với chính quyền Sài Gòn là: "Cái đuôi lại muốn vẫy con chó". Một minh chứng khác để rõ thêm vấn đề "thực lực" là trận chiến 12 ngày đêm trên bầu trời Hà Nội cuối năm 1972. Lúc sinh thời, Bác Hồ đã có một dự báo thiên tài: Chỉ sau khi bị thua ta trên bầu trời Hà Nội thì Mỹ mới thực sự chịu thua. Do dự báo này mà bộ đội ta đã có sự chuẩn bị rất chu đáo cho trận đánh mà ta gọi là trận "Ðiện Biên Phủ trên không". Ðây là cuộc đọ thực lực giữa hai bên. Lá bài cuối cùng của Mỹ là B52 đánh Hà Nội 12 ngày đêm không khuất phục nổi ta đã buộc họ phải ký kết Hiệp định Pa-ri ngày 27-1-1973, sau không đầy một tháng chuẩn bị, kể từ ngày toàn thắng nhờ thực lực của ta trong trận đọ sức cuối cùng trực diện với Mỹ.

Sau 40 năm nhìn lại, có thể khẳng định như lời Bác Hồ đã tiên báo từ năm 1945: "Ðem sức ta mà tự giải phóng cho ta" chính là nền tảng vững chắc nhất cho sự nghiệp cứu nước, trong đó chúng ta có cái quyền cao nhất là quyền tự quyết định công việc của Tổ quốc mình.

3. Quan hệ giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại

Cuộc đấu tranh tự giải phóng của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 20 diễn ra lúc thế giới bước vào "thời đại toàn cầu", khác hẳn trước kia ở đâu chỉ biết đấy. Ðó là do trình độ của loài người đã đến mức cao, trong đó có lĩnh vực thông tin. Tình hình đó giúp chúng ta tranh thủ nhân tố tiến bộ trên thế giới cho sự nghiệp chính nghĩa tự giải phóng, tuy rằng cũng có những phức tạp tùy theo đối tượng mà ta tranh thủ và cũng tùy theo thời điểm.

Suốt thời gian quân dân ta ra sức chống thực dân Pháp tìm cách tái thống trị và chống đế quốc Mỹ xâm lược nước ta, càng ngày nhân dân Pháp và nhân dân Mỹ càng ủng hộ chúng ta và phản đối chính sách của Chính phủ nước họ. Hiện tượng đó xuất hiện trong thời kỳ chúng ta kháng chiến bằng quân sự, phát triển trong các thời gian ta và Pháp đàm phán ở Giơ-ne-vơ, ta và Mỹ đàm phán ở Pa-ri và vẫn tồn tại sau khi ta và Pháp, ta và Mỹ đã đi đến ký kết thỏa thuận. Từ đó đến nay, rất nhiều người trước đây thuộc lực lượng xâm lược nước ta nay ân hận muốn chuộc lại lỗi lầm đã làm đau khổ cho nhân dân Việt Nam và họ chân thành mong muốn trở thành bạn của ta. Tôi suy nghĩ thấy rằng hiện tượng đó còn tiếp tục trong tương lai. Tại sao có hiện tượng đặc biệt này ở nước ta, trong lúc trên thế giới, cùng thời gian, có không ít những cuộc xung đột giữa nước này và nước khác? Nghiên cứu tình hình trong nhiều năm qua tôi thấy có mấy nhân tố sau đây:

Thứ nhất là, "chất lượng" của dân tộc Việt Nam, một dân tộc có lịch sử kiên cường mấy nghìn năm giữ nước trong hoàn cảnh thường xuyên bị đe dọa ngoại xâm. Các triều đại phong kiến Việt Nam đều gắn bó với nhân dân để cùng bảo vệ Tổ quốc khi có ngoại xâm. Ở châu Á có thời kỳ Gengis Khan (Thành Cát Tư Hãn) chinh phục và thống trị nhiều nơi, đánh đâu thắng đó, chiếm cả đất Trung Quốc rộng lớn, lập chế độ Nguyên Mông, nhưng đến Việt Nam ba lần thì đều bị thất bại cả ba. Chuyện này trên thế giới họ cũng biết; thí dụ: Trong thời gian tôi làm Ðại sứ nước ta tại Tô-ki-ô, khi tôi được hầu chuyện với Ðông cung Thái tử, về sau lên ngôi Nhật hoàng A-ki-hi-tô, Ngài đã chủ động nhắc lại sự kiện này và còn kể chuyện Nhật Bản lúc đó may mắn thoát khỏi Gengis Khan là nhờ cơn bão "Thần phong" ở biển Nhật Bản đã làm đắm toàn bộ thủy đội Nguyên Mông xâm lược.

Thứ hai là, trên cơ sở kế thừa truyền thống bảo vệ độc lập của Tổ quốc qua nhiều thế hệ, đến thế kỷ 20 xuất hiện lực lượng kế tục là Ðảng Cộng sản Việt Nam do lãnh tụ Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, gồm những người con ưu tú của dân tộc đã làm nên sự tích thần kỳ trong hai cuộc kháng chiến  chống  thực  dân  Pháp và đế quốc Mỹ; những người con tận trung với nước, chí hiếu với dân, "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh".

Thứ ba là trong lòng dân tộc đó, đã xuất hiện lãnh tụ Hồ Chí Minh, vị Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, với nhân cách tuyệt vời, tài cao, đức trọng, được toàn dân tin tưởng.

Tôi nghĩ rằng, chính nhờ những nhân tố như vậy mà dân tộc Việt Nam nhỏ bé đã tự mình tạo ra thực lực của mình và nhờ vậy sức mạnh thời đại đã tự nhiên gắn với sức mạnh của dân tộc Việt Nam.

Trong thời đại Hồ Chí Minh có những điều độc đáo trong chính sách đối ngoại của Bác như: Việt Nam chỉ muốn có bạn, không muốn coi ai là thù; Việt Nam sẵn sàng "trải thảm đỏ" cho kẻ đến xâm lược ra đi với mong muốn họ trở lại làm bạn của ta (1). Từ đó, chúng ta chứng kiến tất cả những nước có quá khứ đối đầu với ta đều đang trở thành đối tác chiến lược của ta, giúp ta chiến thắng nghèo nàn và lạc hậu. Hiện nay và trong tương lai, hàng ngũ đối tác chiến lược của Việt Nam sẽ ngày càng đông đảo. Vấn đề là chúng ta phải tự nâng trình độ mọi mặt của mình lên để sử dụng hiệu quả nhất quan hệ hợp tác quốc tế, xây dựng có chất lượng cao hơn một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh; nói cách khác là sớm đạt mục tiêu của Hồ Chí Minh là Việt Nam Ðộc lập - Tự do - Hạnh phúc.

4. Vấn đề dự báo tình hình, tạo thời cơ và chọn thời điểm giải quyết

Dự báo tình hình: Sau khi nhìn lại thời gian từ cuối năm 1967 lúc ta chuẩn bị đàm phán với Mỹ cho đến ngày ký kết Hiệp định Pa-ri có thể nói rằng, dự báo tình hình của phía ta có sự chính xác rất cao. Tôi còn nhớ khi nhóm nghiên cứu của tôi làm việc với các anh ở Bộ Chính trị, anh Lê Ðức Thọ có nói rằng dự báo đến 80% là giỏi lắm rồi, nhưng chúng ta đã đạt được độ chính xác đến 90%.

Trước hết tôi nói về dự báo của ta về tình hình Mỹ bao gồm ba nguồn: Một là thông tin do phía Mỹ đưa trên các phương tiện công khai như báo, đài, các hãng thông tin, từ phóng viên chiến trường của các nước phương Tây; hai là nguồn tin từ các báo cáo chiến trường của ta; ba là các tin do tình báo ta thu được.

Chúng tôi đánh giá nguồn thông tin thứ nhất có độ chính xác khá cao; loại báo cáo chiến trường chúng tôi chậm đưa ra phân tích vì phải chờ qua tổng hợp và xác minh của cơ quan quân sự cấp Trung ương của ta; loại thứ ba là tin tình báo thì các anh lãnh đạo chỉ phổ biến cho nhóm nghiên cứu của chúng tôi một cách gián tiếp cho nên tôi không thể nói rằng loại thông tin này chính xác mức nào. Suốt thời kỳ chống Mỹ, cứu nước chỉ có một lần, đầu năm 1975, tôi được giao trực tiếp tổ chức thu thập thông tin theo yêu cầu của lãnh đạo cấp cao từ trong nước để giải đáp câu hỏi: "Mỹ có thể đưa quân trở lại Việt Nam hay không?". Câu trả lời của chúng tôi báo cáo là "Không có khả năng đó". Việc này tôi có kể trong Hồi ký "Chiến dịch Hồ Chí Minh giữa lòng Pa-ri" (2). Ðến đây, tôi cũng xin ghi lại một tình tiết, vì nó là một bài học kinh nghiệm về dự báo tình hình của bản thân tôi. Ngày 4-5-1969, sau khi nghe đài Mỹ phát đi vào tối 3-5 tức là lúc sáng sớm ngày 4-5 theo giờ Việt Nam, tôi đã xin gặp gấp hai anh Lê Ðức Thọ và Nguyễn Duy Trinh để báo cáo nhận định của tôi là "Ni-xơn đã muốn giải quyết vì ông ta không đưa ra điều kiện mà Mỹ luôn nêu lên là quân Bắc Việt phải rút khỏi miền nam". Sau khi nghe tôi đưa ra "phát hiện quan trọng" này, hai anh đã từ tốn mời tôi ăn sáng, sau đó kéo chiếc màn che bản đồ chiến trường chỉ cho tôi thấy tất cả các đơn vị chủ lực của ta đều đã phải rút về miền bắc do tiếp tế bị nghẽn. Kỷ niệm này làm cho tôi về sau biết phải cẩn thận như thế nào khi dự báo tình hình.

Tiếp theo tôi xin kể về một trong những kỷ niệm sâu sắc nhất trong những năm tháng đó. Ngày

14-12-1972 trước khi lên máy bay tại sân bay Pa-ri để quay về Hà Nội, anh Lê Ðức Thọ dặn tôi: "Mình về thì nay mai chắc nó sẽ đánh Hà Nội bằng B52, việc này cậu đã biết. Cậu cần có kế hoạch hiệp đồng tốt với nhà trong trận đánh này". Do đó về mặt ngoại giao trong 12 ngày đêm B52 đánh Hà Nội, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp lúc đó là M.Su-man và tôi ngày nào cũng có những cuộc gặp nhau, có lúc còn gọi điện thoại cả vào đêm khuya để thông tin tình hình và trao đổi ý kiến. Phía Pháp cần thông tin để có thái độ còn phía ta cũng muốn Pháp góp phần lên án Mỹ. Thực tế trong những ngày đó, Chính phủ Pháp đã phát tuyên bố lên án cuộc đánh phá Hà Nội mà Mỹ gọi là chiến dịch Linebaker-II. Ðến ngày 30-12-1972 sau khi tôi báo tin thắng lợi của ta trong 12 ngày đêm, bắn rơi 81 máy bay Mỹ, trong đó có 34 chiếc B52, ông M.Su-man đã thốt lên: "Thật là kỳ diệu!". Rồi ông đưa tôi ra thềm Bộ Ngoại giao Pháp gặp hàng chục nhà báo Pháp và quốc tế đang nóng lòng chờ sẵn ở đó để tôi thông báo cho họ về "điều kỳ diệu" ấy. Trong thời gian này, song song với các hoạt động ngoại giao trên, cũng đã diễn ra cả một chiến dịch vận động dư luận rộng rãi ở Pháp và Tây Âu, do tất cả các cơ quan đại diện Việt Nam, các hội đoàn người Việt Nam và bạn bè quốc tế phối hợp tiến hành. 12 ngày đêm rực lửa trong trận "Ðiện Biên Phủ trên không" trên bầu trời Hà Nội giữa mùa đông năm 1972 ấy cũng là những ngày đêm hừng hực nóng bỏng tình cảm của người Việt Nam và bạn bè của Việt Nam ở Pháp và các nước đấu tranh chống đế quốc Mỹ, bảo vệ Hà Nội anh hùng, bảo vệ đất nước của Hồ Chí Minh. Không phải ngẫu nhiên mà chúng ta đã chủ động đáp trả và toàn thắng trong chiến dịch 12 ngày đêm bởi đây thực sự là thành công tất yếu của công tác dự báo tình hình. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có lời tiên tri thiên tài lúc sinh thời: Chỉ sau khi bị thua ta trên bầu trời Hà Nội thì Mỹ mới thực sự chịu thua. Theo di huấn đó, trong nhiều năm bộ đội Phòng không - Không quân ta đã rèn luyện thử nghiệm đánh B52 và trước khi vào chiến dịch đã có trong tay cả một quyển "cẩm nang đỏ" hướng dẫn chiến đấu. Suốt 30 năm kháng chiến chống ngoại xâm, tư tưởng Hồ Chí Minh chẳng những đã giữ vững quyết tâm, củng cố niềm tin của nhân dân ta, mà còn dẫn dắt từng bước đi cho thắng lợi của dân tộc.

Vấn đề tạo thời cơ: Qua thực tế diễn biến của cục diện "vừa đánh vừa đàm" giữa ta và Mỹ, chúng tôi thấy được là thời cơ đúng nghĩa không tự nó đến mà ta phải tạo ra thời cơ; mặt khác nếu xuất hiện một động thái thuận lợi mà ta lại không sẵn sàng chớp lấy thì cũng coi như mất thời cơ. Từ đó, theo tôi, ta phải xét vấn đề thời cơ theo ý tưởng tạo ra nó; như vậy ta phải làm gì để tạo ra thời cơ?

Cục diện "vừa đánh vừa đàm" cho ta thấy thời cơ xuất hiện từ cả hai phía. Về phía đối phương, có lúc gặp phải khó khăn đột xuất về chính trị nội bộ, về điều động lực lượng khiến họ có thể không xử lý ngay được, nếu ta nắm được và kịp thời khai thác thì đó là thời cơ cho ta chớp lấy. Về sau này ta biết được, ít nhất có ba lần Mỹ lâm vào hoàn cảnh đó, nhưng lúc đó ta không nắm được, mặt khác nếu ta biết được nhưng không sẵn sàng khai thác thì cũng là một việc bỏ lỡ thời cơ. Vì vậy, ý tưởng phải chủ động tạo ra thời cơ (và chớp lấy kịp thời) có nghĩa là ta phải thường xuyên sẵn sàng cả về lực lượng (đánh) và cả về giải pháp ngoại giao (đàm) với nhiều phương án tùy theo tình hình thực tế xảy ra.

Vấn đề chọn thời điểm:

Qua cục diện "vừa đánh vừa đàm" giữa ta và Mỹ, ta thấy có bốn loại thời điểm là bắt đầu, tạm ngừng, tiếp tục và kết thúc.

Các tiêu chí chọn thời điểm trên cơ sở các yếu tố như sau:

- Một là phối hợp "bước đi" quân sự và "bước đi" đàm phán, với tinh thần hỗ trợ nhau vì "binh chủng" quân sự tạo ra thắng lợi trên chiến trường và "binh chủng" ngoại giao không phải chỉ phản ánh thắng lợi quân sự mà còn làm cho thắng lợi ấy được tăng thêm. Nói cụ thể là quân sự thắng một thì ngoại giao có nhiệm vụ tạo ra một cộng, một cộng bằng vai trò tích cực và chủ động, như đã nói rõ trong Nghị quyết 14 của Ðảng ta năm 1967, trước khi ta tiến hành Tổng tiến công và nổi dậy năm 1968 (Tết Mậu Thân) ở miền nam: Thông thường, cái gì ta không giành được trên chiến trường thì không thể giành được trên bàn đàm phán, tuy nhiên trong thời đại hiện nay với tính chất của cuộc đấu tranh chính nghĩa của chúng ta, ngoại giao của ta có thể trên cơ sở thắng lợi quân sự và chính trị của ta mà phát huy thêm và ngoại giao có vai trò tích cực và chủ động... Khi Mỹ đề nghị nói chuyện với ta, ngoại giao của ta phải tìm cách đưa Mỹ vào đàm phán theo cách của ta và theo ý đồ của ta để đưa Mỹ đến giải pháp có lợi cho ta. Ðó cũng là sự sáng tạo của Ðảng ta về vai trò của ngoại giao.

- Hai là giải pháp của ta đạt được đã tạo ra cái cơ sở pháp lý cho thực lực của ta trụ lại ở miền nam bằng những đạo lý sáng tạo như: Người Việt Nam có quyền chiến đấu bất cứ nơi nào trên lãnh thổ Việt Nam, cho nên vấn đề lực lượng vũ trang Việt Nam bao gồm quân của Chính phủ cách mạng lâm thời, quân của chế độ Sài Gòn và quân miền bắc là chuyện của người Việt Nam, Mỹ phải rút quân và không có quyền gì về vấn đề trên.

- Ba là trong giải pháp Hiệp định đã có các điều khoản về chính trị tạo ra "kịch bản" cho quá trình "ngụy nhào từng bước". Tạo chỗ dựa cho nhân dân Sài Gòn đấu tranh với chế độ Sài Gòn.

- Bốn là thời điểm đàm phán đi vào thực chất sau khi ta giành được những thắng lợi có ý nghĩa "thực chất". Tuy cuộc đàm phán của Hội nghị Pa-ri từ năm 1968 đến đầu năm 1973, nhưng thời kỳ "Ðàm phán bí mật" chỉ gọn trong mấy tháng của hai năm 1971-1972, trong hai năm đó ta và Mỹ có gần 10 lần ngưng rồi tái họp. Trên thực tế, chỉ có hai lần xử lý "thực chất" và triệt để là tháng 10-1972 ký tắt Dự thảo Hiệp định và từ ngày 30-12-1972 đến mấy ngày đầu tháng 1-1973 sau 12 ngày đêm đọ sức cuối cùng trên bầu trời Hà Nội.

5 - Phần kết

Thông qua việc nhìn lại cuộc đấu tranh của nước ta về Chính trị - Quân sự - Ngoại giao theo tư tưởng Hồ Chí Minh để giành một thắng lợi lịch sử là Hiệp định Pa-ri, sau 40 năm qua thực tế của nước ta và thế giới, ta có thể rút ra nhiều bài học bổ ích cho nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời gian tới. Ðồng thời tôi nghĩ rằng bài học lớn nhất là ta phải có tư duy ÐỔI MỚI và không ngừng đổi mới về mọi mặt. Ðiều đó là rất thực tế và khoa học vì muốn phát triển được là phải thường xuyên đổi mới.

Ðổi mới ở nước ta cần gắn với kiên trì mục tiêu mà Bác Hồ đã thể hiện: "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành".

Tôi nghĩ rằng đó là điều cơ bản mà người Việt Nam ta, từ người lãnh đạo cao nhất đến mỗi người dân, hoàn toàn nhất trí với Bác Hồ và quyết tâm làm tất cả vì mục tiêu ấy, để Tổ quốc Việt Nam sớm được dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh.

Làm được như vậy thì đúng là Bác Hồ sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta.

(1) V.V.Sung, Suy ngẫm về trường phái ngoại giao Hồ Chí Minh. Nxb Chính trị QG, Hà Nội, 2010.

(2) V.V.Sung: Chiến dịch Hồ Chí Minh giữa lòng Paris. Nxb QÐND, Hà Nội, 2005.


Võ Văn Sung/Theo Nhân Dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất