Là chế độ tôn trọng con người, trước khi trở thành thành viên của Liên hợp quốc (ngày 20 tháng 9 năm 1977), Việt Nam đã tự nguyện gia nhập nhiều công ước về Luật Nhân đạo quốc tế, (về nội dung cũng mang tính nhân quyền) như “Công ước Giơ-ne-vơ về bảo vệ thường dân trong chiến tranh” (gia nhập năm 1957), “Công ước Giơ-ne-vơ về đối xử với tù nhân trong chiến tranh” (gia nhập năm 1957)…
Trước thời kỳ đổi mới, vào năm 1982, Việt Nam đã gia nhập hai Công ước quốc tế cơ bản về quyền con người, đó là “Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị" và “Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa” (cùng được phê chuẩn năm 1966) (theo "Các văn kiện quốc tế cơ bản về quyền con người”, Viện nghiên cứu quyền con người, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh. HN. 2002, tr249, 284).
Nhằm bảo đảm quyền của người dân đồng thời phát triển xã hội, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn coi trọng việc xây dựng các thể chế quốc gia phù hợp với đặc thù lịch sử, văn hóa dân tộc. Trong đó có nguyên tắc các cơ quan tư pháp hoạt động độc lập. Đồng thời, Nhà nước có cơ chế chính sách tạo điều kiện để người dân tham gia quản lý Nhà nước và xã hội. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội ngày càng được nâng cao. Văn kiện Đại hội XI, năm 2011, tái khẳng định vai trò giám sát và phản biện xã hội của các tổ chức trên. Trong nhiều nhiệm kỳ qua, vai trò của Quốc hội ngày càng được nâng cao. Trong các kỳ họp, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ phải trả lời chất vấn công khai, được truyền hình trực tiếp những vấn đề cử tri và các đại biểu quan tâm.
Quyền làm chủ trực tiếp của người dân cũng được Đảng và Nhà nước quan tâm. Từ một Chỉ thị của Đảng (Chỉ thị Số 30-CT/TW, ngày 18-2-1998 về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở), với nhiều yêu cầu, đặc biệt là: Quy định quyền của mọi người dân ở cơ sở được thông tin về pháp luật, các chủ trương, chính sách của Nhà nước, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống và lợi ích hằng ngày của nhân dân tại cơ sở, Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh bảo đảm quyền được biết, được bàn, được kiểm tra và quyết định những vấn đề kinh tế, xã hội của người dân ở cơ sở. Đây là cơ sở chính trị, pháp lý của phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
Quyền tự do ngôn luận, báo chí và thông tin được bảo đảm ngày càng tốt hơn. Ngoài Luật Báo chí, Nhà nước đã ban hành các quy định cơ quan Chính phủ có trách nhiệm định kỳ và khi cần cung cấp thông tin cho báo chí. Các cơ quan truyền thông của Việt Nam phát triển nhanh chóng. Cho đến nay, cả nước có hơn 700 cơ quan báo chí; 68 đài phát thanh, truyền hình Trung ương và tỉnh, thành phố, hơn 80 báo điện tử, hàng nghìn trang tin điện tử và blog… Người dân Việt Nam ngày nay còn được tiếp cận với nhiều hãng thông tấn, báo chí, các kênh truyền hình nước ngoài như Roi-tơ, BBC, VOA, AP, AFP, CNN… Tốc độ phát triển internet ở Việt Nam được xếp hạng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.
Trên lĩnh vực quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, quan điểm nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam là: “Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước và trong từng chính sách phát triển… tiếp tục hoàn thiện hệ thống bảo hiểm xã hội… giúp đỡ mọi thành viên xã hội, nhất là những đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương…”. Để bảo đảm hành lang pháp lý cho các hoạt động của cơ quan Nhà nước và công dân, nhiều Bộ luật, luật sửa đổi và luật mới được ban hành dựa trên các nguyên tắc: Tôn trọng con người, quyền con người; Dân chủ XHCN; Nhà nước pháp quyền XHCN và nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đồng thời, thể hiện trách nhiệm Quốc gia, Việt Nam đã nội luật hóa các công ước quốc tế mà mình đã tham gia. Có thể dẫn ra những luật sau: Luật Bảo vệ sức khỏe người dân năm 1989, Luật Giáo dục năm 1998, Luật Đất đai năm 2003, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006, Luật Phòng, chống HIV/AIDS năm 2006, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007, Luật Bình đẳng giới năm 2011...
Trên cơ sở đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, các Chiến lược và Chương trình phát triển kinh tế-xã hội được triển khai, mức sống của người dân đã có những thay đổi đáng kể. Thu nhập bình quân đầu người vào năm 1990 khoảng 200USD, đến năm 2010 ước khoảng 1.200USD. Đến nay, Việt Nam đã thoát khỏi nhóm nước có thu nhập thấp, bước vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình.
Nhằm bảo đảm quyền bình đẳng trong việc hưởng thụ thành tựu phát triển, Nhà nước đã có nhiều chương trình kinh tế-xã hội hướng vào nâng cao đời sống của người dân ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo Báo cáo của Ủy ban Dân tộc, thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2 (2006-2010), ngân sách Trung ương đầu tư lên tới 15.000 tỷ đồng, trong đó các tổ chức quốc tế hỗ trợ 350 triệu USD. Từ nguồn vốn trên, Chương trình đã xây dựng được gần 13.000 công trình hạ tầng thiết yếu như điện, đường, trường, trạm ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo trong cả nước, Chính phủ đã có nhiều biện pháp cụ thể. Với kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, vốn tín dụng ưu đãi, hỗ trợ của doanh nghiệp, Quỹ vì người nghèo các địa phương… đến hết năm 2010, các huyện đã cơ bản hoàn thành việc xóa nhà tạm tại 62 huyện nghèo với 73.418 căn nhà, đạt 94,58% kế hoạch. Hiện nay, chương trình nhà ở xã hội của Chính phủ đang được triển khai tích cực ở nhiều địa phương nhằm trợ giúp cho công nhân, người thu nhập thấp và sinh viên.
Các quyền tự do cơ bản của con người là mục tiêu lớn, mục tiêu đó như đường chân trời, người ta càng đi đến thì chân trời càng lùi xa. Đơn giản vì nhu cầu về vật chất và tinh thần của con người ngày càng cao, là không có giới hạn.
Không phủ nhận rằng, hiện nay Việt Nam đang phải đối diện với không ít những vấn đề về kinh tế, xã hội liên quan đến quyền con người, như: Thể chế phân công phối hợp có sự giám sát về quyền lực chưa có hiệu quả như nhiều đại biểu Quốc hội vừa qua đã phát biểu; sự phân hóa giàu nghèo có khuynh hướng gia tăng, thậm chí ngay cả trong Đảng, như đồng chí Tổng bí thư đã nói; hoặc sự hình thành “lợi ích nhóm” trong thời gian qua là những ví dụ…
Tuy nhiên, với việc nhận thức đúng đắn hơn, đầy đủ hơn về CNXH và con đường đi lên CNXH, với truyền thống cách mạng, sáng tạo, gắn bó với nhân dân, chúng ta tin tưởng rằng, Đảng ta sẽ hoàn thành được sứ mệnh lịch sử mà dân tộc đã giao phó - xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh./.
(Phương Anh/QĐND)