Thứ Ba, 17/9/2024
Kinh tế
Thứ Ba, 28/4/2009 11:39'(GMT+7)

Cả nước sẽ có 10 cảng hàng không quốc tế

Máy bay của Hãng VASCO đón hành khách tại Cảng Hàng không sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: VIỆT DŨNG

Máy bay của Hãng VASCO đón hành khách tại Cảng Hàng không sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: VIỆT DŨNG

Tại miền Trung

Theo quy hoạch điều chỉnh, ngoài các CHKQT đã được công bố như Đà Nẵng, Phú Bài, sắp tới khu vực này sẽ có thêm CHKQT Cam Ranh, Chu Lai. Trong đó, Đà Nẵng đang khai thác theo chức năng quốc tế và nội địa. Phú Bài hiện đang đàm phán hợp tác liên doanh với Singapore để đón các chuyến bay quốc tế ngoài việc khai thác các chuyến bay nội địa như hiện nay. Còn Cam Ranh thì đang đầu tư xây mới nhà ga, đài kiểm soát không lưu và hệ thống đèn đêm để sớm công bố trở thành CHKQT vào năm 2009. Riêng Chu Lai, mặc dầu lượng khách chưa cao nhưng cũng đã được phê duyệt quy hoạch CHKQT.

Cũng theo quy hoạch mà Chính phủ phê duyệt, miền Trung sẽ trở thành đầu mối trung chuyển, trung tâm giao thương của vùng sông Mekong và khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Cùng với việc nâng cấp 3 CHKQT Chu Lai, Phú Bài và Đà Nẵng (đều nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung), tuyến hành lang cao tốc trên biển chạy theo hướng Bắc - Nam và tuyến liên hệ với quốc tế sẽ được xây dựng.

Hiện tại, Tổng Công ty Cảng Hàng không miền Trung đang đàm phán phương án hợp tác với đối tác Singapore để đầu tư, khai thác CHKQT Phú Bài. Và như vậy, CHKQT Phú Bài sau khi đầu tư nâng cấp rất có thể sẽ đón các chuyến bay quốc tế thường lệ tới Thừa Thiên - Huế.

Tại miền Nam

Hiện tại, khu vực này có CHKQT Tân Sơn Nhất là nơi có lượng hành khách thông qua đông nhất, đạt 10 triệu hành khách/năm. Các cơ quan chức năng sẽ xúc tiến bàn bạc phương án điều chỉnh quy hoạch CHKQT này theo hướng mở rộng sân đỗ, xây dựng ga hàng hóa và khởi công xây dựng đài kiểm soát không lưu.

CHKQT Cần Thơ hiện đã nâng cấp khu bay và đưa vào khai thác kể từ đầu năm 2009. CHKQT Phú Quốc mới cũng đã trình Chính phủ phê duyệt quy hoạch đến năm 2030. Theo đó khu bay sẽ đáp ứng 20 máy bay/giờ cao điểm và nhà ga tiếp nhận 7 triệu hành khách/năm. Hiện tại, cảng hàng không này đang giải phóng mặt bằng và dự kiến sẽ khởi công cuối năm nay.

Còn CHKQT Long Thành có quy mô rất lớn (100 triệu hành khách/năm, 5 triệu tấn hàng hóa/năm và chiếm diện tích 5.000 ha đất), có tổng vốn đầu tư lên đến 5 tỷ USD, sẽ là một trong những CHKQT trung chuyển quốc tế lớn nhất trong khu vực.

Tại miền Bắc

CHKQT Nội Bài hiện đã đạt 7 triệu hành khách/năm 2008. Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch cảng hàng không này đến 2025 và định hướng cho những năm tiếp theo là: năng lực của khu bay tiếp nhận 44 máy bay và nhà ga đạt 30 triệu hành khách/năm. Đường Bắc Thăng Long, cầu Nhật Tân, đường sắt ngầm từ TP Hà Nội sẽ nối với CHKQT Nội Bài.

Trong dài hạn, khu bay sẽ phát triển về phía Nam, xây dựng đường cất hạ cánh mới tiếp nhận các loại máy bay lớn nhất như A380, B777, sân đỗ tiếp nhận 88 máy bay. Sau khi hoàn thiện nhà ga T2 sẽ xây dựng thêm nhà ga T3, T4 để có thể đón tới 50 triệu hành khách/năm.

Như vậy, trong tương lai gần, toàn quốc sẽ có 10 CHKQT. Tức trong tương lai có 6 CHKQT nữa sẽ đón các chuyến bay thẳng từ các nước, đó là Cát Bi, Chu Lai, Cam Ranh, Phú Bài,
Cần Thơ, Phú Quốc và Long Thành (riêng Long Thành còn đóng vai trò là cảng hàng không trung chuyển để gom khách quốc tế trong khu vực).

Theo SGGP

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất