Thời hạn hoạt động của cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài không quá 50 năm
Nghị định 86/2018/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8/2018.
Theo
đó, đối tượng liên kết giáo dục là: Cơ sở giáo dục mầm non tư thục, cơ
sở giáo dục phổ thông tư thục của Việt Nam và cơ sở giáo dục hoạt động
hợp pháp ở nước ngoài, được cơ quan, tổ chức kiểm định chất lượng giáo
dục hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài công nhận về chất lượng
giáo dục.
Cũng theo Nghị định này, thời hạn hoạt động của cơ sở giáo dục có
vốn đầu tư nước ngoài không quá 50 năm, tính từ ngày được cấp giấy chứng
nhận đăng ký đầu tư nhưng không dài hơn thời hạn thuê đất.
Trong
khi đó, thời hạn hoạt động của liên kết đào tạo, liên kết tổ chức thi
cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài không quá 5 năm, kể từ
ngày phê duyệt và có thể được gia hạn, mỗi lần gia hạn không quá 5 năm
và không quá thời hạn thỏa thuận hoặc hợp đồng hợp tác giữa các bên liên
kết.
Cấm chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua trái phiếu để cơ cấu nợ cho doanh nghiệp
Ngân
hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư 15/2018/TT-NHNN ngày
18/6/2018 sửa đổi, bổ sung Thông tư 22/2016/TT-NHNN quy định việc tổ
chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua trái phiếu doanh
nghiệp. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 2/8/2018.
Theo
đó, Thông tư quy định các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước
ngoài không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành để cơ cấu lại các
khoản nợ của doanh nghiệp. Đồng thời, bãi bỏ quy định về các loại trái
phiếu doanh nghiệp được mua.
Thông tư này cũng quy
định nội bộ về mua trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng, chi
nhánh ngân hàng nước ngoài phải có thêm tối thiểu các nội dung như: Quy
định kiểm soát nội bộ hoạt động mua trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là
trái phiếu phát hành với mục đích thực hiện các dự án, dự án thuộc các
lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro…; Quy định cụ thể về các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro
và chính sách tín dụng đầu tư vào các lĩnh vực này.
Phát hiện tôm bơm tạp chất phải lập biên bản tại chỗ
Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư
07/2018/TT-BNNPTNT quy định về kiểm tra tạp chất trong tôm và sản phẩm
tôm. Thông tư sẽ có hiệu lực từ ngày 24/8/2018.
Theo
đó, trường hợp tổ chức kiểm tra theo Đoàn, khi phát hiện vi phạm về tạp
chất hoặc kết quả kiểm tra tại chỗ kết luận lô tôm có tạp chất, Trưởng
đoàn kiểm tra phải lập biên bản vi phạm hành chính theo thẩm quyền. Đồng
thời, niêm phong tang vật phương tiện vi phạm hành chính.Niêm phong
phải có dấu treo của Cơ quan kiểm tra, chữ ký của trưởng đoàn kiểm tra
và chữ ký của đại diện Cơ sở.
Việc niêm phong
phải được lập thành biên bản. Trong trường hợp không có chữ ký của đại
diện cơ sở, niêm phong phải có chữ ký của người chứng kiến hoặc chữ ký
của tất cả các thành viên trong đoàn và ghi rõ trong biên bản “đại diện
cơ sở không ký niêm phong, biên bản”.
Trưởng đoàn
kiểm tra có trách nhiệm báo cáo Thủ trưởng cơ quan kiểm tra để ban hành
quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm trong thời hạn không
quá 24 giờ kể từ khi niêm phong.
Trường hợp kiểm
tra viên được phân công kiểm tra độc lập, khi phát hiện vi phạm về tạp
chất hoặc kết quả kiểm tra tại chỗ kết luận lô tôm có tạp chất thì phải
lập biên bản; báo cáo Thủ trưởng cơ quan kiểm tra để có biện pháp xử lý
phù hợp.
Theo Báo Tin tức