Tại Hội thảo Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 24 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, trong 10 năm qua, công tác y dược - cổ truyền đã đạt được một số thành tựu, tuy nhiên vẫn còn có khó khăn và hạn chế về nhân lực, cơ chế chính sách…
Đạt nhiều kết quả khả quan
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, ngay sau khi Chỉ thị số 24-CT/TW được ban hành, Bộ Y tế đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan tích cực xây dựng và tham mưu với Thủ tướng Chính phủ ban hành các quyết định quan trọng để triển khai thực hiện Chỉ thị. Trong 10 năm qua, Bộ Y tế đã ban hành 46 văn bản quy phạm pháp luật nhằm quản lý công tác y dược cổ truyền, cơ bản phù hợp với thực tiễn và phát triển y dược cổ truyền.
Cùng với sự nỗ lực của Bộ Y tế, tại các địa phương, đơn vị công tác y dược cổ truyền cũng từng bước được quan tâm và bước đầu đạt được những kết quả khả quan như hệ thống mạng lưới về khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền từ Trung ương đến địa phương dần được củng cố và phát triển; chất lượng công tác khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại ngày càng được nâng cao. Công tác khám chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở từng bước được quan tâm; nuôi trồng và phát triển dược liệu trong nước được chú trọng, công tác kiểm soát chất lượng dược liệu, hàng giả, hàng kém chất lượng được tăng cường - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết.
Hệ thống chăm sóc sức khỏe y dược cổ truyền đã được mở rộng và phát triển ở tất cả các tuyến. Đối với hệ thống bệnh viện, đến năm 2018, tổng số bệnh viện y học cổ truyền tuyến tỉnh là 58/63 (trong đó có 3 tỉnh có hai bệnh viện, 7 tỉnh chưa có bệnh viện y học cổ truyền). Hệ thống khoa và tổ y học cổ truyền trong bệnh viện đa khoa, chuyên khoa cũng tăng lên (năm 2008 là 77,4%, năm 2017 là 82,3%). Số giường bệnh cho y học cổ truyền tăng gấp hai lần so với năm 2008, tuy nhiên tỷ lệ giường bệnh cho y học cổ truyền so với tổng số giường bệnh chung của tuyến tỉnh có xu hướng giảm đi.
Tại tuyến y tế cơ sở, công tác y dược cổ truyền dần được củng cố. Đến năm 2017, tỷ lệ các trạm y tế xã triển khai khám chữa bệnh y học cổ truyền tăng 23,99% so với năm 2008. Tỷ lệ các xã đã triển khai khám chữa bệnh y học cổ truyền được thanh toán bảo hiểm y tế đạt 70,18%, các trạm y tế xã có vườn thuốc mẫu đạt 88,87%.
Trong hệ thống chính sách khám chữa bệnh y dược cổ truyền tư nhân, các loại hình dịch vụ y dược cổ truyền khối tư nhân đã đa dạng hơn và không ngừng tăng về số lượng, đa dạng các loại hình như bệnh viện y học cổ truyền tư nhân, các phòng chẩn trị y học cổ truyền, các cơ sở kinh doanh thuốc thành phẩm y học cổ truyền, cơ sở bán buôn dược liệu…
Vẫn còn nhiều hạn chế
Cục trưởng Cục Quản lý Y dược cổ truyền, Bộ Y tế Phạm Vũ Khánh cho biết, số lượng nhân lực làm công tác y dược cổ truyền ở tất cả các tuyến tăng, song tỷ lệ so với nhân lực chung của ngành y tế giảm, từ 7,94% vào năm 2013 giảm xuống 7,32% vào năm 2017. Tỷ lệ nhân lực y học cổ truyền có trình độ chuyên sâu đến năm 2017 đạt 5,69% so với nhân lực y tế nói chung.
|
Bên cạnh những kết quả khả quan đạt được, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng thẳng thắn cho rằng, nguồn lực đầu tư cho y dược cổ truyền chưa tương xứng. Đặc biệt, đầu tư tài chính cho y dược cổ truyền chưa được quan tâm đúng mức. Việc bố trí nguồn vốn cho y dược cổ truyền còn gặp nhiều khó khăn.
Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống bệnh viện y học cổ truyền toàn quốc giai đoạn 2014 - 2025, nhưng đến nay số bệnh viện được đầu tư kinh phí để xây dựng còn khiêm tốn. Bên cạnh đó, hiện chưa có cơ chế tài chính đặc thù cho các bệnh viện y học cổ truyền trong việc thực hiện cơ chế tự chủ, thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT), liên thông BHYT. Kinh phí chi cho mua dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền ở cả hệ thống bệnh viện y học cổ truyền và khoa y học cổ truyền trong các bệnh viện đa khoa ở 55 tỉnh, thành phố chỉ tương đương kinh phí mua thuốc của một bệnh viện đa khoa tuyến Trung ương.
Bên cạnh đó, chính sách ưu tiên cho việc trồng, sản xuất nguồn dược liệu chưa đủ hấp dẫn các doanh nghiệp sản xuất thuốc có nguồn gốc từ dược liệu, vị thuốc cổ truyền, các sản phẩm từ y học cổ truyền chưa có sức cạnh tranh, chưa tạo được bước đột phá, các dịch vụ y học cổ truyền của Việt Nam chưa thực sự hấp dẫn. Từ đó, việc trồng dược liệu vẫn mang tính tự phát, một số dược liệu không có đầu ra dẫn đến dư thừa, trong khi nhiều loại có khả năng nuôi trồng ở trong nước nhưng vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài. Hiện chưa có quy định quản lý những người kinh doanh, mua bán dược liệu, vị thuốc cổ truyền tự do do chưa được cấp phép, hoặc hoạt động theo truyền nghề, không qua đào tạo; do đặc thù của những người làm nghề truyền từ đời này qua đời khác.
Các văn bản quy phạm pháp luật về việc bố trí vốn cho y dược cổ truyền cũng gặp khó khăn. Số bệnh viện đầu tư cho xây dựng còn khiêm tốn, tỷ lệ kinh phí chung chi thực tế chỉ đạt 4,3% so với quyết định giao ngân sách từ Trung ương, ngân sách địa phương đạt 18,14% và từ nguồn ngân sách khác đạt 2,52. Đồng thời, chưa có cơ chế tài chính đặc thù cho các bệnh viện y học cổ truyền trong việc thực hiện cơ chế tự chủ, thanh toán BHYT trong việc liên thông BHYT. Kinh phí chi cho mua dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền ở cả hệ thống bệnh viện y học cổ truyền và khoa y học cổ truyền trong các bệnh viện đa khoa ở 55 tỉnh, thành phố chỉ tương đương kinh phí mua thuốc của một bệnh viện đa khoa tuyến trung ương.
Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu công tác tuyên truyền, quán triệt Chỉ thị cần được tiếp tục triển khai thường xuyên, liên tục, sâu rộng đến đông đảo đội ngũ cán bộ, đảng viên nhằm củng cố nhận thức đúng đắn về vai trò và giá trị của nền y dược cổ truyền Việt Nam trong hệ thống dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe nhân dân. Bên cạnh đó, việc đầu tư nguồn lực chưa tương xứng với vai trò và tầm quan trọng của y dược cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe nhân dân; các quy định hiện hành đã xuất hiện những hạn chế nhất định đối với sự phát triển của y dược cổ truyền Việt Nam./.
Theo daibieunhandan.vn