Chủ Nhật, 19/5/2024
Xã hội
Chủ Nhật, 29/7/2018 14:57'(GMT+7)

Tư duy mới về "sống chung với lũ"

Thuật ngữ SCVL xuất hiện từ khi người dân ĐBSCL phải căng sức chống chọi với những trận lũ lớn. Các tỉnh có nhiều sông rạch như: Đồng Tháp, An Giang, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Hậu Giang, Vĩnh Long, vùng ven thành phố Cần Thơ… bị thiệt hại nặng nề do lũ. Tập quán sinh hoạt lâu đời của người dân trong mùa nước nổi, vùng nước nổi bị phá vỡ khi mực nước dâng quá cao, nhấn chìm hàng loạt thôn, ấp, khu dân cư trong biển nước. Để giúp người dân SCVL, từ nguồn ngân sách của Nhà nước kết hợp với kêu gọi đầu tư, xã hội hóa, các địa phương đã triển khai xây dựng hàng loạt hệ thống cụm, tuyến dân cư tránh lũ, hình thành nên những khu dân cư gắn với những mô hình, thiết chế văn hóa xã hội kiểu mới ở ĐBSCL. Thay vì cuộc sống thương hồ lênh đênh theo con nước, hàng chục nghìn hộ dân đã có nhà kiên cố, nhà lắp ghép tiền chế phù hợp mục tiêu SCVL.

Những năm gần đây, do ảnh hưởng nặng nề của quá trình biến đổi khí hậu, ĐBSCL phải đối mặt với những thách thức, khó khăn lớn chưa từng thấy. Tình trạng hạn hán, xâm mặn, lún sụt đất nền, sạt lở bờ sông, bờ biển… diễn ra gay gắt khiến hàng vạn héc-ta ruộng đồng bị nhiễm phèn mặn, năng suất sụt giảm mạnh, nguy cơ hoang hóa diễn ra trên diện rộng.

Cuối năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo đó, một trong những nhóm giải pháp trọng tâm, then chốt để phát triển bền vững ĐBSCL trong môi trường biến đổi khí hậu là đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Nghị quyết xác định, mục tiêu đến năm 2050, tỷ trọng nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm trên 80% toàn vùng.

Mùa lũ năm nay là giai đoạn khởi đầu của quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ. Sau nhiều năm “khát” lũ, “đói” lũ, dự báo năm nay mùa nước nổi ở ĐBSCL sẽ dâng cao. Nghĩa là ĐBSCL sẽ có lũ. Tư duy mới về SCVL giúp người dân khu vực này không phải lo chạy lũ mà sẽ tập trung tận dụng các lợi thế để từng bước triển khai các mô hình sản xuất, kinh doanh mùa lũ theo hướng ứng dụng công nghệ cao, cung cấp nguồn nguyên liệu thực phẩm sạch đáp ứng yêu cầu tiêu dùng và xuất khẩu. Có lũ, hàng vạn héc-ta đất nông nghiệp sẽ được rửa mặn, tẩy phèn, tiêu trừ sâu bọ, bồi đắp phù sa màu mỡ. Đây là cơ hội thuận lợi để triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái, ứng dụng công nghệ cao ở những địa phương hội tụ đủ điều kiện.

Tư duy mới về SCVL không chỉ là tận dụng lũ để khai thác nguồn lợi thủy sản tự nhiên, mà cái chính là từng địa phương phải có đáp số cho những mô hình kinh tế đã và đang áp dụng thí điểm. Không chỉ SCVL mà còn phải "sống chung" với hạn hán, xâm mặn... Nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là hướng đi tất yếu của các vùng kinh tế, song nó không thể làm theo phong trào. Tại các hội nghị, hội thảo khoa học về vấn đề này, giới chuyên gia đều thống nhất cho rằng, nếu nóng vội, làm đại trà, mạnh ai nấy làm thì việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế ở ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu sẽ không thể thành công. Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ cũng xác định rõ từng nhóm giải pháp, mục tiêu cụ thể của từng giai đoạn nhằm chuyển hóa những thách thức thành cơ hội phát triển, tôn trọng quy luật tự nhiên, phù hợp với điều kiện thực tế, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên… Sự phát triển các mô hình kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa.

Tư duy mới không phải là từ bỏ những cái cũ, mà chính là phải đứng trên nền tảng của cái cũ, tận dụng lợi thế, phát huy truyền thống bằng những cách làm mới, có hiệu quả. Nó phải có câu trả lời thuyết phục từ những mô hình cụ thể. "Sống chung" không có nghĩa là cam chịu, chấp nhận, mà phải hướng đến mục tiêu chung là xây dựng vùng ĐBSCL phát triển mạnh và ổn định về kinh tế, giàu bản sắc về văn hóa, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao, giữ vững quốc phòng, an ninh…

Theo QĐND
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất