Thứ Ba, 15/10/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Hai, 2/9/2013 21:44'(GMT+7)

Các chuyên gia y tế Nga với công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đã 44 năm trôi qua kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại qua đời (2/9/1969-2/9/2013), thi hài của Người luôn được giữ gìn trong trạng thái tốt nhất. Thành công đó là nhờ sự quan tâm đặc biệt, sự lãnh đạo chỉ đạo sâu sát, thường xuyên, liên tục của Đảng, Nhà nước và Quân đội; sự phấn đấu, nỗ lực không ngừng của cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lực lượng trong Ban Quản lý Lăng; sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa, vô tư trong sáng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Liên Xô (nay là Cộng hòa Liên bang Nga), trực tiếp là các chuyên gia y tế Nga.

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết 20 năm hợp tác trực tiếp giữa Trung tâm Nghiên cứu Y sinh Mát-xcơ-va và Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh (1992-2012), GS, Viện sĩ Mát-vê-chúc I-go Va-si-li-ê-vích, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ Y sinh Mát-xcơ-va khẳng định:

“Điều tự hào nhất trong kết quả hợp tác giữa hai bên là sau 43 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần, người dân Việt Nam và du khách quốc tế vẫn được chiêm ngưỡng thi hài của Người trong trạng thái tốt nhất. Đó cũng là điều khiến chúng tôi hài lòng nhất”.

Để hiểu rõ hơn vai trò, trách nhiệm và công lao của các chuyên gia y tế Nga, tôi xin giới thiệu một số gương tiêu biểu. Trước hết phải nhắc tới GS, Viện sĩ I-u-ri Mi-khai-lô-vích Lô-pu-khin, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Mát-xcơ-va. Ông là một trong 5 chuyên gia sang Hà Nội vào ngày 28/8/1969 và có tất cả 6 lần sang Việt Nam.

Người thứ hai là GS I-u-ri A-lếch-xây-ê-vích Rô-ma-cốp, nguyên Phó Giám đốc Viện nghiên cứu khoa học Lăng Lê-nin, một chuyên gia hàng đầu của Liên Xô cũng như trên thế giới về lĩnh vực ướp bảo quản lâu dài thi thể phục vụ thăm viếng. Ông là chuyên gia y tế sang Việt Nam nhiều lần nhất (24 lần). Với những cống hiến cho sự nghiệp giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước đã tặng ông 2 Huân chương Lao động hạng Nhất và hạng Nhì.

Người thứ ba là GS, Viện sĩ Xéc-gây Xéc-gây-ê-vích Đê-bốp, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lăng Lê-nin, một trong những chuyên gia y tế đầu tiên của Liên Xô giúp Việt Nam giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông đã 23 lần sang Việt Nam. Ông đã làm công việc giữ gìn thi hài Hồ Chủ tịch với tấm lòng yêu thương, trân trọng lãnh tụ, với tinh thần khoa học rất cao và một tài năng tuyệt vời.

Ngay từ năm 1967, dưới sự chỉ đạo của Viện sĩ Đê-bốp lúc này đang giữ chức Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lăng Lê-nin, đoàn cán bộ của ta sang học tập về khoa học giữ gìn thi hài đã được đón tiếp chu đáo, thân tình, được tạo mọi điều kiện tốt nhất để hoàn thành khóa học đặc biệt này. Đây là sự ưu ái đặc biệt của Đảng và Chính phủ Liên Xô, bởi Viện chưa từng đào tạo bất cứ người nước ngoài nào. Ngày 28/8/1969, Viện sĩ Đê-bốp làm Trưởng đoàn của đoàn cán bộ y tế Liên Xô đến Việt Nam để chuẩn bị cho công tác đặc biệt sau khi Hồ Chủ tịch qua đời. Thiếu tướng Trần Kinh Chi, nguyên Tư lệnh, kiêm Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng xúc động nhớ lại thời điểm sau khi Bác mất: “Các đồng chí trong Tổ y tế đặc biệt của Việt Nam đã từng là những nhà chuyên môn giỏi, đã học tập, thực hành công tác gìn giữ thi hài trong hai năm, có thể đảm đương nhiệm vụ. Nhưng xuất phát từ tinh thần trách nhiệm cao, với tấm lòng yêu kính Bác nên Giáo sư Viện sĩ Iu.M. Lô-pu-khin, Viện sĩ X.X. Đê-bốp và Giáo sư Mi-khai-lốp đã trực tiếp làm công tác y tế giữ gìn thi hài Bác cùng với sự phụ giúp của hai bác sĩ là Nguyễn Gia Quyền và Lê Điều - thành viên của Tổ y tế đặc biệt Việt Nam…Các chuyên gia y tế Liên Xô đã làm công việc đó với một tấm lòng yêu thương, trân trọng lãnh tụ, với tinh thần khoa học rất cao và một tài năng tuyệt vời”(1).

Trên đây chỉ là ba trong số rất nhiều chuyên gia y tế Liên Xô đã kề vai sát cánh, không quản ngại gian khổ giúp Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác. Tất thảy họ đều là những người đồng nghiệp, đồng chí, những người Bạn, người anh em thân tình, đặc biệt của chúng ta. Trong số các chuyên gia y tế Liên xô, nay người còn, người đã mất, nhiều người đã tuổi cao, sức khỏe giảm sút, nhưng tiếp nối truyền thống, nhiều Bạn Nga vẫn đang sát cánh cùng chúng ta trong nhiệm vụ bảo vệ và giữ gìn thi hài Bác. Nhằm động viên các nhà khoa học, cũng là thể hiện sự biết ơn, tình nghĩa thủy chung gắn bó của Việt Nam với nhân dân và đất nước Nga, ngày 22/4/2009, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam ký quyết định tặng thưởng huân, huy chương các loại cho 34 chuyên gia Liên bang Nga đã có công lao trong việc giữ gìn lâu dài và tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.

3. Sự giúp đỡ của Bạn là vô giá, trường tồn mãi với thời gian, được các thế hệ Việt Nam đời đời ghi nhớ, trân trọng. Và tấm chân tình của chúng ta cũng đã được các Bạn Nga ghi nhận. Viện sĩ I.M. Lô-pu-khin từng khẳng định: “Khi đề cập đến đất nước chúng ta (Liên bang Nga), đến sự giúp đỡ của các nhà bác học, các kỹ sư, các chuyên gia quân sự… trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, người Việt Nam luôn nhớ đến câu nói mà Chủ tịch Hồ Chí Minh thường hay nhắc nhở: “Uống nước nhớ nguồn”(2).

Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng biểu tượng mẫu mực của quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt – Nga. Qua hơn 40 năm hợp tác với Bạn thực hiện nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta có thể rút ra được một số kinh nghiệm sau:

Một là: Phải luôn quán triệt, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Quân đội về nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới. Đây là yếu tố có tính tiên quyết, định hướng cho đơn vị những bước đi phù hợp để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị đặc biệt được giao phó.

Hai là: Luôn trân trọng, đánh giá cao sự giúp đỡ tận tình, trách nhiệm, hết sức to lớn của Đảng và nhân dân Liên Xô, trực tiếp là các nhà khoa học, các chuyên gia Nga, đồng thời cũng phải nêu cao ý chí độc lập tự chủ, tự lực tự cường, chủ động sáng tạo, vươn lên làm chủ vững chắc nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong từng thời kỳ phải hết sức chủ động, tự tin, bình tĩnh tìm ra phương thức hợp tác mới phù hợp với điều kiện mới để vừa khai thác tiềm năng trí tuệ và kinh nghiệm của nền khoa học vĩ đại nước Nga, vừa thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, thủy chung son sắt của dân tộc ta đối với Bạn, từ đó nâng cao hiệu quả hợp tác. Với phương châm này, năm 1991, sau khi Liên Xô sụp đổ, quan hệ hợp tác giữa ta và Bạn bị gián đoạn, gặp nhiều trở ngại, khó khăn, ta đã quyết định chuyển hướng từ hợp tác thông qua Nhà nước Nga sang hợp tác trực tiếp với Trung tâm nghiên cứu Y sinh Mát-xcơ-va để có thể tranh thủ được nhiều hơn sự giúp đỡ nhiều mặt của các nhà khoa học Nga - người thầy dạy, người Bạn chí cốt đã nhiều năm giúp đỡ, gắn bó với ta. Trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh, kinh tế nghèo khó, điều kiện môi trường không thuận lợi, lại thêm khoa học giữ gìn thi hài là một khoa học phức tạp, hoàn toàn mới mẻ với Việt Nam, nếu không có sự giúp đỡ tận tình của Bạn thì chúng ta sẽ không thể hoàn thành tâm nguyện giữ gìn thi hài Bác kính yêu. Vì vậy, dù lịch sử có những thay đổi mới, chúng ta cũng phải luôn trân trọng và mãi biết ơn các Bạn Nga.

Ba là: Trong hợp tác với Bạn luôn phải lấy mục tiêu giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Bác là xuyên suốt, từ đó chọn bước đi phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và khả năng của mình. Và để nâng cao hiệu quả hợp tác với Bạn thì mình phải tự phấn đấu xây dựng mình vững mạnh về mọi mặt chứ không chỉ đơn thuần về chuyên môn. Thực tế những năm qua đã chứng minh, phát huy truyền thống “Trung hiếu vẹn toàn, đoàn kết hiệp đồng, tự lực tự cường, chủ động sáng tạo”, Bộ Tư lệnh Lăng ngày càng phát triển vững mạnh toàn diện, nhờ vậy đã làm Bạn phải thay đổi cách nhìn về năng lực của ta, từ đó tích cực thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị đặc biệt giữa ta và Bạn.

Trong hơn 40 năm giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, hơn 20 năm chính thức thiết lập quan hệ trực tiếp, Ban Quản lý Lăng và Trung tâm nghiên cứu Y sinh Mát-xcơ-va mà trực tiếp là các chuyên gia làm việc tại Việt Nam đã không ngừng củng cố tinh thần hữu nghị, đoàn kết hợp tác, hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng: giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhiệm vụ này thành công như ngày hôm nay, đó chính là kết quả của sự hợp tác hữu nghị giữa hai phía Việt Nam - Liên bang Nga. Nhân dân Việt Nam luôn trân trọng, biết ơn sự giúp đỡ quý báu của Đảng, Nhà nước và nhân dân Liên bang Nga dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đặc biệt là những đóng góp của các chuyên gia y tế Liên Xô. Với lòng tôn kính Chủ tịch Hồ Chí Minh và bằng tài năng của những chuyên gia y tế hàng đầu, tầm cỡ quốc tế đã giúp đỡ chúng ta chí tình, chí nghĩa phục vụ nhiệm vụ giữ thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần phát huy ý nghĩa chính trị, lịch sử, văn hoá của công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh - nơi hội tụ niềm tin, tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam cũng như tình hữu nghị anh em hai nước Việt Nam - Liên bang Nga./.


ThS. Hoàng Thị Thu Hiền

Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

-----------
(1, 2). Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bên Lăng Bác Hồ, tập 1, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2007, tr.28, 35.



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất