Thứ Ba, 15/10/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Chủ Nhật, 1/9/2013 17:51'(GMT+7)

Nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ lý luận chính trị, báo chí và truyền thông

   

PV:   Đồng chí cho biết những nỗ lực của Học viện Báo chí và Tuyên truyền trong thời gian qua để có thể trở thành một trường đại học trọng điểm đào tạo cán bộ lý luận chính trị, báo chí-truyền thông và nhiều ngành khoa học xã hội và nhân văn khác?

PGS. TS. Trương Ngọc Nam: Thành lập năm 1962, đến nay, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã trải qua hơn nửa thế kỷ xây dựng và trưởng thành. Từ một cơ sở ban đầu được thành lập nhằm đáp ứng kịp thời công tác đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn cán bộ tuyên giáo, đến nay nhà trường đã trở thành cơ sở đào tạo thuộc hệ thống đào tạo đại học chính quy của Đảng, Nhà nước, có chức năng, nhiệm vụ quan trọng là đào tạo, bồi dưỡng lực lượng nòng cốt cán bộ tuyên giáo, báo chí, xuất bản, truyền thông và đội ngũ giảng viên lý luận chính trị của cả nước.

Trong quá trình phát triển, Nhà trường luôn bám sát nhiệm vụ của cách mạng trong các thời kỳ để xác định mục tiêu đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, không ngừng đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp và phương thức đào tạo, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, số lượng và cơ cấu đội ngũ cán bộ của Đảng và Nhà nước. Đến nay Nhà trường tiếp tục là địa chỉ quan trọng và tin cậy nhất trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tuyên giáo; vừa đào tạo 29 chuyên ngành đại học, vừa mở rộng 13 chuyên ngành cao học và 2 ngành nghiên cứu sinh. Từ mái trường này, mỗi năm có hàng nghìn cử nhân, hàng trăm thạc sĩ, tiến sĩ tốt nghiệp, góp phần xứng đáng vào đội ngũ nhân lực chất lượng cao phục vụ công tác tuyên giáo, công tác tư tưởng của Đảng, Nhà nước.

Từ một cơ sở ban đầu rất khó khăn, thiếu thốn về nhân lực và cơ sở vật chất, Nhà trường đã phấn đấu từng bước xây dựng một đội ngũ cán bộ, giáo viên phát triển toàn diện, đủ sức đảm đương mọi nhiệm vụ được giao, xây dựng cơ sở vật chất-kỹ thuật để trở thành trung tâm đào tạo ngày càng hiện đại, để hàng năm tiếp nhận một khối lượng ngày càng lớn sinh viên, học viên. Hiện Nhà trường đã có hệ thống phòng học, phòng thực hành, thư viện đạt chuẩn quốc gia, ký túc xá sinh viên hiện đại, có cảnh quan, môi trường khang trang, sạch đẹp… Nhà trường đã từng bước phấn đấu đạt chuẩn của một trung tâm quốc gia về đào tạo cán bộ tuyên giáo, báo chí-truyền thông và có đủ điều kiện để tiếp tục phát triển toàn diện trong thời gian tới.

Trong những năm qua, nhờ những chủ trương chiến lược về công tác cán bộ, Học viện đã có sự trưởng thành vượt bậc cả số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy, nghiên cứu khoa học, cán bộ quản lý. Hiện nay Học viện có gần 400 cán bộ, trong đó có gần 80 tiến sĩ, 23 PGS, GS, trên 70% cán bộ có trình độ thạc sĩ trở lên; nhiều người được đào tạo ở các trường danh tiếng trên thế giới. Một bộ phận giảng viên không chỉ có trình độ chuyên môn giỏi mà còn thành thạo ngoại ngữ, có thể giảng dạy ở các trường đại học quốc tế, làm việc trực tiếp với các chuyên gia nước ngoài.

Công tác hợp tác quốc tế cũng không ngừng được mở rộng, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng thương hiệu Nhà trường trong khu vực và thế giới. Hiện nay, Học viện đã hợp tác với hơn 20 trường đại học và các tổ chức quốc tế, trao đổi giảng viên, hợp tác nghiên cứu, tổ chức các hội thảo quốc tế, nhiều chuyên gia nước ngoài thường xuyên đến giảng dạy, làm việc tại Nhà trường.

Có thể nói, trong suốt 50 năm xây dựng và trưởng thành, Học viện Báo chí và tuyên truyền đã nỗ lực phấn đấu xây dựng Nhà trường trở thành trung tâm quốc gia về đào tạo cán bộ tuyên giáo, báo chí-truyền thông, góp đào tạo một đội ngũ có chất lượng cao cho Đảng, Nhà nước, thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

PV: Theo đồng chí, công tác đào tạo cán bộ lý luận chính trị, báo chí-truyền thông trong giai đoạn hiện nay cần chú trọng những vấn đề gì?

PGS. TS. Trương Ngọc Nam: Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lý luận chính trị và báo chí-truyền thông trong điều kiện hiện nay cần quán triệt sâu sắc mục tiêu, nhiệm vụ của sự nghiệp cách mạng trong thời kỳ mới.

Trong thực tế quá trình đào tạo, Nhà trường chúng tôi luôn tích cực, chủ động đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo, trên cơ sở chú trọng nghiên cứu những đặc điểm mới của thế giới đương đại, với sự xuất hiện và tác động mạnh mẽ của cách mạng khoa học-công nghệ, kinh tế tri thức, xu hướng toàn cầu hóa, dân chủ hóa các lĩnh vực của đời sống xã hội… Những đặc điểm đó đang tác động phức tạp đến nhận thức và hoạt động thực tiễn của cán bộ, sinh viên, vì vậy, về nội dung, cần đảm bảo tính Đảng, tính cơ bản, tính hệ thống, thực tiễn và hiện đại, đủ sức trang bị cho người học kiến thức lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng, Nhà nước và những tri thức cần thiết cho những người làm công tác tư tưởng, báo chí-truyền thông, đồng thời, chú trọng cập nhật kiến thức mới, bổ sung và phát triển hệ thống lý luận cơ bản.

Mặt khác, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lý luận chính trị, báo chí-truyền thông hiện nay cần thực hiện tốt phương châm kết hợp học với hành, lý luận với thực tiễn, xã hội hóa công tác đào tạo. Đối với các chuyên ngành báo chí, xuất bản, truyền thông, chương trình, nội dung đào tạo đã được giảm tải lượng lý thuyết, tăng cường thực hành, bồi dưỡng kỹ năng thực hành cho sinh viên. Nhà trường đã xây dựng và sử dụng có hiệu quả các phòng thực hành: các studio phát thanh, truyền hình, các phòng thực hành công tác tư tưởng, xuất bản, các trang mạng điện tử, tờ báo chí trẻ… để tăng cường thực hành kỹ năng nghề nghiệp cho người học.

Việc triển khai xã hội hóa công tác đào tạo cần phải liên kết chặt chẽ với ban tuyên giáo các cấp, Hội Nhà báo Việt Nam, các cơ quan báo chí-truyền thông, các nhà xuất bản, hợp tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học cũng như sử dụng kết quả tốt nghiệp. Đối với lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tuyên giáo, Nhà trường đang phối hợp chặt chẽ với ban tuyên giáo các cấp mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ  làm công tác tư tưởng, bao gồm đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, giảng viên cho các trung tâm bồi dưỡng, giáo dục lý luận chính trị.

PV: Trong thời gian qua, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã triển khai công tác nghiên cứu khoa học có bài bản và đạt kết quả cao, đóng góp quan trọng vào việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực khoa học. Đồng chí có thể nêu kết quả trong lĩnh vực công tác này của Nhà trường.

PGS. TS. Trương Ngọc Nam: Công tác nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ trọng tâm, cơ bản của Nhà trường. Chúng tôi có một đội ngũ cán bộ giảng dạy và nghiên cứu khá hùng hậu, có trình độ cao, tâm huyết, yêu nghề, say sưa nghiên cứu khoa học. Chủ trương của Học viện là tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, trước hết phục vụ nâng cao chất lượng đào tạo và bồi dưỡng cán bộ lý luận chính trị, báo chí-truyền thông, đồng thời góp phần phát triển và bổ sung lý luận về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Trong 50 năm qua, Học viện đã triển khai gần 1.300 đề tài các cấp. Những năm gần đây Học viện đã trúng thầu và tổ chức triển khai có hiệu quả nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, cấp Bộ trọng điểm, cấp Nhà nước, tham gia vào các chương trình nghiên cứu xây dựng luận cứ khoa học cho Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc; đã triển khai một số dự án nghiên cứu khoa học với các đối tác quốc tế. Thường xuyên phối hợp với các tổ chức quốc tế, các cơ quan Trung ương và địa phương triển khai nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc gia, quốc tế về những vấn đề lý luận và thực tiễn, được giới khoa học quan tâm đánh giá cao; tập trung biên soạn giáo trình, tài liệu tham khảo, sách chuyên khảo có chất lượng phục vụ đắc lực công tác đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường.

Nhìn chung, công tác nghiên cứu khoa học của Học viện thời gian qua đã bám sát nhiệm vụ chính trị, đảm bảo chất lượng và hiệu quả nghiên cứu; số lượng đề tài nghiên cứu khoa học các cấp được triển khai năm sau cao hơn năm trước cả về số lượng và giá trị thực hiện; cơ chế hoạt động nghiên cứu khoa học ngày càng đổi mới, lực lượng nhà khoa học không ngừng được củng cố và phát triển, sự phối hợp với cơ quan bên ngoài và các địa phương ngày càng chặt chẽ và có hiệu quả; phấn đấu xứng tầm là trung tâm nghiên cứu và giảng dạy lý luận chính trị lớn của Đảng và Nhà nước.  

PV: Trong thời gian tới, Học viện sẽ triển khai thực hiện những giải pháp nào để nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo cán bộ lý luận chính trị, báo chí-truyền thông?

PGS. TS. Trương Ngọc Nam: Trong thời gian tới Học viện tiếp tục tiến hành đổi mới toàn diện, lấy việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng làm nhiệm vụ trung tâm, xuyên suốt; kiện toàn bộ máy tổ chức, tăng cường và thường xuyên nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy là nhiệm vụ then chốt; đổi mới công tác quản lý các mặt hoạt động nhà trường là khâu đột phá. Với tinh thần đó, Học viện tiếp tục đổi mới mục tiêu, nội dung, chương trình đào tạo. Bám sát mục tiêu công tác cán bộ của Đảng, chức năng, nhiệm vụ của Nhà trường để rà soát nội dung, chương trình đào tạo, theo hướng hiện đại hóa, thực tiễn, cập nhật, tăng cường giáo dục kỹ năng thực hành nghề nghiệp, giáo dục phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống cách mạng cho học viên, sinh viên. Tăng cường công tác bồi dưỡng giảng viên lý luận chính trị, cán bộ lãnh đạo và quản lý công tác tuyên giáo, báo chí, xuất bản, truyền thông. Nắm bắt nhu cầu công tác của các đối tượng cán bộ để xây dựng, hoàn thiện các loại chương trình bồi dưỡng; đồng thời phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Trung ương và ban tuyên giáo các địa phương, Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan báo chí, trường chính trị tỉnh, thành phố và trung tâm bồi dưỡng chính trị, thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ.

Đổi mới phương pháp giảng dạy, phương thức đào tạo theo hướng hiện đại, phát huy tính chủ động tích cực của sinh viên, học viên trong học tập và rèn luyện. Thực hiện phương châm “học đi đôi với hành”, công tác đào tạo đẩy mạnh các hoạt động thực hành kỹ năng nghề nghiệp cho học viên, sinh viên trên cơ sở phát huy hiệu quả các phòng thực hành báo chí, xuất bản, tuyên truyền. Đồng thời, liên kết chặt chẽ với cơ quan báo chí trong quá trình thực tập nghề nghiệp, đảm bảo cho sinh viên, học viên.

Đổi mới công tác quản lý đào tạo, tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng, xây dựng chuẩn đầu ra cho các loại chương trình, môn học, nhất là nâng cao chất lượng học ngoại ngữ cho sinh viên. Đổi mới công tác thi, đảm bảo tính nghiêm minh, chống tiêu cực trong các kỳ thi, nhất là thi học phần, thi tốt nghiệp đối với các hệ lớp. 

Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học, trước hết nhằm phục vụ cho việc nâng cao chất lượng đào tạo. Bám sát yêu cầu đào tạo để xây dựng chương trình, kế hoạch nghiên cứu khoa học trước mắt và lâu dài, lựa chọn các đề tài nghiên cứu cơ bản, phục vụ việc cập nhật hóa, hiện đại hóa kiến thức lý luận, tổng kết thực tiễn; nghiên cứu biên soạn giáo trình, bài giảng, tài liệu chuyên khảo, sách tham khảo, phục vụ đổi mới nội dung đào tạo, bồi dưỡng. Xây dựng cơ chế quản lý hoạt khoa học, nhằm khuyến khích cán bộ trẻ say mê nghiên cứu khoa học; thực hiện chế độ tài trợ nghiên cứu khoa học, khuyến khích xã hội hóa các công trình nghiên cứu khoa học, nhằm nhanh chóng sử dụng có hiệu quả các đề tài nghiên cứu. Tập trung xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh, làm nòng cốt cho hoạt động nghiên cứu khoa học trong Nhà trường, đồng thời liên kết với các ngành, các địa phương trong các hoạt động nghiên cứu.

Kiện toàn bộ máy tổ chức theo hướng thu gọn đầu mối, khắc phục tình trạng phân tán nhỏ lẻ nguồn lực ở các khoa đào tạo, đồng thời bổ sung, hoàn thiện các chế định quản lý Nhà trường theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu hội nhập hệ thống giáo dục quốc dân và khu vực. Nhanh chóng khắc phục sự thiếu hụt đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ giảng dạy, nghiên cứu chất lượng cao, bổ sung về số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy hiện có. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ có chất ượng cao, phấn đấu đạt 40-50% cán bộ giảng dạy có trình độ tiến sĩ trở lên vào năm 2020. Đồng thời, xây dựng đội ngũ giảng viên thỉnh giảng, giảng viên kiêm chức từ các nhà khoa học, các nhà giáo, các nhà quản lý, các chuyên gia thực tiễn ở các ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan báo chí, xuất bản, các nhà trường, viện nghiên cứu, vừa để nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, đồng thời tăng cường kiến thức từ thực tế sinh động của đời sống xã hội.

Trong những năm tới, Nhà trường tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng hợp tác quốc tế nhằm phát triển đội ngũ cán bộ giảng dạy, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, hướng tới liên kết với các trường đại học của các nước trong đào tạo đại học và sau đại học một số chuyên ngành chất lượng cao.

Đẩy mạnh công tác xây dựng cơ sở vật chất, hiện đại hóa hoạt động đào tạo của Nhà trường: Xây dựng các phòng học, phòng thực hành, trang thiết bị đạt chuẩn, đáp ứng nhu cầu đào tạo ngày càng cao trong những năm tới. Hiện đại hóa thư viện, phục vụ đổi mới phương thức đào tạo, phát huy vai trò chủ động, tích cực học tập, nghiên cứu của học viên, sinh viên. Xây dựng khu ký túc xá tiện nghi, văn minh thu hút đông đảo sinh viên, học viên được vào ở, đồng thời xây dựng cảnh quan, môi trường xanh, sạch, đẹp, văn minh, lịch sự, tạo môi trường văn hóa-sư phạm. Tin học hóa, hiện đại hóa các hoạt động quản lý của Nhà trường, cải cách hành chính trong hoạt động giáo dục, công khai năng lực và chất lượng đào tạo, dân chủ hóa học đường, phát huy quyền làm chủ của cán bộ, giáo viên, học viên và sinh viên trong xây dựng Nhà trường ngày càng phát triển vững mạnh.

Với sức mạnh tinh thần đoàn kết, sáng tạo, đổi mới; với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của Ban Tuyên giáo Trung ương, sự đồng hành phối hợp của các địa phương, Học viện Báo chí và Tuyên truyền chắc chắn sẽ nỗ lực tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao cho.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

TG thực hiện 


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất