Thứ Tư, 25/9/2024
Đời sống
Chủ Nhật, 19/10/2014 9:21'(GMT+7)

Các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum phát huy sức mạnh đoàn kết phấn đấu thoát nghèo bền vững

Từ ngày 16-17/10, tại thành phố Kon Tum đã diễn ra Đại hội các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum lần thứ II, năm 2014, với chủ đề “Các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum phát huy sức mạnh đoàn kết phấn đấu thoát nghèo bền vững, xây dựng tỉnh ngày càng ổn định và phát triển”.

Dự Đại hội có các đồng chí: Giàng Seo Phử, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Hà Ban, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQVN tỉnh; các đồng nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; lãnh đạo các huyện, thành phố cùng 249 đại biểu tiêu biểu, đại diện cho trên 260 nghìn đồng bào các DTTS trên địa bàn.

Báo cáo tại Đại hội cho biết, Kon Tum là tỉnh nằm ở cực bắc Tây Nguyên, trên 54% dân số là đồng bào các DTTS, với trên 22 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó có 06 dân tộc tại chỗ, gồm: Xê Đăng, Ba Na, Gia Rai, Giẻ - Triêng, Brâu và Rơ Măm.

Thực hiện công cuộc đổi mới đất nước và từ khi có Nghị quyết Trung ương 7 khóa IX “Về công tác dân tộc”, các chính sách, chương trình, dự án quốc gia về giảm nghèo…vùng đồng bào DTTS của tỉnh có nhiều khởi sắc, đời sống kinh tế - xã hội các dân tộc ngày càng chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực.

Tiếp tục thực hiện lời dạy của Bác Hồ, trong 05 năm qua kể từ Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Kon Tum lần thứ I (tháng 10-2009), đến nay diện mạo vùng đồng bào DTTS của tỉnh đã khởi sắc đáng kể. Hệ thống giao thông, điện, nước, trường học, trạm y tế, nhà văn hoá… đã được xây dựng, mở rộng đến vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Hàng nghìn hộ nghèo đồng DTTS được Nhà nước hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội. Nhiều loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế được bà con đưa vào sản xuất, từng bước thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, tạo tiền đề cho quá trình sản xuất hàng hóa, từng bước rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng, các địa phương, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Tốc độ tăng trưởng đạt mức khá qua từng năm. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 11,45 triệu đồng năm 2009 lên 25,75 triệu đồng năm 2013. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 4,65%/năm, đạt so với mục tiêu Nghị quyết đề ra. Đến cuối năm 2013 trên địa bàn tỉnh có 21.848 hộ nghèo, chiếm 19,19% và 7.510 hộ cận nghèo, chiếm 6,6% (Hộ nghèo DTTS là 20.216 hộ, chiếm 92,53% hộ nghèo toàn tỉnh và hộ cận nghèo DTTS là 6.371 hộ, chiếm 84,8%, hộ cận nghèo toàn tỉnh). Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội thay đổi rõ rệt: 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã, 100% xã được sử dụng điện lưới quốc gia. Công tác giáo dục ở vùng DTTS có bước tiến bộ, đến nay 100% số xã có trường học kiên cố. Tỷ lệ xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi trên địa bàn đạt 100% năm học 2013- 2014. Mạng lưới y tế cấp xã được củng cố và tăng cường, tỷ lệ trạm y tế có bác sĩ đạt 95,87% năm 2013, có 100% số thôn có cán bộ y tế thôn. Đồn bào DTTS được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, đồng bào nghèo được khám chữa bệnh miễn phí và chính sách bảo hiểm y tế được thực hiện đúng quy định. Các dịch bệnh ở vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS cơ bản được khống chế. Giá trị văn hóa các dân tộc tiếp tục được quan tâm bảo tồn và phát huy…

Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, đồng chí Giàng Seo Phử đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh Kon Tum cùng sự nỗ lực rất lớn của đồng bào các dân tộc của tỉnh trong công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương thời gian qua. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS của tỉnh còn cao, kết quả giảm nghèo tuy có tiến bộ nhưng chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo cao; 1 bộ phận còn có tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa có ý thức vươn lên; chất lượng lao động thấp...Vì vậy, thời gian tới đề nghị tỉnh Kon Tum cần nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá lại những tồn tại, khó khăn để đưa ra những giải pháp thiết thực phù hợp để đưa vùng đồng bào DTTS tỉnh ngày càng phát triển. Trước hết, tỉnh cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về công tác dân tộc; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; cần có nghị quyết chuyên đề sâu gắn liền với chương trình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, trong đó tập trung vào công tác giảm nghèo - xác định đây là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu của tỉnh. Cần phát huy tốt tiềm năng lợi thế của địa phương. Chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Kịp thời phát hiện mô hình hay, cách làm hiệu quả, điển hình tiên tiến để nhân rộng. Chú trọng tới công tác đào tạo nhân lực, quy hoạch cán bộ, bổ nhiệm cán bộ là người DTTS có trình độ. Phát triển kinh tế-xã hội phải gắn với đảm bảo an ninh quốc phòng, cảnh giác với những âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết của các thế lực thù địch. Quan tâm bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc. Đồng bào phải phát huy tinh thần tự lực tự cường, xây dựng khối đại đoàn kết giữa các dân tộc, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào sự điều hành của các cấp chính quyền địa phương, ra sức thi đua sản xuất, xây dựng tỉnh Kon Tum giàu về kinh tế, đậm đà về bản sắc văn hóa dân tộc, đảm bảo an ninh quốc phòng, cơ bản thoát nghèo vào năm 2015.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã nhiệt liệt biểu dương, ghi nhận sự cố gắng vươn lên cùng với những kết quả mà cấp uỷ, chính quyền và đồng bào DTTS trong tỉnh đã đạt được trong thời gian qua. Phát huy truyền thống đoàn kết, cách mạng, một lòng son sắt theo Đảng và Bác Hồ kính yêu. Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân trong tỉnh tin tưởng đồng bào các DTTS của tỉnh sẽ phát huy sức mạnh đại đoàn kết, phấn đấu thoát nghèo bền vững, góp phần xây dựng tỉnh Kon Tum ngày càng ổn định và phát triển như chủ đề của Đại hội đề ra.

Đại hội đã thông qua Quyết tâm thư gửi đến Đảng, Nhà nước, Ủy ban MTTQVN, các cấp chính quyền, toàn thể cán bộ chiến sĩ và Nhân dân trong tỉnh những quyết tâm của đồng bào các DTTS tỉnh Kon Tum: Ra sức thực hiện thắng lợi các nghị quyết của trung ương và địa phương về công tác dân tộc, phấn đấu thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là thực hiện tốt Kế hoạch triển khai Chương trình hành đồng thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Kon Tum, song song với thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh-quốc phòng trên địa bàn tỉnh, góp phần đưa tỉnh Kon Tum từng bước thoát nghèo và tiến tới thoát nghèo bền vững.

Tại Đại hội, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử đã tặng bằng khen cho 03 tập thể, 05 cá nhân; UBND tỉnh Kon Tum tặng bằng khen cho 18 tập thể, 68 cá nhân vì đã có thành tích đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển các DTTS trên địa bàn tỉnh 5 năm qua.

* Trước đó, thiết thực chào mừng Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Kon Tum lần thứ II năm 2014, vào đêm 16-10, tại Nhà rông văn hóa Kon Klor (TP.Kon Tum) đã tổ chức Đêm hội Cồng chiêng “Kon Tum - Những sắc màu văn hóa” với sự tham dự của Bộ trưởng- Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Ban - Ủy viên Trung ương Đảng; cùng nhiều lãnh đạo của tỉnh Kon Tum và 249 đại biểu chính thức dự Đại hội, trên 200 nghệ nhân đại diện cho các dân tộc trên địa bàn cùng đông đảo Nhân dân đến xem và cổ vũ.

Đêm hội gồm 2 phần: Phần lễ với chủ đề “Hội tụ lửa thiêng” và phần hội với chủ đề “Âm sắc đại ngàn” với 8 tiết mục đặc sắc riêng có, tái hiện lại các lễ hội dân gian đặc sắc của 6 dân tộc bản địa. Với phần diễn tấu và giai điệu gắn liền với đời sống văn hóa, tinh thần và tín ngưỡng của con người từ lúc sinh ra cho đến khi trở về với đất trời và quá trình lao động sản xuất của người dân Kon Tum từ bao đời nay như: Biểu diễn cồng chiêng, múa xoang Mừng hội lớn của đoàn nghệ nhân Ba Na, thành phố Kon Tum; Hát dân ca Em yêu buôn làng em của đoàn nghệ nhân Xê Đăng, huyện Đăk Tô; biểu diễn đàn Đinh Tuk của đoàn nghệ nhân dân tộc Giẻ Triêng, huyện Ngọc Hồi; biểu diễn chiêng Tha Đón khách của đoàn nghệ nhân dân tộc B râu, huyện Ngọc Hồi...

Đêm hội góp phần gìn giữ, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc trong tỉnh, làm cho bản sắc văn hóa Việt Nam ngày càng phong phú, đa dạng hơn, qua đó còn thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết các dân tộc anh em trên mảnh đất quê hương Kon Tum.

Phi Em

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất