Chủ Nhật, 29/9/2024
Đời sống
Thứ Tư, 11/1/2012 15:2'(GMT+7)

Các địa phương chăm lo phòng chống rét cho người, vật nuôi, cây trồng

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

* Bắc Kạn: Trước tình hình rét đậm, rét hại, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Bắc Kạn đã chỉ đạo các trường, phòng giáo dục các huyện chủ động theo dõi thời tiết, nếu nhiệt độ xuống thấp từ 10oC cho học sinh tiểu học, mầm non nghỉ, 7oC trở xuống thì học sinh THCS nghỉ. Đặc biệt, đối với những phân trường ở vùng cao, vùng sâu, nhiệt độ thường lạnh hơn, học sinh ở những vùng này điều kiện kinh tế khó khăn nên thiếu quần áo ấm, các trường phải chú ý kiểm tra, tu sửa trường, lớp cho kín đáo, đảm bảo tránh gió lùa và đủ ánh sáng trong lớp.

Theo ông Phạm Lê Ngà, Giám đốc Sở GD-ĐT Bắc Kạn, các trường đã tổ chức phụ huynh học sinh, góp vật tư, phên, dùng rơm rạ, lá cọ để che chắn các khe hở… nên các lớp học đều đảm bảo kín gió, đủ ấm cho học sinh. Sở GD-ĐT chỉ đạo các thầy cô giáo, ngoài việc nhắc nhở học sinh mặc đủ ấm, không bắt buộc học sinh phải mặc đồng phục, còn thông báo cha mẹ học sinh chú ý quản lý, đảm bảo sức khoẻ cho học sinh trong những ngày nghỉ rét, hướng dẫn học sinh tự học tại nhà. Trong những ngày rét đậm, rét hạt, nhà trường không tổ chức các hoạt động tập trung ngoài trời. Đối với những trường nội trú hoặc có tổ chức bán trú, cần đặc biệt quan tâm chăn sóc sức khoẻ, phòng chống dịch bệnh cho học sinh: Đảm bảo đủ suất ăn, chế độ ăn hợp lý, nóng sốt; chỗ nghỉ phải có chăn đệm, đảm bảo đủ ấm cho học sinh.

* Bắc Giang: Ngành y tế địa phương tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh ở người trong mùa đông, nhất là những ngày giá rét trong dịp Tết Nguyên đán.

Công tác truyền thông về phòng, chống dịch bệnh tập trung vào các biện pháp vệ sinh cá nhân, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường nơi cư trú để phòng, chống các dịch bệnh như chân tay miệng, tả, tiêu chảy do vi rút Rota, cúm A (H5N1), sốt xuất huyết và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, đường tiêu hóa trong mùa Đông. Cơ quan y tế khuyến cáo người già, trẻ em, người có bệnh mãn tính hạn chế ra ngoài trời khi thời tiết giá rét và khi rét đậm, rét hại phải đảm bảo đủ ấm, có biện pháp tăng cường sức đề kháng để giảm nguy cơ mắc bệnh hay tái phát bệnh. Cùng với việc củng cố Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh ở người các cấp, ngành y tế tỉnh yêu cầu các đơn vị, tuyến y tế phân công trực phòng, chống dịch 24/24 giờ trong dịp Tết Nguyên đán 2012; chuẩn bị, bổ sung đầy đủ trang thiết bị, cơ số thuốc, vật tư, hóa chất cho công tác phòng, chống dịch. Ngành y tế tỉnh cũng duy trì hoạt động của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, nhất là các loại dịch bệnh lây truyền qua đường hô hấp, đường tiêu hóa có nguy cơ cao trong dịp này để phát hiện sớm, xử lý kịp thời ngay khi dịch bệnh mới phát sinh.

Theo Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Bắc Giang, thời tiết giá rét hiện nay gây nguy cơ cao phát sinh các loại dịch bệnh lây truyền theo đường hô hấp như sởi, Rubenla, quai bị, viêm phổi, cúm hay bệnh lây theo đường tiêu hóa như tiêu chảy...

* Điện Biên: Cùng với việc chăm lo phòng chống rét cho người, ngành Nông nghiệp- Phát triển nông thôn và các địa phương trong tỉnh tập trung các giải pháp phòng chống rét cho vật nuôi và cây trồng. Nhiều biện pháp đang được các cơ quan chức năng và chính quyền các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn nông dân triển khai thực hiện, như: tăng cường chăm sóc và chống rét cho lúa mới gieo cấy, duy trì mực nước ruộng từ 2-3cm, bón bổ sung tro bếp; tuyệt đối không bón đạm, tỉa dặm và gieo - cấy lúa khi nhiệt độ dưới 15 độ C; tăng cường ủ gốc, có biện pháp che phủ thân cho các loại cây cao su, cà phê mới trồng; dùng phên nứa, bạt che chắn chuồng trại gia súc đảm bảo không bị gió lùa, mưa hắt, vệ sinh sạch sẽ nền chuồng trại. Thường xuyên kiểm tra, theo dõi đàn cá, môi trường ao nuôi thuỷ sản; tăng cường các biện pháp ổn định nhiệt độ như nâng cao độ sâu, che chắn gió lạnh, bổ sung các giá thể trong ao để cá có nơi trú ẩn...

Theo ông Trịnh Quốc Cường, Trưởng phòng Trồng trọt, Sở Nông nghiệp- Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên, đội ngũ cán bộ của Phòng đã trực tiếp đi kiểm tra một số địa bàn trọng điểm trong toàn tỉnh như các xã Ma Thì Hồ, Mường Tùng (huyện Mường Chà), Thanh Luông (huyện Điện Biên), Mường Mùn, Quài Cang (huyện Tuần Giáo). Tại các vùng này, chưa phát hiện có thiệt hại nào do ảnh hưởng của thời tiết với cây trồng và vật nuôi. Hiện tại cũng chưa có thông tin gì từ cơ sở phản ánh thiệt hại về vật nuôi, cây trồng do ảnh hưởng của giá rét.

Cho đến thời điểm này, tỉnh Điện Biên đã gieo cấy được 80% diện tích lúa Đông- Xuân, trong đó các trà sớm từ cuối tháng 12, trà chính vụ từ 5/1. Với các địa phương ở vùng cao, thường có nhiệt độ thấp, có thể chịu ảnh hưởng của đợt rét đậm- rét hại, như huyện Tủa Chùa, Điện Biên Đông, các xã Nà Tấu, Mường Phăng (huyện Điện Biên) sẽ gieo cấy vào thời điểm tháng 2 nên tránh được ảnh hưởng của đợt rét này./.

TG tổng hợp

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất