Chủ Nhật, 29/9/2024
Đời sống
Thứ Ba, 10/1/2012 22:5'(GMT+7)

“Xóm than” đã sáng lên rồi

 Những hộ dân ở “xóm than” chủ yếu là người Bình Định lên đây làm kinh tế mới vào những năm 80. Khi mới lên đây lập nghiệp, mỗi hộ dân được cấp một sào rưỡi đất thổ cư và một sào đất sản xuất. Diện tích đất canh tác đã ít, khí hậu lại khắc nghiệt nên có chăm chỉ làm cũng khó mà đủ ăn. Sau những ngày mùa vụ hàng đoàn người lần lượt vào rừng khai thác củi về đốt than đem bán. Người dân ở đây đi rừng đốt than như đi hội. Lâu dần thành quen và người ta coi việc phá rừng đốt than giống như nghề “truyền thống”. Cách đây khoảng chục năm, góc vườn nhà nào cũng đầy hầm than. Người ta cố đốt cho cháy hết những khúc củi, lóng gỗ đang sém lửa giữa chừng, đến sẩm tối mới cào ra sàng sẩy rồi đóng vào bao, chờ rạng sáng tức tốc chở về phố bán. Mỗi khi có kiểm lâm trên huyện về kiểm tra, xử phạt là các gia đình nháo nhác dập lửa, đem củi than thu giấu khắp nơi. Dẫu biết nghề này vi phạm pháp luật và độc hại nhưng vì miếng cơm manh áo mà bà con nơi cứ nhắm mắt làm. Cái nghề ấy cũng chỉ tồn tại được đến đến khi nhà nước thực hiện việc “Tăng cường những biện pháp cấp bách trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng”. Sự kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan chức năng huyện Buôn Đôn đã khiến cả “xóm than” này rơi vào cảnh túng bấn. Có nhiều hộ không trụ được đã trở về quê cũ hoặc bỏ đi nơi khác, số còn lại không có cách nào hơn là phải tiếp tục chui lủi, lén lút đốt lò, bán than để sống qua ngày.

Là người cùng quê Bình Định lên đây lập nghiệp, hơn ai hết ông Trần Ngọc Mỹ, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp - Dịch vụ Hoà Nhơn rất thấu hiểu tâm tư tình cảm và nguyện vọng của bà con. Ông luôn trăn trở, suy nghĩ phải làm sao để giúp bà con thoát nghèo, ổn định cuộc sống để yên tâm gắn bó với quê hương thứ hai. Năm 1999, ông làm đơn xin huyện Buôn Đôn cấp 100 ha đất rừng nghèo kiệt chia cho bà con xã viên để khai hoang trồng mía. Thế nhưng, mới thuê máy móc khai hoang được 8 hécta thì lại phải đình chỉ và đất bị thu hồi mà ông và bà con xã viên chẳng hiểu vì lý do gì. Sau lần đó, ông Mỹ phải bán một hécta cà phê của gia đình để trả nợ. Cánh cửa thoát nghèo vẫn đóng im ỉm với người dân “xóm than”.

Cuộc sống chẳng phụ những người công tâm như ông Mỹ. Năm 2007, khi biết Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh đang có kế hoạch tìm và khảo sát một vài làng nghề truyền thống để đầu tư phát triển từ nguồn vốn của Trung ương hỗ trợ, bằng sự nhạy bén và tầm nhìn xa về tương lai, ông Mỹ nghĩ ngay đến việc khôi phục nghề làm bánh tráng vốn nổi tiếng của quê mình. Sau nhiều lần tổ chức họp bàn, và được sự ủng hộ của các hộ làm bánh tráng, ông đã xây dựng đề án khôi phục làng nghề bánh tráng Hoà Nhơn. Sau khi khảo sát thực tế thấy có triển vọng phát triển, đáp ứng được các tiêu chí của một làng nghề, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh đã đồng ý cấp vốn ban đầu cho 60 hộ dân thôn 5, 6 và 7, mỗi hộ 3 triệu đồng để triển khai. Muốn có thêm nhiều hộ nữa khôi phục nghề truyền thống để giúp họ thoát khỏi cảnh “ăn của rừng rưng rưng nước mắt”, ông lại chạy lên huyện xin hỗ trợ thêm được 45 triệu đồng giúp bà con xây lò, mua sắm dụng cụ tráng bánh. Để phát triển sản xuất bền vững ông lặn lội đến các chợ, siêu thị ở trong và ngoài tỉnh tìm đầu ra cho sản phẩm, đồng thời đại diện HTX Nông nghiệp Dịch vụ Hòa Nhơn đứng ra ký cam kết sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho xã viên. Các sản phẩm bánh tráng mè nướng, bánh cuốn nem chả, bánh tráng cuốn... cứ làm ra bao nhiêu, là tiêu thụ hết bấy nhiêu.

Bà con nơi đây thường nói: Cũng nhờ bác Mỹ mà cuộc sống của người dân “xóm than” đang “sáng” lên dần. Hiện nay, làng nghề bánh tráng Hoà Nhơn đã có gần 200 hộ sản xuất, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động. Thu nhập bình quân hằng ngày của hộ tráng ít từ 250 đến 300 ngàn đồng, hộ làm nhiều cũng lãi gần cả triệu đồng. Nhờ nghề bánh tráng mà nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững. Nhiều gia đình trước đây “nghèo kinh niên” nay đã có của ăn, của để. Cuộc sống “xóm than” ngày nào giờ đã rộn ràng hơn trước với tiếng máy xay gạo, tiếng nói cười và tiếng xe lăn bánh chở hàng hóa tấp nập vào ra.

Nói về hướng đi sắp tới, ông Trần Ngọc Mỹ dự định ngoài việc mở rộng quy mô làng nghề bánh tráng ở đây, cần làm hồ sơ để đăng ký chất lượng, mẫu mã cho sản phẩm để làm sao thương hiệu “Bánh tráng Hòa Nhơn” bay xa hơn nữa trong tương lai./.

Anh Dũng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất