Chủ Nhật, 29/9/2024
Đời sống
Thứ Ba, 10/1/2012 21:58'(GMT+7)

“Vai trò của các Tổ chức Xã hội trong Phòng Chống HIV/AIDS tại Việt Nam”

Hội thảo nhằm đưa ra các gợi ý và khuyến nghị về vai trò của các tổ chức xã hội như các tổ chức phi chính phủ trong nước, các nhóm tự lực, các tổ chức thiện nguyện, tổ chức cộng đồng trong việc thực hiện Chiến lược Quốc gia Phòng chống HIV/AIDS, trên cơ sở các chính sách hiện hành. Hội thảo cũng xác định một số yếu tố chủ chốt ảnh hưởng đến sự tham gia của các tổ chức này trong phòng chống HIV/AIDS.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Tiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các Vấn đề Xã hội của Quốc hội trình bày các quan điểm và chính sách hiện hành về sự tham gia của các tổ chức xã hội trong các hoạt động xã hội như phòng chống HIV/AIDS. Ông Tiên chia sẻ, “Quan điểm của Đảng, trong Chỉ thị số 54 đã kết luận: sự tham gia của nhiều bộ ngành, đoàn thể, tổ chức quần chúng và các tổ chức quốc tế đã làm cho công tác phòng chống HIV/AIDS trở thành một hoạt động liên ngành, phong phú và đa dạng; từng bước khống chế tốc độ lây nhiễm HIV, giảm số nhiễm mới hằng năm và giảm số tử vong do HIV”. Cũng theo ông Tiên “Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ cho những hoạt động thực sự có hiệu quả”.

Đại diện của Cục Phòng chống AIDS Việt Nam, ông Mai Xuân Phương, Phó Trưởng phòng Phòng Truyền Thông và Huy động Cộng đồng, trình bày dự thảo Chiến lược Quốc gia Phòng chống HIV/AIDS 2011 – 2020 và tầm nhìn đến 2030. Dự thảo Chiến lược khẳng định: “Khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức tôn giáo, các tổ chức xã hội, từ thiện, tổ chức phi Chính phủ, các tổ chức tư nhân, doanh nghiệp, các hiệp hội nghề nghiệp, các tổ chức cộng đồng, mạng lưới người nhiễm HIV tham gia công tác phòng, chống HIV/AIDS. Tăng cường sự tham gia của các nhóm dễ bị lây nhiễm HIV và các tổ chức xã hội trong vận động, hoạch định chính sách và xây dựng kế hoạch cũng như giám sát, đánh giá chính sách và các hoạt động của chương trình”. Dự thảo cũng xác định vai trò của các tổ chức xã hội và sự kết nối giữa các cơ sở y tế với cộng đồng trong đó có các cơ sở tôn giáo, từ thiện, mạng lưới người nhiễm trong các can thiệp cụ thể - ví dụ như trong việc tạo ra chuỗi cung ứng dịch vụ liên tục, có chất lượng bảo đảm thực hiện các gói dịch vụ dự phòng, điều trị, chăm sóc toàn diện.

Ông Phương khuyến khích các tổ chức xã hội dân sự thực hiện vai trò của mình; đồng thời giữ liên hệ chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước để được cập nhật những chiến lược, chính sách và để đạt được cơ chế điều phối hiệu quả giữa các cơ quan quản lý nhà nước và khối các tổ chức xã hội dân sự.

Tham dự hội thảo còn có đại diện của Vụ Pháp chế - Bộ Công an, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Hà Nội, đại diện các tổ chức tài trợ như Cơ quan Liên hiệp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS), Cơ quan Phòng chống Ma túy và Tội phạm của Liên hiệp quốc, Cơ quan Hợp tác Phát triển Hoa Kỳ (USAID), Dự án Sáng kiến Chính sách Y tế (HPI)/Abt. Associates, và một số cơ quan, tổ chức khác. Đại diện của các tổ chức xã hội và các chuyên gia về huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội cũng đóng góp nhiều ý kiến có giá trị trong hội thảo.

Các đại biểu tham dự hội thảo cũng đề cập đến sự đóng góp quan trọng của các tổ chức xã hội trong những năm vừa qua. Theo báo cáo UNGASS năm 2010 của Chính phủ trình lên Liên hiệp quốc, các tổ chức xã hội tại Việt Nam đã cung cấp 51-75% dịch vụ chăm sóc tại nhà cho người nhiễm HIV, 25 – 50% dịch vụ chăm sóc cho trẻ mồ côi và bị ảnh hưởng bởi HIV, 25 – 50% dịch vụ dự phòng cho nam quan hệ tình dục đồng giới và thanh niên. Các nhóm, mạng lưới tự lực cũng đóng góp phần đáng kể vào nỗ lực chung của quốc gia. Mạng lưới Vì Ngày mai Tươi sáng, với các nhóm tự lực ở 16 tỉnh thành, đã chăm sóc liên tục và toàn diện cho hơn 4500 người nhiễm và 2000 trẻ OVC. Mạng lưới các nhóm Tự lực phía Nam - ở 11 tỉnh thành đang chăm sóc cho gần 700 thành viên nhiễm HIV và 250 trẻ OVC trong năm 2011. Liên minh Câu lạc bộ Về nhà liên tục hỗ trợ gần 800 người có nguy cơ nhiễm HIV tiếp cận các dịch vụ dự phòng. Nhân ngày Thế giới Phòng chống AIDS năm 2011, các thành viên của VCSPA đã đồng loạt tổ chức ở 22 điểm thuộc 17 tỉnh thành với hàng nghìn người tham dự lễ thắp nến tưởng niệm các nạn nhân của đại dịch AIDS và khẳng định quyết tâm thực hiện mục tiêu “ba không” – “không người nhiễm mới, không còn người chết do AIDS, không còn kỳ thị với người nhiễm HIV”. Từ năm 2011, Liên hiệp các hội Khoa học – Kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức thực hiện dự án Quỹ Toàn cầu phòng chống HIV/AIDS ở 10 tỉnh, thành phố, với sự tham gia thực hiện của 5 tổ chức phi chính phủ trong nước và trên 30 nhóm tự lực của người có HIV và những người có nguy cơ nhiễm HIV cao./.

Tuấn Đạt

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất