Thứ Hai, 23/9/2024
Đời sống
Chủ Nhật, 28/10/2012 9:14'(GMT+7)

Các địa phương khẩn trương ứng phó với bão số 8

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát (giữa) kiểm tra công tác phòng chống cơn bão số 8 tại âu tránh bão Quảng Tiến, thị xã Sầm Sơn (Thanh Hóa)

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát (giữa) kiểm tra công tác phòng chống cơn bão số 8 tại âu tránh bão Quảng Tiến, thị xã Sầm Sơn (Thanh Hóa)

 
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn, đến 18h ngày 27/10, toàn thành phố đã tổ chức thu hoạch được 33.433 ha lúa/tổng diện tích gieo cấy 40.679 ha (đạt 82,2%). Các địa phương đang khẩn trương thu hoạch diện tích lúa còn lại. Ngoài ra, các đơn vị đã bố trí hơn 28.000 người sẵn sàng xung kích hộ đê, phòng chống lụt bão; chuẩn bị hơn 1.100 xe ôtô các loại, 152 tàu và xuồng cao tốc, 4 xe thiết giáp, 20.843 tấn lương thực,... Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Hải Phòng cùng các lực lượng đã phối hợp kiểm đếm, thông báo, hướng dẫn cho hơn 4.400 hộ có phương tiện, lồng bè, chòi canh đang hoạt động và nuôi trồng hải sản trên khu vực biển Hải Phòng. Trong đó 417 phương tiện đang hoạt động trên biển và neo đậu ở địa phương khác và hơn 4.000 phương tiện đang neo đậu tại bến. 

Hiện UBND thành phố Hải Phòng tiếp tục chỉ đạo các ngành, địa phương bằng mọi biện pháp liên lạc, thông báo cho chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển khẩn trương di chuyển về nơi tránh trú an toàn; chủ động sơ tán nhân dân ở các khu vực ven sông, ven biển, các khu nhà cũ xung yếu, khu du lịch biển; tổ chức kiểm tra và thực hiện biện pháp đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, công trình đang thi công, khu nuôi trồng thuỷ sản, cầu tàu, bến cảng,.. Các địa phương huy động tối đa mọi nguồn lực, các loại máy gặt đập liên hoàn để giúp dân khẩn trương thu hoạch nhanh gọn diện tích lúa mùa và rau màu đã đến kỳ thu hoạch. Đặc biệt ưu tiên thu hoạch trước diện tích lúa, rau màu ở những vùng trũng thấp có nguy cơ bị ngập úng cao. Đối với diện tích rau màu vụ Đông sớm đã gieo trồng cần có biện pháp che chắn, khoanh vùng để tiêu thoát nước kịp thời, tránh dập nát cây non khi có mưa lớn xảy ra. Đối với các loại rau màu vụ Đông còn thời vụ chuẩn bị đủ lượng hạt giống, cây giống đảm bảo chất lượng để sẵn sàng trồng dặm, gieo trồng bổ sung kịp thời diện tích bị thiệt hại do mưa bão. 

* Ứng phó với bão số 8, tỉnh Thanh Hoá đã chỉ đạo các địa phương ven biển sẵn sàng thực hiện việc di dân ngay trong đêm 27/10 và rạng sáng 28/10 nhằm đảm bảo an toàn cho nhân dân trước khi bão đổ bộ vào. 

Các địa phương ven biển đã thông báo đến từng hộ dân nằm sát mép nước, ven biển, cửa sông, khu vực trũng thấp chuẩn bị sẵn sàng sơ tán khi có lệnh. Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã lập kế hoạch đảm bảo hậu cần, đặc biệt là lương thực, thực phẩm và nước uống cho người dân sơ tán, bảo vệ an ninh trật tự cả nơi đi và nơi đến cho nhân dân. Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, bộ đội biên phòng và công an tỉnh đã điều động 2.800 cán bộ, chiến sỹ ứng trực để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ. 

Tại 6 huyện ven biển của tỉnh Thanh Hoá có trên 27.630 hộ trong phạm vi cách bờ biển 500m có thể phải di dời. Trước mắt tỉnh đang rà soát, kiểm đếm và sẵn sàng di dời 12.125 hộ tại 48 xã ven biển trong phạm vi cách bờ biển 200m. Các hộ này sẽ được di dời đến trường học, nhà cao tầng, hội trường thôn, trụ sở UBND xã để đảm bảo an toàn khi bão đổ bộ. Đặc biệt, các địa phương ven biển cũng cắt cử lực lượng kêu gọi, vận động và cưỡng chế nếu cần đối với người dân ở lại tại các khu nuôi trồng thuỷ sản, lồng bè và tàu thuyền. 

* Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 8, chiều 27/10, Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng ban phòng chống lụt bão tỉnh Thái Bình Phạm Văn Sinh cùng các thành viên trong Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh đã đi kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó với cơn bão số 8 tại 2 huyện ven biển Tiền Hải và Thái Thụy. 

Sau khi kiểm tra, nắm tình hình công tác chuẩn bị đối phó với bão số 8 ở huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình yêu cầu huyện Tiền Hải tiếp tục chủ động rà soát, quản lý chặt chẽ danh sách các chủ tàu thuyền và nghiêm cấm việc ra khơi, sắp xếp phương tiện neo đậu an toàn; triển khai phương án bảo vệ công trình đê, kè, cống xung yếu; các công trình đang thi công; tiếp tục đôn đốc và cưỡng chế các chủ đầm bãi nuôi ngao di dời vào trong đê chính. Đồng thời chủ động lên phương án huy động vật tư, nhân lực, phương tiện để tổ chức hoành triệt các điểm xung yếu, duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn, sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xẩy ra. 


Tại huyện Thái Thụy, sau khi đi kiểm tra một số công trình thủy lợi, hệ thống đê biển trọng điểm và kè Chi Bồ trên tuyến đê biển số 8, tỉnh yêu cầu Ban chỉ huy phòng chống lụt bão của huyện và các đơn vị chức năng tổ chức ứng trực, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị Bộ đội biên phòng, kiểm soát chặt chẽ các tàu thuyền, nghiêm cấm không cho ra khơi, tổ chức bố trí neo đậu nơi an toàn, kiểm tra rà soát cụ thể các hộ nuôi ngao, hộ đang sinh sống ngoài đê chính, di dời các hộ dân vào trong đê trước khi bão đổ bộ vào bờ, kiên quyết không để người ở lại các chòi canh vùng đầm bãi ven biển. Đồng thời tổ chức lực lượng thường trực tại các trọng điểm, đê, kè, cống xung yếu sẵn sàng xử lý khi công trình có sự cố xảy ra. 

Để chuẩn bị đối phó với bão số 8, tỉnh Thái Bình yêu cầu Ban chỉ huy phòng chống lụt bão các cấp, các ngành tổ chức thường trực 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để đối phó và xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra. Đặc biệt là đối với 2 huyện ven biển Tiền Hải và Thái Thụy, tỉnh chỉ đạo Bộ đội Biên phòng phối hợp với chính quyền các địa phương kiểm soát nghiêm ngặt, cấm tàu thuyền ra khơi và hướng dẫn neo đậu vào nơi tránh, trú bão đảm bảo không bị va đập gây vỡ và chìm tàu thuyền. Cần chủ động phương án tổ chức di dời toàn bộ số ngư dân làm ăn, sinh sống ngoài bãi sông, ven biển và khu vực nuôi trồng thuỷ hải sản vào trong đê chính, kiên quyết không để người ở lại các đầm nuôi trồng thủy, hải sản và các chòi nuôi ngao trên biển khi bão đổ bộ vào bờ. Đồng thời chủ động phương án khẩn cấp bảo vệ đê, kè, cống xung yếu, nhất là các công trình đang thi công trên sông, ngoài đê biển để ứng cứu kịp thời. 

Tỉnh cũng lưu ý các huyện vùng thấp trũng bố trí lực lượng bằng mọi biện pháp phải tiêu nước triệt để trên các trục tiêu của toàn hệ thống, đề phòng bão vào mưa lớn gây ngập úng. Các lực lượng vũ trang nhân dân cần chủ động lên phương án đối phó với bão số 8, sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ tính mạng của nhân dân và tài sản của Nhà nước, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão số 8 gây ra./. 

TTX

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất