Ngay sau khi mưa ngớt, các địa phương huy động lực lượng, phương tiện khắc phục hậu quả thiên tai.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 5, đêm 18 và rạng sáng 19/8, ở các tỉnh phía Bắc tiếp tục có mưa vừa, mưa to đến rất to, kèm theo gió lốc gây sạt lở đất tại các vùng núi, ngập lúa và hoa màu tại các vùng trũng.
** Tại tỉnh Phú Thọ, theo thống kê của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh, đến 10h trưa 19/8, mưa lốc đã làm 57 ngôi nhà bị đổ sập, hơn 200 ngôi nhà bị tốc mái, gần 2.000ha lúa, hoa màu bị ngập úng; hơn 1.800m kênh mương, đường giao thông bị sạt lở.
Đêm 18 và rạng sáng 19/8, tại huyện Hạ Hòa có mưa to, rất to kèm theo gió lốc, gây sạt lở đất vào nhà dân ở xã Minh Hạc và Lệnh Khanh khiến 2 người bị vùi lấp. Huyện Hạ Hòa đã huy động nhiều lực lượng tổ chức di dời người và tài sản cho dân gần khu vực sạt lở đến nơi an toàn.
Ông Lữ Mạnh Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thường trực Ban Phòng chống lụt bão huyện Hạ Hòa, cho biết, đang yêu cầu các xã rà soát lại chính xác các hộ dân có nhà làm gần ta luy và triển khai các phương án tổ chức di dời đến nơi an toàn; chỉ đạo các địa phương, đơn vị theo dõi chặt chẽ tình hình mực nước sông ở trên sông Thao để điều tiết những cống qua đê một cách hợp lý, để tiêu nước nội đồng. Đến nay, lượng mưa đã ngớt, mực nước sông Thao hiện trên báo động 3 là 23cm.
|
Cán bộ, nhân dân xã Văn Yên, Đại Từ, Thái Nguyên chống lũ (Ảnh: Báo Thái Nguyên) |
** Mưa lũ cũng đã gây sạt lở hàng trăm mét đê tả Thương, thuộc địa bàn xã Xuân Hương, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. Hiện nhiều vị trí sạt lở sâu, chỉ cách chân đê chưa đầy 4m, nguy cơ sạt lở đê có thể xảy ra nếu mưa tiếp tục lớn và kéo dài. Tại huyện Yên Dũng, mưa lớn đã khiến đê bao kênh Nham Biền, tại khu vực thôn Kem, xã Nham Sơn bị vỡ - dài 15m. Nước tràn ra ngoài đê làm ngập úng 20ha lúa mùa, hoa màu ở các xã Nham Sơn và Yên Lư.
Ông Đào Văn Chắt, Chi cục trưởng Chi cục đê điều, kiêm Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Bắc Giang cho biết: “Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh thường xuyên chỉ đạo các trạm bơm thuộc Công ty Nam Yên Dũng bơm hết công suất. Tổ chức lực lượng bộ đội và xung kích ứng cứu, xử lý. Hiện nay đang bơm tích cực xử lý tiếp cho cạn để cứu 20ha hoa màu và lúa. Trước mắt, khắc phục ngay sạt lở đê Xuân Hương bằng biện pháp thả đá rời, vạt mái, giảm tải; tăng cường tuần tra canh gác ở các đoạn đê khác, phát hiện sự cố ngay từ giờ đầu để xử lý kịp thời. Nếu không xử lý, khả năng có thể vỡ đê”.
** Do ảnh hưởng của bão số 5, khoảng 22h tối 18/8, tại huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình đã xảy ra một trận lốc xoáy làm tốc mái 42 nhà dân tại các xã: Tân Sơn, Phúc Sạn, Tòng Đậu, Xăm Khòe và làm đổ rạp hơn 1ha luồng tại xã Tân Sơn, nhưng không có thương vong về người... Các ngành chức năng huyện Mai Châu đang giúp người dân sửa chữa, dựng lại nhà cửa, ổn định cuộc sống đồng thời rà soát những nơi thường xảy ra lốc xoáy, lũ ống, lũ quét để có biện pháp phòng chống, nhằm hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.
** Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 5, từ 17h ngày 17/8 đến 15h ngày 18/8, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to. Theo báo cáo thiệt hại ban đầu, huyện Hàm Yên có 33 ngôi nhà bị hư hại, trong đó có 32 nhà bị tốc mái, 1 nhà bị cây đổ làm vỡ ngói. Tại Huyện Sơn Dương do mưa to, lũ lớn, khu vực gần các suối, có 25 hộ dân phải sơ tán, trong đó xã Kháng Nhật 5 hộ; xã Sơn Nam 20 hộ.
Ngay sau khi mưa lũ xảy ra, lãnh đạo các huyện, thành phố đã về các địa phương bị ảnh hưởng, chỉ đạo thống kê thiệt hại, thực hiện các phương án khắc phục hậu quả, nhanh chóng ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân./.
Theo VOV