Thứ Ba, 26/11/2024
Đời sống
Chủ Nhật, 19/8/2012 18:23'(GMT+7)

Nhiều đổi thay trên quê hương của Chủ tịch Tôn Đức Thắng

Chiến sĩ tình nguyện tu sửa lộ giao thông nông thôn

Chiến sĩ tình nguyện tu sửa lộ giao thông nông thôn

Tuy nằm ở vị trí trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của tỉnh An Giang nhưng Mỹ Hòa Hưng bị tách biệt với thành phố Long Xuyên bởi dòng sông Hậu hiền hòa mang nặng phù sa bồi đắp cho thổ nhưỡng bao quanh. Mặc dù vậy nhưng đã có lúc Mỹ Hòa Hưng dậm chân tại chỗ, người dân không tiếp cận được KHKT, năng suất lúa đạt thấp, làm vừa đủ ăn. Xác định mục tiêu đi lên làm giàu đã được Đảng bộ xã đặt ra trong nhiệm kỳ mới Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XI 2006, từ đó Đảng bộ và nhân dân xã Mỹ Hòa Hưng đã đoàn kết chung tay xây dựng quê hương để không phụ lòng mong mỏi của bác Tôn đã nhắn nhủ khi về thăm quê. Xã đã tận dụng những gì thiên nhiên ưu đãi nguồn nước ngọt phong phú, đất đai mầu mỡ, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp lúa màu và đặc biệt là nuôi trồng thủy sản. Xác định được mục tiêu phát triển đi lên bằng nông nghiệp, nhưng thực tế diện tích sản xuất không lớn chỉ gần 500 ha chủ yếu trồng lúa 1 vụ, hiệu quả không cao, vì vậy Đảng ủy và nhân dân xã đã chủ động tính toán tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với địa hình, địa thế và tiềm năng sẳn có, mạnh dạn phân bổ chuyển đất lúa sang trồng màu hay trồng lúa xen canh màu để nâng giá trị sản xuất. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm cộng với mở động diện tích bãi bồi, tăng vụ, tranh thủ ứng dụng KHKT...., đến nay toàn xã đã có 1.637,60 ha sản xuất nông nghiệp chủ yếu 1 vụ lúa + 2 vụ màu và 2 vụ màu + 1 vụ lúa cho lợi nhuận gấp 3 lần trồng đơn thuần 3 vụ lúa, người dân rất phấn khởi. Không chỉ dừng ở đây nhân dân xã Mỹ Hòa Hưng còn tranh thủ lợi thế dòng sông Hậu bao quanh để phát triển nuôi thủy sản nước ngọt với trên 300 lồng bè, không tập trung nuôi cá tra theo phong trào mà linh động chọn nuôi nhiều loài thủy sản nước ngọt có giá trị kinh tế cao như cá mè vinh, rô phi, điêu hồng, cá chim trắng và con giống cá tra.....nhờ vậy luôn có đầu ra tốt.

Trong những ngày tháng 8 này, hòa cùng cả nước kỷ niệm cách mạng tháng 8, Quốc khánh mùng 2/9 và 124 năm ngày sinh Bác Tôn, về Mỹ Hòa Hưng mới thấy hết sự nỗ lực, đoàn kết chung sức chung lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân chủ động tính toán và mạnh dạn chuyển đổi trong sản xuất nên hiệu quả luôn đạt rất cao, năm sau cao hơn năm trước. Ông Nguyễn Văn Lắm - Chủ tịch UBND xã phấn khởi cho biết toàn xã đã tự hào báo công lên Bác trong dịp này với kết quả giá trị sản xuất nông nghiệp đạt bình quân 100 triệu đồng/ha, phấn đấu năm 2013 tăng lên 110 triệu đồng/ha, trong đó thấp nhất là trồng lúa đạt 90 triệu đồng/ha/năm, rau màu 100 triệu đồng, chăn nuôi gia súc gia cầm 200 triệu đồng và cao nhất là thủy sản 600 triệu - 800 triệu đồng/ha/năm. Bên cạnh tăng gia sản xuất Đảng bộ và nhân dân xã đã hợp sức đầu tư thực hiện trên 17 tỷ đồng cho chủ trương Xây dựng nông thôn mới của Đảng Nhà nước, từ đó ưu tiên cho giáo dục hình thành đủ các cấp học, học sinh không phải sang sông đến trường. Giờ đây người dân Mỹ Hòa Hưng không phải lo ngại mỗi khi lũ về bởi 100% tuyến đường giao thông chính của xã được láng nhựa cầu sắt, bê tông kiên cố, xe 4 bánh về đến tận các ấp. Bồ lúa tình thương ra đời cứu giúp kịp thời cho các hộ khó khăn. Tỉnh cũng ưu tiên triển khai dự án Du lịch cộng đồng, hướng dẫn người dân làm Homestay, phát triển vườn cây ăn quả phục vụ khách du lịch, thu hút hàng năm trên 200.000 lượt du khách trong nước và Quốc tế đến du lịch nghỉ dưỡng, đã tạo thêm thu nhập cho người dân địa phương… góp phần xóa nghèo, người dân có thu nhập bình quân từ 2 triệu - 20 triệu đồng/người/tháng.

Xã Mỹ Hòa Hưng hình thành từ hơn 300 năm, còn được gọi là “Cù lao ông Hổ”. Theo các cụ cao niên từ thuở xưa nơi đây là vùng đất hoang vu, rất ít người dân sinh sống, có đôi vợ chồng già khi đi vớt củi đã cứu sống và mang về nuôi chú hổ con bị lạc mẹ trôi trên sông. Gần gũi với con người nên hổ hiền lành, rất thương đôi vợ chồng già. Đến khi các cụ qua đời hổ bỏ đi nhưng hàng năm đúng vào ngày giỗ đều tha về lợn rừng đặt trước mộ ông bà. Cảm phục trước cái nghĩa của hổ đối với người, nên dân làng đã lập miếu thờ, đặt tên nơi đây là “Cù lao ông Hổ” và lưu truyền đến ngày nay. Không chỉ là mảnh đất giàu tình nghĩa nơi đây còn giàu truyền thống yêu nước đã sản sinh ra người chiến sĩ cách mạng ưu tú, Chủ tịch tôn Đức Thắng nên Đảng ủy và chính quyền xã đã lấy đó làm kim chỉ nam, là bài học cho lối sống đạo đức và hướng nhân dân phát huy truyền thống cách mạnh, học tập theo con đường của bác, duy trì hàng tháng tổ chức họp tổ giáo dục truyền thống; lồng ghép tuyên truyền về cuộc đời sự nghiệp của Bác Tôn trong các lần tiếp xúc cử tri, trong các lần hòa giải ở cơ sở, trên các phương tiện thông tin đại chúng....Xã Mỹ Hòa Hưng còn có khu lưu niệm vừa được nhà nước công nhận là khu Di tích Quốc gia đặc biệt, nơi đây đã lưu giữ hàng trăm kỷ vật và hình ảnh về Thân thế, sự nghiệp của Bác Tôn để nhân dân An Giang luôn nhớ đến người và còn phục vụ cho nghiên cứu và sinh hoạt du khảo về nguồn, giáo dục cho thể hệ trẻ về truyền thống yêu nước không chỉ trong kháng chiến mà tiếp tục trong công cuộc xây dựng kiến thiết quê hương đất nước trong thời gian tới, để luôn là niềm tự Hào Mỹ Hòa Hưng - An Giang có Chủ tịch Tôn Đức Thắng./.

Thu Trang - TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất