Sau một lần hoãn xử, sáng 2.10 Tòa Phúc thẩm (Tòa án Nhân dân Tối cao) đã mở phiên tòa xét xử công khai vụ kiện tác quyền kịch bản phim Biệt động Sài Gòn theo đơn kháng cáo của nhà báo Nguyễn Thanh và nhà văn Lê Phương đối với bản án Sơ thẩm (Tòa án Hà Nội) xử ngày 11.5.2009.
Sau hơn một giờ xét xử, phiên tòa lại phải tạm hoãn nhưng cũng gợi mở một hướng đi cho cả nguyên đơn và bị đơn. Theo đó, các đơn vị từng xuất bản, in ấn kịch bản này cách nay hơn 20 năm buộc phải có mặt tại Tòa trong lần xử tới. Thậm chí, sẽ trở thành bị đơn trong một vụ kiện mới mà các ông Nguyễn Thanh – Lê Phương là nguyên đơn.
Cả hai cùng kháng cáo
Trong đơn kháng cáo, ông Nguyễn Thanh tiếp tục khẳng định mình là tác giả duy nhất đối với kịch bản phim Biệt động Sài Gòn; bảo lưu số tiền đòi tác quyền 74 tỷ; đề nghị Tòa buộc Hãng phim Truyện VN, Báo Sài Gòn Giải Phóng và các đơn vị từng in ấn, xuất bản kịch này phải có trách nhiệm với tác giả trong vụ kiện.
Cũng cho rằng bản án Sơ thẩm chưa thỏa đáng, ông Lê Phương- bị đơn trong vụ kiện kháng cáo với lý do mình là người nghĩ ra cốt truyện, đưa ra giải pháp dựng truyện và là người viết lại kịch bản từ kịch bản “nháp”- viết phá của ông Nguyễn Thanh (và ông Nguyễn Thanh cũng chỉ tham gia viết nháp 2 tập đầu tiên, 2 tập sau ông Phương viết một mình) nên về quyền lợi vật chất ông được hưởng 2/3 là hợp lý. Việc chia nhuận bút đã được thực hiện cách đây 25 năm, ông Thanh đã nhận tiền nay đi kiện là vô lý.
Chứng cứ phải là văn bản gốc, hoặc người làm chứng
Tại phiên tòa Phúc thẩm, Hội đồng xét xử quan tâm đến các chứng cứ gốc (kịch bản gốc viết tay; các hợp đồng thỏa thuận ký kết giữa hãng phim và tác giả; chứng từ thể hiện việc chi trả nhuận bút kịch bản cho tác giả của hãng phim và các đơn vị đã in ấn, xuất bản, tái bản kịch bản này). Đáng tiếc, phía nguyên đơn- ông Nguyễn Thanh đã không có được những chứng từ gốc, cũng không đưa ra được người làm chứng hợp pháp khẳng định mình là tác giả kịch bản duy nhất, cũng như những chứng cứ buộc tội ông Lê Phương đã tự ý gửi bản chung cho các đơn vị xuất bản và ém nhẹm nhuận bút trong hơn 20 năm qua. Về số tiền ông Thanh đã nhận từ ông Phương (theo ông Thanh nói là 3 lần, mỗi lần 400 đồng; còn ông Phương thì khẳng định chỉ đưa cho ông Thanh một lần duy nhất, số tiền là 4.000 đồng, tương đương với 1/3 số tiền nhuận bút 4 tập kịch bản, theo cách chia thỏa thuận giữa 2 người hơn 20 năm trước), ông Thanh cho rằng đấy không phải là nhuận bút mà chỉ là “tiền bồi dưỡng viết kịch bản”. Đại diện Hãng phim Truyện VN tại Tòa khẳng định hãng phim chỉ giao trách nhiệm cho ông Lê Phương viết kịch bản và đã chi trả nhuận bút đầy đủ. Việc ông Phương chia nhuận bút cho ai là việc của ông Phương và người cộng tác, hãng phim không chịu trách nhiệm về việc này. Tuy nhiên, vì đã khẳng định với Hội đồng xét xử “kịch bản Biệt động Sài Gòn là tài sản của hãng phim, có thể xem là sử liệu được lưu trữ vĩnh viễn” nên đại diện của hãng phim đã không đưa ra câu trả lời thỏa đáng khi phía xét xử chất vấn: “Nếu kịch bản được lưu giữ vĩnh viễn thì tại sao những chứng từ liên quan đến kịch bản này lại không còn? “. Vì thế, theo phía xét xử, trong phiên tòa sắp tới, kế toán của hãng phim sẽ được triệu mời để trả lời những câu hỏi liên quan.
Riêng về việc ông Thanh kiện ông Phương đã đưa kịch bản cho các đơn vị xuất bản (Tạp chí Điện ảnh, NXB Thanh Hóa, Hội Văn học Nghệ thuật Long An, Báo Sài Gòn Giải Phóng), các đơn vị xuất bản đã có công văn gửi Tòa, trong đó ghi rõ do vụ việc xảy ra quá lâu, các cơ quan không còn lưu giữ các chứng từ liên quan nên không xác định ai là người cung cấp kịch bản, kịch bản được lấy từ nguồn nào và việc chi trả nhuận bút cho tác giả đã được thực hiện hay chưa. Điều đáng nói, mặc dù là những đơn vị liên quan đến vụ kiện mà theo phía xét xử thì các đơn vị xuất bản chính là một trong những nguồn cơn chính dẫn đến vụ kiện hy hữu trong làng điện ảnh hôm nay nhưng ngoại trừ Báo Sài Gòn Giải Phóng, các đơn vị xuất bản khác chưa khi nào có mặt theo triệu tập của Tòa (cả phiên Sơ thẩm và Phúc thẩm). Vì thiếu các đơn vị này nên việc thẩm vấn, đối chất tại tòa giẫm chân tại chỗ.
Chuyển hướng kiện về phía các đơn vị xuất bản
Tại phiên tòa, luật sư bảo vệ quyền hợp pháp cho ông Nguyễn Thanh- ông Thắng Cảnh cũng cho rằng đã từng khuyến cáo ông Nguyễn Thanh nên chuyển “mũi nhọn” về phía các đơn vị xuất bản, thay bằng việc “dồn lửa” vào ông Lê Phương. Bởi, các chứng cứ cho thấy các đơn vị xuất bản (trừ Báo Sài Gòn Giải Phóng) đã sử dụng “chùa” kịch bản Biệt động Sài Gòn trong một thời gian dài. Cứ cho rằng ngày đó chưa có luật, việc sử dụng “chùa” tác phẩm là rất phổ biến nhưng nếu bây giờ bị kiện mà không đưa ra được chứng cứ về việc đã chi trả tác quyền thì các đơn vị xuất bản vẫn phải thực thi trách nhiệm của mình. Cái lý của luật sư là “Nên túm kẻ có tóc”, nhất là khi nguyên đơn đã có trong tay các bản in ghi rõ tên các đơn vị xuất bản, số lượng bản in, giá sách, các lần tái bản... Đồng tình với ý kiến của luật sư Thắng Cảnh, bà Minh Thủy, luật sư bảo vệ quyền hợp pháp cho ông Lê Phương thống nhất quan điểm nên chuyển hướng vụ kiện về phía đòi tác quyền đối với các đơn vị từng xuất bản, in ấn kịch bản này. Theo bà Thủy, dù thời điểm kịch bản được in ấn chưa có luật, việc in “chùa” tác phẩm khá phổ biến nhưng nay bị kiện, nếu đơn vị xuất bản không chứng minh được việc đã chi trả nhuận bút hay chưa, họ sẽ phải thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm của mình đối với các tác giả kịch bản.
Do không có chứng cứ mới, phiên tòa phải tạm hoãn sau hơn một giờ xét xử. Hội đồng xét xử yêu cầu 2 luật sư cùng ngồi lại với nhau trao đổi, thảo luận, định hướng, tư vấn cho nguyên đơn và bị đơn để có thể đi đến một sự thỏa thuận có lợi nhất cho cả 2 phía. Việc chuyển hướng kiện đối với các đơn vị xuất bản là hoàn toàn có thể và khả thi hơn là 2 ông già kiện nhau mà không có chứng cứ. Về điều này, ông Lê Phương- bị đơn của vụ kiện khẳng định sẵn sàng đứng tên chung với ông Nguyễn Thanh trong đơn kiện các NXB, nhưng ông không còn đủ sức để theo đuổi vụ kiện mới mà sẽ uỷ quyền cho ông Nguyễn Thanh làm việc này và cũng không đòi hỏi quyền lợi nếu thắng kiện.
Theo Quỳnh Anh-VanHoa0