Thứ Tư, 27/11/2024
Pháp luật
Thứ Bảy, 19/9/2009 9:54'(GMT+7)

Dự thảo Luật người khuyết tật: Các công trình phải có hạng mục phục vụ người khuyết tật

Toàn cảnh phiên họp bế mạc của UBTVQH.

Toàn cảnh phiên họp bế mạc của UBTVQH.


Dự thảo Luật người khuyết tật có 9 chương 38 điều

Theo số liệu báo cáo, cả nước có khoảng 6% dân số là người khuyết tật. Hiện đời sống vật chất, tinh thần của người khuyết tật còn nhiều khó khăn. 80% người khuyết tật ở thành thị và 70% người khuyết tật ở nông thôn sống dựa vào gia đình, người thân và trợ cấp xã hội. Hàng năm có gần 1 triệu người khuyết tật được hưởng trợ cấp từ ngân sách Nhà nước, hàng trăm ngàn lượt người được hỗ trợ chỉnh hình, phục hồi, chức năng…

Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thực hiện Pháp lệnh người khuyết tật vẫn còn nhiều cơ chế chính sách chưa thật sự đi vào cuộc sống, người khuyết tật chưa thực sự được tạo điều kiện tiếp cận hạ tầng cơ sở, các doanh nghiệp chưa nhận đủ số lao động  là người khuyết tật theo quy định... khiến hiệu quả thực hiện luật Pháp lệnh  và các chính sách đối với người khuyết tật  chưa cao. 

Báo cáo UBTVQH về dự thảo Luật người khuyết tật, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết:  Dự thảo Luật người khuyết tật được xây dựng trên cơ sở tổng kết, đánh giá thực tiễn 10 năm thi hành Pháp lệnh về người tàn tật, đồng thời thể chế hóa đầy đủ, toàn diện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, gia đình và xã hội trong việc  xoá bỏ rào cản, bảo đảm các điều kiện để người khuyết tật hoà nhập xã hội như những người  bình thường khác. 

Dự thảo Luật quy định cụ thể 6 dạng khuyết tật và giao Chính phủ quy định cụ thể về hạng khuyết tật theo từng dạng khuyết tật.

Trong đó, quy định quyền, nghĩa vụ của người khuyết tật theo hướng bình đẳng quyền công dân và nhấn mạnh quyền và nghĩa vụ riêng biệt của người khuyết tật. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức gia đình và cá nhân trong việc bảo đảm để người khuyết tật thực hiện quyền, nghĩa vụ của họ.

Dự thảo Luật cũng đưa ra 8 nhóm giải pháp chính sách của Nhà nước, nhấn mạnh việc  bảo đảm nguồn lực, các điều kiện thực thi xã hội hoá, tuyên truyền, đào tạo cán bộ thể hiện sự cam kết của Nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện các quy định của Pháp luật về người khuyết tật.

Đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật, hầu hết các đại biểu đều nhất trí việc ban hành Luật người khuyết tật, tuy nhiên khái niệm về cách gọi người tàn tật hay người khuyết tật vẫn còn phải được làm rõ. Bởi theo các văn bản, quy định pháp luật của Việt Nam từ trước đến nay vẫn gọi là người tàn tật, còn theo Công ước quốc tế chỉ có khái niệm người khuyết tật.

Về phân dạng và phân hạng khuyết tật, đây là một trong những điểm mới của dự án Luật so với  pháp luật hiện hành, tuy nhiên trong dự thảo Luật mới chỉ dừng lại ở việc nếu tên dạng, hạng khuyết tật chứ chưa thể hiện được tiêu chí, các chính sách đối với từng hạng tật này.

Một số ý kiến cũng cho rằng cần làm rõ mối quan hệ  giữa phân hạng khuyết tật trong dự thảo Luật với việc phân hạng thương binh, bệnh binh hiện nay. Bởi với số lượng người khuyết tật lớn như hiện nay, liệu khả năng tổ chức giám định để phân dạng, hạng khuyết tật  có mang tính khả thi.

Tại buổi thảo luận, các đại biểu cũng  đề nghị bổ sung quy định các công trình sắp đưa vào xây dựng phải có các hạng mục phục vụ cho người khuyết tật, với những công trình đã xây dựng xong mà chưa có các hạng mục phục vụ người khuyết tật cần có quy định lộ trình thời gian cụ thể bổ sung, sửa chữa, đảm bảo quyền lợi bình đẳng của người khuyết tật.

Một số vấn đề về chính sách khuyến khích xã hội hoá trong chăm sóc sức khoẻ, giáo dục, dạy nghề  cho người khuyết tật, vấn đề lồng ghép giới, chính sách phòng ngừa thương tật cũng được đề nghị cần nghiên cứu bổ sung để dự thảo Luật hoàn chỉnh trình Quốc hội lấy ý kiến trong kỳ họp tới.

Cũng trong chiều nay, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã bế mạc phiên họp thứ 23 của UBTVQH. 

Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng yêu cầu các cơ quan chức năng sớm hoàn thành các nội dung dự án Luật và báo cáo chuyên đề gửi cho các đại biểu nhằm chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội sắp tới dự kiến diễn ra trong 1 tháng, bắt đầu từ 20/10. Cũng tại phiên họp thứ 23, UBTVQH  đã quyết định một số vấn đề quan trọng về nhân sự theo thẩm quyền./.

(Theo: chinhphu.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất