Thứ Tư, 25/9/2024
Môi trường
Thứ Tư, 23/3/2011 20:59'(GMT+7)

Các nước cân nhắc lại các dự án điện hạt nhân

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Điện hạt nhân được coi là nguồn năng lượng có nhiều lợi thế, trong đó có việc nó không thải khí CO2, một loại khí gây hiệu ứng nhà kính khiến trái đất nóng lên, làm thay đổi khí hậu. Ngoài ra điện hạt nhân còn là một trong những giải pháp hữu hiệu thay thế cho nguồn nhiên liệu dầu mỏ và than đá đang ngày càng cạn kiệt và gây ô nhiễm môi trường. Thế nhưng điện hạt nhân cũng có những hạn chế, đó là nguy cơ ô nhiễm phóng xạ nếu xảy ra các sự cố rò rỉ phóng xạ như đang diễn ra tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản.

 Tại châu Á - Trung Quốc là quốc gia đã xây dựng nhiều nhà máy điện hạt nhân. Ngoài 13 nhà máy điện hạt nhân hiện có, để đáp ứng nhu cầu năng lượng không ngừng tăng lên của mình, Trung Quốc dự định xây dựng thêm 25 nhà máy điện hạt nhân nữa. Thế nhưng, sau tai nạn hạt nhân tại Fukushima, nước này đã quyết định tạm đình chỉ kế hoạch xây dựng thêm nhà máy hạt nhân, mặc dù trước đó không lâu họ thông báo là đã lên kế hoạch tăng năng suất các nhà máy hạt nhân của mình lên 40GW, tức gấp 4 lần năng suất hiện nay. Theo Tân Hoa Xã, lý do của việc Trung Quốc tạm ngưng phê chuẩn các nhà máy điện hạt nhân mới là để chính quyền xét duyệt lại các tiêu chuẩn an toàn, cũng như kiểm tra tình trạng an toàn của các nhà máy hiện có. Mặc dù tạm ngưng kế hoạch xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới, nhưng Trung Quốc khẳng định sẽ không thay đổi chương trình triển khai năng lượng hạt nhân.
 
Chính phủ Thái Lan cũng cho biết sẽ xem xét tới những quan ngại về vấn đề an toàn hạt nhân, nhưng cũng sẽ không trì hoãn kế hoạch phát triển điện hạt nhân.
 
Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh ra lệnh kiểm tra vấn đề an toàn cho tất cả các nhà máy điện hạt nhân trong nước, xem có thể chịu đựng nổi nguy cơ động đất, sóng thần và những mối nguy hiểm khác hay không. 
 
Các nước châu Âu tỏ ra đặc biệt lo ngại về các nhà máy điện hạt nhân của mình sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Nhật Bản. Đức loan báo tạm thời đình chỉ kế hoạch gia hạn thời gian hoạt động của một số nhà máy điện hạt nhân sau khi tại nước này diễn ra cuộc biểu tình với sự tham gia của hàng vạn người, nhằm phản đối kế hoạch của Chính phủ muốn kéo dài thời hạn sử dụng của các nhà máy điện hạt nhân. Những người biểu tình không đồng ý với kế hoạch của Chính phủ Đức muốn kéo dài thời gian sử dụng 17 nhà máy điện hạt nhân thêm 12 năm.
 
Thụy Sĩ cũng đình chỉ tiến trình chấp thuận 3 nhà máy điện hạt nhân  để có thể xem xét lại các tiêu chuẩn an toàn.
 
Theo Hiệp hội Hạt nhân Châu Âu, cho tới tháng 1- 2011 tại châu Âu  có tất cả 195 nhà máy điện hạt nhân hoặc đang hoạt động, hoặc đang được xây dựng. Sự cố Fukushima cũng gây tác động tới chính sách điện hạt nhân của Mỹ. Kể từ khi  xảy ra tai nạn ở nhà máy điện hạt nhân Three Mile Island tại Pennsylvania hồi năm 1979, Mỹ chưa đưa vào hoạt động một nhà máy điện hạt nhân mới nào. Cuộc khủng hoảng hạt nhân  ở  Nhật Bản chắc chắn sẽ dẫn tới những cuộc kiểm tra an toàn ở tất cả các nhà máy điện hạt nhân của Mỹ, khiến cho kế hoạch xây dựng thêm các nhà máy điện hạt nhân của nước này trở nên khó triển khai hơn. Mặc dù thế giới lo ngại về vấn đề an toàn của các nhà máy điện hạt nhân, nhưng năng lượng hạt nhân vẫn được coi là rất quan trọng trong bối cảnh các nguồn năng lượng khác ngày càng cạn kiệt. Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Yukiya Amano khẳng định, sự cố hạt nhân tại  Nhật Bản không thay đổi được thực tế  là thế giới cần có một nguồn năng lượng sạch, ổn định để giảm thiểu tác động của tình trạng biến đổi khí hậu./.

(Theo: ĐĐK)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất