Tính đến tối 28/4, số người nhiễm cúm
H7N9 tại Trung Quốc là 126 người, trong đó có 23 trường hợp tử vong. Như
vậy, có thêm 5 trường hợp nhiễm H7N9 so với 1 ngày trước đó tại các
tỉnh Chiết Giang, Sơn Ðông, Giang Tây và Phúc Kiến.
Trước tình hình cúm H7N9 có nguy cơ lan
rộng, nhiều nước tại châu Á cũng có cảnh báo đề phòng cúm H7N9 trong bối
cảnh nhiều người dân Trung Quốc ra nước ngoài du lịch nhân dịp nghỉ lễ.
Tính đến nay, dịch cúm H7N9 ở người đã
lan rộng tới 9 tỉnh, thành phố Trung Quốc. Các cơ quan y tế Trung Quốc
cũng cho biết có 21 người mắc cúm H7N9 đã khỏi bệnh. Hiện nay, các địa
phương và các ngành hữu quan Trung Quốc đang phối hợp tăng cường phòng,
chống dịch cúm.
Ủy ban Y tế và Kế hoạch hóa gia đình
Trung Quốc đã mở trang mạng công bố thông tin về cúm H7N9, nhằm giúp
người dân tìm hiểu thông tin mới nhất về dịch cúm gia cầm qua trang điện
tử này, đồng thời cũng có thể mời chuyên gia trả lời tư vấn. Ngoài ra,
các bệnh viện trong cả nước tại Trung Quốc cũng có nhiều biện pháp nhằm
tăng cường phòng chống và khả năng chữa trị cho những người nhiễm cúm
H7N9.
Ông Lý Kiến Lâm - Giám đốc bệnh viện số
1, thuộc Trường đại học Nam Xương, tỉnh Giang Tây - nơi có 5 bệnh nhân
nhiễm cúm H7N9, cho biết: “Chúng tôi đã xây dựng một đội phòng chống và
điều trị dịch cúm gia cầm. Nhóm nghiên cứu gồm các chuyên gia và thành
viên đội y tế ứng phó khẩn cấp. Chúng tôi cũng xây dựng một khu riêng
biệt cho các bệnh nhân bị sốt. Các thiết bị y tế và thuốc men đã được
chuẩn bị đầy đủ”.
Tổng Cục quản lý kiểm tra chất lượng
quốc gia Trung Quốc cũng cho biết, sẽ tăng cường các biện pháp nhằm đảm
bảo an toàn cho gia cầm sống, cung cấp cho thị trường Hong Kong và
Macau. Theo đó các cơ quan kiểm dịch xuất nhập cảnh đã tiến hành kiểm
tra xét nghiệm đối với các mẫu gia cầm sống trước khi cung cấp cho hai
thị trường này.
Kinh doanh gia cầm và đồ ăn nhanh sa sút
Cúm H7N9 đã khiến thị trường gia cầm tại
Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề. Theo những người kinh doanh gia cầm
tại Trung Quốc, lượng hàng bán gia cầm bán ra giảm tới 90% trong thời
gian qua.
Theo các chủ kinh doanh gia cầm, việc
kinh doanh ngày một trở nên khó khăn hơn. Tình hình kinh doanh các cửa
hàng chuyên bán đồ ăn nhanh ở Trung Quốc cũng sa sút trầm trọng.
Thể hiện rõ nhất là doanh số bán hàng
của Công ty Bách Thắng hay còn gọi là Yum Brands - công ty mẹ của chuỗi
thức ăn nhanh KFC và Pizza Hut tại Trung Quốc giảm mạnh mặc dù Yum
Brands ra sức trấn an người tiêu dùng rằng "các món thịt gà đã nấu kỹ và
hoàn toàn an toàn".
Đại diện của Yum Brands cho biết, việc
công khai tình hình cúm gia cầm ở Trung Quốc tuần qua có thể tiếp tục
gây tác động tiêu cực đến doanh số của KFC. Hiện nay, KFC cố gắng giành
lại khách hàng tại thị trường Trung Quốc bằng cách cải tiến quy trình
kiểm soát chất lượng và tung ra chiến lược tiếp thị để giúp cải thiện
lại hình ảnh của mình.Yum Brands điều hành hơn 4.200 nhà hàng KFC ở
Trung Quốc, cùng với hơn 800 cửa hàng Pizza Hut.
Các nước cảnh giác với du khách Trung Quốc
Trong khi đó, trước làn sóng người Trung
Quốc đi du lịch nước ngoài nhân dịp nghỉ lễ lao động, nhiều chính phủ
các nước châu Á cũng đã thắt chặt các biện pháp phòng ngừa vi-rút cúm
H7N9.
Theo Bộ Y tế Singapore, các cơ quan y tế
của nước này đang đặt trong tình trạng báo động cao và sẵn sàng cho mọi
tình huống, đặc biệt là các mô hình du lịch toàn cầu hóa ngày nay.
Nhiều quốc gia châu Á, bao gồm các nước
láng giềng của Trung Quốc như Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng dự báo một dòng
khách du lịch Trung Quốc sẽ đến các nước này trong kỳ nghỉ ngày Quốc tế
Lao động. Đồng thời, các nước này cũng khuyến cáo người dân khi đến
thăm Trung Quốc nên tránh xa các trại nuôi gia cầm và đeo khẩu trang ở
nơi công cộng.
Hong Kong (Trung Quốc), Hàn Quốc và
Philippines tiếp tục sử dụng máy quét nhiệt tại các cửa khẩu nhập cảnh
chính để phát hiện bất cứ ai có dấu hiệu bị sốt.
Còn Đài Loan cũng đã kêu gọi cư dân cần
“phòng ngừa cao độ” khi đến thăm Trung Quốc, và đặt Thượng Hải, Bắc Kinh
cùng 5 tỉnh của Trung Quốc đại lục trong tình trạng cảnh báo đặc biệt
đối với du khách ./.
Theo VOV