Thứ Tư, 27/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Hai, 28/9/2009 20:44'(GMT+7)

Các nước châu Á – Thái Bình Dương: Chung tay đối phó với khủng hoảng kinh tế toàn cầu

Các đại biểu dự Diễn đàn - Ảnh: Chinhphu.vn

Các đại biểu dự Diễn đàn - Ảnh: Chinhphu.vn


Diễn ra từ 28-30/9, Diễn đàn này là dịp để đại biểu các nước trong khu vực chia sẻ thông tin, đưa ra những sáng kiến, đề xuất biện pháp đối phó với tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đến phát triển nông thôn và xóa đói giảm nghèo. Đây là hội nghị chủ chốt đầu tiên của khu vực châu Á-Thái Bình Dương thảo luận về vấn đề này, tiếp nối thành công của Hội nghị Bộ trưởng Phát triển nông thôn và Xóa đói giảm nghèo ASEAN lần thứ 6 được tổ chức vào tháng 5/2009, tại Việt Nam.

Hợp tác, chung sức là nhân tố quyết định

Theo Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Harukiko Kuro, nếu khu vực châu Á không bị ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế trong năm 2008, thì năm qua đã có 60 triệu người có thể thoát khỏi mức nghèo với mức thu nhập thấp hơn 1,25USD/ngày, 100 triệu người đã thoát khỏi mức cần nghèo với thu nhập dưới 2 USD/ngày.

Tuy nhiên, các nước trong khu vực đã có phản ứng nhanh đối phó kịp thời với khủng hoảng kinh tế. Hiện nay, dấu hiệu phục hồi kinh tế ở châu Á đã nhìn thấy rất rõ, nhất là ở khu vực tài chính và lan tỏa dần ra những khu vực khác. Nguyên nhân là nhờ một phần những gói biện pháp kích cầu mạnh mẽ, hiệu quả của các quốc gia trong khu vực.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng hoan nghênh và đánh giá cao việc tổ chức Diễn đàn quan trọng này tại Việt Nam. Phó Thủ tướng cho rằng, cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay có quy mô ảnh hưởng và tác động rộng lớn, đã gây những hậu quả xấu tới đời sống kinh tế xã hội, đặc biệt là ở khu vực nông thôn. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm gia tăng, tình trạng tái nghèo lan rộng đã ảnh hưởng tiêu cực đến an sinh xã hội, đời sống nhân dân, sự ổn định của từng nước cũng như của cả khu vực, cản trở việc thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc.

Theo Phó Thủ tướng, đây là những thách thức lớn, mang tính khu vực và toàn cầu, do vậy sự đoàn kết, hợp tác, chung sức chung lòng giữa các Chính phủ và các tổ chức quốc tế là một trong những nhân tố quyết định để giải quyết các vấn đề trên.

Đồng thời, các nước cần cam kết mạnh mẽ với trách nhiệm cao hơn, đầu tư thích đáng hơn, có những bước đi phù hợp để hiện thực hóa những mục tiêu phát triển nông thôn và xóa đói giảm nghèo. Bên cạnh đó, cần mở rộng hợp tác nhằm huy động thêm nguồn lực để phát triển và thu hẹp khoảng cách, giữ ổn định xã hội, đảm bảo sự phát triển bền vững trong từng nước và trong cả khu vực.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, mặc dù các nước đã đạt được những thành công nhất định trong đối phó với suy thoái, tốc độ tăng trưởng kinh tế bắt đầu hồi phục, nhưng những nguy cơ tiềm ẩn của cuộc khủng hoảng kinh tế đòi hỏi các nước trong khu vực cần giải quyết nhiều vấn đề cấp thiết như: tạo thêm nhiều công ăn việc làm, tạo dựng nguồn tài chính bền vững cho y tế, giáo dục, xây dựng hạ tầng nông thôn và hệ thống phúc lợi xã hội bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân để có thể đối mặt với những thách thức trong tương lai.

Phát triển nông thôn, xóa đói giảm nghèo-trụ cột của chiến lược tăng trưởng và phát triển bền vững ở Việt Nam

Chia sẻ với các nước trong khu vực và các tổ chức quốc tế, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho biết, Việt Nam có hơn 70% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn, hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, do vậy phát triển nông thôn và đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo đối với Việt Nam là một trụ cột của chiến lược tăng trưởng và phát triển bền vững. Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã đề ra và thực hiện nhiều cơ chế chính sách, chương trình, dự án nhằm phát triển nông thôn, hỗ trợ thiết thực các vùng khó khăn, các hộ nghèo.

“Trước những tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu, Việt Nam coi đây vừa là thách thức vừa là cơ hội để đề ra những biện pháp kích thích nền kinh tế, với mục tiêu chủ yếu là đảm bảo đối tượng là những người nghèo, người yếm thế được hưởng lợi, như chương trình tập trung đầu tư cho 62 huyện nghèo nhất nước, chương trình hỗ trợ đầu tư nhà ở cho người thu nhập thấp, chương trình dạy nghề cho nông dân… Việt Nam tin tưởng sẽ tiếp tục là một nền kinh tế năng động và là điểm đến tin cậy của các nhà đầu tư”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Trong 3 ngày diễn ra Diễn đàn cấp cao, các đại biểu sẽ thảo luận tập trung vào các chủ đề chính như: Tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu đối với kinh tế xã hội ở khu vực; ảnh hưởng về giới do tác động của cuộc suy thoái kinh tế; phân tích tác động của suy thoái kinh tế đối với lao động, việc làm, giáo dục đào tạo…; tăng cường hệ thống y tế, an sinh xã hội...

Chinhphu.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất