1. Sự xuất hiện và phát triển của phương tiện bay siêu thanh thế hệ mới
Đây không phải là lĩnh vực mới, nhưng năm 2016 đánh dấu sự “trỗi dậy”
của Nga trong lĩnh vực phát triển thiết bị lượn siêu thanh với “sản
phẩm 4202” (15YU71) trang bị trên tên lửa đạn đạo liên lục địa và tên
lửa hành trình siêu thanh thế hệ mới Zircon. Điểm mạnh của dòng vũ khí
siêu thanh mới này là khả năng cơ động để ngăn ngừa và rất khó bị đánh
chặn.
Nga đang dẫn đầu trong lĩnh vực phát triển vũ khí tấn công siêu thanh thế hệ mới.
Mỹ hiện cũng theo sát Nga trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, các thiết bị
bay siêu thanh của Mỹ như Falcon hay Hypersonic Technology Vehicle 2
(HTV-2) mới chỉ dừng lại ở mức độ nguyên mẫu thử nghiệm công nghệ.
Liên quan tới lĩnh vực này, hiện không có bất kỳ thông tin nào liên
quan tới chương trình phát triển vũ khí siêu thanh mới của Trung Quốc
được công bố. Tuy nhiên, giới thạo tin nhận định, Bắc Kinh đang âm thầm
phát triển dòng vũ khí của tương lai này.
Giới chuyên gia quân sự thế giới nhận định, vũ khí siêu thanh thế hệ
mới sẽ giúp duy trì sức mạnh răn đe ít nhất trong vài thập niên tới cho
tới khi vũ khí năng lượng cao đạt được độ tin cậy cần thiết.
2. Mỹ chính thức đưa vào trang bị máy bay chiến đấu F-35A
Dù có nhiều lời chỉ trích về các trục trặc kỹ thuật, tiến độ phát
triển chậm chạp, đầu tháng 8-2016, Không quân Mỹ đã quyết định chính
thức đưa các đơn vị máy bay chiến đấu đa nhiệm thế hệ thứ 5 F-35A
Lightning II đầu tiên vào trực chiến.
Một trong những chiếc F-35A đầu tiên được bàn giao cho Không quân Mỹ.
Động thái này có thể coi là thành công của Lầu Năm góc và hãng
Lockheed Martin và mở ra cơ hội tiếp tục duy trì sự tồn tại của dự án tỷ
đô này.
Tính tới thời điểm hiện tại, tổng chi phí của chương trình phát triển
máy bay F-35 đã gần chạm mốc 400 tỷ USD (gấp đôi so với dự kiến ban
đầu) và quá trình phát triển chậm tiến độ tới 7 năm. Liên quan tới việc
này, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump thậm chí có đe dọa sẽ hủy bỏ chương
trình phát triển F-35 để tìm các phương án kinh tế hơn.
Hầu hết các vấn đề của máy bay F-35 được nhận định là do giới chức
quân sự Mỹ đã quá kỳ vọng vào dòng máy bay “tất cả trong một” dù mỗi
quân binh chủng cần một loại máy bay với những đặc điểm khác biệt.
3. Nga điều tuần dương hạm nguyên tử mang máy bay Admiral Kuznetsov tới Syria
Trung tuần tháng 10-2016, Bộ Quốc phòng Nga đã bất ngờ điều tuần
dương hạm tên lửa mang máy bay Admiral Kuznetsov và hạm đội hộ tống vượt
qua hải trình dài từ Nga tới Syria tham chiến. Điểm đặc biệt là đây là
hoạt động quân sự chính thức đầu tiên của tuần dương hạm Nga kể từ khi
nó được chấp nhận vào trang bị.
Tuần dương hạm Admiral Kuznetsov trên đường tới Syria.
Trong hải trình của mình tới Syria, tuần dương hạm Admiral Kuznetsov
và hạm đội tàu hộ tống không chỉ nổi bật với làn khói đen đặc biệt do hệ
thống động cơ hơi nước trên tàu tạo ra, mà còn là “sự chăm sóc đặc
biệt” của hải quân các quốc gia NATO đối với họ.
“Màn thể hiện” của tuần dương hạm Admiral Kuznetsov dù có thành công
hay thất bại, nhưng nó đã giúp Nga gửi đi một thông điệp rõ ràng, Hải
quân Nga đang hồi phục vị thế của mình kể từ khi Liên Xô tan vỡ và sẽ
bảo vệ quyền lợi của Nga tại các khu vực chiến lược.
4. Triều Tiên tuyên bố thu nhỏ đầu đạn hạt nhân đủ để trang bị trên tên lửa
Đầu tháng 4-2016, chính giới Hàn Quốc đã ra tuyên bố khẳng định Triều
Tiên đã sở hữu công nghệ đủ để thu nhỏ đầu đạn hạt nhân lắp trên các
tên lửa có tầm bắn vươn sâu vào lãnh thổ Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung
Quốc.
Do các chương trình vũ khí của Triều Tiên đều rất bí mật nên giới
chuyên gia quân sự quốc tế không thể đưa ra bất kỳ đánh giá cụ thể nào.
Tuy nhiên, Triều Tiên có thể trang bị đầu đạn hạt nhân lên tên lửa đạn
đạo Rodong với tầm bắn tới 2.000km. Tên lửa Rodong, được phát triển từ
tên lửa Scud từ thời Liên Xô, hiện chiếm phần lớn trong kho vũ khí với
khoảng 200 tên lửa tầm ngắn và tầm trung của Triều Tiên.
Liên quan tới vấn đề này, Mỹ và đồng minh Hàn Quốc đã mặc định coi
khả năng răn đe hạt nhân của Triều Tiên là có thật và gấp rút chuẩn bị
triển khai các tổ hợp tên lửa đánh chặn tầm cao giai đoạn cuối THAAD
trên lãnh thổ quốc gia Đông Á này.
5. Mỹ sẽ mở rộng quy mô Hải quân
Ngay sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, ông
Donald Trump tuyên bố sẽ mở rộng quy mô của Hải quân Mỹ tương đương với
thời kỳ đỉnh điểm của chiến tranh Lạnh. Cụ thể, số lượng chiến hạm của
Hải quân Mỹ sẽ tăng từ 272 hiện nay lên 350 trong vài năm tới.
Một hạm đội tàu sân bay của Hải quân Mỹ.
Điểm chú ý của chương trình này là việc cải cách Hải quân Mỹ phần lớn
sẽ nhờ các hợp đồng đóng mới. Xương sống của Hải quân Mỹ trong những
năm tới sẽ là các khu trục hạm lớp Arleigh Burke và tuần dương hạm
Ticonderoga nâng cấp. Số lượng tàu sân bay cũng được tăng từ 10 lên 12.
Theo tính toán của Washington, chương trình nâng cấp Hải quân sẽ tạo
cơ hội tái đầu tư lại vào nền kinh tế Mỹ và tạo ra hàng nghìn chỗ làm
mới. Đây cũng là một phần trong tuyên bố “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở
lại” của ông D. Trump.
6. Nga triển khai tên lửa Iskander tới vùng Kaliningrad
Hiện tại, một trong những sự kiện làm đau đầu các quốc gia NATO Nga
quyết định triển khai tổ hợp tên lửa Iskander ở vùng Kaliningrad. Việc
triển khai tổ hợp này đe dọa nghiêm trọng đến các quốc gia phương Tây,
bởi vì hầu hết các nước này đều nằm trong tầm bắn.
Tổ hợp tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander.
Điểm đặc biệt của Iskander là sử dụng cả tên lửa đạn đạo có khả năng
tự cơ động quỹ đạo và tên lửa hành trình với tầm bắn từ 200 tới 2.000km.
Nhờ hệ thống dẫn đường hỗn hợp, Iskander có thể tấn công mục tiêu với
độ chính xác rất cao.
Moscow hiện đang sử dụng Iskander như đối trọng với việc Mỹ triển
khai các thành phần của hệ thống phòng thủ tên lửa tại châu Âu và việc
NATO triển khai lực lượng quân sự áp sát biên giới Nga.
7. Cuộc nội chiến Syria và sự “lên ngôi” của xe tăng Nga
Cuộc nội chiến ở Syria đang là “lò lửa” thử nghiệm các phương thức
tác chiến mới, đặc biệt là tác chiến đô thị và chiến tranh bất đối xứng.
Tại Syria, những đơn vị tác chiến riêng lẻ, cơ động nhanh trang bị tên
lửa chống tăng đang trở thành “sát thần” đối với đơn vị xe tăng đối
phương.
Xe tăng Leopard-2A4 của Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ trúng tên lửa và nổ tung tại Syria.
Hình ảnh xe tăng T-90A trúng đạn nhưng vẫn sống sót tại Syria.
Trong khi tại Iraq, xe tăng Abrams “thất thủ”; tại Syria, xe tăng
Leopard-2 của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cũng chung số phận thất bại, thì xe
tăng T-90A của Nga lại “tỏa sáng” với khả năng bảo vệ tuyệt vời. Nhiều
hình ảnh về những đơn vị xe tăng T-90 bị trúng đạn, nhưng vẫn sống sót
được công khai rộng rãi trên mạng xã hội và kênh truyền thống chính
thống.
Chính nhờ kết quả trên, Tập đoàn Uralvagonzavod, nơi chuyên sản xuất
xe tăng của Nga, cho biết, các đơn hàng đặt mua xe tăng Nga đã tăng gấp
nhiều lần trong vài năm tới.
8. Mỹ và phương Tây khởi động các chương trình phát triển xe tăng thế hệ mới đối trọng với T-14 Armata của Nga
Sau sự kiện Nga chính thức giới thiệu xe tăng T-14 Armata với nhiều
tính năng vượt trội năm 2015, bắt đầu từ năm 2016, nhiều quốc gia phương
Tây và Mỹ đã khởi động chương trình phát triển xe tăng và vũ khí chống
thế hệ mới để đối trọng.
Nguyên mẫu pháo tăng 130mm mới.
Điểm nhấn cho xu hướng này là việc hãng chế tạo Rheinmetall giới
thiệu pháo tăng cỡ 130mm mới với hiệu suất chiến đấu tăng 50% so với
pháo 120mm truyền thống. Pháo tăng mới được kỳ vọng có thể xuyên thủng
hệ thống phòng thủ nhiều lớp của Armata. Mới đây nhất, Lục quân Mỹ cũng
đã quyết định dừng chương trình phát triển xe tăng Abrams phiên bản mới
để tập trung phác thảo dòng xe tăng chiến đấu hoàn toàn mới.
Giới chuyên gia nhận định, các phương án đối phó hiệu quả với xe tăng
T-14 Armata sẽ không sớm xuất hiện trong vài năm tới. Vì kể từ khi
chiến tranh Lạnh kết thúc, Mỹ và phương Tây không chú tâm phát triển xe
tăng mới mà chỉ đưa ra các gói nâng cấp với mục đích kéo dài thời
gian sử dụng của các khung gầm xe tăng cũ ra mắt từ những thập
kỷ 1970, 1980, nhưng trên nền khung thân cũ. Các gói nâng cấp
chỉ giúp cải thiện hiệu năng chiến đấu, chứ không thể tạo ra
sự đột biến như thiết kế hoàn toàn mới.
9. Trung Quốc đẩy mạnh phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5
Trong vài năm gần đây, Trung Quốc rất tập trung cho các chương trình
phát triển cho các chương trình phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ
5. Dù các thông tin liên quan tới chương trình này đều được giữ bí mật,
nhưng căn cứ vào các hình ảnh công khai, hai chương trình đáng chú ý
nhất là J-20 và FC-31.
Nguyên mẫu máy bay chiến đấu J-20 (ảnh trên) và FC-31 (ảnh dưới).
Tuy nhiên, với nền tảng tích lũy công nghệ hàng không của Trung Quốc,
giới chuyên gia quân sự vẫn đặt nhiều nghi vấn liên quan máy bay thế hệ
thứ 5 của quốc gia Đông Á này.
Cụ thể, FC-31 có ngoại hình rất giống máy bay F-35 của Mỹ, nhưng lại
phải sử dụng động cơ phản lực RD-93 của Nga (là phiên bản xuất khẩu của
động cơ RD-33 trang bị trên máy bay Mig-29). Với động cơ này, FC-31
không thể có đầy đủ tính năng về trọng tải cất cánh, tính năng bay tương
đương máy bay thế hệ thứ 5. FC-31 được công bố có áp dụng công nghệ
tàng hình, nhưng không có thông tin nào có thể khẳng định ngoại trừ hình
dáng bên ngoài của máy bay.
Điều tương tự cũng đang diễn ra với máy bay J-20 vốn được thiết kế
với nhiệm vụ tiêm kích-bom. J-20 vẫn chưa được trang bị động cơ nội địa
của Trung Quốc, mà phải sử dụng động cơ AL-31FN nhập khẩu từ Nga. Ngoài
ra, các thông tin khác của J-20 vẫn chưa được xác định.
Có thể nói Trung Quốc đang rất nỗ lực phát triển máy bay chiến đấu
thế hệ thứ 5, nhưng kết quả đạt tới mức độ nào vẫn là dấu hỏi lớn./.
(Nguồn: Báo QĐND)