Các tỉnh Tây Nguyên: Đắk Lắk, Gia Lai,
Kon Tum, Đắk Nông, Lâm Đồng đã chú trọng đầu tư phát triển sự nghiệp
giáo dục trong con em đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, không những góp
phần nâng cao dân trí, phát triển kinh tế, xã hội mà còn bảo tồn văn
hóa, tiếng nói, chữ viết cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, đến nay, phần lớn các thôn, buôn, làng, các xã ở các tỉnh Tây Nguyên đều có nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường tiểu học, trung học cơ sở thu hút ngày càng đông các cháu trong độ tuổi (học sinh là người dân tộc tộc thiểu số, người Kinh) đến trường. Phần lớn các trường học ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ đều được xây dựng kiên cố, bán kiên cố không còn tranh tre, nứa lá, không còn tình trạng học 3 ca mà số trường tiểu học tổ chức học 2 buổi/ngày ngày càng tăng lên.
Các tỉnh Tây Nguyên còn đầu tư xây dựng kiên cố 54 trường phổ thông dân tộc nội trú khang trang, sạch, đẹp, với đầy đủ các trang thiết bị, đồ dùng dạy học, phục vụ tốt yêu cầu dạy và học cho học sinh dân tộc thiểu số. Các tỉnh Tây Nguyên cũng xây dựng mới gần 80 trường phổ thông dân tộc bán trú ở các địa bàn vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho con em đồng bào dân tộc thiểu số ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa đến trường.
Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk có 100% huyện, thị xã, thành phố đều có trường phổ thông dân tộc nội trú được xây dựng kiên cố, khang trang, với nhiều phòng chức năng đáp ứng tốt yêu cầu dạy và học. Các tỉnh Kom Tum, Gia Lai là những địa phương đầu tư xây dựng nhiều trường học phổ thông dân tộc bán trú, trong đó, tỉnh Kon Tum hiện có 46 trường, tỉnh Gia Lai có 16 trường, chủ yếu các trường này nằm ngay tại các địa bàn đặc biệt khó khăn của các huyện như Tu Mơ Rông, Ngọc Hồi, Sa Thầy (Kon Tum), huyện Kbang, Krông Chro, Mang Yang, Chư Sê (Gia Lai)…
Các tỉnh Tây Nguyên cũng phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, biên soạn nhiều tài liệu, sách giáo khoa thực nghiệm…bằng tiếng dân tộc thiểu số (tiếng nói, chữ viết của người dân tộc thiểu sốc có đông dân số nhất ở từng địa phương) đưa vào giảng dạy ở các trường tiểu học tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, các trường phổ thông dân tộc nội trú. Tỉnh Đắk Lắk hiện có bộ sách giáo khoa tiếng Êđê bậc tiểu, gồm 9 quyển từ sách bài học, bài tập cho học sinh đến sách dành cho giáo viên. Tỉnh Đắk Lắk đã đưa tiếng Êđê vào giảng dạy ở 92 trường tiểu học, 13 trường phổ thông dân tộc nội trú thu hút trên 15.000 học sinh dân tộc thiểu số theo học. Tỉnh Gia Lai cũng đã đưa tiếng Jrai, Bahnar vào giảng dạy ở gần 100 trường tiểu học ở các địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ…
Các tỉnh Tây Nguyên thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đối với học sinh dân tộc thiểu số như cấp miễn phí sách giáo khoa, vở học sinh, đồ dùng học tập, bảo hiểm y tế…nhằm tạo điều kiện cho học sinh dân tộc yên tâm đến trường.
Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, dự kiến năm học mới 2014-2015, các tỉnh Tây Nguyên có trên 1,4 triệu học sinh các cấp đến trường, trong đó có trên 461.000 học sinh dân tộc thiểu số, chiếm trên 32% trong tổng số học sinh trong toàn vùng./.
Theo TTXVN