Xét từ góc độ giao lưu tư tưởng, văn hóa, tôn giáo thì việc đầu thế kỷ 20, một Hội truyền giáo Tin lành xuất xứ từ Hoa Kỳ đến truyền giáo tại Việt Nam là không có gì đặc biệt. Khi đó, Ðông Dương thuộc Pháp, là xứ sở truyền giáo đầy khó khăn. Khó khăn là vì chính quyền Pháp ngăn trở, xã hội văn hóa cổ truyền Á châu xa lạ với Kitô giáo, nhất là với Tin Lành. Các giáo sĩ đã kiên trì, dùng các phương pháp truyền giáo hiện đại, mới lạ, cùng nguồn tài lực to lớn để hoạt động. Việc truyền giáo nhiều lần bị ngưng trệ, gián đoạn do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế, chiến tranh v.v. Ðến cuối thời Pháp thuộc, các giáo sĩ Tin lành mới gây dựng được một cộng đồng tín đồ khoảng 13.000 người. Thời kỳ 1955 - 1975, một chiến lược truyền giáo quy mô với sự hậu thuẫn của Tin lành thế giới, giới chức dân sự, quân sự Mỹ và chính quyền Sài Gòn được triển khai. Tuy nhiên, dù được hỗ trợ tối đa nhưng kết quả truyền giáo của Hội Truyền giáo C.M.A (The Christian and Missionnary Alliance), Hội thánh Tin lành Việt Nam (HTTLVN) rất hạn chế. Hằng năm chỉ tăng lên từ 1.000 đến 1.500 tín đồ, chưa trừ đi số tăng tự nhiên. Tại vùng dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, các tỉnh duyên hải miền trung, tình hình cũng tương tự. Với khoảng hơn 160.000 tín đồ vào thời điểm 1975, Tin lành vẫn là cộng đồng tôn giáo thiểu số. Nhìn chung, do lịch sử truyền giáo, cho nên thành phần Tin lành tại Việt Nam tương đối đồng nhất, tập trung chủ yếu vào HTTLVN. Sau năm 1975, bối cảnh chính trị, xã hội mới và có sự biến động lớn trong thành phần chức sắc, tín đồ, nên có một thời gian Tin lành hầu như không phát triển. Nhưng bắt đầu từ cuối thế kỷ 20, sự phục hồi và gia tăng hoạt động truyền giáo của Tin lành đã kéo theo sự gia tăng đột biến số lượng tín đồ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nguyên nhân của hiện tượng này là cuộc khủng hoảng, suy thoái của hệ thống tín ngưỡng, tôn giáo cổ truyền của đồng bào dân tộc thiểu số ở miền cao.
Nhìn về hình thức, phải nói rằng, Tin lành đã mang một sắc thái mới đến với hoạt động tôn giáo ở Việt Nam. Vì đây là một tôn giáo phương Tây điển hình với tổ chức giáo hội dân chủ, nghi thức đơn giản, tín đồ có niềm tin tôn giáo sâu sắc, nhiệt huyết truyền giáo. Trong quá trình truyền giáo, các giáo sĩ Tin lành đã có một số đóng góp về đạo đức lối sống, về văn hóa qua các công trình khảo cứu về văn hóa tộc người, các hoạt động từ thiện, nhân đạo, sự giáo dục tín đồ sống lành mạnh, ý thức tiết kiệm, nhanh nhạy, cần cù trong cuộc sống, v.v. Ðây là những nét văn hóa đáng ghi nhận. Mặt khác, lịch sử truyền giáo cho thấy Tin lành cũng gây ra sự va chạm tôn giáo, văn hóa với hệ thống tín ngưỡng tôn giáo, tập tục, truyền thống văn hóa của cư dân bản địa. Nguyên do là các giáo sĩ áp dụng các chủ thuyết thần học có phần cứng nhắc, các phương thức truyền giáo điển hình của phương Tây không phù hợp với bối cảnh văn hóa, xã hội Việt Nam. Với tư tưởng không hội nhập, không thỏa hiệp, với tinh thần áp đặt, chinh phục, một số các giáo sĩ Tin lành đã gây ra các va chạm tôn giáo - văn hóa không đáng có và là nguyên nhân chính khiến kết quả truyền giáo của họ không mấy ấn tượng.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phát triển đất nước, các chủ trương, chính sách mới của Nhà nước Việt Nam về tín ngưỡng - tôn giáo đã được ban hành, phát huy hiệu quả. Pháp lệnh về tín ngưỡng và tôn giáo năm 2004, Chỉ thị 01/2005/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về công tác đối với đạo Tin lành, Nghị định 92/2012/NÐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh về tín ngưỡng và tôn giáo,... đã đưa tới những thay đổi lớn trong việc thực thi, giải quyết nhiều vấn đề liên quan tới tư cách pháp lý và mọi mặt hoạt động tôn giáo nói chung, các tổ chức giáo hội, giáo phái Tin lành nói riêng. Ðến nay, đã có 10 tổ chức giáo hội, giáo phái (hệ phái) Tin lành được Nhà nước cấp công nhận là tổ chức tôn giáo. Tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhu cầu sinh hoạt tôn giáo hợp pháp của chức sắc, tín đồ Tin lành đã và đang được tạo điều kiện thực hiện bình thường trong khuôn khổ pháp luật. Các hệ phái, nhóm Tin lành nhỏ tuy chưa được công nhận tư cách pháp nhân cũng được tạo điều kiện đăng ký sinh hoạt. Nhìn nhận một cách khách quan, từ khi các chủ trương, chính sách mới được triển khai, cộng đồng Tin lành ở Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực, đáng ghi nhận như: tính tuân thủ pháp luật, năng động và tích cực trong vai trò là một nhân tố góp phần phát triển lối sống, văn hóa, đạo đức tiến bộ trong đời sống xã hội và phát triển kinh tế, phát triển cộng đồng. Nhiều nơi, nhất là ở vùng dân tộc thiểu số, đời sống của đồng bào theo Tin lành đã có một số thay đổi tích cực, theo hướng văn minh, tiến bộ...
Cùng với các kết quả kể trên, vẫn còn tồn đọng một số vấn đề liên quan đến hoạt động của các tổ chức giáo hội, giáo phái Tin lành, như nhận tài trợ từ bên ngoài để hoạt động truyền giáo không theo quy định của pháp luật, đả phá bài xích các tôn giáo khác làm tăng nguy cơ mâu thuẫn dân tộc - tôn giáo và khối đại đoàn kết dân tộc. Một vài cá nhân, nhóm Tin lành đã có hoạt động liên quan đến tổ chức chính trị cốt để gây tiếng vang và thu hút tài trợ từ bên ngoài. Bởi vậy, để làm rõ hơn nội tình đa dạng phức tạp của nhiều nhóm, hệ phái Tin lành cần tìm hiểu, đánh giá, phân tích một cách khách quan, trung thực để giải quyết.
Sau năm 1975, ngoài các cơ sở thờ tự của HTTLVN (miền nam) tại một số thành phố, đô thị lớn vẫn được sử dụng sinh hoạt tôn giáo, phần lớn các cơ sở còn lại đều có quy mô nhỏ (như nhà thờ làm bằng tôn ván), bị chiến tranh tàn phá hoặc bị xuống cấp do tín đồ tan lạc, không còn sử dụng, hoặc đã chuyển đổi mục đích sử dụng; một số cơ sở văn hóa, từ thiện, cứu trợ, y tế được trưng dụng theo chủ trương của Nhà nước phục vụ lợi ích chung. Từ năm 1976 đến trước năm 2001, HTTLVN (miền nam) chưa được Nhà nước chính thức công nhận tư cách pháp nhân một tổ chức giáo hội, cho nên việc điều hành, duy trì, bảo tồn các cơ sở vật chất gặp khó khăn, từng xảy ra các vụ chiếm cứ, sang nhượng từ các tín đồ chức sắc trong nội bộ. Sau hơn 30 năm, các cơ sở vật chất đó hầu như không còn giá trị sử dụng (trừ một vài cơ sở lớn), và đòi hỏi của giáo hội Tin lành thực chất là vấn đề "quyền sử dụng đất" liên quan tới các cơ sở đó. Tuy nhiên, rất nhiều vấn đề phức tạp khác (như: sở hữu, đền bù, di dời) khiến các cấp chính quyền gặp nhiều khó khăn, không thể giải quyết nhanh chóng. Hiện nay, sau khi giáo hội đã có tư cách pháp nhân, nhu cầu chính đáng về cơ sở thờ tự, đất đai... đã và đang được Nhà nước quan tâm xem xét, giải quyết. Chính quyền TP Hồ Chí Minh và nhiều địa phương, trong đó có các tỉnh ở Tây Nguyên, đã trả lại khá nhiều cơ sở tôn giáo do Nhà nước mượn trước đó, hoặc cấp đất, cấp phép, hỗ trợ rất nhiều tổ chức giáo hội, hệ phái đã đăng ký tổ chức tôn giáo tiến hành xây dựng cơ sở. Một vấn đề đáng chú ý là, dường như việc vận hành bộ máy tổ chức của cơ quan Tổng Liên hội khác với truyền thống giáo hội, việc chưa có một đường hướng thần học và giáo nghi thống nhất của HTTLVN (miền nam) là nguyên nhân gây ra tình trạng li khai, chia rẽ nhóm phái trong nội bộ tổ chức của một số tổ chức giáo hội Tin lành gần đây? Có nhiều sự việc xảy ra tại một số chi hội Tin lành địa phương là bằng chứng chứng minh cho nhận định trên. Vì đây là công việc nội bộ của giáo hội, nên các cấp chính quyền rất khó khăn để can thiệp làm vừa lòng tất cả các bên liên quan. Cho nên thông tin về một số vụ việc xảy ra ở một vài địa phương gần đây cần đề cập, tìm hiểu, phân tích cẩn trọng. Về phần Tin lành, cũng nên tự xem lại đặc tính truyền giáo đôi khi có tính quá khích, cực đoan, đôi khi sử dụng cách thức chiêu mộ tín đồ thiếu lành mạnh (như chiêu mộ "chiên", "ăn trộm chiên" của tôn giáo khác, thậm chí cả giữa các hệ phái Tin lành với nhau). Ðối với người Việt theo tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên thì chưa xảy ra vụ việc gì lớn, nhưng với một số tôn giáo khác như Phật giáo Tiểu thừa, Hồi giáo thì đã từng xảy ra một vài vụ việc gây xung đột. Ðây là điều đáng tiếc và các cơ quan chính quyền cần phải có sự can thiệp, hòa giải. Tuy nhiên, nếu coi đó là biểu hiện của việc Tin lành là nạn nhân của việc chính quyền cố ý dùng chính sách phân biệt đối xử và kỳ thị, bỏ mặc hoặc đàn áp,... thì chỉ là sự vu cáo, kích động mà thôi.
Ngày nay, sự tồn tại của cộng đồng Tin lành tại Việt Nam đang có rất nhiều thuận lợi từ bối cảnh bình yên của đất nước, của xã hội. Công dân theo Tin lành được sống giữa một dân tộc hòa hiếu, yêu hòa bình, không kỳ thị tôn giáo; một Nhà nước luôn khẳng định và nỗ lực vì khối đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân, mọi tôn giáo, cùng phấn đấu xây dựng xã hội "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh", tôn trọng quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của mọi người dân. Trong bối cảnh đó, ngoại trừ một vài cá nhân, vài nhóm phái hiếm hoi còn chưa thấu triệt, chưa rút ra bài học lịch sử, văn hóa cần thiết, nên kêu gọi đối đầu, đả phá, bài xích các tôn giáo khác, thậm chí phản đối Nhà nước, một cách cực đoan như cái gọi là "Tuyên ngôn thuộc linh" của một "hiệp hội Cơ đốc" gần đây... thì lập trường của các tổ chức Tin lành tại Việt Nam rất rõ ràng, đó là "sống Phúc âm, phụng sự Thiên chúa, phục vụ Tổ quốc và dân tộc", và tất nhiên đường hướng đúng đắn này luôn được Nhà nước đồng thuận, bảo trợ thực thi trên cơ sở pháp luật.
Nguyễn Xuân Hùng/Nhân Dân