1. Tôi chưa có điều kiện đọc hết và nghiên cứu sâu những bài viết, bài nói của ông trong cả bề dày công tác, nhưng có một câu chuyện thực tiễn làm tôi cảm phục tư duy và phương pháp luận khoa học của ông. Đó là vào năm 1979 - 1981, tôi được dự lớp đào tạo lý luận cao cấp, hệ tập trung tại Học viện Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh). Đầu năm 1981, dưới sự chỉ đạo của Phó giám đốc Thường trực Học viện Nguyễn Đức Bình, lớp B10 chúng tôi gồm 127 học viên đi thực tế một tháng ở hợp tác xã Đoàn Xá (Hải Phòng) để nghiên cứu, đánh giá về “khoán chui”. Sau đó, Học viện tổ chức Hội thảo về vấn đề này. Cuộc Hội thảo diễn ra rất sôi nổi, có những ý kiến tranh luận “nảy lửa”, người ủng hộ khoán cũng nhiều, người phê phán cũng lắm; thậm chí có ý kiến cho rằng, nếu ủng hộ là đi chệch quỹ đạo xã hội chủ nghĩa, phá nát hợp tác xã, làm trái chủ trương, đường lối của Đảng. Kết quả một ngày hội thảo, tỉ lệ ủng hộ/phản đối khoán là 50/50. Điều quan trọng là, ngay một số ý kiến ủng hộ cũng tỏ ra còn không ít băn khoăn. Những năm tiếp sau, qua thực tiễn và sự đầu tư tổng kết của Trung ương và Bộ Chính trị về quá trình thực hiện khoán sản phẩm trong nông nghiệp, đã khẳng định sự cần thiết phải ủng hộ và triển khai nghị quyết “Khoán 10” trong phạm vi rộng rãi. Tôi chăm chú đọc bài tổng kết của đồng chí Đào Duy Tùng tại Hội nghị Trưởng ban nông nghiệp toàn quốc tổ chức ở Hải Phòng từ ngày 23 đến 26/2/1984.
Bài viết có 7 trang, nhưng với tôi và những người làm báo có tác dụng thiết thực, sâu sắc trong công tác thông tin báo chí. Tôi xin tóm lược mấy điểm cơ bản trong bài tổng kết này. Về những điểm mới, tích cực trong phát triển nông nghiệp ba năm (1980-1983), ông chỉ ra 3 điểm: Đã kết hợp tốt lao động với đất đai nên đã tạo ra bước phát triển nhiều mặt, nổi rõ là thâm canh lúa; xóa bỏ được một khâu của cơ chế quản lý cũ trong hợp tác xã nông nghiệp vốn nhiều năm kìm hãm tính tích cực của xã viên; khắc phục được tình trạng khá nghiêm trọng kéo dài, khôi phục được tính tích cực lao động và tăng lòng tin của người lao động… Cùng với 3 điểm “được” nêu trên, ông lưu ý: Nhiều tiềm năng lao động chưa được khai thác; trên một số mặt, trận địa xã hội chủ nghĩa bị xâm lấn, thậm chí có chỗ giảm sút…
Từ nghiên cứu thực tế khoán trong nông nghiệp, ông lần lượt giải đáp những thắc mắc, băn khoăn có phần “hóc búa”: Khoán có thu nhỏ kinh tế tập thể; có làm tan rã chăn nuôi; có phá vỡ cơ sở vật chất - kỹ thuật và tâm lý tư hữu có phát triển không?... Tôi được biết, để có bài tổng kết này, ông đã nhiều lần xuống các hợp tác xã ở Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Hải Hưng…, trực tiếp nghe và đối thoại với cán bộ, xã viên để tìm ra đâu là mặt thuận cơ bản, vấn đề nào còn vướng mắc. Ông thường nhắc cán bộ tư tưởng cần thấm sâu lời của Gớt: “Mọi lý luận đều là mầu xám, chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi”. Theo phương châm đó, những lời giải đáp của ông đầy sức thuyết phục vì sáng rõ tính khoa học và tính thực tiễn. Điều đặc biệt là đọc các bài viết của ông, tôi thấy ông rất ít trích lời Các Mác, Ăng-ghen, Lênin…, nhưng không vì thế mà những luận điểm ông nêu ra thoát ly những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, chính vì trong mỗi bài viết, ông đã thể hiện sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn.
Một số anh em ở lớp B10 ngày ấy, khi đọc bài tổng kết này đều chung suy nghĩ: Sự tranh cãi tại cuộc hội thảo về khoán năm 1981 với kết quả không đi tới một kết luận ủng hộ hay phản đối khoán, suy cho cùng là tư duy và phương pháp luận khoa học của chúng tôi ngày đó còn hạn chế; sự vận dụng để lý giải thực tiễn còn lúng túng, bất cập, do vậy, đã không cắt nghĩa rành rọt được thực trạng cũng như nguyên nhân. Và vì vậy, không đưa ra được câu trả lời căn cốt: Có nên hay không nên ủng hộ việc khoán sản phẩm trong nông nghiệp?
2. Khi được Ban Bí thư bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, tôi có điều kiện đọc hệ thống các quam điểm của Đảng qua các văn kiện Đại hội, các Nghị quyết, Chỉ thị về phát triển văn học, nghệ thuật. Đặc biệt trong quá trình Bộ Chính trị khóa X chuẩn bị ra Nghị quyết chuyên đề về văn học, nghệ thuật, tôi tìm đọc những bài viết của ông về vấn đề này. Có thể nói, khá nhiều quan điểm và sự đánh giá của ông đã được Nghị quyết 23 về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam trong thời kỳ mới” kế thừa và phát triển lên tầm mới. Đọc lại bài phát biểu của đồng chí Đào Duy Tùng tại Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI (1999), tôi thật sự kính phục vì nhiều đánh giá của ông vẫn còn giá trị thời sự. Ví như, từ thực trạng rất đa dạng, phức tạp của tình hình tư tưởng nói chung, văn nghệ nói riêng lúc bấy giờ, ông vẫn khẳng định: Văn học, nghệ thuật nước ta “có bước phát triển mới, có khởi sắc” với mấy biểu hiện nổi rõ: Trong sáng tác của các loại hình văn nghệ “đã bắt đầu xuất hiện một số tác phẩm tốt”. “Trong lý luận, phê bình, có không khí thảo luận, tranh luận”. Nhưng đi liền những biểu hiện quan trọng, đáng mừng đó, ông cũng thẳng thắn chỉ ra “những thiếu sót, lệch lạc không thể coi nhẹ”. Ví như, về quan điểm “có tư tưởng phủ nhận những thành tựu văn học giai đoạn trước, cho rằng văn học giai đoạn trước là văn học minh họa, văn học cung đình, văn học quan phương, văn học không đích thực…”. Văn học, nghệ thuật tham gia chống tiêu cực là cần thiết, nhưng “một số bài viết, phim ảnh, vở kịch… mô tả mặt tiêu cực quá mức, không hướng theo tinh thần xây dựng đã gây ra tâm trạng bi quan, bế tắc”; “khuynh hướng giải trí không lành mạnh, chạy theo lợi nhuận, chạy theo thị hiếu tầm thường… gây hậu quả rất nghiêm trọng”. Về tổ chức, ông chỉ rõ, “tình hình mất đoàn kết trong giới văn học, nghệ thuật là vấn đề không thể coi nhẹ”. Thiết nghĩ, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị, chúng ta đã cố gắng khắc phục những biểu hiện tiêu cực nói trên, nhưng nghiêm túc nhìn nhận, nếu không có biện pháp chỉ đạo và quản lý mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn của các cơ quan chức năng; của tổ chức hội các cấp; nếu trách nhiệm người nghệ sĩ - chiến sĩ không được tiếp tục đề cao thì Nghị quyết khó đi vào cuộc sống; theo đó, những thiếu sót, khuyết điểm của giai đoạn trước vẫn lặp lại, làm suy giảm niềm tin của văn nghệ sĩ và công chúng yêu văn học, nghệ thuật. Trong nhiều biện pháp được đề cập nhằm khắc phục những thiếu sót, lệch lạc nói trên, với tư duy biện chứng và nắm chắc bản chất tình hình tư tưởng - văn hóa, ông nhấn mạnh mấy giải pháp cơ bản mà đến nay chúng ta vấn tiếp tục triển khai. Đó là đảm bảo quyền thu nhận thông tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân; mở rộng dân chủ trong công tác tư tưởng, thực hiện tính công khai trong thông tin, đảm bảo điều kiện để cán bộ, đảng viên và người dân tự do phát biểu ý kiến của mình qua báo, đài, qua các cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học v.v.. Tôi tâm đắc với điều ông nhấn mạnh: “Phải mở rộng dân chủ nhưng dân chủ phải đi đôi với pháp luật, tôn trọng pháp luật. Quá trình mở rộng dân chủ vừa phải đấu tranh với những hành động vi phạm quyền dân chủ của nhân dân, vừa phải đấu tranh với những khuynh hướng dân chủ cực đoan, dân chủ tư sản, và không để cho kẻ xấu, kẻ địch lợi dụng để chống chế độ ta”.
Phải chăng hôm nay chúng ta đang làm theo những gợi mở nêu trên của ông, nhằm tạo ra bước phát triển tích cực trong các hoạt động tư tưởng - văn hóa - văn nghệ, đáp ứng yêu cầu của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển?
3. Thiết nghĩ, đề cập sự nghiệp lý luận và công tác tư tưởng - văn hóa của ông, không thể không nhắc đến phong cách làm việc nghiêm túc, khoa học; về lối sống bình dị, gần gũi mọi người của ông từ khi là cán bộ bình thường, đến khi nhận trọng trách là Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Bộ Chính trị - Ban Bí thư.
Với tôi, do điều kiện và phạm vi công việc, nên chỉ mới hai lần được gặp ông trực tiếp. Lần thứ nhất vào năm 1985, tôi cùng Đoàn đại biểu nghiên cứu sinh ở AON (Liên Xô) vào thăm ông đang điều trị và dưỡng bệnh trên đồi Lênin. Tôi sững sờ khi thấy đầu ông đã rụng hết tóc (do hóa trị), người còm, da nhăn nheo. Nhưng ông vẫn vui vẻ trò chuyện, hỏi han tình hình học tập của các nghiên cứu sinh ra sao. Ông chân thành khuyên chúng tôi cần cố gắng cao nhất để tiếp thu tốt kiến thức và kinh nghiệm của bạn, vận dụng sáng tạo vào Việt Nam, kịp thời bổ sung cho đội ngũ cán bộ tư tưởng, lý luận và báo chí ở nước ta hiện đang thiếu và bất cập. Mấy hôm sau, tôi được biết, chính trong những ngày nằm điều trị đó, ông vẫn cố gắng dành thời gian viết những vấn đề đặt ra từ công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn ở Việt Nam.
Lần thứ hai, tôi được gặp ông trực tiếp, đó là vào buổi tối cuối năm 1988, tôi đi theo mấy anh ở Ban Tuyên huấn Trung ương đến thăm ông, tại nhà số 9 Nguyễn Cảnh Chân, Hà Nội, khi ông vừa qua cơn xuất huyết não hiểm nghèo. Vậy là, trước khi trở thành cán bộ lãnh đạo chủ chốt của báo Nhân Dân, tôi vẻn vẹn chỉ được gặp ông có hai lần với khoảng thời gian hạn hẹp, nhưng được biết, khi xem xét quy hoạch, đề bạt cán bộ chủ chốt trong khối tư tưởng - văn hóa, ông thể hiện rõ ràng chính kiến, công tâm, khách quan, chú ý lắng nghe kỹ nhận xét của cơ sở và các cơ quan hữu quan, để đưa ra kết luận cuối cùng. Tôi thấm thía nhận xét của anh Hà Đăng, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương: “Anh Đào Duy Tùng biết lắng nghe ý kiến của người khác, không phân biệt tuổi tác, thân sơ, cùng chính kiến hay khác chính kiến, miễn là những ý kiến đó chứa đựng cái mới, cái hay, trong tinh thần xây dựng”.
Viết mấy cảm nghĩ nêu trên, tôi muốn thể hiện lòng kính trọng của mình với nhà lãnh đạo tư tưởng - văn hóa Đào Duy Tùng nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh của ông./.
PGS. TS. NGUYỄN HỒNG VINH
Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương